Nhận xét về một số nguyên nhân và yếu tố làm phát sinh tội phạm rửa tiền

Nhận xét về một số nguyên nhân và yếu tố làm phát sinh tội phạm rửa tiền
Nhận xét về một số nguyên nhân và yếu tố làm phát sinh tội phạm rửa tiền

Nhận xét về một số nguyên nhân và yếu tố làm phát sinh tội phạm rửa tiền

Rửa tiền từ những nguồn thu nhập phi pháp là hành vi đã xuất hiện từ lâu, nhưng trong vòng 20 năm gần đây mới được nghiên cứu, xem xét và quy định trong Luật ở một số quốc gia trên thế giới. Khái niệm rửa tiền (money laundering) đã xuất hiện từ thế kỷ XVIII, trong những vụ án hình sự tại Hoa Kỳ. Sớm hơn, theo các sử gia, khoảng hơn ba nghìn năm trước, tại Trung Quốc đã có những hoạt động này của các thương nhân nhằm tránh thuế của triều đình. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XIX, người ta mới chính thức nhắc đến “rửa tiền” như là một hành vi phạm tội và chính thức bị coi là bất hợp pháp tại Mỹ từ năm 1986. Đến nay, “rửa tiền” đã được hầu hết các quốc gia quy định là hành vi phạm tội, đồng thời đưa ra các biện pháp phòng, chống nạn rửa tiền song song với các hình phạt thích đáng. Bên cạnh đó các quốc gia trên thế giới đã có những hành động hợp tác song phương và đa phương trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền. Một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên được thành lập nhằm hạn chế, ngăn ngừa loại tội phạm này là Lực lượng đặc nhiệm tài chính chống rửa tiền, hay còn gọi là FATF vào năm 1989. Tổ chức này do các ngân hàng, các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà lãnh đạo của nhóm G7 thành lập nên. Tổ chức hoạch định chính sách liên chính phủ này có trách nhiệm kiểm soát những mánh khoé và xu hướng rửa tiền, giám sát hoạt động quốc nội và quốc tế, xác định các nguyên nhân phát sinh và đưa ra các biện pháp ngăn ngừa tệ nạn này. Hiện nay, với nỗ lực tạo sức mạnh đồng bộ của cả cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc đã có Chương trình Chống Rửa Tiền Toàn Cầu (The Global Programme against Money Laundering – GPML) đặt trụ sở tại Bỉ. Tuy nhiên số quốc gia là thành viên của Chương trình này không nhiều. Tuy nhiên, cùng với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển liên tục của công nghệ thông tin, hành vi rửa tiền ngày càng lớn về mặt quy mô, đa dạng, tinh vi về cách tiến hành và mang đậm tính quốc tế hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, hoạt động chống rửa tiền ngày càng khó khăn và phức tạp. Theo đánh giá gần đây nhất, hoạt động rửa tiền được xem là có giá trị đứng thứ 3 trên thế giới sau kinh doanh dầu mỏ và buôn bán vũ khí. Theo đánh giá của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) có trụ sở chính tại Paris, thì doanh số hoạt động rửa tiền lên đến 1.100 tỷ USD/năm, chiếm 2% GDP toàn cầu. Theo bản báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD – Organization For Economic Cooperation And Development) thì doanh số nền kinh tế đen của Anh chiếm xấp xỉ 7% GDP, ở Mỹ xấp xỉ 9%, Đức 10% trong khi Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha gần 25% GDP. Ở Nga và các quốc gia Trung, Đông Âu dự đoán doanh số của nền kinh tế đen lên đến 50% GDP.

  • Khái niệm hoạt động “rửa tiền”.

Có rất nhiều khái niệm về hoạt động rửa tiền. Theo nghĩa thông thường, hành vi rửa tiền được coi là “hành vi biến đổi các khoản thu nhập nhằm che đậy nguồn gốc phi pháp nguyên thủy của chúng” (theo định nghĩa của FATF – Financial Aciton Task Force on Money Laundering – đội đặc nhiệm chống rửa tiền quốc tế) hay nó “là một quá trình chuyển đổi doanh thu từ các hoạt động bất hợp pháp thành các nguồn vốn hợp pháp” (Giáo sư Byung-Ki-Lee,Viện nghiên cứu hình sự Hàn Quốc), “là hành vi của bọn tội phạm biến đổi các đồng tiền bất hợp pháp (tiền bẩn) thành đồng tiền hợp pháp (tiền sạch)”…. Từ các khái niệm trên, có thể hiểu rửa tiền là một hoạt động phi pháp nhằm biến đổi các thu nhập bất hợp pháp từ những hành vi trái pháp luật thành những khoản thu nhập hợp pháp.

Nhìn chung, rửa tiền là hành vi rất nguy hiểm. Nó không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nền kinh tế mà còn có những ảnh hưởng đến an ninh từng quốc gia, tác động nghiêm trọng đến sự trong sạch và hoàn chỉnh của hệ thống tài chính toàn thế giới. Hành vi rửa tiền được xem là một tội phạm “không biên giới” – một tội phạm quốc tế điển hình vì hành vi này mang 2 đặc trưng chính:

– Có thể xảy ra từ khi bắt đầu đến kết thúc liên quan đến nhiều quốc gia.

– Muốn chống lại hành vi rửa tiền hiệu quả, phải có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa các quốc gia.

Hoạt động rửa tiền có thể dựa vào nhiều phương cách khác nhau. Cách thức thông thường nhất mà bọn rửa tiền quốc tế hay làm là tiến hành chuyển một lượng lớn tiền ra nước ngoài bằng con đường hợp pháp hoặc phi pháp, hợp pháp hóa khoản tiền đó bằng nhiều cách như gửi tiền vào hệ thống tài chính quốc gia, đầu tư vào chứng khoán, sòng bạc, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua bán bất động sản, ký hợp đồng thật mua bán giả… sau đó chuyển ngược lại quốc gia ban đầu hoặc khắp thế giới nhằm đạt được mục đích của bọn tội phạm.

Như vậy, chúng ta thấy hoạt động rửa tiền có thể trải qua 3 bước sau:

– Thâu nhận các khoản tiền từ các hành vi tội phạm.

– Hợp pháp hóa tiền bằng nhiều cách thức khác nhau.

– Sử dụng công khai các khoản tiền đã được làm sạch.

Thậm chí sau bước thứ ba, từ việc sử dụng các khoản tiền đã được làm sạch đó, các tổ chức tội phạm quốc tế lại tiếp tục cung cấp tài chính cho thế giới tội phạm như buôn bán ma túy, khủng bố, hối lộ… hoặc lũng đoạn cả nền kinh tế, chính trị của quốc gia với bàn tay và bộ mặt sạch sẽ. Vì thế toàn bộ quá trình rửa tiền (dù có lúc bí mật, có lúc công khai) luôn khép kín trong một vòng tròn lợi nhuận phi pháp.

  • Nguyên nhân của hoạt động “rửa tiền”.

–  Tình hình tội phạm gia tăng

Trước tiên có thể thấy nguồn gốc chính của các khoản tiền bất hợp pháp là do các hành vi tội phạm gây ra: lừa đảo, đánh bạc, buôn bán vũ khí, mại dâm, buôn lậu, ma túy, trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng, sản xuất và buôn bán hàng giả, đầu cơ trên thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng ngày càng gia tăng…. Có thể thấy, các hành vi  trái pháp luật này luôn tạo ra các khoản lợi nhuận to lớn. Các hành vi phạm tội trong xã hội càng nhiều thì một bộ phận cá nhân trở nên giàu có bất hợp pháp. Thu nhập của những tổ chức tội phạm cũng tăng lên đáng kể. Chính vì vậy hoạt động rửa tiền ngày càng phức tạp và diễn ra ngày càng nhiều để biến những khoản tiền phi pháp, tiền “bẩn” trở thành những đồng tiền hợp pháp. Tình hình tội phạm gia tăng là một vấn đề mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải đối mặt do những hệ lụy từ việc tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của xã hội. Đây được coi là nguyên nhân trực tiếp của sự gia tăng hoạt động rửa tiền.

Ngày nay, do sự bùng phát của nạn tham nhũng tại nhiều quốc gia, cùng với nạn buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí, cướp biển, mại dâm, cờ bạc,… trên phạm vi toàn cầu với doanh số mỗi năm ước tính đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD, thêm vào đó là các tổ chức khủng bố quốc tế với khả năng tài chính lớn và nhu cầu cung cấp tiền cho mạng lưới khủng bố trên toàn thế giới  rất lớn, đã khiến cho việc rửa tiền trở thành một dịch vụ béo bở cho một thị trường ngày càng rộng lớn, do đó mà hoạt động rửa tiền ngày càng xuất hiện nhiều và ngày càng trở nên tinh vi hơn, khéo léo hơn và với kỹ thuật cao cấp hơn.

–  Điều kiện nền kinh tế.

        Trong bối cảnh toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như hiện nay sẽ đặt các quốc gia trước nguy cơ thâm nhập “muôn hình muôn vẻ” của các tội phạm quốc tế nói chung và bọn tội phạm rửa tiền nói riêng. Khi mà nền kinh tế giữa các quốc gia không còn biên giới sẽ dễ dàng làm cho những khoản tiền bẩn rời những quốc gia này để đi “tẩy, rửa” tại các quốc gia khác thông qua các hoạt động đầu tư thương mại hay làm ăn buôn bán giữa tội phạm của các quốc gia. Theo đó, các đối tượng hưởng lợi đã thông qua các hoạt động hợp pháp như gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng hoặc gửi sang các ngân hàng nước ngoại, nơi có luật bí mật ngân hàng.

        Một số quốc gia với nền kinh tế đang phát triển, hệ thống tư pháp và tài chính ngân hàng đang trong quá trình hoàn thiện, đại đa số người dân có thói quen thanh toán tiền mặt, các vấn nạn chưa được kiểm soát một cách có hiệu quả, đó là những điểm rất dễ bị “lợi dụng” để tội phạm rửa tiền phát triển. Thực tế cũng cho thấy, có một luồng tiền rất lớn từ nước ngoài đổ vào một quốc gia có tốc độ phát triển khó dự đoán, tuy nhiên, việc kiểm tra nguồn gốc tiền không được xác định sẽ là nguy cơ lớn bùng phát nạn rửa tiền.

Liên hệ với Việt Nam, tiền mặt là phương tiện thanh toán phổ biến nhất. Không chỉ tiền mặt bản xứ, vàng, đô la cũng được sử dụng rộng rãi trong việc mua bán các loại hàng hóa, tài sản có giá trị lớn. Việc mua bán các loại tài sản, hàng hóa như nhà cửa, xe cộ, đất đai với giá trị tương đương hàng tỷ đồng, hàng trăm, hàng ngàn lượng vàng, hàng trăm, hàng ngàn USD vẫn xảy ra tương đối phổ biến. Các giao dịch như thế đều được xã hội mặc nhiên thừa nhận, hơn nữa còn tỏ ra tiện lợi, nhanh chóng. Bên cạnh đó nhà nước ta cũng chưa có quy định nào về hạn chế và kiểm soát thanh toán tiền mặt cho các giao dịch có giá trị lớn. Vì vậy mà việc kiểm soát số tiền tham gia giao dịch có hợp pháp hay không là rất khó. Điều này đã làm cho những đối tượng thực hiện hành vi rửa tiền có cơ hội để hợp pháp hóa những khoản tiền bất chính mình có được và tham gia thực hiện các giao dịch mua bán bình thường mà không bị các cơ quan chức năng phát hiện. Như vậy, nếu những đồng tiền được tẩy rửa bằng cách mua bán bất động sản thì sẽ được tiến hành đơn giản, hiệu quả và không gặp trở ngại gì, khi bán đi nó sẽ trở thành đồng tiền “sạch” đã hợp pháp mà không cần phải thông qua hệ thống ngân hàng. Theo đó, nó được xã hội thừa nhận tính hợp pháp, không cần quy trình tẩy rửa phức tạp, mà vẫn không bị “lộ tẩy”

Ngoài ra, điều kiện nền kinh tế chưa phát triển còn kéo theo các tệ nạn xã hội, làm gia tăng tình hình tội phạm, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hoạt động rửa tiền.

– Hệ thống pháp luật.

        Do thiếu hành lang pháp lý đầy đủ để phòng, chống rửa tiền, chưa có lực lượng chuyên trách về chống rửa tiền, thiếu một cơ chế đồng bộ để giám sát các giao dịch tài chính để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này vì vậy tình hình tội phạm vẫn gia tăng. Tuy có nhiều điều ước quốc tế về phòng chống rửa tiền đã được thông qua, các công ước về phòng chống và kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc cũng có những quy định chặt chẽ về phòng chống rửa tiền từ các hoạt động liên quan đến ma túy, buôn lậu ma túy, tháng 12/2000, Liên Hợp Quốc đã tổ chức ký kết “công ước quốc tế về đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia” với sự tham gia của hơn 100 nước, trong đó xác minh rửa tiền là tội phạm quốc tế đặc biệt nguy hiểm. Tội công ước chống hối lộ quan chức nước ngoài trong giao dịch kinh doanh quốc tế OECD (Điều 9) cũng khuyến cáo các quốc gia thành viên chủ động đấu tranh ngăn chặn hoạt động rửa tiền và hình sự hóa trong pháp luật nội địa,… Tuy nhiên, việc thực hiện chúng ở các quốc gia thành viên lại phụ thuộc vào trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ và việc tổ chức giám sát cũng như thực hiện trên thực tế còn nhiều bất cập và có những khó khăn riêng. Vì vậy mà dễ làm cho tội phạm rửa tiền có cơ hội để tiến hành các hoạt động rửa tiền mà không bị phát hiện.

Một số quốc gia chưa xây dựng được Luật phòng, chống tội phạm rửa tiền hay có những hướng dẫn quy định cụ thể về vấn đề này. Nên trên thực tế hành vi tội phạm xảy ra các quốc gia không có cơ sở pháp lỹ rõ ràng để trấn áp tội phạm, cũng như sự nhận thức về loại tội phạm này chưa rõ ràng sẽ làm cơ sở cho các tổ chức tội phạm xâm nhập làm phá hủy nền tài chính của quốc gia.

Liên hệ với thực tế ở Việt Nam, pháp luật Việt Nam vẫn còn những “lỗ hổng” để các đối tượng lợi dụng và tiến hành hoạt động rửa tiền. Các quy định tại Điều 251 BLHS về tội rửa tiền, không có quy định cụ thể nào xác định hay loại trừ rõ ràng hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn. Tuy nhiên, nếu dựa vào lời văn của điều luật tại điểm a, c, d khoản 1 với cụm từ “biết rõ là do phạm tội mà có” chúng ta có thể thấy, ý đồ của nhà làm luật là hướng tới người thứ ba bên cạnh chủ thể tội phạm nguồn. Chỉ có người không thực hiện tội phạm nguồn thì mới đặt vấn đề xác định yếu tố “biết rõ” hay không biết rõ tiền tài sản là do phạm tội mà có, còn đối với chính người đã thực hiện hành vi phạm tội nguồn thì việc quy định “biết rõ là do phạm tội mà có” trở thành vô nghĩa. Nếu hiểu theo nghĩa này thì rõ ràng quy định tại Điều 251 đã loại trừ hành vi tự rửa tiền của người thực hiện tội phạm nguồn.

Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống rửa tiền trong tương lai, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế, chúng tôi cho rằng nên bổ sung quy định tại Điều 251 BLHS theo hướng: coi hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn cũng là hành vi phạm tội rửa tiền khi thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm này; như vậy hành vi tự rửa tiền phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập, trên cơ sở những căn cứ sau đây:

Một là, xuất phát từ yêu cầu của nguyên tắc công bằng về trách nhiệm hình sự [25]. Theo lí luận truyền thống, hành vi tự rửa tiền được thực hiện là kết quả tự nhiên, kéo dài của việc thực hiện tội phạm nguồn và sẽ không tách riêng để xử lý như một tội danh độc lập. Giống như trường hợp đối tượng sau khi thực hiện hành vi trộm cắp đã tiến hành tiêu thụ tài sản chiếm đoạt được, hay tiêu hủy vật chứng…Hành vi trước do vậy đã hấp thu hành vi sau như một hệ quả tất yếu để thực hiện mục đích chiếm đoạt và sử dụng tài sản chiếm đoạt được của người phạm tội. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế phát triển, hành vi tự rửa tiền không còn đơn giản là việc tiêu thụ tài sản chiếm đoạt được. Tiền, tài sản phạm tội có được từ các tội phạm về ma túy, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm buôn bán người ngày càng khổng lồ. Việc che giấu nguồn gốc phạm tội và đưa số tiền, tài sản do mình phạm tội mà có vào trong hệ thống tài chính, đầu tư kinh doanh hay tiếp tục được sử dụng để hỗ trợ hành vi phạm tội mới rõ ràng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, tách biệt và độc lập so với hành vi phạm tội nguồn, xâm hại đến khách thể riêng biệt là sự ổn định của hệ thống tài chính. Trong trường hợp này, cả hành vi phạm tội nguồn và hành vi tự rửa tiền đều phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập như những tội danh riêng biệt.

Hai là, xuất phát từ lợi ích quốc gia và yêu cầu của hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống rửa tiền. Với tính chất xuyên quốc gia, tội phạm rửa tiền và tội phạm nguồn không phải lúc nào cũng xảy ra và kết thúc ở trên lãnh thổ một quốc gia. Nếu như loại trừ người thực hiện tội phạm nguồn ra khỏi chủ thể của tội phạm rửa tiền, trong trường hợp điều tra làm rõ người phạm tội thực hiện tội phạm nguồn ở một quốc gia khác nhưng lại thực hiện hành vi rửa tiền ở nước ta và gây ra những hậu quả nguy hại cho xã hội, thì chúng ta sẽ không thể dựa và luật hình sự trong nước để xử lý người phạm tội. Nếu trong hệ thống nội luật, chúng ta không có căn cứ để xử lý đối tượng phạm tội trong trường hợp này, thì hiển nhiên chúng ta cũng sẽ không có tư cách tham gia vào quá trình chia sẻ tài sản bị tịch thu từ đối tượng phạm tội. Điều này rõ ràng là bất lợi trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia.

Như vậy, quy định truy tố hành vi tự rửa tiền trong luật hình sự Việt Nam là cần thiết và đặc biệt hiệu quả trong xử lý những đối tượng rửa tiền xuyên quốc gia và đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong hợp tác quốc tế. Điều đó cũng phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trong xu thế tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố trên toàn cầu.

– Khả năng quản lý của Chính phủ ở các quốc gia

Hiện nay, một số các quốc gia chưa xây dựng được hệ thống pháp luật quy định về tội phạm rửa tiền, nên chưa có cơ chế để quản lý tội phạm này. Cũng như cơ chế quản lý giám sát tình hình tội phạm chưa tốt tạo điều kiện cho nguồn tiền bất hợp pháp trên thực tế rất lớn. Đó chính là nguy cơ được tội phạm tiến hành hoạt động rửa tiền nhằm hợp pháp hóa nguồn lợi bất chính.

Một số quốc gia đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền vì hệ thống thanh tra, giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng của các ngân hàng còn kém phát triển; mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn khiến cho việc kiểm soát các giao dịch, thanh toán trở nên khó khăn.

Chính sự yếu kém về quản trị ở các ngân hàng, định chế tài chính hay tâm lý sợ mất khách nên việc kiểm tra thông tin, nguồn gốc các khoản tiền giao dịch của khách hàng thường chỉ mang tính hình thức, tất cả vì mục đích lợi nhuận mà hệ thống ngân hàng đã tạo điều kiện cho tội phạm rửa tiền phát triển.

– Ý thức pháp luật của người dân

Một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm rửa tiền, ngoài việc luật pháp còn tồn tại nhiều lỗ hổng, thì nguyên nhân chủ quan lại xuất phát ngay từ chính bản thân người có hành vi phạm tội.  Đó chính là động cơ phạm tội (động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý), nhìn chung các chủ thể trong tội phạm này đều có động cơ về mặt vật chất, đó là những kẻ thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc cũng có thể là những kẻ coi thường pháp luật, coi thường xã hội, hám lợi, tham lam, muốn được hưởng nhiều lợi ích mà khoản tiền, tài sản bất hợp pháp đem lại.

Mục đích của chúng khá đa dạng, một số chỉ nhằm che giấu, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Bên cạnh đó, một số khác thực hiện với mục đích tiếp tục thực hiện những hành vi phạm tội mới, mở rộng phạm vi, cách thức phạm tội để thu được ngày cành nhiều tiền và tài sản hơn. Những người này khi thực hiện hành vi rửa tiền thì đều nhận thức rõ được đó là tiền, tài sản do phạm tội mà có nhưng vẫn thực hiện một cách có chủ ý. Tất cả là vì những cái lợi ngay trước mắt, có thể giúp chúng thỏa mãn những nhu cầu vật chất tầm thường. Hơn nữa, chúng có thể liên kết với nhau thành đường dây hoạt động ngầm, có cơ cấu chặt chẽ, nên chúng coi thường pháp luật, lợi dụng kẻ hở của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội. Hoặc cũng có những người bị kẻ khác lôi kéo, và cám dỗ vì lợi ích vật chất, hám lợi nên đã gia nhập và thực hiện hành vi phạm tội.

Vì thế, từ những lòng tham, sự hám lợi và thiếu ý thức, thiếu hiểu biết pháp luật, xem thường pháp luật và xã hội đã góp phần làm phát sinh nên tội phạm rửa tiền đã và đang ngày một phổ biến, phát triển và phức tạp hơn với quy mô và tính chất xảo quyệt trốn tránh pháp luật.

  • Giải pháp hạn chế hoạt động rửa tiền.

        Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về phòng chống rửa tiền. Các quốc gia cần có những quy định cụ thể về tội phạm rửa tiền để việc thực hiện phòng chống rửa tiền có hiệu quả hơn. Như ở Việt Nam, trong thời gian qua Đảng, nhà nước ta cũng đặc biệt quan tâm đến phòng chống loại tội phạm này. Năm 2005, Chính phủ đã ban hành nghị đình số 74/CP ngày 7/6/2005 về phòng, chống rửa tiền, quy định trong bộ luật hình sự, …

        Thứ hai, thành lập lực lượng chuyên trách về phòng, chống rửa tiền. Tội phạm rửa tiền hoạt động hết sức tinh vi, với nhiều thủ đoạn xảo quyệt, các khâu, các công đoạn rửa tiền đều được che đậy dưới các hình thức, vỏ bọc hợp pháp, khó phát hiện,… Vì vậy cần có lực lượng chuyên trách về vấn đề này để thực hiện việc phòng chống được đảm bảo và đem lại hiệu quả hơn,

        Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm rửa tiền. với xu thế giao lưu và hội nhập như hiện nay, vấn đề hợp tác quốc tế về chống rửa tiền là tất yếu. Chúng ta cần chủ động hợp tác với cảnh sát các nước , với lực lượng đặc nhiệm chống rửa tiền quốc tế (FATF) và Interpol,… trong phòng chóng rửa tiền,…

          Thứ tư, tăng cường cống tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền. Cần đẩy mạnh việc tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong phòng chống tội phạm rửa tiền, đồng thời phải đảm bảo công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm này có hiệu quả cao nhất nhưng vừa phải đảm bảo trừng trị, răn đe, giáo dục người phạm tội vừa phải hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của mỗi nước.


1900.0191