Công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam:
nhìn từ các hiệp định tương trợ tư pháp
Recognition and enforcement of foreign arbitral awards in Vietnam:
a perspective of the treaties on legal supports
Lê Nguyễn Gia Thiện*
Nguyễn Thị Thùy Linh**
Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực vào ngày 1/7/2016 (BLTTDS 2015) có ý nghĩa vô cùng to lớn. Bộ luật này là sự khắc phục những sự tồn tại, bất cập của BLTTDS 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (BLTTDS 2004 sửa đổi), đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về tố tụng dân sự và thương mại thông qua con đường tài phán tòa án, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của xu thế hội nhập, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế. Một trong những chế định được hoàn thiện mạnh mẽ và rõ ràng nhất trong khuôn khổ BLTTDS 2015 chính là công nhận và cho thi hành (CNCTH) phán quyết của trọng tài nước ngoài (TTNN). Những bất cập, hạn chế của BLTTDS 2004 về thời hiệu nộp đơn yêu cầu CNCTH phán quyết của TTNN, các tài liệu cần gửi kèm theo đơn yêu cầu cũng như quy trình gửi đơn, sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân (VKS) vào quy trình giải quyết đơn yêu cầu, nghĩa vụ chứng minh của bên phải thi hành[1]… đã được khắc phục rất cụ thể theo hướng rõ ràng, chặt chẽ và đảm bảo sự tương thích với các quy định nền tảng của Công ước Liên Hiệp Quốc về Công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài được thông qua ngày 10/6/1958 tại New York (Công ước New York). Tuy nhiên, việc CNCTH các phán quyết của TTNN không chỉ được dự liệu trong BLTTDS 2015 mà chế định này cũng chịu sự điều chỉnh từ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bao gồm Công ước New York 1958 và các hiệp định tương trợ tư pháp (HĐTTTP). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi phân tích những quy định của các hiệp định tương trợ tư pháp đối với vấn đề CNCTH phán quyết của TTNN, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa chế định CNCTH phán quyết của TTNN ở Việt Nam.
-
Quy tắc áp dụng pháp luật khi giải quyết yêu cầu CNCTH phán quyết TTNN ở Việt Nam
Công ước New York là một trong những điều ước quốc tế đa phương và thành công nhất trong lịch sử thương mại quốc tế[2]. Được thành lập từ những năm cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, tính đến nay Công ước này đã có tuổi đời gần 60 năm. Trong suốt 60 năm tồn tại của mình, Công ước đã có vai trò lịch sử quan trọng, là chiếc cầu nối giữa những quốc gia có chế định chính trị, nền tảng kinh tế, văn hóa pháp lý khác nhau để cùng hướng đến một mục đích chung là lát những viên gạch cơ bản nhưng vững chắc cho một cơ chế toàn cầu trong việc CNCTH phán quyết của TTNN. Gần 60 năm tồn tại mà không bị sửa đổi, bổ sung bất kỳ một điều khoản, thậm chí là một câu từ nào[3], Công ước New York đã nhận được sự quan tâm từ gần hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ (gọi tắt là quốc gia) trên thế giới. Trong khoảng hơn 200 quốc gia tồn tại trên địa cầu thì có đến 157 quốc gia đã gia nhập Công ước[4].
Sự hấp dẫn của Công ước đến từ nhiều yếu tố, trong đó được biểu hiện rõ nhất ở tinh thần ủng hộ trọng tài (pro-arbitration) và ủng hộ việc công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài (pro-recognition và pro-enforcement), cũng như tính trao quyền một cách rộng rãi cho các quốc gia thành viên khi quy định về những vấn đề, quy trình cụ thể, chi tiết nhằm hiện thực hóa các phán quyết của trọng tài nước ngoài. Đặc biệt, Công ước New York không loại trừ cũng như phủ định những điều ước ước quốc tế khác có liên quan đến việc CNCTH phán quyết của TTNN mà quốc gia thành viên tham gia hoặc gia nhập[5]. Hơn nữa, Công ước New York 1958 luôn để ngỏ khả năng cho các quốc gia áp dụng, hoặc dẫn chiếu đến việc áp dụng chính bản thân Công ước mà không cần phải trở thành thành viên của Công ước.
Trong bối cảnh của luật thực định Việt Nam, quy trình giải quyết đơn yêu cầu CNCTH các phán quyết được ban hành bởi TTNN chịu sự điều chỉnh của ba nguồn riêng biệt: Công ước New York 1958, các HĐTTTP (các điều ước quốc tế) và BLTTDS 2015. Trình tự áp dụng các nguồn này sẽ được tiến hành như sau:
(i) trước hết, các điều khoản của BLTTDS 2015 sẽ được áp dụng trước. Điều này là hiển nhiên, vì với tinh thần thượng tôn pháp luật nơi tòa án xem xét yêu cầu (lex fori), Công ước New York hoàn toàn nhường đường lại cho pháp luật quốc gia trong việc quy định về thẩm quyền cũng như các quy trình cần thiết để việc CNCTH có thể diễn ra[6].
(ii) nếu có sự xung đột về nội dung giữa các điều khoản của BLTTDS 2015 và các điều ước quốc tế thì phải ưu tiên áp dụng các điều ước quốc tế[7]. Trong trường hợp này, bởi vì Công ước New York sẽ nhường đường cho hiệu lực áp dụng của những HĐTTP mà Việt Nam đã ký kết nên các HĐTTTP này sẽ được ưu tiên áp dụng. Chỉ khi nào các HĐTTTP không có quy định hoặc dẫn chiếu đến Công ước New York thì tòa án mới xem xét việc CNCTH mới áp dụng các điều khoản của Công ước New York. Như đã đề cập, Công ước New York được xây dựng trên tinh thần ủng hộ việc CNCTH các phán quyết trọng tài nước ngoài vì vậy việc các quốc gia thành viên áp dụng các điều ước quốc tế khác thay vì chính bản thân Công ước cũng phải được đảm bảo theo tinh thần ủng hộ việc CNCTH phán quyết TTNN (pro-recognition và pro-enforcement). Tức là, các điều ước quốc tế khác chỉ được áp dụng nếu việc CNCTH các phán quyết trọng tài nước ngoài được diễn ra thuận tiện và dễ dàng hơn so với khi áp dụng Công ước New York[8].
-
Các HĐTTTP và việc CNCTH phán quyết của TTNN tại Việt Nam
Việt Nam ký kết tất cả 17 HĐTTTP về dân sự với các đối tác[9]. Trong số 17 HĐTTTP này, việc CNCTH phán quyết TTNN được biểu hiện ở ba nhóm: (i) không đề cập đến việc CNCTH; (ii) dẫn chiếu đến Công ước New York và (iii) quy định cụ thể về CNCTH.
2.1 Nhóm 1: Các HĐTTTP không đề cập đến việc CNCTH phán quyết TTNN
Có 3 HĐTTP không đề cập đến việc CNCTH phán quyết TTNN là các hiệp định giữa Việt Nam và Cu Ba[10], Ba Lan[11] và Belarus[12]. Bên cạnh đó, cả 3 nước này đều là thành viên của Công ước New York[13]. Do vậy, nếu một phán quyết trọng tại được tuyên trên lãnh thổ của ba nước này sẽ được CNCTH tại Việt Nam theo Công ước New York và BLTTDS 2015[14].
2.2 Nhóm 2: Các HĐTTTP dẫn chiếu đến Công ước New York
Trong số HĐTTTP mà Việt Nam đã ký, có 8 hiệp định dẫn chiếu đến việc áp dụng Công ước New York khi xem xét CNCTH các phán quyết TTNN. Theo đó, 8 hiệp định này bao gồm các hiệp định, thỏa thuận mà Việt Nam đã ký với Nga[15], Trung Quốc[16], Pháp[17], Ucraina[18], Đài Loan (Trung Quốc)[19], Algeria[20], Kazakhstan[21] và Campuchia[22]. Ngoại trừ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) không phải là thành viên Công ước New York, tất cả các nước Nga, Trung Quốc, Pháp, Ucraina, Algeria, Kazakhstan và Camphuchia đều đã gia nhập Công ước này[23]. Các phán quyết trọng tài ban hành trên lãnh thổ của những nước này sẽ được xem xét CNCTH tại Việt Nam theo Công ước New York và BLTTDS 2015. Riêng đối với trường hợp Đài Loan (Trung Quốc), dù lãnh vùng lãnh thổ này không phải là thành viên của Công ước New York, nhưng trong thỏa thuận tương trợ tư pháp về dân sự giữa Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam khi nhắc đến việc CNCTH phán quyết TTNN cũng đã dẫn chiếu đến Công ước New York[24]. Mặt khác, Công ước New York hoàn toàn không cấm các quốc gia, vùng lãnh thổ không phải là thành viên Công ước áp dụng hoặc dẫn chiếu đến công ước khi đề cập đến việc CNCTH phán quyết trọng tài. Vì lẽ đó, cho dù Đài Loan (Trung Quốc) không phải là thành viên Công ước New York, nhưng những phán quyết trọng tài được ban hành tại vùng lãnh thổ này cũng sẽ được xem xét CNCTH tại Việt Nam theo tinh thần của Công ước New York và BLTTDS 2015.
2.3 Nhóm 3: Các HĐTTTP quy định cụ thể về việc CNCTH phán quyết TTNN
Nhóm này bao gồm các HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết với các nước Tiệp Khắc[25], Bulgaria[26], Hungary[27], Lào[28], Mông Cổ[29] and CHDCND Triều Tiên[30]. Khác với Nhóm 1 khi không đề cập đến vấn đề CNCTH phán quyết TTNN cũng như Nhóm 2 khi dẫn chiếu đến Công ước New York, các HĐTTTP trong Nhóm 3 thiết kế hẳn các điều khoản điều chỉnh trực tiếp việc CNCTH tại Việt Nam các phán quyết TTNN được ban hành trong lãnh thổ các nước này. Căn cứ vào thứ tự áp dụng pháp luật ở trên thì khi tòa án Việt Nam xem xét việc CNCTH các phán quyết trọng tài được ban hành trên lãnh thổ của các quốc gia này thì các điều ước quốc tế sẽ được áp dụng ưu tiên hơn BLTTDS. Thế nhưng, Công ước New York chỉ nhường đường cho các HĐTTTP nếu các HĐTTTP này có những quy định thuận tiện hơn cho việc CNCTH. Đánh giá chung các quy định về CNCTH phán quyết TTNN nằm trong những HĐTTTP thuộc Nhóm 3 thì có thể thấy rằng:
(1) trong nhiều HĐTTTP không có sự tách bạch, hay nhiều khi là đồng nhất, việc CNCTH phán quyết của TTNN với CNCTH bản án, quyết định của tòa án nước ngoài.
(2) các điều khoản về CNCTH phán quyết TTNN không tập trung trong một phần mà xuất hiện rải rác trong các điều khoản của những HĐTTTP.
(3) các quy định về việc CNCTH phán quyết TTNN không phù hợp với Công ước New York, nhiều khi rườm rà và làm cho quá trình CNCTH trở nên phức tạp hơn[31].
-
Về cơ quan tiếp nhận đơn yêu cầu CNCTH phán quyết TTNN, giấy tờ tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu và một số đề xuất hoàn thiện
BLTTDS 2004, với mong muốn tăng cường pháp điển hóa trong lĩnh vực tố tụng dân sự, đã chuyển hóa các điều khoản của Pháp lệnh công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài 1995[32] thành một chương trong bộ luật. Thế nhưng, các quy định chi tiết về việc CNCTH phán quyết TTNN trong BLTTDS lại bộc lộ nhiều điểm bất cập[33]. Điều này cùng với sự thiếu kinh nghiệm khi giải quyết các yêu cầu CNCTH phán quyết TTNN của tòa án Việt Nam đã dẫn đến tính trạng nhiều phán quyết TTNN đã không được CNCTH tại Việt Nam mà căn cứ không CNCTH lại hoàn toàn trái với tinh thần, thậm chí là các điều khoản của Công ước New York. Trong bối cảnh đó, BLTTDS 2015 đã được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế của các quy định nằm trong BLTTDS 2004, đồng thời tạo ra một cơ chế thuận lợi và phù hợp với tinh thần của Công ước New York, qua đó đảm bảo việc CNCTH các phán quyết TTNN được diễn thuận tiện, minh bạch và hợp lý.
Trong Chương XXXVII BLTTDS 2015, khi đề cập đến việc CNCTH các phán quyết TTNN tại Việt Nam, Bộ luật này có nhắc đến một số vấn đề mà tòa án khi xét đơn yêu cầu CNCTH phải xem xét kỹ lưỡng về việc liệu rằng các điều khoản của BLTTDS 2015 hay các điều khoản nằm trong những HĐTTTP sẽ được áp dụng. Các vấn đề này tựu trung ở hai điểm là (1) cơ quan tiếp nhận đơn yêu cầu và (2) các giấy tờ gửi kèm theo đơn yêu cầu.
3.1 Cơ quan tiếp nhận đơn yêu cầu
Theo quy định của BLTTDS 2004[34], tất cả các yêu cầu CNCTH phải nộp thông qua Bộ Tư pháp, rồi sau đó 7 ngày Bộ Tư pháp sẽ chuyển đơn yêu cầu và các tài liệu kèm theo cho Tòa án. Quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế khi ở các nước thành viên khác của Công ước New York[35], bên yêu cầu chỉ cần gửi đơn trực tiếp cho tòa án có thẩm quyền. Quy định này đã được thay thế bởi một quy định khác tiến bộ hơn trong BLTTDS 2015.
Khoản 1 Điều 451 BLTTDS 2015 quy định rằng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày phán quyết trọng tài nước ngoài có hiệu lực, một bên yêu cầu có quyền gửi đơn yêu cầu CNCTH phán quyết này đến cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (các HĐTTTP[36]) được áp dụng thì cơ quan tiếp nhận đơn có thể là Bộ Tư pháp hoặc tòa án có thẩm quyền của Việt Nam[37]. Trong trường hợp các HĐTTP không có quy định thì đơn CNCTH phán quyết trọng tài nước ngoài phải gửi trực tiếp cho tòa án có thẩm quyền. Cần lưu ý là cơ quan tiếp nhận đơn yêu cầu CNCTH phán quyết TTNN được xác định căn cứ vào nội dung của mỗi hiệp định mà không liên quan đến việc hiệp định đó thuộc nhóm nào trong 3 nhóm vừa liệt kê ở trên.
Trong các HĐTTTP giữa Việt Nam và các đối tác, thông thường việc gửi đơn CNCTH sẽ được thông qua các cơ quan liên lạc. Vì Bộ Tư pháp đóng vai trò là cơ quan liên lạc trong hầu hết các HĐTTP nên bên yêu cầu CNCTH phán quyết trọng tài tại Việt Nam được ban hành trong lãnh thổ của nước đối tác nhất định sẽ phải gửi qua Bộ Tư pháp chứ không gửi trực tiếp cho tòa án có thẩm quyền của Việt Nam. Theo các quy định, nhiều khi không rõ ràng và phải dẫn chiếu phức tạp trong chính bản thân các hiệp định, thỏa thuận về tương trợ tư pháp, đơn yêu cầu CNCTH phán quyết trọng tài được ban hành tại Bulgaria, Mông Cổ (nếu bên được thi hành không cư trú trên lãnh thổ Việt Nam), CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Pháp, Ucraina, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Algeria, Kazakhstan và Campuchia sẽ phải gửi thông qua Bộ Tư pháp.
Ngược lại, nếu phán quyết TTNN được ban hành trong lãnh thổ của những nước cũng có HĐTTTP với Việt Nam như Cuba, Ba Lan, Belarus, Cộng hòa Czech, Cộng hòa Slovakia, Lào, Hungary, Nga và Mông Cổ (nếu bên được thi hành cư trú trên lãnh thổ Việt Nam) thì bên yêu cầu CNCTH phải gửi đơn trực tiếp cho tòa án có thẩm quyền của Việt Nam. Đối với các bên yêu cầu cư trú hoặc có quốc tịch theo luật của những nước chưa có HĐTTTP với Việt Nam nhưng lại có yêu cầu CNCTH các phán quyết TTNN như Thụy Sỹ, Đức, Anh, Hoa Kỳ, Singapore… thì bên yêu cầu sẽ nộp đơn yêu cầu CNCTH tại tòa án có thẩm quyền của Việt Nam như quy định của BLTTDS 2015.
Dù Điều 454 BLTTDS 2015 quy định rằng thời gian để Bộ Tư pháp chuyển đơn yêu cầu và các tài liệu kèm theo cho tòa án có thẩm quyền là 5 ngày kể từ khi nhận đơn, nhưng trên thực tế khoảng thời gian này thường xuyên dài hơn, và càng kéo dài thì càng gây ra bất lợi cho bên yêu cầu CNCTH. Đặc biệt, tòa án Việt Nam thường nhận được các phán quyết do Trọng tài ICC ban hành tại Paris (Pháp) hoặc do Trọng tài HKIAC ban hành tại Hồng Kông (Trung Quốc). Vì vậy, các yêu cầu CNCTH các phán quyết của ICC hay HKIAC sẽ phải gửi thông qua Bộ Tư pháp chứ không được gửi trực tiếp cho tòa án Việt Nam.
Một điểm bất cập nữa về cơ quan tiếp nhận đơn yêu cầu là theo điểm a khoản 5 Điều 462 thì hội đồng xét đơn kháng cáo, kháng nghị quyết định sơ thẩm về việc CNCTH phán quyết TTNN có thể hủy quyết định sơ thẩm nếu quyết định sơ thẩm không tuân theo các quy định của BLTTDS và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia (tức các HĐTTTP). Điều này có thể dẫn đến tình huống là dù hội đồng xét đơn CNCTH phán quyết TTNN đã ra quyết định CNTCH đúng quy định và đúng tinh thần Công ước New York, nhưng do việc gửi đơn của bên yêu cầu trước đó đã vi các HĐTTTP, ví dụ phán quyết TTNN ban hành tại Paris nhưng lại gửi trực tiếp cho tòa án, thì dù quyết định CNCTH có đúng và hợp lý đến đâu đi nữa thì cũng hoàn toàn có khả năng bị hủy.
3.2 Các giấy tờ gửi kèm theo đơn yêu cầu
Điều IV Công ước New York quy định rõ rằng bên yêu cầu phải nộp kèm theo đơn yêu cầu CNCTH phán quyết TTNN các giấy tờ sau: (1) bản chính hoặc bản sao có chứng thực phán quyết trọng tài; (2) bản chính hoặc bản sao có chứng thực thỏa thuận trọng tài; và (3) bản dịch có chứng thực hoặc có tuyên thệ các văn bản trên nếu ngôn ngữ của các văn bản này không phải là ngôn ngữ chính thức mà tòa án có thẩm quyền sử dụng để CNCTH các phán quyết TTNN.
Khi nội luật hóa Điều IV, BLTTDS 2004 đã diễn dịch không chính xác Công ước New York khi quy quy định rằng bên được yêu cầu chỉ có thể nộp bản sao có chứng thực phán quyết trọng tài và thỏa thuận trọng tài, kèm theo bản dịch nếu cần mà không đề cập đến khả năng nộp bản chính phán quyết trọng tài và thỏa thuận trọng tài. Sự bất cập này đã được BLTTDS 2015 khắc phục, khi Điều 453(1) quy định như quan niệm tại Điều IV Công ước New York. Tuy nhiên, các văn bản tại Điều IV Công ước New York chỉ được áp dụng khi các HĐTTTP mà Việt Nam ký với các nước không có quy định khác.
Đối với yêu cầu CNCTH các phán quyết TTNN được ban hành tại các nước, vùng lãnh thổ thuộc Nhóm 1 (Cuba, Ba Lan, Belarus) và Nhóm 2 (Nga, Trung Quốc, Pháp, Ucraina, Đài Loan (Trung Quốc), Algeria, Kazakhstan và Campuchia) thì vấn đề tương đối đơn giản, vì bên yêu cầu chỉ cần nộp các giấy tờ như đã nêu tại Điều IV Công ước New York.
Tuy nhiên, đối với các phán quyết được ban hành tại các nước thuộc Nhóm 3 các HĐTTTP thì sự việc lại phức tạp hơn. Phân tích 6 HĐTTTP giữa Việt Nam và các nước Tiệp Khắc (cũ) (Cộng hòa Czech và Cộng hòa Slovakia kế thừa), Bulgaria, Hungary, Lào, Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên, có thể thấy rằng điểm chung của các HĐTTTP này về các tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu là: (1) không có sự tách bạch giữa việc CNCTH phán quyết TTNN và bản án, quyết định của tòa án nước ngoài; (2) không nhắc đến việc bên yêu cầu phải cung cấp thỏa thuận trọng tài; (3) buộc bên yêu cầu phải cung cấp bản chính hoặc bản sau phán quyết TTNN và văn bản xác nhận hiệu lực của phán quyết; và (4) buộc bên yêu cầu phải cung cấp văn bản chứng minh bên phải thi hành đã được triệu tập hợp lệ.
Những quy định của các HĐTTTP trong Nhóm 3 vừa có điểm thiếu, lại vừa có điểm thừa nếu đặt trong mối tương quan so sánh với Điều IV Công ước New York. Việc cung cấp chứng cứ về thỏa thuận trọng tài là vô cùng quan trọng, vì thỏa thuận trọng tài là nguồn gốc của toàn bộ quá trình tố tụng trọng tài, thế nhưng đáng tiếc là các HĐTTTP này không dự liệu. Ngược lại, việc các HĐTTTP này bắt bên yêu cầu phải cung cấp văn bản xác nhận hiệu lực của phán quyết và văn bản chứng minh bên phải thi hành đã được triệu tập hợp lệ là không hợp lý và không theo tinh thần của Công ước New York. Việc bắt bên yêu cầu phả nộp hai loại văn bản này là tạo thêm gánh nặng chứng minh cho bên yêu cầu, vô hình trung làm quy trình CNCTH diễn ra phức tạp và khó khăn hơn. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc ủng hộ việc CNCTH (pro-recognition và pro-enforcement) của Công ước New York.
3.3 Một số nhận xét và đề xuất hoàn thiện
Có thể thấy rằng, với những sự sửa đổi, bổ sung hợp lý các điều khoản nằm trong Chương XXXVII BLTTDS 2015, việc CNCTH phán quyết TTNN tại Việt Nam đã được quy định hợp lý và phù hợp với hầu hết các quy định cua Công ước New York. Tuy nhiên, nếu các HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định khác thì tòa án có thẩm quyền của Việt Nam phải ưu tiên áp dụng các điều khoản của những HĐTTP đó. Chính vì quan niệm này mà việc CNCTH tại Việt các phán quyết trọng tài ban hành tại các nước có HĐTTTP với VN sẽ đem lại nhiều vấn đề phức tạp hơn so với các nước không có HĐTTTP (vì trường hợp này sẽ áp dụng trực tiếp BLTTDS 2015).
Trong ba nhóm của các HĐTTTP, các phán quyết TTNN ban hành trong các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc Nhóm 2 có vẻ là sẽ thuận tiện hơn cơ quan tòa án của Việt Nam khi xem xét các yêu cầu CNCTH phán quyết TTNN vì các HĐTTTP dẫn chiếu trực tiếp đến việc áp dụng Công ước New York. Thế nhưng, ngoại trừ Nga và Mông Cổ (khi bên được thi hành cư trú tại Việt Nam), các yêu cầu CNCTH phán quyết TTNN được ban hành tại Trung Quốc, Pháp, Ucraina, Đài Loan (Trung Quốc), Algeria, Kazakhstan và Campuchia đều phải gửi qua Bộ Tư pháp. Ngược lại, đối với phán quyết TTNN được ban hành tại các nước thuộc Nhóm 1 (Cuba, Ba Lan, Belarus), Nhóm 3 (Cộng hòa Czech, Cộng hòa Slovakia, Lào, Hungary, Nga và Mông Cổ) và Nga thì yêu cầu CNCTH phải được gửi qua tòa án có thẩm quyền của Việt Nam. Thế nhưng, theo quy định của các HĐTTTP thuộc Nhóm 3 thì bên được thi hành phải chịu gánh nặng chứng minh nhiều hơn quy định của Công ước New York khi phải cung cấp văn bản xác nhận hiệu lực của phán quyết và văn bản chứng minh bên phải thi hành đã được triệu tập hợp lệ kèm theo đơn yêu cầu.
Để hướng tới một khung pháp lý phù hợp và hiệu quả, vừa đảm bảo thống nhất tinh trên thần giữa BLTTDS 2015, Công ước New York và các HĐTTTP mà Việt Nam là thành viên, vừa không vi phạm các bảo lưu của Việt Nam khi gia nhập Công ước New York, chúng tôi mạnh dạn đề xuất sửa đổi các HĐTTTP theo hướng bỏ các quy định có liên quan đến vấn đề CNCTH phán quyết trọng tài nước ngoài và bổ sung duy nhất điều khoản sau vào tất cả 17 HĐTTTP của cả ba nhóm, đồng thời áp dụng quy định này cho các HĐTTTP mà Việt Nam sẽ ký kết trong tương lai:
Điều … Công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.
Bên ký kết này công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ của mình các phán quyết trọng tài được tuyên trên lãnh thổ của bên ký kết kia theo quy định của Công ước New York ngày 10/6/1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành cũng như các tài liệu kèm theo sẽ được gửi trực tiếp đến tòa án có thẩm quyền của bên công nhận và cho thi hành.
* NCS, Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
** Nghiên cứu viên, Viện Nhà nước và Pháp luật.
[1] Lê Nguyễn Gia Thiện, Công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 24, Tháng 10/2016, tr. 45-51.
[2] Marike Paulsson, The 1958 New York Convention in Action, Nxb. Kluwer Law International, 2016, tr. 85.
[3] Emmanuel Gaillard, The Urgency of Not Revising the New York Convention in trong Albert Jan van den Berg (chủ biên), 50 Years of the New York Convention, Nxb. Wolters Kluwer, 2008, tr. 689 -707.
[4] Thành viên mới nhất của Công ước New York 1958 là Angola, nước này gia nhập vào ngày 6/3/2017.
[5] Điều VII(1) Công ước New York 1958.
[6] Điều III Công ước New York 1958.
[7] Điều 2(3) BLTTDS 2015.
[8] Kinh nghiệm của Đức ở vấn đề này có thể là ví dụ sinh động và hữu ích cho Việt Nam. Điều 1061 BLTTDS của Đức (ZPO) quy định rằng việc CNCTH phán quyết trọng tài nước ngoài sẽ tuân theo Công ước New York, và các điều ước quốc tế khác về cùng vấn đề này vẫn duy trì hiệu lực. Thế nhưng, trên thực tế, việc tòa án Đức áp dụng các điều ước quốc tế khác ngoài Công ước New York, ví dụ các hiệp định về CNCTH lẫn nhau các bản án của tòa án, phán quyết của trọng tài giữa Đức và Bỉ, Đức và Liên Xô (cũ), để CNCTH các phán quyết TTNN là rất hạn hữu, xem Dennis Solomon, Interpretation and Application of the New York Convention in Germany, in trong George A. Bermann (chủ biên), Recognition and Enforcement of Foreign Arbitral Awards: The Interpretation and Application of the New York Convention by National Courts, Nxb. Springer, 2017, tr. 335.
[9] Xem Phục lục I ban hành kèm theo Công văn 2368/BTP-PLQT ngày 10/7/2017 của Bộ Tư Pháp. Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) có ký kết một văn bản về tương trợ tư pháp có tên là “Thỏa thuận giữa Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam về tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự” (Thỏa thuận tương trợ tư pháp). Để cho tiện trình bày, chúng tôi dùng chung thuật ngữ HĐTTP để chỉ tất cả các văn bản về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước, khi nào có đề cập đến văn bản về tương trợ tư pháp với Đài Loan (Trung Quốc) sẽ ghi là Thỏa thuận tương trợ tư pháp.
[10] Ký tại La Habana ngày 30/11/1984.
[11] Ký tại Vácsava ngày 22/3/1993.
[12] Ký tại Minsk ngày 14/9/2000.
[13] Lần lượt tham gia vào 30/12/1974, 10/6/1958 và 29/12/1958.
[14] Viện Khoa học xét xử (Tòa án nhân dân tối cao), Chuyên đề khoa học xét xử “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài”, 2009, trang 82
[15] Ký tại Mátxcơva ngày 25/5/1998.
[16] Ký tại Bắc Kinh ngày 19/10/1998.
[17] Ký tại Paris ngày 24/2/1999.
[18] Ký tại Kiev ngày 6/4/2000.
[19] Ký ngày 12/4/2010.
[20] Ký tại Algiers ngày 14/4/2010.
[21] Ký tại Hà Nội ngày 31/10/2011.
[22] Ký tại Hà Nội ngày 21/1/2013.
[23] Lần lượt là 29/12/1958, 22/1/1987, 25/11/1958, 29/12/1958, 7/2/1989, 20/11/1995 và 5/1/1960.
[24] Điều 24.
[25] Ký tại Praha ngày 12/10/1982. Cộng hòa Czech và Cộng hòa Slovakia kế thừa.
[26] Ký tại Sofia ngày 3/10/1986.
[27] Ký tại Hà Nội ngày 18/1/1987.
[28] Ký tại Hà Nội ngày 6/7/1998.
[29] Ký tại Ulanbator 17/4/2000.
[30] Ký tại Bình Nhưỡng ngày 3/5/2002.
[31] Viện Khoa học xét xử (Tòa án nhân dân tối cao), Chuyên đề khoa học xét xử “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài”, 2009, tr. 83.
[32] Được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 14/9/1995.
[33] Về những điểm bất cập của BLTTDS 2004 và sự hoàn thiện của BLTTDS 2015 về vấn đề CNCTH phán quyết TTNN, xem Lê Nguyễn Gia Thiện, Công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 24, Tháng 12/2016, tr. 45-51.
[34] Luật số 24/2004/QH11 được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 15/6/2004.
[35] Như Đức, Áo, Thụy Sỹ…
[36] Công ước New York không nêu rõ cơ quan nào tại nước công nhận và cho thi hành sẽ có thẩm quyền, vì chủ đích của Công ước là trao toàn quyền thiết kế và dự liệu về quy trình CNCTH cho các quốc gia thành viên.
[37] Các tòa án tọa lạc tại nơi bên phải thi hành cư trú, có trụ sở chính hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành.