CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN VIỆT NAM – TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC TIỄN
TS. ĐỖ THỊ HÀ THƯƠNG – Đại học Ngân hàng TP.HCM
THS. TRẦN NGUYỄN CẨM LAI – Đại học Công nghệ Sài Gòn
1. Đặt vấn đề
Hoạt động theo nguyên tắc chủ yếu không vì mục tiêu lợi nhuận; công khai minh bạch trong hoạt động mua, xử lý nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) được thành lập ngày 18 tháng 5 năm 2013 với nhiệm vụ xử lý nợ xấu và giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) khơi thông nguồn vốn ứ đọng nợ xấu để tiếp tục phát triển góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Bài viết nghiên cứu thực trạng hoạt động của VAMC trong thời gian qua; đồng thời, đề xuất một vài khuyến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động của VAMC trong thời gian tới.
2. Nội dung
Khi kinh tế toàn cầu suy thoái dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam trì trệ, kém hiệu quả. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa, tồn kho lớn, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, dẫn đến gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng, hệ quả là nợ xấu của các doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lên nhanh chóng. Để hạn chế tình trạng suy giảm trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng của vấn đề nợ xấu, Chính phủ đã công bố cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo đó, Chính phủ đã lần lượt ban hành các quyết định. Cụ thể:
Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 với những định hướng chính: Đẩy mạnh việc cổ phần hóa DNNN (ngoại trừ DNNN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ); Chấm dứt việc đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm và thực hiện thoái vốn đối với các khoản đầu tư “ngoài ngành”.
Quyết định 254/2012/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 – 2015 quy định tỷ lệ nợ xấu cần được giảm còn 3% chậm nhất vào năm 2015.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và TCTD. Các biện pháp tập trung vào hai nội dung chính:
Thứ nhất, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp thông qua việc cho phép điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ (Quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012) nhưng không chuyển nhóm nợ, giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn có thể tiếp tục vay vốn ngân hàng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh;
Thứ hai, từng bước điều chỉnh lãi suất (bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay) nhằm giảm chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, nợ xấu của các TCTD ngày càng gia tăng. Các TCTD tìm mọi giải pháp nhằm giảm thấp nợ xấu, song hiệu quả không cao. Mục tiêu xử lý nhanh nợ xấu vẫn là một bài toán cần phải giải quyết.
Để đối phó với tình hình nợ xấu gia tăng, Chính phủ đã thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam thuộc NHNN để thực hiện việc mua lại nợ của các NHTM, các TCTD. VAMC được thành lập và hoạt động theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1459/QĐ-NHNN của NHNN Việt Nam. VAMC hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên và có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng. Tại thời điểm VAMC ra đời, có hơn 20 công ty mua bán nợ của các TCTD và 1 công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính (DATC)
Với vốn điều lệ 500 tỷ đồng được NHNN trích từ Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, VAMC tiến hành mua nợ xấu của các TCTD theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng VND có thời hạn tối đa 5 năm với lãi suất 0% được sử dụng để vay tái cấp vốn NHNN. Ngoài ra, VAMC được mua nợ xấu theo giá thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt đối với các khoản nợ xấu đáp ứng đủ các điều kiện quy định. Theo quy định về quy chế hoạt động của VAMC: Các trái phiếu do VAMC phát hành có thời hạn 5 năm và trong 5 năm đó, các TCTD cần phải từng bước trích lập dự phòng rủi ro với tỷ lệ 20% tương ứng với các khoản nợ xấu. Nếu sau 5 năm VAMC không xử lý được các khoản nợ xấu đã mua thì có thể trả lại cho các TCTD. Các khoản nợ xấu được VAMC mua phải bảo đảm 5 điều kiện chung: (1) là nợ xấu của TCTD Việt Nam (gồm nợ xấu trong hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của NHNN); (2) có tài sản bảo đảm; (3) tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ; (4) khách hàng vay còn tồn tại; (5) số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của NHNN. (Khoản 1, Điều 8)
Với cơ chế hoạt động như vậy, VAMC được coi là một công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Thông qua việc sử dụng các chức năng mua, cơ cấu lại hoặc xử lý các khoản nợ xấu, VAMC là mắt xích quan trọng trong việc giải quyết vấn đề thanh khoản, làm sạch bảng cân đối kế toán, và giúp các TCTD có thời gian và khả năng tài chính để bù đắp vào các khoản thua lỗ trước đó.
VAMC chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của NHNN. Về cơ chế xử lý nợ, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ của các TCTD. Tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn tại NHNN. Thông qua việc mua và xử lý nợ xấu, VAMC cung cấp các giải pháp để hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp có khoản nợ được bán cho VAMC. Ngoài ra, VAMC sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý, chính sách thuế… cho doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo cho TCTD, VAMC xử lý nợ và tài sản bảo đảm đã mua. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ được quyền tham gia vào quá trình này theo nguyên tắc thị trường dưới hình thức bán đấu giá.
Từ khi thành lập cho đến ngày 31/12/2014, VAMC đã mua được 119.900 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD với giá mua 108.652 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống cùng thời điểm 3.970.548 tỷ đồng với tổng nợ xấu của toàn hệ thống chiếm 3,25% tổng dư nợ.
Như vậy, sau gần 2 năm thành lập nhưng việc xử lý nợ xấu của VAMC vẫn chưa được như mong đợi. Một trong những nguyên nhân là do mức vốn điều lệ khá nhỏ so với khoản nợ xấu khổng lồ. Bên cạnh đó, cơ chế mua bán nợ vẫn còn phụ thuộc ở biện pháp hành chính, chưa thực sự theo hướng thị trường. Chính vì vậy, ngày 31/3/2015, Nghị định 34/2015/NĐ-CP ra đời về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013. Theo đó, vốn điều lệ của VAMC được bổ sung lên đến 2.000 tỷ đồng. Sau 4 năm hoạt động, số nợ xấu VAMC đã thực hiện mua lại luôn cao hơn so với kế hoạch đề ra. (Hình 1)
Hình 1: Kế hoạch và thực tế mua nợ xấu của VAMC giai đoạn 2013 – 2016
(Nguồn: Tổng hợp các báo cáo)
Trong thời gian qua, bằng nhiều biện pháp khác nhau, VAMC không ngừng xử lý các khoản nợ xấu đã mua lại từ các TCTD, từ 146 tỷ đồng của năm 2013 đến năm 2016, số nợ xấu đã được VAMC xử lý đạt 20.700 tỷ đồng. (Hình 2)
Hình 2: Số nợ xấu VAMC đã xử lý giai đoạn 2013 – 2016
(Nguồn: Tổng hợp các báo cáo)
Mặc dù, số nợ xấu được VAMC xử lý đã gia tăng nhiều trong những năm gần đây nhưng so với số lượng nợ xấu VAMC đã mua vào thì hiệu quả thu hồi nợ vẫn còn chưa đạt được như kỳ vọng. VAMC chủ yếu là việc mua lại nợ xấu, còn việc xử lý và cơ cấu lại nợ xấu thì chưa được nhiều trong tổng số nợ xấu VAMC đã mua.
Điều này do một số nguyên nhân sau:
Một là, trên thực tế hiện nay, phần lớn các khoản nợ xấu TCTD bán cho VAMC được VAMC ủy quyền chủ động thực hiện việc xử lý các khoản nợ đã bán và báo cáo lại cho VAMC. Các TCTD mang các trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành đến NHNN để vay tiền. Như vậy, đây chưa thực sự là giải pháp cơ cấu lại nợ xấu hay làm sạch nợ xấu một cách triệt để.
Hai là, chưa có thị trường mua bán nợ đúng nghĩa. Hiện tại, chủ thể thị trường mua bán nợ có VAMC, công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) và một số công ty quản lý tài sản (AMC) của TCTD. Thực tế trong thời gian qua, phần lớn các AMC của các NHTM với số vốn điều lệ rất thấp (từ 500 tỷ đồng trở xuống) chỉ hoạt động trong phạm vi các tài sản và khoản nợ của NHTM thay vì tham gia vào thị trường mua bán nợ với các AMC khác. Điều này gây khó khăn cho hoạt động của VAMC khi muốn bán lại những khoản nợ xấu đã mua.
Ba là, VAMC chưa được thực hiện đầy đủ các hoạt động nghiệp vụ xử lý nợ. Công tác mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC có kết quả chưa cao. Một số hoạt động nghiệp vụ chưa được tổ chức thực hiện như: Chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay; đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm (TSBĐ) đã được VAMC thu nợ; tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản; đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của TCTD.
Ngoài ra, do còn có nhiều khó khăn về xử lý TSBĐ. Nghị định 53/2013/NĐ-CP chưa quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ đối với các cấp, các ngành trong việc thu giữ tài sản. Vì vậy, dù có trường hợp Ủy ban Nhân dân sở tại và cơ quan công an hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự để VAMC thực hiện thu giữ tài sản nhưng tại thời điểm thu giữ, chủ tài sản chống đối thì cũng không thể ép buộc đối tượng này bàn giao tài sản.
Để giải quyết nợ xấu, sáng ngày 21/6/20017, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Theo đó, đối với việc xử lý tài sản đảm bảo, nghị quyết nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương và công an nơi có tài sản đảm bảo. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu theo giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Quy định này sẽ giải phóng các khoản nợ xấu từ trước đến nay do những người chịu trách nhiệm xử lý nợ xấu không dám bán nợ xấu với giá thị trường nhưng lại thấp hơn giá sổ sách, vì họ có khả năng bị kết tội làm thất thoát tài sản của tổ chức và cá nhân khác. Nghị quyết được coi là giải pháp tình thế rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay để giải quyết nợ xấu trong khi phải cần một khoảng thời gian nhất định để sửa đổi các luật khác. Tuy nhiên, trong thời gian tới để phát huy hiệu quả hoạt động của VAMC, qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết về xử lý nợ xấu của Quốc hội, nhóm tác giả xin khuyến nghị một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa VAMC và cơ quan thi hành án.
Nghị quyết quy định bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo các giấy tờ liên quan cho TCTD và tổ chức mua bán nợ xấu. Trường hợp không bàn giao thì TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, trên thực tế, dù TCTD và tổ chức mua bán nợ xấu có nắm giữ được tài sản thế chấp cùng với tất cả các giấy tờ liên quan đến tài sản này, thì việc bán lại các tài sản này cho một bên thứ ba cũng không chắc đã diễn ra thành công và suôn sẻ nếu người chủ cũ không chịu làm thủ tục sang tên chủ sở hữu cho chủ sở hữu mới, kể cả đó chính là TCTD hay tổ chức mua bán nợ xấu.
Việc thi hành án chậm trễ khiến VAMC bị động khi xử lý nợ xấu. Nếu đẩy nhanh việc xử lý thì tỉ lệ nợ có khả năng mất vốn tại các chi nhánh TCTD sẽ giảm xuống. Việc giải quyết nợ cần hướng theo quan điểm mọi tổ chức, cá nhân không trả nợ, không hợp tác thì sẽ xử lý hình sự theo tội chiếm đoạt tài sản nhà nước.
Thứ hai, cần tạo cơ chế thị trường để các khoản nợ có thể đem ra đấu giá và giải quyết.
Cơ chế thị trường là điều tối quan trọng để giải quyết vấn đề nợ xấu. Cần xây dựng cơ chế thị trường để xử lý các khoản nợ nhanh chóng, hiệu quả. Nếu các khoản nợ chỉ chuyển từ tay người này sang tay người khác thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề. VAMC tiến hành thu hồi nợ bằng nhiều biện pháp, như đôn đốc thu hồi nợ, thu giữ, phát mại TSBĐ, bán nợ theo quy định của pháp luật thông qua đấu giá công khai, minh bạch.
3. Kết luận
Xử lý nợ xấu là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự kết hợp giữa các bộ phận chức năng liên quan với những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. VAMC chỉ là một doanh nghiệp được Nhà nước thành lập với mục tiêu xử lý các khoản nợ xấu của các TCTD. Tuy nhiên để thực hiện được sứ mệnh của mình, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan chức năng cũng như các TCTD.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng
Việt Nam.
2. Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
3. Đào Quốc Tính và Phí Trọng Hiển (2014), VAMC – Bước đi tất yếu trong quá trình hoàn thiện cấu trúc hệ thống quản lý, giám sát nợ xấu các TCTD Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, Số 8, tháng 4/2014.
4. Nguyễn Đắc Hưng (2014), Quan điểm và giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, Tạp chí Ngân hàng, Số 21, tháng 11/2014.
5. Nguyễn Quốc Hùng (2014), Một số giải pháp và hướng xử lý nợ xấu ngân hàng, Tạp chí Thanh tra tài chính, Số 148, tháng 10/2014.
6. Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Văn Thọ và Nguyễn Ngọc Linh (2014), Hoạt động mua bán nợ của VAMC thời gian qua- thực trạng và kiến nghị, Tạp chí Ngân hàng, Số 18, tháng 9/2014.
7. Đào Minh Tâm (2017), Ứng dụng kỹ thuật chứng khoán hóa để giải quyết nợ xấu trong hệ thống NHTM Việt Nam, luận văn, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM.
http://vietnambiz.vn/vamc-om-gan-mot-nua-so-no-xau-duoc-xu-ly-15798.html
http://www.thesaigontimes.vn/158221/Tuong-lai-nao-cho-VAMC-va-no-xau.html
http://vietstock.vn/2013/12/vamc-mua-gan-39000-ty-dong-no-xau-cac-ngan-hang-757-326570.htm
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/nam-2014-vamc-xu-ly-duoc-hon-4000-ty-dong-no-xau-1420030035.htm
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 14/2017
Trích dẫn từ: Cồng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – SBV.GOV.VN