Chế độ bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật và thực tiễn thực hiện

Chế độ bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật và thực tiễn thực hiện
Chế độ bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật và thực tiễn thực hiện

Chế độ bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật và thực tiễn thực hiện

MỞ ĐẦU

Trong cuộc sống thường nhật, không phải lúc nào con người cũng tránh được những rủi ro, biến cố bất hạnh bất thình lình ập tới gây ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển bình thường của đời sống sau này. Khi đó, con người cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng để đảm bảo cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng. Sự phát triển của xã hội dẫn đến việc hình thành những cơ chế bảo vệ ngày càng an toàn hơn cho cuộc sống của con người song không thể phủ nhận được trong bất kỳ xã hội nào, dù phát triển đến đâu cũng vẫn tồn tại một bộ phận cư dân “yếu thế” hơn, với những khiếm khuyết về sức khoẻ, sự khó khăn về kinh tế, bất hạnh về hoàn cảnh sống… khiến cơ hội tiếp cận và hoà nhập cuộc sống của họ có những hạn chế nhất định, hơn bao giờ hết vẫn để đảm bảo quyền cho những công dân này được xác định như là trách nhiệm của mỗi quốc gia trong tương quan chung về đảm bảo nhân quyền.

NỘI DUNG

I. Khái niệm, ý nghĩa và nguyên tắc cơ bản của bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật

1) Khái niệm

Dựa trên quan điểm chung của các nước khác và quan điểm riêng ở Việt Nam, có thể hiểu bảo trợ xã hội là sự giúp đỡ của nhà nước, xã hội và cộng đồng bằng những biện pháp và các hình thức khác nhau đối với các đối tượng gặp phải rủi ro, bất hạnh, nghèo đói… vì nhiều nguyên nhân dẫn đến không đủ khả năng tự lo liệu được cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình nhằm giúp họ tránh được mối đe doạ của cuộc sống thường nhật, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng. Theo khái niệm này đối tượng bảo trợ xã hội chính là những người gặp khó khăn, rủi ro, biến cố, bất hạnh trong cuộc sống vì nhiều nguyên nhân khác nhau cần có sự giúp đỡ. Những đối tượng được kể đến đầu tiên trong hầu hết các quy định pháp luật bảo trợ xã hội các quốc gia đều là nhóm người khuyết tật, người già cô đơn, trẻ em mồ côi thiếu người nuôi dưỡng…

Sự điều chỉnh của pháp luật đối với quan hệ bảo trợ xã hội được thiết lập trên cơ sở đảm bảo quyền cơ bản của con người. Thông qua pháp luật, các chính sách an sinh xã hội nói chung, bảo trợ xã hội nói riêng được thể chế hoá thành các quy định pháp lí có tính bắt buộc thực hiện.. Nội dung pháp luật bảo trợ xã hội chủ yếu điều chỉnh quan hệ bảo trợ xã hội do chủ thể thực hiện là nhà nước với nội dung chính như phạm vi đối tượng bảo trợ, các chế độ trợ cấp, hỗ trợ và nguồn tài chính đảm bảo thực hiện.

Trên quan điểm tiến bộ, bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật được tiếp cận từ góc độ nhân quyền với trách nhiệm của nhà nước chứ không chỉ dừng lại ở mục đích nhân đạo, ban ơn, chiếu cố tới những thân phận khiếm khuyết về sức khoẻ. Các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho cuộc sống của người khuyết tật được thực hiện như một sự phân phối lại lợi ích xã hội theo hướng công bằng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia trong tương quan phát triển kinh tế và xã hội. Không chỉ dừng lại ở đó, việc nhìn nhận người khuyết tật như một dạng trong đa dạng các thành viên xã hội và khơi gợi khả năng lao động tiềm ẩn trong họ là một trong những tư tưởng tiến bộ để các khoản trợ cấp bảo trợ xã hội không còn ý nghĩa đơn thuần là gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, với mục tiêu vì con người – trung tâm của sự phát triển.

2) Ý nghĩa

Người khuyết tật luôn chiếm một tỉ lệ nhất định trong dân số mỗi quốc gia, ở Việt Nam theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, ước tính cả nước có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm 6,34% dân số cả nước. Xem xét về thể trạng và cơ hội tạo thu nhập đảm bảo cuộc sống cho thấy đương nhiên với những khuyết tật của mình, nhóm đối tượng này đã trở thành yếu thế so với những người bình thường. Họ cần giúp đỡ, hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống. Với trách nhiệm đảm bảo và chăm lo đời sống cho các thành viên xã hội, Nhà nước xác định trách nhiệm của mình đối với cuộc sống của người khuyết tật, trước hết và cơ bản là khoản trợ cấp, hỗ trợ nuôi dưỡng trong chế độ bảo trợ xã hội.

Có thể xem xét ý nghĩa cơ bản của bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật như sau:

– Dưới góc độ kinh tế, bảo trợ xã hội có ý nghĩa thiết thực với đời sống của người khuyết tật và gia đình họ thông qua khoản trợ cấp hỗ trợ, góp phần đảm bảo cho nhu cầu sinh sống tối thiểu của người khuyết tật. Do những hạn chế về sức khoẻ nên người khuyết tật có những khó khăn trong việc tạo thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Cuộc sống họ thường có sự lệ thuộc ở mức độ khác nhau vào thân nhân, gia đình. Không thể phủ nhận được thực tế ở nhiều quốc gia là người khuyết tật hoặc hộ gia đình người khuyết tật có mức sống thấp hơn so với tỉ lệ nhóm đối tượng khác của cộng đồng.

Trong tình thế đó, bảo trợ xã hội như “lưới đỡ” kinh tế cuối cùng về miếng cơm manh áo cho sự tồn tại, giúp họ vượt qua khó khăn, túng quẫn của cuộc sống thường nhật. Không dừng lại ở đó, từ việc góp phần đảm bảo cuộc sống cho người khuyết tật, các khoản trợ cấp của bảo trợ xã hội còn tạo cơ hội thuận lợi cho họ vươn lên, kiến tạo và phát huy những khả năng có thể để vươn lên đảm bảo và nâng cao đời sống. Tuy nhiên, cũng phải nhận thức rằng, bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật không ngoại trừ được nghèo túng, bất hạnh, rủi ro… và cũng không khắc phục được khuyết tật cho họ nhưng đó là một biện pháp kinh tế góp phần đẩy lùi nghèo túng, khắc phục rủi ro, thúc đẩy phát triển kinh tế. Cũng từ góc độ kinh tế cho thấy, các khoản trợ cấp bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật còn có ý nghĩa là công cụ phân phối lại tiền bạc, của cải và dịch vụ có lợi cho các thành viên yếu thế, thu hẹp dần sự chênh lệch mức sống, giảm bớt bần cùng, nghèo đói. Việc cung cấp các khoản trợ giúp xã hội từ nguồn tài chính công đó không vì mục đích kinh doanh, lợi nhuận và mang ý nghĩa phân phối lại thu nhập xã hội theo hướng công bằng, đảm bảo lợi ích xã hội đối với người khuyết tật nói riêng và toàn bộ dân chúng nói chung.

– Dưới góc độ chính trị xã hội, bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật không chỉ thể hiện thái độ của Nhà nước đối với bộ phận dân chúng mà còn là biện pháp hỗ trợ tích cực của xã hội đối với mỗi thành viên của mình khi gặp rủi ro, hạn chế về sức khoẻ. Trên phương diện xã hội, bảo trợ xã hội cho người khuyết tật còn làm giảm thiếu những bất ổn xã hội, góp phần ổn định xã hội, ổn định chính trị bởi lẽ khi rơi vào tình cảnh cùng quẫn, phân biệt đối xử con người sẽ dễ nảy sinh những hành vi lệch lạc về chuẩn mực đạo đức. Trang bị cho nhận thức của mỗi cá nhân về sự đảm bảo cuộc sống khi khó khăn bằng những lưới đỡ bảo trợ xã hội khiến họ yên tâm và tin tưởng hơn trong cuộc sống. Với vị trí là hạt nhân trung tâm của sự phát triển xã hội, sự bình yên và an toàn của cuộc sống mỗi cá nhân thiết lập nên sự bình yên của cả xã hội. Đây sẽ là nền tảng cơ bản thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế xã hội và chính trị mỗi quốc gia.

– Dưới góc độ pháp luật bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật là một trong những nội dung của pháp luật an sinh xã hội, điều chỉnh việc trợ giúp vật chất và tinh thần cho nhóm đối tượng có vị thế bất lợi, thiệt thòi, ít có cơ may trong cuộc sống như những người bình thường khác. Bảo trợ xã hội cho người khuyết tật với các chế độ trợ cấp được thiết lập trên cơ sở đảm bảo quyền con người. Mỗi con người sinh ra trong xã hội đều có quyền được sống, được bình đẳng, được thương yêu, đùm bọc, che chắn, bảo vệ trước những biến cố bất lợi, đặc biệt là khi sự sống bị đe doạ. Quyền này đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc ngày 10/12/1948. Tuỳ  thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội và những đặc thù riêng mà mỗi quốc gia đều luật hoá nội dung này ở mức độ khác nhau để tổ chức thực hiện. Cũng từ đó phải nhận thức rằng, bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật không phải là sự ban ơn, chiếu cố đối với những thân phận thấp hèn, cùng cực vì những hạn chế, rủi ro về sức khoẻ mà là quyền của mỗi thành viên xã hội và là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả cộng đồng.

3) Nguyên tắc cơ bản

a.Người khuyết tật có quyền được hưởng bảo trợ xã hội không có sự phân biệt theo tiêu chí nào

Xuât phát từ việc đảm bảo quyền con người được quy định trong pháp luật quốc tế, các quốc gia đều nhận thức rõ vấn đề này và ghi nhận quyền hưởng bảo trợ xã hội cho công dân trong văn bản pháp luật quốc gia. Đối với người khuyết tật, quyền hưởng bảo trợ xã hội được ghi nhận trong Hiến pháp (Điều 67) và cụ thể hoá trong các văn bản Luật, dưới luật…

Nguyên tắc thực hiện quyền hưởng bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật không có sự phân biệt theo tiêu chí nào cũng chính là nội dung nguyên tắc cơ bản của Luật an sinh xã hội. Nội dung nguyên tắc thể hiện ở việc quy định phạm vi và đối tượng áp dụng. Theo đó, mọi thành viên xã hội bị khuyết tật đều có quyền hưởng bảo trợ xã hội mà không có sự phân biệt về địa vị, kinh tế, tôn giáo, giới tính, thành phần xã hội,…

b. Mức trợ cấp bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật không phụ thuôc vào sự đóng góp, thu nhập hoặc mức sống của họ mà chủ yếu phụ thuộc vào mức độ khuyết tật và nhu cầu thực tế của đối tượng.

Chỉ trong trường hợp cuộc sống thường nhật của người khuyết tật bị đe doạ, hoặc cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ để tồn tại thì vấn đề trợ cấp mới được đặt ra. Với mục đích không nhằm bù đắp hoặc thay thế thu nhập của đối tượng hay bảo đảm đời sống cho người khuyết tật với những yêu cầu định trước mà chỉ nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho đối tượng thoát khỏi tình trạng cuộc sống thường nhật bị đe doạ, tạo cơ hội cho họ vươn lên khắc phục rủi ro, hoà nhập cộng đồng, do vậy các khoản trợ cấp bảo trợ xã hội cho người khuyết tật không gắn với bất cứ yêu cầu gì về nghĩa vụ tài chính cho việc thụ hưởng. Nói cách khác, để được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, người khuyết tật không phải đóng góp tài chính đồng thời mức thu nhập, mức sống của họ trước khi bị khuyết tật cũng không phải là tiêu chí xác định mức hưởng. Không phải trước khi bị khuyết tật đối tượng nào có thu nhập cao, mức sống cao hơn thì hưởng trợ cấp cao hơn và ngược lại. tiêu chí quan trọng để xác định mức hưởng trợ cấp cho người khuyết tật chính là mức độ của rủi ro khuyết tật và hoàn cảnh sống thực tế của người khuyết tật. Chẳng hạn, với những mức độ khuyết tật khác nhau từ nặng, đặc biệt nặng, khuyết tật trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ khuyết tật mang thai…hay thậm chí có cùng mức độ khuyết tật nhưng hoàn cảnh sống có sự khác nhau nhất định như có người chăm sóc, kinh tế gia đình khá giả hay không cũng là những căn cứ quan trọng để xác định mức trợ cấp, hỗ trợ cho phù hợp. Điều này phù hợp với ý nghĩa, mục đích của trợ cấp và đảm bảo công bằng cho người thụ hưởng.

c.Thực hiện bảo trợ xã hội cân đối giữa nhu cầu thực tế của người khuyết tật và phù hợp với khả năng đáp ứng của điều kiện kinh tế xã hội.

Nhu cầu bảo trợ xã hội của người khuyết tật và khả năng đáp ứng của điều kiện kinh tế xã hội là một bài toán mà hầu hết các quốc gia phải cân đối trong tương quan đảm bảo quyền của người khuyết tật và giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy với những đặc điểm riêng khác nhau mà số lượng và nhu cầu bảo trợ của người khuyết tật ở các nước khác nhau có sự khác nhau nhất định. Ở Việt Nam, với tỉ lệ đối tượng người khuyết tật chiếm tới hơn 6% dân số cả nước, cộng với điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn khiến nhu cầu trợ giúp cho người khuyết tật là rất lớn. Để đảm bảo thực hiện bảo trợ xã hội cho người khuyết tật có hiệu quả cần phải xác định được cụ thể nhu cầu của người khuyết tật và được chuyển tải bằng điều kiện hưởng trong các khoản trợ cấp, hỗ trợ. Nhu cầu này phải được đặt trong tương quan chung của điều kiện kinh tế xã hội với mức sống của người dân. Mặc dù vậy, về cơ bản việc cân đối giữa nhu cầu của người khuyết tật và khả năng đáp ứng của điều kiện kinh tế cũng phải hướng tới yêu cầu đảm bảo nhu cầu tối thiểu cần thiết nhằm duy trì cuộc sống cho người khuyết tật trước những khó khăn của cuộc sống.

d.Đa dạng hoá, xã hội hoá hoạt động bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật, phát huy khả năng vươn lên hoà nhập cộng đồng.

Nguyên nhân rủi ro dẫn đến tình trạng khuyết tật của con người là đa dạng vì vậy việc thực hiện bảo trợ xã hội đối với họ cũng cần phải xem xét đến mức độ, hình thức và biện pháp hợp lí. Ở phạm vi hẹp, bảo trợ xã hội cho người khuyết tật với những khoản trợ cấp, hỗ trợ nuôi dưỡng được thực hiện chủ yếu bằng tiền hoặc hiện vật đáp ứng nhu cầu tối thiểu cuộc sống, song cần hướng tới phát huy đa dạng các hình thức, biện pháp bảo trợ nâng đỡ tinh thần, tâm lí, chăm sóc sức khoẻ,… Thông qua những hoạt động bảo trợ này đối tượng xoá đi mặc cảm, tạo cơ hội tự tin cho họ hoà nhập cộng đồng, phát huy những khả năng vươn lên đảm bảo cuộc sống. Thậm chí, từ cách tiếp cận mới mẻ về người khuyết tật, hiện nay đang hướng tới nhìn nhận người khuyết tật như một trong đa dạng đối tượng xã hội, là nguồn nhân lực tiềm ẩn cần có sự hỗ trợ khai thác.

Mỗi cá nhân trong cộng đồng đều có trách nhiệm với các thành viên khác và với chính mình trên cơ sở thương yêu, đùm bọc, che chở lẫn nhau. Đây trở thành nền tảng của xã hội hoá hoạt động bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật. Trong điều kiện hiện nay, việc xã hội hoá thực hiện bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật được nhìn nhận theo hướng tiến bộ. Không phải bảo trợ xã hội cho người khuyết tật chỉ dừng lại ở những khoản trợ cấp do nhà nước thực hiện mang tính ban phát, bao cấp mà hướng tới việc huy động nguồn lực và sự quan tâm của cả cộng đồng nhằm đưa đến sự bảo vệ cao nhất cho người khuyết tật.

II. Nội dung chế độ bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật

Điểm mốc đánh dấu sự phát triển của chế độ bảo trợ xã hội nói riêng và pháp luật người khuyết tật nói chung là sự ra đời của Luật người khuyết tật năm 2010. Theo đó, chế độ bảo trợ xã hội cho người khuyết tật chủ yếu bao gồm chế độ trợ cấp, hỗ trợ cho người khuyết tật và chế độ nuôi dưỡng người khuyết tật tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

1) Chế độ trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng

Đây là chế độ trợ cấp cơ bản của bảo trợ xã hội cho người khuyết tật. Theo quy định Luật người khuyết tật, để được hưởng khoản trợ cấp và hỗ trợ đối tượng khuyết tật phải đảm bảo điều kiện hưởng. Điều kiện để hưởng trợ cấp xã hội và hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng với hai nhóm đối tượng có sự khác nhau. Đối với chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, cần xác định không phải mọi đối tượng khuyết tật đều được hưởng trợ cấp này mà điều kiện hưởng thực hiện theo nguyên tắc luỹ thoái từ đối tượng khuyết tật nặng nhất với nhu cầu cấp thiết nhất. Theo Luật người khuyết tật, để được hưởng trợ cấp này đối tượng phải được xác định là: người khuyết tật nặng hoặc người khuyết tật đặc biệt. Các điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật còn được quy định tại các văn bản khác ngoài Luật người khuyết tật như Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, Nghị định 13/2010/NĐ-CP, Thông tư 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC.

Bên cạnh chế độ trợ cấp với bản thân đối tượng khuyết tật, luật hiện hành cũng quy định quyền lợi cho thân nhân, gia đình và người nhận nuôi người khuyết tât thông qua chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng. Những đối tượng được hỗ trợ kinh phí nuôi người khuyết tật bao gồm: gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó; người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Do mục đích của trợ cấp bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật là nhằm hỗ trợ, giúp đỡ ở mức độ cần thiết đảm bảo các nhu cầu sinh sống cơ bản của người khuyết tật nên mức trợ cấp được xác định trên cơ sở của chi phí sinh hoạt tối thiểu. Mức chuẩn xác định mức trợ cấp xã hội và hỗ trợ hàng tháng được điều chỉnh khi mức sống tối thiểu của dân cư thay đổi. Bên cạnh khoản trợ cấp, hỗ trợ từ nguồn tài chính công, Nhà nước cũng chú trọng tới việc phát huy tối đa khả năng của bản thân đối tượng, gia đình và cộng đồng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật.

2) Chế độ nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội

Nuôi dưỡng người khuyết tật tại các cơ sở bảo trợ xã hội cảu Nhà nước là một chế độ vô cùng nhân đạo và đặc biệt có ý nghĩa đối với đối tượng người khuyết tật. Điều này thể hiện rõ nét nhất trách nhiệm của nhà nước đối với cuộc sống của người khuyết tật. Người khuyết tật được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội phải đảm bảo những điều kiện nhất định. Chế độ bảo trợ xã hội đối với đối tượng người khuyết tật sống tại các cơ sở bảo trợ được đảm bảo bằng nhà nước thông qua kinh phí nuôi dưỡng người khuyết tật, bao gồm: trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng; chi phí mua sắm tư trang, vật dụng sinh hoạt hàng ngày; chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế; chi phí mua thuốc chữa bệnh thông thường,…

Mức trợ cấp nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng trong cơ sở bảo trợ xã hội cũng được quy định trên cơ sở hệ số mức trợ cấp chuẩn do Chính phủ quy định trong từng giai đoạn cụ thể.

3) Cơ sở chăm sóc người khuyết tật

Cơ sở chăm sóc người khuyết tật là cơ sở nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp người khuyết tật. Với nội dung hoạt động của mình, các cơ sở chăm sóc người khuyết tật không chỉ dừng lại ở hoạt động nuôi dưỡng mà còn chú trọng tới việc chăm sóc sức khoẻ phục hồi chứ năng và hoà nhập cộng đồng. Các cơ sở này hiện đang chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động hoà nhập cộng đồng trên quan điểm tiến bộ về người khuyết tật. Theo luật hiện hành, cơ sở chăm sóc người khuyết tật bao gồm: cơ sở bảo trợ xã hội; cơ sở dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật; trung tâm hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập; cơ sở chăm sóc người khuyết tật khác.

Đối với những cơ sở chăm sóc người khuyết tật công lập. Nhà nước đảm bảo đầu tư cơ sở vật chất và đảm bảo kinh phí hoạt động. Đối với các cơ sở khác ngoài công lập Nhà nước chỉ hỗ trợ với những giới hạn nhất định bằng những ưu tiên, ưu đãi trong hoạt động. Điều kiện thành lập, hoạt động, giải thể cơ sở chăm sóc người khuyết tật được quy định cụ thể đối với từng loại cơ sở.

III. Thực tiễn thực hiện chế độ bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật trong xã hội hiện nay

1) Thực trạng tình hình người khuyết tật hiện nay và những thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện chế độ bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật

Hiện nay ước tính cả nước có khoảng 5,1 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6% dân số, trong đó có 1,1 triệu khuyết tật nặng, chiếm 21,5% tổng số người khuyết tật. Bao gồm 29% khuyết tật vận động, 17% tâm thần, 14% tật thị giác, 9% tật thính giác, 7% tật ngôn ngữ, 7% trí tuệ và 17% các dạng tật khác. Tỷ lệ nam là người khuyết tật cao hơn nữ do các nguyên nhân hậu quả chiến tranh, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích…

Nguyên nhân gây nên khuyết tật có tới 36% bẩm sinh, 32% do bệnh tật, 26% do hậu quả chiến tranh và 6% do tai nạn lao động. Dự báo trong nhiều năm tới số lượng người khuyết tật ở Việt Nam chưa giảm do tác động của ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, tai nạn giao thông và tai nạn lao động, hậu quả thiên tai…

Như một vấn đề tất yếu, sự quan tâm, chăm sóc của xã hội đối với người khuyết tật đã được thể hiện trong các chính sách, chương trình ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước đối với người khuyết tật trong các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tiếp cận với các dịch vụ y tế, văn hoá, thể thao, giao thông và trợ cấp xã hội. Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm, cả nước có gần một triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách Nhà nước (trợ cấp xã hội, trợ cấp thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh); hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, được cung cấp phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy…). Thực hiện chương trình phục hồi chức năng, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; có 260.000 trẻ em khuyết tật học hòa nhập ở các cơ sở giáo dục và 6.000 trẻ em khuyết tật học ở các cơ sở giáo dục chuyên biệt; 19.000 người khuyết tật được học nghề và khoảng 10.000 người khuyết tật được giới thiệu việc làm thông qua trung tâm dịch vụ việc làm.

Các tổ chức của người khuyết tật ngày càng được mở rộng ở các tỉnh, thành phố như: Hội Người mù, Hội Người điếc, Hội Người khuyết tật, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ em mồ côi, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật, Hiệp hội  sản xuất, kinh doanh của người tàn tật…

a) Kết quả thực hiện chăm sóc đời sống người khuyết tật

Thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật, Chính phủ đã quy định chi tiết chính sách trợ giúp xã hội đối với người tàn tật nặng không có nguồn thu nhập và không nơi nương tựa, người mắc bệnh tâm thần mãn tính, hộ gia đình có từ hai người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ. Thực hiện chính sách này đến năm 2008, các địa phương đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 395.962 người khuyết tật nghèo và 8.599 hộ có từ hai người khuyết tật, nuôi dưỡng tập trung 9.798 người khuyết tật trong 300 cơ sở bảo trợ xã hội. So với năm 1998, số người người khuyết tật được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội tăng gấp 4 lần. Các chế độ trợ giúp cũng đã được điều chỉnh tăng từ 45.000 đồng/tháng năm 2000 lên 65.000 đồng/tháng năm 2004 và 120.000đồng/tháng năm 2007. Chính sách trợ giúp xã hội đã đã góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật.

Ngoài ra còn có 622.783 người khuyết tật là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, quân nhân bị tai nạn lao động, quân nhân bị bệnh nghề nghiệp, 133.356 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả chất độc hóa học và khoảng 4.700 gia đình người có công với cách mạng đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định của Pháp lệnh người có công với cách mạng 30.869 người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

b) Kết quả thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình, phục hồi chức năng

Theo báo cáo đến nay các địa phương đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người khuyết tật thuộc hộ gia đình nghèo, thực hiện chỉnh hình phục hồi chức năng và cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí cho khoảng 300 ngàn người khuyết tật; cung cấp phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe đẩy, chân tay giả cho trên 100 ngàn người; phẫu thuật chỉnh hình và trợ giúp phục hồi chức năng cho hàng trăm ngàn trẻ em khuyết tật. Mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã được phát triển ở 46/63 tỉnh, thành phố với 215 huyện, trên 2.420 xã… Theo đánh giá của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội năm 2008 có 52,4% người khuyết tật đi khám bệnh, phục hồi chức năng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về kinh phí (giảm viện phí).

2) Hạn chế, khó khăn

Tuy đạt được những thành công trên nhưng nói chung, đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật vẫn còn rất nhiều khó khăn như sau:

– Theo số liệu khảo sát, hiện cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6,34% dân số (trong đó có 1,1 triệu khuyết tật nặng, chiếm 21,5% tổng số người khuyết tật). Có tới 37% người khuyết tật đang sống trong hộ nghèo (cao gấp 3 lần so với tỷ lệ nghèo chung cùng thời điểm); 24% ở nhà tạm, 34,4% từ 6 tuổi chưa biết chữ và 21,24% chưa tốt nghiệp tiểu học; 79,13% trong độ tuổi lao động không có khả năng tham gia lao động; 88,94% từ 16 tuổi chưa được đào tạo chuyên môn (trong đó chỉ có 2% đang học nghề); 79,13% sống dựa vào gia đình, người thân… Những khó khăn này cản trở người khuyết tật tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông, dẫn đến khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

– Mặt khác, công tác tuyên truyền phổ biến Pháp lệnh và chính sách liên quan đến người khuyết tật cũng còn hạn chế. Theo đánh giá của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội năm 2008, mới chỉ có 22,9% người biết Pháp lệnh về người khuyết tật, còn tới 77,1% số người không biết. Trong số biết chỉ có 6,4% biết rõ, 16,5% mới chỉ nghe và biết tên. Hiểu biết ít nên các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật ở cộng đồng chưa được thực hiện tốt. Người khuyết tật thường tự ti trong cuộc sống, chưa thấy được quyền và trách nhiệm của mình.

– Thực tế, người khuyết tật vẫn khó khăn trong tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhất là người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa khó khăn, điều kiện đi lại không thuận tiện. Nhiều địa phương do điều kiện khó khăn nên công tác chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng chưa được quan tâm thực hiện.

– Còn một bộ phận người khuyết tật nặng chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội do quy định của Pháp lệnh là đối tượng thuộc diện hưởng chính sách phải là người khuyết tật nặng không có nguồn thu nhập và không nơi nương tựa; mức trợ cấp xã hội hàng tháng còn quá thấp so với mặt bằng mức sống dân cư (mới chỉ bằng 60% chuẩn nghèo), chưa bảo đảm được những nhu cầu sống tối thiểu của người khuyết tật.

– Vẫn còn phần lớn trẻ em khuyết tật chưa tiếp cận được với dịch vụ giáo dục, nhất là ở nông thôn. Theo kết quả đánh giá của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội năm 2008, mới chỉ có 36,8% người khuyết tật đã từng đi học tại các trường tiểu học hoặc phổ thông. Nguyên nhân chính là do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của gia đình và cộng đồng, cơ sở vật chất giáo dục chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận…

– Số lượng các công trình hạ tầng cơ sở bảo trợ xã hội cho người khuyết tật còn rất ít, hoặc có thì cũng không được thường xuyên nâng cấp, sửa sang. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lực để đầu tư, cải tạo sửa chữa các công trình, nguồn vốn vẫn còn dựa nhiều vào sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng và các tổ chức từ thiện, chưa thực sự sử dụng, khai thác được khả năng lao động của người khuyết tật.

KẾT LUẬN

Chính sách chế độ bảo trợ, hỗ trợ đối với người khuyết tật ban hành trong 10 năm qua đã tạo được khung pháp lý về chăm sóc người khuyết tật, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến cơ sở cũng như tạo môi trường thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận học nghề, việc làm và các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhờ vậy, những năm qua đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của người khuyết tật trong xã hội được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên quá trình thực hiện cho thấy hệ thống các văn bản chưa thật sự đồng bộ, tính khả thi của một số chính sách chưa cao, công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát thực hiện chưa thường xuyên, nguồn lực về tài chính và nhân lực cũng chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, do đó chế độ bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật vẫn còn vướng phải nhiều hạn chế, rất mong trong thời gian tới, chúng ta có thể cải thiện và nâng cao hơn nữa chính sách này, có như vậy mới giải quyết được vấn đề đảm bảo cuộc sống bình thường cho người khuyết tật một cách có hiệu quả, ổn định và bền vững.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Giáo trình Luật người khuyết tật Việt Nam.
  • Luật người khuyết tật năm 2010.
  • Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
  • Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/2/2010 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
  • Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 quy định điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội.
  • Liên hợp quốc, Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật, năm 2006.
  • Công ước 102 ngày 28/6/1952 quy định những quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội.

 

1900.0191