KỸ NĂNG ÁP DỤNG ÁN LỆ TRONG QUAN HỆ DÂN SỰ CỤ THỂ

KỸ NĂNG ÁP DỤNG ÁN LỆ TRONG QUAN HỆ DÂN SỰ CỤ THỂ

THS.LS. ĐỖ ĐĂNG KHOA

Trong bối cảnh toàn cầu hóa dẫn tới xu hướng giao thoa giữa các hệ thống pháp luật trên thế giới, trong đó các quốc gia có truyền thống dân luật (Civil Law) ngày càng coi trọng vai trò của án lệ trong việc xét xử tại Tòa án. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, án lệ từ chỗ chỉ là chủ để nghiên cứu trao đổi của các nhà luật học trong nước thì nay đã trở thành vấn đề mới trong cải cách hệ thống pháp luật ở nước ta.

Thuật ngữ “án lệ” lần đầu tiên xuất hiện trong chính sách của Đảng tại Nghị quyết số 48/2005/-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, theo đó một trong những giải pháp về xây dựng pháp luật Việt Nam là “Nghiên cứu về khả năng khai thác và sử dụng án lệ, tập quán, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật”. Sau hơn mười năm, đến năm 2016 thì lần đầu tiên mười án lệ được công bố, theo đó: các quyết định, bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về một vụ việc cụ thể có chứa đựng các lập luận để giải thích về các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra các nguyên tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng trong việc giải quyết vụ việc đó sẽ được áp dụng nhằm bảo đảm các vụ án giống nhau phải được xét xử và phán quyết như nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng án lệ trong các quan hệ dân sự cụ thể hiện còn quá mới mẻ đối với thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, luật sư và những người tham gia tố tụng khác nên việc nghiên cứu, phổ biến, đào tạo, hội thảo nhằm nâng cao kỹ năng áp dụng án lệ là việc làm rất cần thiết hiện nay.

1. Nguyên tác áp dụng án lệ theo pháp luật Việt Nam

Liên quan đến án lệ hiện nay được quy định tại nhiều văn bản pháp luật, do vậy để áp dụng án lệ một cách chính xác, hiệu quả cần phải hệ thống hóa và hiểu rõ nguyên tắc chung khi áp dụng án lệ, cụ thể:

a) Thẩm quyền ban hành và áp dụng án lệ

Hiến Pháp năm 2013, quy định: “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014, quy định: “Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, bản án quyết định pháp luật đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu và áp dụng trong xét xử”. Như vậy, Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền ban hành án lệ và tòa án nhân dân các cấp có thẩm quyền áp dụng án lệ. Những người khác như: kiểm sát viên, luật sư, đương sự chỉ được quyền đề xuất, kiến nghị Toà án áp dụng án lệ.

b) Trường hợp được áp dụng án lệ

Khoản 2 Điều 6 Bộ Luật Dân sự năm 2015, quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.

Theo khoản 3 Điều 45 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật. Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố”.

Về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử, tại Nghị quyết 03/2015/NQ – HĐTP của Tòa án nhân dân tối cao, Điều 8 quy định:“Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án. Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ”.

Với các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành đã trích dẫn ở trên cho thấy án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Án lệ có thể được áp dụng trong hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Áp dụng án lệ để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Nghĩa là vụ việc đã có quy phạm pháp luật điều chỉnh nhưng có thể có nhiều cách hiểu khác nhau về cùng một quy định hoặc có nhiều quy định để lựa chọn áp dụng. Trường hợp này, giá trị pháp lý của án lệ đứng sau văn bản pháp luật và không thể thay thế văn bản pháp luật. Điều này có nghĩa là cơ sở giải quyết vụ việc vẫn là văn bản pháp luật chứ không phải là án lệ. Án lệ không đứng độc lập mà phải diễn giải từ những quy định pháp luật thành văn. Khi xét xử, án lệ có tính chất tham khảo chứ không bắt buộc, tuy nhiên án lệ cần được khuyến khích áp dụng để tăng tính thống nhất trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau.

Trường hợp 2: Tòa án có thể áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc dân sự khi không có quy định pháp luật, không thể áp dụng tập quán và tương tự pháp luật. Tuy nhiên, xem xét tiêu chí lựa chọn án lệ tại Nghị quyết 03/2015/NQ – HĐTP, Điều 2: “Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây: (i) Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; (2) Có tính chuẩn mực; (3) Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau”. Theo tôi, Nghị quyết 03 chưa rõ ràng về tiêu chí chọn án lệ cho trường hợp vụ việc cần giải quyết nhưng không có quy định của pháp luật, nguồn án lệ hiện tại theo hướng án lệ nhằm giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật. Thiết nghĩ tới đây Tòa án nhân dân Tối cao cần mở rộng, xác định rõ tiêu chí lựa chọn án lệ để tạo nguồn cho án lệ áp dụng trong trường hợp vụ việc dân sự cần xét xử nhưng không có quy định của pháp luật có như vậy án lệ mới phát huy đầy đủ ý nghĩa của nó.

2. Áp dụng án lệ trong các quan hệ dân sự cụ thể

a) Tìm kiếm án lệ tương tự để áp dụng

Theo Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP, thì “Án lệ được đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Toà án và được đưa vào Tuyển tập án lệ xuất bản theo định kỳ 12 tháng”. Hiện nay mới có mười (10) án lệ được công bố nên việc tìm kiếm án lệ tương tự để áp dụng rất dễ dàng, nhưng khi số lượng án lệ được nâng lên con số hàng trăm, hàng ngàn thì tôi cho rằng việc tìm kiếm án lệ trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao (http://anle.toaan.gov.vn) là nhanh chóng và tiện lợi nhất, bởi nó có nhiều lựa chọn khi tìm kiếm, ví dụ: theo lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình và người chưa thành niên, kinh doanh thương mại, lao động hoặc theo tên án lệ, số án lệ, từ khóa….Mặt khác tác giả cũng kiến nghị Tòa án tối cao cần nâng cấp Trang Án lệ để thuận lợi hơn cho người đọc trong việc nghiên cứu, tìm kiếm, sử dụng án lệ, ví dụ: không chỉ tải về mà cần có thêm các lựa chọn: in án lệ, gửi email, chia sẻ.

Hiệu lực của án lệ cũng là điểm quan trọng cần lưu tâm, bởi một án lệ đã công bố nhưng có thể chưa có hiệu lực áp dụng. Theo Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP, thì “Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao”. Do vậy, chúng ta cần xác định hiệu lực áp dụng của án lệ ngay từ bước tìm kiếm án lệ.

b) Phân tích và vận dụng án lệ

Trong những án lệ được công bố áp dụng, về bố cục chung của án lệ gồm có chín phần, đó là: Án lệ số; Nguồn áp dụng; Khái quát nội dung án lệ; Quy định pháp luật liên quan đến án lệ; Từ khóa của án lệ; Nội dung vụ án; Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định; Quyết định và Nội dung án lệ. Đi vào chi tiết án lệ có rất nhiều nội dung và các nội dung này không có giá trị như nhau, trong đó có những nội dung chỉ mang tính tham khảo và có nội dung có tính ràng buộc như “Khái quát nội dung án lệ” và “Nội dung án lệ”. Để án lệ được áp dụng chính xác và hiệu quả thì việc phân tích và vận dụng án lệ là một kỹ năng rất quan trọng.

Theo Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP, khi áp dụng án lệ phải: “bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án”. Với định này để áp dụng án lệ cần đáp ứng được hai điều kiện, đó là:

(i) Giữa vụ việc đang giải quyết và án lệ phải có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau: Yêu cầu đầu tiên là phải cùng một loại quan hệ dân sự. Sau đó là tình tiết cơ bản giữa hai vụ việc dân sự phải giống nhau, cụ thể là các tình tiết chính của vụ việc đó, phản ánh về nội dung mối quan hệ dân sự đang phát sinh tranh chấp hoặc có yêu cầu giải quyết. Nói cách khác, đây là những tình tiết quan trọng làm cơ sở cho yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng trên thực tế không có trường hợp nào mà các tình tiết của vụ việc này lại giống hoàn toàn với tình tiết của vụ việc khác. Do đó, sẽ là phi thực tế nếu cho rằng án lệ chỉ được áp dụng khi và chỉ khi các tình tiết của vụ việc dân sự đang giải quyết phải giống hoàn toàn các tình tiết của vụ việc dân sự trong bản án, quyết định có chứa đựng án lệ. Vì thế, tác giả cho rằng án lệ được áp dụng khi “các tình tiết cơ bản” của vụ việc dân sự đang được giải quyết được xác định là tương tự với “các tình tiết cơ bản” của vụ việc dân sự trong bản án, quyết định có chứa đựng án lệ.

Ví dụ: Án lệ số 04/2016/AL tại phần Khái quát nội dung của án lệ: “Trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất”. Tác giả cho rằng phần này chính là “tình tiết cơ bản của vụ việc”, giả sử vụ việc đang giải quyết có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nội dung khái quát này thì có thể áp dụng Án lệ số 04/2016/AL.

Mặc dù, trong phần nội dung Án lệ số 04/2016/AL trình bày rất nhiều tình tiết, thậm chí nhiều quan hệ pháp luật có tranh chấp cần giải quyết, ví dụ: “Căn cứ vào đơn khởi kiện đề ngày 05-11-2007 và các lời khai của bà Tý, ông Tiến trong quá trình giải quyết vụ án thì bà Tý, ông Tiến yêu cầu ông Ngự, bà Phấn trả lại toàn bộ nhà, đất mà ông bà đã nhận chuyển nhượng của ông Ngự, bà Phấn đang do vợ chồng ông Ngự chiếm giữ, đồng thời yêu cầu ông Ngự, bà Phấn dỡ bỏ phần xây dựng trái phép trên diện tích đất trên. Như vậy, nguyên đơn có yêu cầu đòi quyền sở hữu nhà, đất mà ông Ngự, bà Phấn đã sang nhượng theo hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất lập ngày 26-4-1996. Trong khi đó, ông Ngự, bà Phấn cho rằng phần đất có tranh chấp vẫn là của ông bà, vì ông bà chưa chuyển nhượng cho bà Tý, ông Tiến. Do đó, có cơ sở xác định các đương sự tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết là vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà, đất là chưa đầy đủ”. Rất nhiều những tình tiết, sự kiện pháp lý khác biệt trong phần nội dung vụ án tại Án lệ chỉ có ý nghĩa cung cấp thông tin giúp người đọc hiểu được án lệ và tham khảo chứ không buộc phải giống như vụ việc đang giải quyết.

(ii) Giữa vụ việc đang giải quyết và án lệ phải có sự tương đồng về vấn đề pháp lý:

Theo Nghị quyết số 03/2015, thì án lệ chỉ được xác lập để giải quyết vấn đề pháp lý liên quan trực tiếp đến lựa chọn quy định cụ thể của pháp luật để áp dụng mà quy định của pháp luật đó còn có cách hiểu khách nhau hoặc lựa chọn, xác lập nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể. Như vậy, khi đã có án lệ, người tiến hành tố tụng phải xem xét, so sánh vấn đề pháp lý cần được giải quyết trong vụ việc dân sự mà Tòa án đã thụ lý với vấn đề pháp lý đã được giải quyết bằng án lệ nhằm tìm ra sự tương đồng hay khác biệt, làm cơ sở quyết định áp dụng hay không áp dụng án lệ đó. Bên cạnh đó, trên phương diện áp dụng pháp luật, thì án lệ bao gồm hai loại: án lệ về áp dụng pháp luật nội dung và án lệ về áp dụng pháp luật tố tụng. Do đó, tùy từng vụ việc dân sự mà Tòa án áp dụng một trong hai loại án lệ nêu trên để giải quyết.

Mặt khác, Tòa án có quyền không viện dẫn án lệ trong trường hợp án lệ không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật tại thời điểm áp dụng và không áp dụng án lệ khi có chuyển biến tình hình dẫn tới việc án lệ không còn phù hợp. Tác giả cho rằng, Nghị quyết 03/2015 quy định: “Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ” là rất mơ hồ, khó hiểu, thời gian tới Tòa án Tối cao nên xem xét bỏ quy định này để án lệ có điều kiện thuận lợi phát huy thế mạnh của mình.

Ví dụ: Án lệ số 04/2016/AL tại phần Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ, có ghi: “Khoản 2 Điều 176 của Bộ luật Dân sự năm 1995: “Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp sau đây: 2- Được chuyển giao quyền sở hữu theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Và Điều 15 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986: “Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản chung. Việc mua bán, đổi, cho, vay, mượn, và những giao dịch khác có quan hệ đến tài sản mà có giá trị lớn thì phải được sự thoả thuận của vợ, chồng”. Trong án lệ này, Hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất các bên đã lập ngày 26-4-1996, do vậy Căn cứ pháp lý là Bộ luật Dân sự năm 1995 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986. Nhưng giả sử vụ việc đang giải quyết cần áp dụng luật hiện hành là Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì người áp dụng án lệ cần phải kiểm tra quy định tương ứng của hai luật này khi xem xét tính pháp lý để quyết định có hay không áp dụng Án lệ số 04/2016/AL.

Tóm lại: Việc áp dụng án lệ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của nước ta. Ý nghĩa và giá trị của án lệ đã được thừa nhận tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, Nhật bản và theo kinh nghiệm quốc tế thì việc áp dụng án lệ là phương thức hiệu quả để góp phần nâng cao năng lực của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại, đặc biệt là những tranh chấp có yếu tố nước ngoài, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch, chính xác và đáp ứng được yêu cầu đa dạng trong việc giải quyết tranh chấp dân sự nói chung. Tuy nhiên, án lệ còn quá mới mẻ tại Việt Nam, từ năm 2016 tới nay mới chỉ có mười (10) án lệ được ban hành và mới có Tòa án tại Quảng Ngãi áp dụng Án lệ số 04 vào xét xử. Vậy nên, để án lệ đạt được mục tiêu như kỳ vọng, trong thời gian tới cần nghiên cứu học tập kinh nghiệm quốc tế và Tòa án tối cao cần tiếp sửa đổi, hoàn thiện quy định về lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các cơ sở đào tạo phải chú trọng đến việc tuyên truyền phổ biến án lệ cho nhân dân và đặc biệt là nâng cao kỹ năng, kiến thức của thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, luật sư trong việc áp dụng án lệ.

………………………….

Tài liệu tham khảo:

1) Đỗ Văn Đại (2017), Nhận diện giá trị của các nội dung trong quyết định tạo lập án lệ, Trang Tòa án nhân dân Tối cao – Án lệ – http://anle.toaan.gov.vn/toaan/faces/lnk/dt/chitietnghiencuuanle?

2) Ngô Cường (2017), Áp dụng án lệ, Trang Tòa án nhân dân Tối cao – Án lệ – http://anle.toaan.gov.vn/toaan/faces/lnk/dt/chitietnghiencuuanle?

3) Nguyễn Minh Đoan (2017), Giảng dạy pháp luật trong điều kiện án lệ được thừa nhận và áp dụng ở Việt Nam, Kỷ hiếu Hội thảo khoa học Quốc tế – Án lệ – lý luận, thực tiễn ở Việt Nam và một số nước, Trường Đại học Luật Hà Nội.

4) Nguyễn Hồng Hải (2017), Án lệ nhìn từ góc độ quan điểm, chính sách trong xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015, Kỷ hiếu Hội thảo khoa học Quốc tế – Án lệ – lý luận, thực tiễn ở Việt Nam và một số nước, Trường Đại học Luật Hà Nội.

5) Lê Mạnh Hùng (2017), Áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án nhân dân, Trang Tạp chí Dân chủ và Pháp luật –http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=219.

6) Đỗ Thị Ánh Hồng (2017), Kinh nghiệm của Mỹ về án lệ – tham khảo cho việc sử dụng án lệ ở Việt Nam hiện nay, Kỷ hiếu Hội thảo khoa học Quốc tế – Án lệ – lý luận, thực tiễn ở Việt Nam và một số nước, Trường Đại học Luật Hà Nội.

7) Hà Thị Út (2017), Án lệ ở Úc và kinh nghiệm cho việc sử dụng án lệ ở Việt Nam Hiện nay, Kỷ hiếu Hội thảo khoa học Quốc tế – Án lệ – lý luận, thực tiễn ở Việt Nam và một số nước, Trường Đại học Luật Hà Nội

8) Nguyễn Văn Năm (2017), Án lệ và vấn đề giải thích pháp pháp luật của Tòa án, Kỷ hiếu Hội thảo khoa học Quốc tế – Án lệ – lý luận, thực tiễn ở Việt Nam và một số nước, Trường Đại học Luật Hà Nội.

9) Lại Thị Phương Thảo (2017), Nguyên tắc xây dựng và áp dụng án lệ, kinh nghiệm một số nước và một số gợi mở cho Việt Nam, Kỷ hiếu Hội thảo khoa học Quốc tế – Án lệ – lý luận, thực tiễn ở Việt Nam và một số nước, Trường Đại học Luật Hà Nội.

SOURCE: TỌA ĐÀM “ Kỹ năng của tổ chức và cá nhân ngoài tòa án về đề xuất xây dựng, áp dụng án lệ trong quan hệ dân sự cụ thể” – Bộ Tư pháp & JICA, Cà Mau 21/9/2017

1900.0191