Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN hết hiệu lực, chính thức bãi bỏ thủ tục xin giấy phép kinh doanh giống cây trồng. Hiện nay theo quy định mới nhất của Luật Trồng trọt 2018 và Nghị định số 94/2019/NĐ-CP, việc sản xuất, mua bán giống cây trồng, đại lý giống cây trồng, kinh doanh cây giống, hạt giống chỉ phải thực hiện thông báo tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 Luật Trồng trọt 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19 tháng 11 năm 2018:
Giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt dễ dàng với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.
Vật liệu nhân giống là cây hoặc bộ phận của cây, nấm ăn hoặc bộ phận của nấm ăn có thể phát triển thành một cá thể mới, dùng để nhân giống hoặc để gieo trồng.
Điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng
Điều 22, Điều 23 Luật Trồng trọt về sản xuất, buôn bán giống cây trồng kết hợp với các quy định của các Bộ luật, văn bản tương đương cùng điều chỉnh vấn đề này.
Khi kinh doanh giống cây trồng trước hết phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Có đăng ký kinh doanh (Đăng ký Doanh nghiệp hoặc Hộ kinh doanh cá thể);
- Có đăng ký hoạt động ngành nghề kinh doanh giống cây (bao gồm cả cây ăn quả, cây lâu năm, cây nông sản, cây cảnh, nấm ăn);
- Có địa điểm bán hàng, giao dịch rõ ràng, hợp pháp;
- Có hệ thống sổ sách, chứng từ, hóa đơn đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc giống cây, sản phẩm cây trồng mà mình kinh doanh;
Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng;
- Giống cây trồng phải đã được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;
- Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở (phải có văn bản, căn cứ chứng minh);
- Sản xuất giống cây trồng được thực hiện theo phương pháp nhân giống hữu tính và phương pháp nhân giống vô tính theo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
- Cây, vườn cây cung cấp vật liệu phục vụ nhân giống vô tính, hạt lai đa dòng đối với cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp lâu năm phải được cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng theo quy định tại Điều 24 của Luật Trồng trọt 2018.
Thủ tục xin giấy phép kinh doanh giống cây trồng
Theo hướng dẫn của Nghị định số 94/2019/NĐ-CP, thương nhân không còn phải xin giấy phép kinh doanh giống cây trồng. để thực hiện kinh doanh giống cây trồng, tổ chức, cá nhân chỉ cần gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng.
Tại Điều 8 Nghị định này ghi nhận cụ thể như sau:
Điều 8. Quy định chi tiết điều kiện về sản xuất, buôn bán giống cây trồng
Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật Trồng trọt và một số quy định chi tiết sau đây:
1. Trước khi buôn bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin sau: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn phù hợp quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.
Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh giống cây trồng được lập thành 01 bộ hồ sơ, có thể gửi trực tiếp hoặc qua các phương pháp bưu chính. Tuy nhiên cần đảm bảo:
Điều 2. Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính trong Nghị định này
1. Nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính: Tùy theo điều kiện tiếp nhận, trả kết quả của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng (cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, email, fax):
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính: Các thành phần hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có đóng dấu của cơ sở đối với văn bản do cơ sở ban hành.
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường mạng: Các thành phần hồ sơ phải được scan, chụp từ bản chính.
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
3. Thời gian trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ.
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thông báo cho tổ chức, cá nhân biết để bổ sung.
4. Cách thức nộp phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí theo quy định hiện hành trực tiếp tại cơ quan giải quyết thủ tục hành chính hoặc bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
5. Cách thức trả kết quả: Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng.
6. Trong Nghị định này có nội dung quy định khác với quy định nêu tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này thì thực hiện theo quy định đó.
7. Trường hợp hồ sơ là bản bằng chữ nước ngoài phải có bản dịch ra tiếng Việt được công chứng hoặc bản dịch ra tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật.
8. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về tính xác thực của hồ sơ đã nộp.
Những giống cây nông nghiệp, cây cảnh, cây ăn quả được phép kinh doanh
Trước khi đi đến với quy định này, các bạn cần nắm được khái niệm thế nào là loài cây trồng chính:
Loài cây trồng chính là loài cây được trồng phổ biến, có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, cần được quản lý chặt chẽ.
Theo quy định tại Điều 13 Luật Trồng trọt 2018 có ghi nhận:
Điều 13 Luật Trồng trọt 2018
1. Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu sau khi được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng quy định tại Điều 15 của Luật này hoặc cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng quy định tại Điều 16 của Luật này, trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, triển lãm, trao đổi quốc tế hoặc sản xuất hạt lai để xuất khẩu.
2. Giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu khi tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng theo quy định tại Điều 17 của Luật này, trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, quảng cáo, triển lãm, trao đổi quốc tế và sản xuất hạt lai để xuất khẩu. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thì thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Luật này hoặc cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng thì thực hiện theo quy định tại Điều 16 của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng tại Việt Nam có quyền đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng.
4. Việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được thực hiện đồng thời với việc cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng khi tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng đề nghị và đáp ứng các điều kiện về bảo hộ giống cây trồng theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
5. Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính phải được khảo nghiệm do tổ chức khảo nghiệm độc lập được công nhận đủ điều kiện (sau đây gọi là tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng) thực hiện trước khi cấp hoặc gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng, trừ trường hợp giống cây trồng được cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng quy định tại Điều 16 của Luật này.
Giống cây cảnh thuộc loài cây trồng chính không phải thực hiện khảo nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này.
6. Trong từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục loài cây trồng chính.
Với việc bỏ thủ tục cấp phép kinh doanh giống cây trồng, giờ đây các đơn vị đã có thể thỏa sức thực hiện mua bán phát triển sự đa dạng, tiềm lực của đất nước về nông nghiệp. Tuy nhiên vẫn cần hết sức lưu ý nghiên cứu để nắm được những quy định cụ thể, tránh việc sai phạm dẫn tới những thiệt hại cho cá nhân và gia đình.