MỘT “LỖI KỸ THUẬT” CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

MỘT “LỖI KỸ THUẬT” CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

 ĐỖ KHẮC CHIẾN – Chuyên gia Sở hữu trí tuệ, Trong tài viên VIAC

Gần đây, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) yêu cầu các khách sạn tại Đà Nẵng trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc. VCPMC khẳng định cơ sở pháp luật là Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ có thực sự là cơ sở pháp luật để VCPMC thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc?

Cho đến nay, vụ việc vẫn đang trong tình trạng “treo”, bởi theo VCPMC, việc tổ chức này thu tiền sử dụng tác phẩm dựa trên Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT), cụ thể là quy định về quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng tại điểm b) khoản 1 Điều 20 Luật SHTT. Còn cơ quan quản lý nhà nước cũng khẳng định việc VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền có cơ sở pháp luật, nhưng đó là Điều 33 Luật SHTT.

Việc khẳng định Điều 20 hoặc Điều 33 Luật SHTT là cơ sở pháp luật để VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền kéo theo những hệ quả pháp lý quan trọng đối với các bên có liên quan.

Để khẳng định Điều 33 Luật SHTT là cơ sở pháp luật, cần phải chứng minh rằng hành vi sử dụng tác phẩm âm nhạc của khách sạn thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 33 Luật SHTT.

Khoản 1 Điều  33 Luật SHTT quy định về "Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng" và khoản 2 Điều 33  quy định về "Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại".

Hai quy định trên thể hiện rõ ràng phạm vi của giới hạn tại Điều 33 Luật SHTT,  theo đó Điều 33 Luật SHTT chỉ quy định giới hạn quyền của nhà sản xuất “bản ghi âm, ghi hình” nhằm mục đích ‘phát sóng’ hoặc "trong hoạt động kinh doanh, thương mại”.

Tuy nhiên, theo Điều 30 Luật SHTT, nhà sản xuất “bản ghi âm, ghi hình” không có độc quyền phát sóng “bản ghi âm, ghi hình” và không có đc quyền sử dụng “bản ghi âm, ghi hình” trong hoạt động “kinh doanh, thương mại”.

Việc đối chiếu các quy định tại Điều 30 Luật SHTT (quyền của nhà sản xuất “bản ghi âm, ghi hình”) và Điều 33 Luật SHTT (giới hạn một phần quyền của nhà sản xuất “bản ghi âm, ghi hình”) cho phép khẳng định chắc chắn rằng Điều 33 Luật SHTT không áp dụng đối với bất kỳ một hành vi nào thuộc phạm vi quyền của nhà sản xuất “bản ghi âm, ghi hình”.

Nói khác đi, Điều 33 Luật SHTT không quy định bất kỳ một trường hợp nào trong “Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao”.

Vì Điều 33 Luật SHTT không điều chỉnh bất kỳ một hành vi nào nên việc xác định hành vi sử dụng tác phẩm âm nhạc mà VCMC yêu cầu khách sạn trả tiền là không cần thiết.

Như vậy, Điều 33 Luật SHTT không thể là cơ sở pháp luật để VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc, bất kể đối tượng của hành vi sử dụng là gì; ai là người sử dụng; sử dụng dưới hình thức nào, ở đâu, lúc nào, nhằm mục đích gì.

Điều 33 Luật SHTT (các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao)

"1. Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật".

SOURCE: BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ
Trích dẫn từ: http://enternews.vn/mot-loi-ky-thuat-cua-luat-so-huu-tri-tue-115898.html
1900.0191