Đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu nhà ở của người nước ngoài

Đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu nhà ở của người nước ngoài


Đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu nhà ở của người nước ngoài
Đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu nhà ở của người nước ngoài

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay làn sóng đầu tư của người nước ngoài vào Việt Nam gia tăng, người nước ngoài đến Việt Nam làm việc và sinh sống ngày càng nhiều nên nhu cầu được mua và sở hữu nhà ở là hết sức quan trọng và cần thiết đối với họ. Vì vậy pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất cụ thể về việc sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên trong thực tế các quy định của pháp luật Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số điểm bất cập. Do đó trong bài tiểu luận của mình nhóm em xin chọn đề tài: “Đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành của pháp luật Việt Nam về vấn sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam” để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1.Hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam

             Theo pháp luật hiện hành, quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài được Bộ luật dân sự 2005, Luật đất đai 2003, Luật nhà ở 2005 và các văn bản khác có liên quan điều chỉnh. Đặc biệt Nghị quyết số 19/2008/NQ- QH12 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam và Nghị định 51/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 là hai văn bản pháp luật trực tiếp điều chỉnh vấn đề này

2.Một số khái niệm cơ bản

a.Khái niệm người nước ngoài

    Theo từ điển Luật học thì “người nước ngoài là người không có quốc tịch của nước mà họ cư trú”

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ – CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các quy định của BLDS về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì: “Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch.

    Như vậy khái niệm người nước ngoài  hiểu theo nghĩa rộng không chỉ bao gồm các thể nhân mang quốc tịch nước ngoài, người không quốc tịch mà còn bao gồm cả các pháp nhân được công nhận có quốc tịch nước ngoài.

b.Khái niệm quyền sở hữu về nhà ở của người nước ngoài

    Theo quy định tại Điều 164 BLDS năm 2005 thì: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản”.

  Như vậy quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài là quyền của cá nhân, tổ chức nước ngoài được chiếm hữu, sử dụng, định đoạt nhà ở đó.

3.Quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam

a.Đối tượng được quyền sở hữu nhà ở

      Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết này đã quy định rõ 5 đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Trong đó với người nước ngoài gồm các đối tượng: Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó; Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương, cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng quyết định; Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế- xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên, người có kiến thức, kĩ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu; Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam

        Người nước ngoài thuộc đối tượng được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam đều là những cá nhân đã, đang và sẽ có đóng góp trong sự phát triển chung của đất nước. Quy định này là một bước tiến lớn trong chế định này nhằm thu hút đầu tư và nguồn chất xám vào Việt Nam. Phạm vi đối tượng sở hữu đã được mở rộng nhưng quy định này vẫn còn khá rụt rè so với nhiều nước trên thế giới.

 b.Điều kiện để người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

      Theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết 19/2008/NQ – QH12 về điều kiện để tổ chức,cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì:

“1. Cá nhân nước ngoài quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 của Nghị quyết này phải đang sinh sống tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2.Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết này phải có giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ chứng nhận hoạt động đầu tư tương ứng với hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư( sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp”

      Như vậy, tùy vào các đối tượng được quy định trong Điều 2 của Nghị Quyết mà có những điều kiện để các tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Trường hợp cá nhân nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam và bị trục xuất khỏi Việt Nam thì nhà ở đó được xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong thời hạn 12 tháng kể từ khi hết hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài phải bán, tặng hoặc cho nhà ở đó.

c.Thời hạn sở hữu nhà ở.

    Theo khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 19/2008/NQ – QH12 thì thời hạn sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam được quy định như sau:

      Thứ nhất đối với cá nhân nước ngoài quy định tại các khoản 1, 2, 3 và Điều 4 của Nghị quyết 19/2008 được sở hữu nhà ở trong thời hạn tối đa là 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.Thời hạn này được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

      Thứ hai đối với  Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 5 Điều 2 của Nghị quyết 19/2008 thì được sở hữu nhà ở tương ứng với thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho doanh nghiệp đó, bao gồm cả thời gian được gia hạn thêm; thời hạn sở hữu được tính từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

d.Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là người nước ngoài

Cũng giống như công dân Việt Nam, người nước ngoài cũng được pháp luật Việt Nam quy định dầy đủ các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở.

  Thứ nhất các quyền của chủ sở hữu nhà ở là người nước ngoài.

 Điều 5 Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 có quy định rất rõ về quyền của chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Về cơ bản, người nước ngoài là chủ sở hữu của nhà ở có  quyền tương tự như  chủ sở hữu là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, có thể nhận ra rất nhiều điểm khác biệt cũng như  sự tiến bộ của quy định mới này. Theo đó, người nước ngoài chỉ có quyền sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại. Đặc biệt, quy định này đã cho phép người nước ngoài được để thừa kế nhà và nhận thừa kế nhà là căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà thương mại. Nếu người nhận thừa kế là người nước ngoài nhưng không thuộc đối tượng được hưởng quyền sở hữu nhà thì vẫn được hưởng giá trị của nhà ở đó. Quy định này đã nhằm bảo vệ quyền lợi của người nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng có thể thấy một trong những quyền mà chủ sở hữu nhà là người nước ngoài bị hạn chế đó là quyền  cho thuê hoặc sử dụng nhà vào mục đích khác. Đối với công dân Việt Nam có quyền cho thuê lại nhà nếu không có nhu cầu sử dụng nhưng đây lại là điều cấm đối với người nước ngoài là chủ sở hữu nhà ở tại Việt Nam (Điều 4 Nghị định 51/2009/NĐ-CP). Khi có hành vi vi phạm người nước ngoài cũng có quyền tố cáo, khiếu nại và được pháp luật bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

 Thứ hai Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là người nước ngoài.

    Bên cạnh quyền lợi, chủ sở hữu nhà ở là người nước ngoài cũng phải thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định. Điều 6 Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 quy định rất rõ nội dung các nghĩa vụ đó. Theo quy định này các chủ sở hữu nhà là người nước ngoài không được phép thực hiện những hành vi mà pháp luật không cho phép. Các nghĩa vụ của các chủ thể này được pháp luật quy định có khắt khe hơn so với nghĩa vụ về nhà ở của công dân Việt Nam. Chủ sở hữu trong trường hợp này buộc phải sử dụng nhà để ở theo đúng mục đích ban đầu mà không được phép chuyển mục đích sử dụng hoặc để cho thuê, đây là một trong nghĩa vụ mà chủ sở hữu phải thực hiện. Theo đó, quyền sở hữu đã bị hạn chế trong quy định này, chủ sở hữu không được định đoạt nhà ở theo ý chí của mình mà bị hạn chế do sự ràng buộc với nghĩa vụ.

e.Thủ tục mua, bán, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài.

      *Thủ tục mua, bán nhà ở

    Một trong các hình thức làm phát sinh, chấm dứt quyền sở hữu chính là qua các giao dịch mua, bán tài sản. Điều 7 Nghị quyết 19/2008/NQ- QH12 đã quy định: “Việc mua, bán nhà ở được lập thành hợp đồng theo quy định của pháp luật về nhà ở. Hợp đồng mua bán nhà ở được lập bằng Tiếng Việt”. Điều này có nghĩa là việc mua bán nhà chỉ được công nhận là hợp pháp khi nó tuân thủ đầy đủ về nội dung và hình thức của hợp đồng mua bán nhà theo quy định của pháp luật (Điều 769 và Điều 770 Bộ luật dân sự Việt Nam). Như vậy, thủ tục mua bán nhà ở cũng được diễn ra tương tự như những giao dịch dân sự về nhà ở không có yếu tố nước ngoài khác.

      *Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở

   Điều 8 Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 đã quy định rất cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, trên cơ sở đó Nghị định 51/2009/NĐ-CP giải thích chi tiết về các thủ tục này trong Điều 7, 8, 9. Theo đó, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã được chuyển giao xuống cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Để nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, cần phải có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên bán, bên tặng cho, bên để thừa kế. Tiếp đó, phải lập một bộ hồ sơ nộp tại Sở xây dựng nơi có căn hộ và chờ xét duyệt. Nhận được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thường phải có rất nhiều các loại giấy tờ khác nhau để hoàn tất một bộ hồ sơ được coi là hợp lệ. Chính vấn đề thủ tục hành chính nhiều khi trở thành rào cản cho người làm muốn sở hữu nhà tai Việt Nam.

4.Những điểm bất cập và giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định về vấn đề này

a.Những điểm bất cập:

Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, ngày càng có nhiều người nước ngoài đến nước ta để đầu tư kinh doanh, làm việc tại các cơ sở trong nước, cụ thể như dạy học, y tế, văn hoá, khoa học công nghệ. Tính đến nay, hiện cả nước đã có gần 100.000 người nước ngoài đang làm việc và sinh sống, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều dự án nước ngoài. Một nhu cầu thiết yếu của họ khi đến Việt Nam là có chỗ ở ổn định để an cư lạc nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài, góp phần khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế đất nước, Quốc hội thông qua nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 hướng dẫn thi hành một số Điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12, qua đó cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam không nhằm mục đích kinh doanh, đồng thời ban hành các định chế hết sức chặt chẽ để đảm bảo chính sách vừa có thể đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người mua nhà, hạn chế tối đa việc lợi dụng chính sách để đầu cơ, hoặc vào các mục đích khác ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và nền kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên các quy định của pháp luật về vấn đề sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể:

Thứ nhất pháp luật Việt Nam còn quy định hạn chế về số lượng và loại nhà ở mà người nước ngoài được sở hữu. Cụ thể Điều 5 nghị quyết 19/2008/NQ – QH12 quy định: “Tại một thời điểm, cá nhân nước ngoài quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 của Nghị quyết này được sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại; nếu đối tượng này được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở khác thì chỉ được chọn sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại, đối với loại nhà ở khác thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó”. Như vậy nghị quyết 19/2008/NQ –QH12 đã hạn chế số lượng là loại nhà ở mà người nước ngoài có quyền sở hữu, điều này làm hạn chế quyền sở hữu về nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam

Thứ hai là hạn chế về thời gian được sở hữu nhà ở. Theo quy định tại Điều 4 nghị quyết 19/2008/ NQ – QH12 thì cá nhân nước ngoài quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 của nghị quyết được sở hữu nhà ở trong thời hạn tối đa là 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 5 Điều 2 của Nghị quyết này được sở hữu nhà ở tương ứng với thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho doanh nghiệp đó, bao gồm cả thời gian được gia hạn thêm. Như vậy việc pháp luật giới hạn thời gian được sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam đã tạo ra sự không yên tâm cho người nước ngoài.

Thứ ba các quy định của pháp luật vẫn còn hạn chế  về đối tượng được quyền mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Thứ tư pháp luật vẫn còn hạn chế về quyền định đoạt với nhà ở do mình là chủ sở hữu của người nước ngoài thể hiện ở hai khía cạnh sau:

  • Pháp luật quy định người nước ngoài chỉ được bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; trường hợp chủ sở hữu nhà ở là cá nhân không thể tiếp tục cư trú tại Việt Nam thì được bán hoặc tặng cho nhà ở đã mua trước thời hạn quy định nêu trên. Trong thời hạn 12 tháng kể từ khi hết thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam các đối tượng trên phải bán hoặc tặng cho nhà ở đó. Hết thời hạn nêu trên người nước ngoài cũng có thể để lại thừa kế theo quy định của pháp luật.
  • Ngoài ra pháp luật cũng quy định người nước ngoài được để thừa kế nhà ở theo quy định của pháp luật về thừa kế của Việt Nam; trường hợp người nhận thừa kế không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì được hưởng giá trị của nhà ở đó.

Bên cạnh đó Nghị quyết 19/2008/NQ – QH12 chỉ quy định người nhận thừa kế mà không thuộc diện sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì được hưởng giá trị của nhà ở đó, còn đối với những người nước ngoài đã được công nhận có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì vẫn được nhận thừa kế căn nhà. Tuy nhiên Điều 68 nghị định 90/2006 thì người được tặng cho nhà ở mà thuộc các diện: Tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép về Việt Nam cư trú có thời hạn 6 tháng, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện chỉ được sở hữu một căn nhà ở và hiện đang có sở hữu nhà ở tại Việt Nam, thì cũng chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó. Tuy nhiên hiện nay vấn đề sở hữu nhà ở của người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài khác nên việc quy định này chưa bị bãi bỏ sẽ tạo nên sự chênh nhau giữa các quy định của pháp luật gây tranh cãi trong thực tế.

Thứ năm  pháp luật còn có các quy định hạn chế người nước ngoài chỉ được dùng nhà ở vào mục đích để ở mà không được dùng để cho thuê, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Thứ sáu còn những tâm lý e ngại đối với người nước ngoài khi mua nhà ở tại Việt Nam. Do hệ thống pháp luật quy định về sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam còn rải rác được quy định trong nhiều luật như Hiến pháp, luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Dân sự,… Hạn chế này, đã tạo ra sự e ngại của người nước ngoài về tính phức tạp của pháp luật Việt Nam, từ đó giới hạn phần nào trong các hoạt động mua bán nhà trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra những điều kiện đặt ra trong Nghị quyết số 19/2008/QH12 còn gây ra nhiều trở ngại cho người nước ngoài. Ví dụ như phải kết hôn với người nước ngoài, đầu tư kinh doanh hoặc có cống hiến đặc biệt được Chủ tích nước và Thủ tướng tặng bằng khen…, quả thật đây là những điều kiện không hề dễ dàng.

Mặt khác, là nhiều người nước ngoài cho rằng giá căn hộ vẫn còn khá cao nên không thuận lợi cho việc làm ăn, kinh doanh sau này, thậm chí kể cả khi đã mua được nhà việc người nước ngoài có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam vẫn đang là vấn đề khó xử lý vướng phải sự đùn đẩy không nỗ lực giải quyết từ phía các cơ quan hành chính nhà nước.

b.Giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Thứ nhất cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở tại Việt Nam. Những đối tượng được sở hữu nhà ở Việt Nam hiện nay thể hiện sự ưu đãi của nhà nước ta với những người có công, những người quản lý. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều đối tượng thực sự mong muốn sinh sống lâu dài ở Việt Nam mà lại không tạo điều kiện cho họ được mua nhà ổn định thì sẽ không công bằng. Hơn nữa trong bối cảnh hội nhập hiện nay việc mở rộng quyền lợi cho người nước ngoài là một xu thế tất yếu. Vì vậy không nên hạn chế đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như hiện nay.

Thứ hai không nên giới hạn thời gian được sở hữu nhà ở của người nước ngoài vì nếu quy định như vậy thì việc giải quyết hậu quả sau khi hết thời hạn sở hữu cũng rất phức tạp. Mặc dù Nhà nước có quyền áp đặt ý chí của mình để hạn chế quyền với những đối tượng mà mình quản lý, nhưng chỉ là thích hợp khi việc hạn chế đó đem lại lợi ích cho đại bộ phận quần chúng. Hơn nữa việc sở hữu nhà ở của người nước ngoài là sở hữu nhà chung cư không có những quy định ràng buộc về thời gian giao đất, cho thuê đất nên việc quy định thời gian sở hữu là không cần thiết.

Thứ ba pháp luật cần sửa đổi các quy định của pháp luật về việc hạn chế số lượng nhà ở và loại nhà ở mà người nước ngoài được quyền sở hữu, theo ý kiến của nhóm pháp luật Việt Nam không nên quy định hạn chế số lượng nhà ở và loại nhà ở mà người nước ngoài được quyền sở hữu bởi vì nếu quy định như vậy sẽ làm cho số lượng người nước ngoài muốn vào Việt Nam sinh sống lâu dài và làm việc giảm xuống làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế và không khuyến khích phát triển đầu tư.

Thứ tư, cần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật trong nước thống nhất hơn và phối hợp với hệ thống pháp luật quốc tế về vấn đề sở hữu. Như đã đề cập ở trên, những quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn rất rải rác, tạo sự khó khăn cho những người muốn tìm hiểu. Vì vậy hệ thống hoá lại các quy định này là điều thực sự cần thiết nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật quốc gia hoàn thiện hơn. Mặt khác, để hội nhập và theo kịp tiến trình toàn cầu hoá chúng ta cũng nên thống nhất pháp luật quốc gia so với pháp luật quốc tế về vấn đề quyền lợi của chủ sở hữu là người nước ngoài đối với tài sản của mình nói chung và sở hữu nhà ở nói riêng.

Thứ năm, nên quy định theo hướng mở rộng quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam. Từ các quy định pháp luật hiện hành cho thấy trong việc thực hiện quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người nước ngoài bị hạn chế rất nhiều về quyền năng chủ sở hữu của mình. Điều này sẽ gây ra hạn chế rất nhiều cho người nước ngoài khi tìm đến với Việt Nam để định cư hoặc đầu tư.

Thứ sáu, nâng cao trình độ pháp luật của đội ngũ những người làm luật và thi hành pháp luật. Để hệ thống pháp luật có thể hoàn thiện và hoạt động một cách hiệu quả là nhờ ý thức chấp hành từ những nhà làm luật và những người thực thi nó. Vì vậy, cần phải liên tục cải thiện nâng cao trình độ, cũng như đạo đức của đội ngũ những người đại diện cho bộ mặt Nhà nước. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Đối với nhứng cá nhân, tổ chức nước ngoài, sở hữu là một vấn đề khá nhạy cảm vì nó là quyền lợi của họ nên việc tìm hiểu về pháp luật nước sở tại là một nhu cầu tất yếu. Pháp luật càng minh bạch, rõ ràng, càng đảm bảo được nhiều quyền lợi của họ thì sẽ càng thu hút được nhiều hơn nữa từ phía các nhà đầu tư nước ngoài, mô hình chung đây cũng là một phương pháp giúp đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của đất nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu.

KẾT LUẬN

Như vậy có thể khẳng định rằng chính sách cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã thể hiện đường lối đổi mới, mở rộng hội nhập của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với xu thế chung của thế giới, góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, các ngành dịch vụ, giải quyết nhu cầu việc làm. Tuy nhiên các quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề sở hữu nhà ở của người nước ngoài vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định cần phải hoàn thiện trong thời gian tới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Giáo trình tư pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb, Tư pháp, Hà Nội,2007

Luật quốc tịch năm

Bộ luật dân sự năm 2005,

Nghị định 138/2006/NĐ – CP ngày 15/11/2006 quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài,

Nghị quyết 19/2008/NQ – QH12 ngày 3/06/2008 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam,

Nghị định số 51/2009/NĐ – CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 hướng dẫn thi hành một số Điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12

Quyền sở hữu của người nước ngoài ở Việt Nam. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Khóa luận tốt nghiệp, Phạm Thị Thu Trang, 2011.

Tìm hiểu các quy định về thí điểm cho người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam, khóa luận tốt nghiệp, 2010, Nguyễn Thị Thanh Huyền.


 

1900.0191