NGƯỜI TRÍ THỨC TRONG THỜI ĐẠI TOÀN CẦU HÓA
PHẠM PHƯƠNG CHI
Người trí thức là lương tâm, lương tri của dân tộc
Người trí thức chân chính phải ý thức về vai trò của họ như là lương tâm, lương tri của dân tộc. Không phải ai làm việc với chữ nghĩa, sách vở và với tư tưởng đều là trí thức. Trái lại, người trí thức chân chính không chỉ thụ hưởng và tận dụng các điều kiện vật chất, truyền thống tri thức và văn hóa sẵn có của dân tộc đó. Quan trọng hơn, họ còn phải làm cho dân tộc đó thay đổi và vận động theo hướng văn minh một cách toàn diện. Đó không chỉ là sự văn minh về điều kiện vật chất; quan trọng hơn, đó là văn minh trong văn hóa – quy tắc và truyền thống ứng xử và tư duy – làm sao để diện mạo, tri thức, khả năng và tư tưởng của mọi công dân hay mọi cá thể được tôn trọng và phát huy tối đa và toàn diện.
Vai trò là lương tâm, lương tri của dân tộc này đúng với trí thức làm việc ở các ngành nghề khác nhau và đặc biệt đúng với những người nghiên cứu trong ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Khoa học xã hội và nhân văn là công cụ thiết yếu để xây dựng tinh thần và tư tưởng của công dân theo hướng nhằm đảm bảo tính thống nhất và bản sắc riêng biệt của một quốc gia – dân tộc.
Đặc biệt, sự gắn bó có lương tri và đầy trách nhiệm của các nhà khoa học với các vấn đề của dân tộc là con đường chiến lược để Việt Nam có hệ tư tưởng và phát triển bản sắc dân tộc theo hướng có thể đối thoại với thế giới và có đóng góp vào hệ tư tưởng nhân loại, hóa giải định kiến cho rằng Việt Nam chỉ là nước theo sau, tiếp thu hay lặp lại tri thức và các mô hình xã hội, văn hóa, kinh tế của thế giới.
Phản biện là phẩm chất quan trọng nhất
Trong việc thực hiện vai trò là lương tri, lương tâm của dân tộc, sự phản biện là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của người trí thức chân chính. Sự phản biện này được thể hiện ở hai phương diện: Năng lực phản biện và tinh thần dám phản biện.
Thứ nhất, người trí thức có năng lực phản biện là người có thể nhận thức và làm cho người khác nhận thức rằng, các trật tự xã hội, chính trị, văn hóa, thậm chí các thói quen nói, viết và tư duy của chúng ta không phải là tự nhiên, sẵn có và bất di bất dịch, mà phần lớn là kết quả và là thành phần của quá trình xây dựng và phát triển của một thiết chế chính trị nhất định. Người có năng lực phản biện là người thức tỉnh và làm cho người khác thức tỉnh trước những lối mòn, những thói quen, những cái được (bị) “bình thường hóa” trong cuộc sống của mình và của những người xung quanh: Chúng là sản phẩm và là mắt xích của quá trình xây dựng một chính thể nhất định, trong một hoàn cảnh nhất định.
Sự nhận thức này không phải là để có thái độ tiêu cực với tri thức và chính quyền – bởi vì sự gắn bó của tri thức và chính quyền là điều khó tránh khỏi, mà quan trọng hơn, là để ý thức và chấp nhận sự tồn tại của những tri thức, những hành xử khác, bên ngoài trật tự hay bên ngoài cái được gọi là bình thường. Đặc biệt, sự thức tỉnh này còn gợi ra tính khả thi của việc người trí thức tham gia duy trì sự vững mạnh của chính quyền và phát triển quốc gia – dân tộc thông qua việc thêm vào hay thay đổi những trật tự tri thức và hành xử văn hóa hiện hành bằng những trật tự văn minh hơn. Trong trật tự mới này, người trí thức nói riêng và con người nói chung – với tất cả các năng lực, phẩm chất và diện mạo khác nhau của họ – được tôn trọng và phát huy tối đa.
Thứ hai, để thực hành sự phản biện, người trí thức cần phải có tinh thần dám phản biện. Bởi vì, sự phản biện lại và gợi ý những điều khác so với những trật tự đang có thường vấp phải sự phủ nhận của những cá nhân và tổ chức mà quyền lợi chính trị và kinh tế của họ đang gắn với trật tự hiện có. Ngay cả quyền lợi của bản thân nhiều người trí thức – đặc biệt là các trí thức làm việc và có vị trí trong các cơ quan, đoàn thể nhà nước – cũng nhiều khi gắn với những trật tự hiện đang tồn tại.
Do đó, để thực hành sự phản biện – tháo gỡ quá trình hình thành các trật tự văn hóa, xã hội hiện thời trong mối tương quan với quá trình xây dựng một chính thể và gợi ý những trật tự khác so với trật tự hiện có, người trí thức cần phải vượt qua quyền lợi và sự tiện lợi cá nhân, nghĩ cho quyền lợi và sự tiện lợi của số đông nhân dân và hơn hết là nghĩ cho sự văn minh, sự bền vững và sự tự chủ về lâu dài của quốc gia – dân tộc mình.
“Vật chất quyết định ý thức”; vì thế, để người trí thức gắn bó trí tuệ và tâm huyết của mình cho sự phát triển của dân tộc, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách – ví dụ như việc hiện thực hóa Nghị định số 40/2014/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ để đảm bảo cho người trí thức có thể “kiếm sống” bằng công việc liên quan đến tri thức của mình. Sự trọng dụng qua chính sách đãi ngộ cũng tránh được tình trạng người trí thức buộc phải từ bỏ hai chữ “chân chính” vì phải kiếm sống bằng việc cố gắng nắm, giữ các vị trí xã hội – chính trị (chức vị, “làm quan”) hay làm việc cho các cơ quan, tổ chức nước ngoài (mà kết quả nghiên cứu chủ yếu chỉ phù hợp và làm lợi cho hệ tư tưởng chính trị – học thuật cũng như các dự án kinh tế – xã hội của quốc gia mà cơ quan, tổ chức đó phụ thuộc).
Để trí thức có tinh thần tích cực
Sự quản lý của Nhà nước – Chính phủ đối với kết quả nghiên cứu của người trí thức cần phải được tiến hành một cách văn minh nhằm tránh xúc phạm, tổn thương và làm thui chột nhiệt huyết cống hiến của người trí thức, để họ không có thái độ và hành động tiêu cực đối với dân tộc và Chính phủ. Đúng là chính thể nào cũng có sự kiểm duyệt đối với tri thức nhằm đảm bảo tri thức đó không nguy hại đối với sự tồn tại của chính thể đó. Tuy nhiên, giữa người trí thức và người làm công tác quản lý (nhiều người trong số này cũng là trí thức) thường có độ chênh và sự khác biệt về truyền thống giáo dục, nền tảng tri thức và trình độ chuyên môn.
Vì thế, cần thiết phải lập hội đồng khoa học bao gồm các nhà khoa học trong và ngoài nước – những học giả quốc tế nghiên cứu về Việt Nam, có thái độ phải chăng đối với nhân dân và Chính phủ Việt Nam và thường thẩm định miễn phí – để đánh giá giá trị khoa học và đóng góp của công trình khoa học đối với thực tại và tương lai của dân tộc Việt Nam. Những thành viên trong hội đồng phải không biết và không có mối quan hệ quen biết với tác giả của công trình nghiên cứu. Ngược lại, tác giả của công trình nghiên cứu không bao giờ được biết người đánh giá mình là ai. Các thành viên hội đồng cũng làm việc độc lập và không chia sẻ công việc thẩm định của mình với ai. Trong chu trình này, Nhà nước vẫn thể hiện vai trò chủ đạo của mình thông qua việc hình thành bản danh mục các tiêu chuẩn đánh giá và yêu cầu các thành viên hội đồng đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn đó. Cuối cùng, kết quả thẩm định – dù bác bỏ hay chấp thuận – cần được trình bày thuyết phục và khích lệ, thể hiện sự tôn trọng đối với người trí thức, để họ tiếp tục công việc trong một tinh thần tích cực đối với quốc gia – dân tộc và chính thể.
Để trí thức tự do và bứt phá
Cần để cho quá trình nghiên cứu và sản sinh tri thức của người trí thức một khu “tự trị” tương đối, tức là sự tự do và sự bứt phá trong hoạt động tri thức của người trí thức cần được tôn trọng và phát huy. Tự do và bứt phá là yếu tố tạo ra sự phát triển về tư tưởng khoa học và tư tưởng xã hội. Mỗi cá thể người trí thức – bất kể là có chức hay không có chức – có quyền tự do lựa chọn phương pháp nghiên cứu, tư tưởng học thuật và cách trình bày, công bố tri thức theo cách riêng của mình, không cứ phải giống hay đi theo những thói quen tư duy và thực hành xã hội đang hiện hành và thịnh hành và không cứ phải giống hay đi theo những lối đi đã vạch ra bởi thế hệ đi trước và những người làm công tác quản lý. Theo một cách nào đó, trong một môi trường mà ở đó tri thức khoa học được coi là sản phẩm hàng đầu, quyền hành chính trị và quyền hành hành chính không nên là yếu tố chi phối. Thay vào đó, người trí thức là trung tâm; sự sáng tạo và hoạt động nghiên cứu của họ cần được tôn trọng một cách tối đa; người làm quản lý hay những nhà tiền bối không phải là người có quyền can thiệp, chỉ đạo quá sâu vào tư duy hay quá trình nghiên cứu của nhà khoa học. Trái lại, người quản lý và người tiền bối nên đóng vai trò khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất sao cho những ý tưởng khoa học mang tính sáng tạo và tính bứt phá được thực hiện.
Để tôn trọng sự khác biệt
Cần hình thành điều luật hay ít nhất là nội quy ở các cơ quan đoàn thể hướng tới sự tôn trọng một cách tối đa sự đa dạng và khác biệt về diện mạo, tri thức, khả năng và tư tưởng của cá nhân người trí thức. Sự tôn trọng này thể hiện ở hai phương diện. Thứ nhất, đó là việc sẵn sàng trao quyền đảm nhiệm và quản lý các nhiệm vụ khoa học và nhiệm vụ xã hội dựa trên tiêu chuẩn là năng lực, thành tích và ý thức trách nhiệm đối với dân tộc – quốc gia của các cá nhân người trí thức, chứ không phải dựa trên tiêu chuẩn là nam hay nữ, nhiều tuổi hay ít tuổi, nhiều tiền hay ít tiền, có chức hay không có chức, đẹp hay xấu và là đảng viên hay không (chưa) là đảng viên. Thứ hai, đó là việc hình thành chế định, chế tài ở các cơ quan đoàn thể đối với những hành vi thể hiện sự phân biệt đối xử đối với các cá nhân. Vì lý do văn hóa và lịch sử, nhiều ngôn từ và hành xử thể hiện và góp phần duy trì sự phân biệt đối xử; ví dụ, như về giới và tuổi, diễn ra một cách vô thức và được coi là bình thường.
Chẳng hạn: nữ luôn luôn giữ vị trí là phó hay trợ lý cho nam; các chính sách về thưởng, tặng, khen được phân bổ theo kiểu phải người nhiều tuổi hơn nhận trước rồi mới đến người trẻ hơn; người nhiều tuổi hơn thường được coi và tự cho mình quyền chỉ đạo hoạt động tri thức của người ít tuổi hơn. Hay như việc khuyến khích quan hệ vai vế gia đình trong công sở (tình anh chị em, thầy trò, cô chú cháu, v.v…) vô hình dung đang truy trì trật tự thứ bậc và sự phân biệt trong công việc, từ đó kìm hãm sự bứt phá và phát triển.
Phải mất một thời gian dài để thay thế và cải biến những thực hành văn hóa (và kèm theo đó là trật tự xã hội) cũ với nhiều định kiến xã hội. Tuy nhiên, ít nhất, việc hình thành luật hay nội quy nhằm hạn chế và nghiêm cấm những hành vi ứng xử và ngôn ngữ hàm chứa và duy trì sự phân biệt và xử lý nếu vi phạm sẽ dần dần làm cho các thực hành văn hóa cũ biến mất. Ngay cả những nước phát triển trên thế giới cũng đã và đang nỗ lực thay thế văn hóa cũ bằng văn hóa mới thông qua luật định và nội quy nghiêm cấm những thực hành – dù là trên lời nói – thể hiện sự phân biệt.
Việc gia nhập toàn cầu hóa mang lại cho Việt Nam những cơ hội phát triển, nhưng cũng đặt ra một số thách thức. Một trong những thách thức này là việc có thể mất đi ý thức dân tộc và mất đi ý hướng về sự tồn tại và phát triển của một quốc gia – dân tộc.
Tuy nhiên, để toàn cầu hoá không biến thành một mô hình giống như thực dân hóa, cần thiết phải duy trì và phát triển dân tộc – quốc gia, vừa theo các xu hướng tiên tiến của thế giới, lại vừa phát huy nguồn tri thức và văn hóa của dân tộc để có thể đối thoại, đóng góp và ảnh hưởng lại thế giới. Quá trình phát triển dân tộc theo xu hướng này không thể thiếu vai trò của người trí thức – những người đề xuất và xây dựng những hệ tri thức và hệ tư tưởng vừa phù hợp với xu hướng văn minh của thế giới, vừa đảm bảo tính thống nhất và bản sắc riêng biệt của một quốc gia – dân tộc. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách để huy động một cách tối đa, tổng lực tri thức, khả năng trí tuệ, trách nhiệm xã hội và sự gắn bó với quốc gia – dân tộc của người trí thức trong bối cảnh gia nhập toàn cầu hóa.
SOURCE: PHÊ BÌNH VĂN HỌC
Trích dẫn từ: http://phebinhvanhoc.com.vn/nguoi-tri-thuc-trong-thoi-dai-toan-cau-hoa/