NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA CÁC BỘ LUẬT DÂN SỰ TRÊN THẾ GIỚI VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA CÁC BỘ LUẬT DÂN SỰ TRÊN THẾ GIỚI VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

 THS. LÊ NGUYỄN GIA THIỆN – Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM

CN. LÊ NGUYỄN GIA PHÚC

Trong hệ thống các luật thành văn, bộ luật dân sự – BLDS (gọi tắt là Bộ dân luật – BDL) đóng vai trò nền tảng, định hướng và xác lập một khung pháp lý điều chỉnh toàn bộ đời sống dân sự. Khi soạn thảo một BDL, các nhà lập pháp luôn chú trọng đến việc chế định các nguyên tắc[1] của BDL đó, bởi lẽ các nguyên tắc này là những tư tưởng, quan điểm pháp lý cơ bản mang tính chỉ đạo mà một BDL cần phải có để bao quát, định hướng tất cả các điều khoản, các chế định nằm trong chính BDL.

Ngoài ra, khi cơ quan tài phán giải thích một điều luật không rõ nghĩa hoặc có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau mà không thể tìm thấy đáp án thích hợp ở chính điều luật đó hoặc ở chế định bao hàm điều luật đó thì cơ quan tài phán có thể viện dẫn các tục lệ và các nguyên tắc căn bản của BDL để giải thích điều luật.

1. Sự tồn tại các nguyên tắc của Bộ dân luật

Cần phải khẳng định rằng, không phải mọi BDL đều quy định một cách rõ ràng, tách bạch về các nguyên tắc chung; hay nói khác đi là trong tiến trình lập pháp, có hai quan điểm đối lập nhau về sự xuất hiện của các nguyên tắc chung, có BDL không chế định hẳn một phần dành cho các nguyên tắc chung, cũng có BDL quy định theo hướng ngược lại.

1.1. Những BDL không có sự tồn tại một cách rõ ràng của nguyên tắc cơ bản

Trong phạm vi nhỏ hẹp của các BDL mà chúng tôi sử dụng khi nghiên cứu[2], chúng tôi nhận thấy có 3 BDL không đề cập đến các nguyên tắc cơ bản là BDL Đức, BDL Hà Lan và BDL Indonesia. BDL Đức (Bürgerliches Gesetzbuch – BGB) khởi đầu bằng phần quy định phần chung (general part) ngay từ quyển 1. Tuy nhiên, trong quyển 1 này lại gồm phần 1 về người, phần 2 về vật và động vật, phần 3 về giao dịch dân sự, phần 4 về thời hạn, phần 5 về giới hạn, phần 6 về thực hiện quyền dân sự và phần 7 về bảo đảm; tuyệt nhiên BGB không dành một phần cụ thể nào để quy định về các nguyên tắc cơ bản. BDL Hà Lan (Burgerlijk Wetboek – BW), tương tự như BDL Đức, bắt đầu bằng quyển 1 với nhan đề là luật về cá nhân và gia đình (persons and family law) và ngay tiết 1.1 về những quy định chung (general provions) đã đề cập ngay đến năng lực pháp luật của cá nhân mà không hề đả động gì đến các nguyên tắc chung. BDL cuối cùng trong nhóm này là BDL Indonesia, do ảnh hưởng rất mạnh của BDL Hà Lan[3], nên cũng chế định ngay từ Chương I của quyển 1 (quy định về cá nhân) các vấn đề liên quan đến sự thụ đắc và triệt tiêu các quyền dân sự, đồng thời không nhắc gì đến các nguyên tắc chung. Chúng tôi cho rằng sở dĩ BDL Đức (được xem là bộ luật bác học[4], là khuôn mẫu cho nhiều BDL khác như BDL Hà Lan, BDL Indonesia) tuy quy định rất khoa học, chi tiết về các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân trong giao lưu dân sự nhưng lại không quy định một cách tách bạch về các nguyên tắc của BDL là do bản thân BDL đã quy định rất rạch ròi tất cả các vấn đề liên quan đến đời sống dân sự theo một tư duy lập pháp hoàn chỉnh và hiện đại nên không cần đến các nguyên tắc chung nữa.

1.2 Những BDL có ghi nhận sự tồn tại một cách rõ ràng của nguyên tắc cơ bản

Trong số 11 BDL còn lại nằm trong các BDL mà chúng tôi lựa chọn để phân tích, dù ít hay nhiều, dù thật rõ ràng hay chưa thực sự cụ thể, các BDL này cũng đã ghi nhận một cách chính thức các nguyên tắc cơ bản của mình. Chúng tôi đơn cử một số trường hợp như sau:

Thiên mở đầu của BDL Napoleon trứ danh (BDL Pháp) gồm 6 điều quy định tất cả những vấn đề chung nhất, mang tính cốt lõi, nền tảng của toàn bộ BDL nói riêng cũng như nền pháp chế luật thành văn Pháp nói chung. Các quy tắc như mức độ điều chỉnh của cảnh luật, luật cho bất động sản và quy chế về nhân trạng và năng lực cho những người pháp ở nước ngoài tại Điều 3 được sử dụng làm khuôn mẫu cho các BDL của nhiều nước, nhất là các xứ thuộc Pháp. Điều 4 và Điều 5 mang tính song trùng và thực sự không thể tách rời nhau, là hai mặt của một đồng tiền. Điều 4 loại trừ khả năng khước từ thụ lý xét xử một vụ việc của thẩm phán với lý do là luật không điều chỉnh, thậm chí điều này còn áp chế tài thật nặng (truy tố về tội không thụ lý) cho thẩm phán khi thẩm phán thực hành hành vi này. Thực tế là, khi thẩm phán xét xử mà không cần tham chiếu các điều khoản của luật thành văn thì lẽ dĩ nhiên là các án văn này sẽ mang tính mới, và điều này có thể dẫn đến việc thiết lập các án lệ, làm mất màu sắc của nền pháp lý Pháp. Các nhà lập pháp của BDL Napoleon đã ngay lập tức đề ra một “cơ chế phòng bị” là Điều 5 khi khẳng định là các nguyên tắc, tư tưởng áp dụng cho một vụ việc thì chỉ có hiệu lực với chính vụ việc đó mà thôi, tuyệt đối cấm áp dụng cho vụ việc khác. Cuối cùng, Điều 6 nêu lên giới hạn của các giao dịch dân sự khi tuyên bố rằng những thỏa thuận dân sự nào mà trái trật tự công hoặc đạo đức thì đương nhiên bị bãi bỏ.

Ở Trung Quốc không có một BDL thống nhất. Trung Quốc chỉ có một Bộ Quy tắc chung về dân luật ban hành năm 1987 đóng vai trò như là một BDL khi quy định các vấn đề bao hàm hầu hết các nội dung cơ bản của đời sống dân sự. Bộ quy tắc này gồm tổng cộng 9 chương, bao gồm các vấn đề rất chi tiết như: các nguyên tắc cơ bản, tự nhiên nhân, pháp nhân, hành vi dân sự và đại diện, quyền dân sự, nghĩa vụ dân sự, giới hạn, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và điều khoản bổ sung. Trong Chương I về Các nguyên tắc cơ bản, nhà làm luật quy định trước hết là về các mục đích của BDL. Theo đó, BDL nhằm hướng đến việc điều hòa lợi ích công và lợi ích tư khi khẳng định rằng các lợi ích tư nhân được tôn trọng và bảo vệ chỉ khi nào nó không trái với chủ trương, chính sách nhằm xây dựng mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Quyền và nghĩa vụ của các bên là bình đẳng, không bên nào được xâm phạm bên nào, các nguyên tắc tự nguyện, công bằng, bồi thường ngang giá trị, thiện chí và tin cẩn được áp dụng triệt để.Điều 6 và Điều 7 thể hiện rất rõ tính chất điều hòa của Bộ Quy tắc này, vì nếu như các BDL khác chỉ giới hạn quyền tự do giao lưu dân sự khi chúng xâm phạm trật tự công, đạo đức và thuần phong mỹ tục thì Bộ Quy tắc chung về luật dân sự Trung Quốc lại quy định rằng những thỏa thuận dân sự còn phải tôn trọng và tuân theo những chính sách, kế hoạch của Nhà nước đã đề ra.

BDL bang Louisiana (Hoa Kỳ) dành cho Thiên mở đầu 3 chương quy định về các vấn đề chung nhất cho toàn bộ BDL. Chương I về những nguyên tắc chung (General provisions) khẳng định một cách dứt khoát rằng nguồn của luật bang Louisiana là luật thành văn và tập quán, trong đó luật thành văn mang tính nệ thức (trọng hình thức) và thể hiện rõ ý chí của nhà lập pháp, còn tập quán lặp đi lặp lại nhiều lần qua một thời gian dài và được xem như là luật, đương nhiên tập quán không thể phủ nhận luật thành văn. Còn trong trường hợp không có cả tập quán, thì cơ quan xét xử, khi giải quyết một vụ việc, có thể xử theo lẽ công bằng. Để đạt được tính công bằng của một bản án, phán quyết của tòa án phải dựa vào công lý (justice), tính hữu lý (reason) và tính phổ dụng (prevailing usages). Điều này thể hiện rõ việc pháp luật của bang Louisiana đã chịu ảnh hưởng của hệ thống thông luật (được áp dụng tại 49 bang còn lại của Hoa Kỳ) như thế nào. Tuy nhiên BDL này lại không có điều khoản loại trừ hẳn khả năng sáng tạo và áp dụng án lệ như BDL Pháp. Chúng tôi cho rằng điều này là hiển nhiên vì dù cho Louisiana có theo hệ thống dân luật đi nữa thì nó vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của hệ thống thông luật của các bang khác, vì dù Louisiana là một nhà nước độc lập thì nó vẫn thuộc nền pháp chế Hoa Kỳ và những đặc tính của pháp luật Liên bang chắc chắn sẽ ảnh hưởng lên nó, dù ít hay nhiều.

2. Những nguyên tắc cơ bản của một Bộ dân luật

Trước hết, có thể nhìn nhận một cách khách quan rằng sự tồn tại của các nguyên tắc trong một BDL dựa trên những nguyên nhân nhất định mà phần nhiều là căn cứ vào quan điểm của cơ quan soạn thảo, hệ thống pháp luật của quốc gia, thời gian và không gian soạn thảo BDL cũng như những sự tiếp nhận, học hỏi kinh nghiệm lập pháp từ các BDL khác. Sau khi nghiên cứu chế định về các nguyên tắc cơ bản của BDL, trên cơ sở nghiên cứu những điểm tương đồng, dị biệt của từng BDL, với phương châm xem xét một cách khách quan theo lối đại đồng, tiểu dị, chúng tôi tạm đúc kết một số nguyên tắc cơ bản mà một BDL thường có như sau[5]:

2.1. Tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận miễn là không trái pháp luật, trật tự công, đạo đức và thuần phong mỹ tục

Nguyên tắc này được đưa lên phân tích đầu tiên vì nó thể hiện rõ ràng và sinh động nhất bản chất của dân luật nói chung và BDL nói riêng là tính tự do định đoạt. Điều 10 BDL Iran khẳng định rằng khế ước ràng buộc các bên trừ trường hợp xung đột rõ ràng với quy định của luật. BDL Iran tuyệt đối bảo vệ quyền tự do lập ước và ràng buộc nghĩa vụ lẫn nhau của các bên, và chỉ giới hạn sự ràng buộc này khi nó trái pháp luật. Điều 7 Bộ Quy tắc về dân luật Trung Quốc còn mở rộng hơn nữa sự hạn chế mang tính công cộng và các sự kết ước của các tư nhân bằng việc phủ nhận khế ước cả khi nó xung đột với các kế hoạch của Chính phủ hoặc các mục tiêu kinh tế, xã hội đã được đề ra. Bên cạnh yếu tố là trái pháp luật, một thỏa thuận vẫn có thể bị bãi bỏ nếu xâm phạm trật tự công cộng (public order). Trật tự công cộng là một ý niệm rất rộng rãi, mềm dẻo để bảo vệ lợi ích chung của xã hội. Một cách thuần phác nhất, ý niệm trật tự công thường đi đôi với ý niệm thuần phong mỹ tục và thường được viện dẫn trong cùng một bản án[6]. Điều này được ghi nhận tại Điều 6 BDL Philippines, Điều 6 BDL Pháp, Điều 7 BDL bang Louisiana. Đạo đức xã hội cũng là một lĩnh vực mà các thỏa thuận không thể xâm phạm, vì nó là các quy tắc xử sự chung, định ra các chuẩn mực cư xử cho nhóm cộng đồng dân cư qua một thời gian dài. Vì thế nếu các giao dịch dân sự bị xem là phi đạo đức thì đương nhiên vô hiệu vì nó trái với cách hành xử mang tính luân lý đã được thừa nhận rộng rãi.

2.2. Nguyên tắc trung thực, thiện chí

Nguyên tắc trung thực, thiện chí là nền tảng của mọi giao dịch dân sự, bởi lẽ một giao dịch dân sự dù đơn giản hay phức tạp, mức độ dù lớn hay nhỏ thì khi thực hiện các quyền và thi hành các nghĩa vụ, sự trung thực, thiện chí luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Trung thực, thiện chí là thực hiện hành vi với ý định tốt một cách ngay thẳng, chính trực[7], nên cũng có tài liệu ghi nhận nguyên tắc này dưới tên là “nguyên tắc thẳng thắn và ngay tình”[8]. Cùng một nội hàm như nhau nhưng hai hệ thống pháp luật thông luật và dân luật lại định nghĩa dưới hai tên gọi khác nhau là good faith và pacta sunt servanda. Khoản 1 Điều 2 BDL Thụy Sỹ quy định rằng các bên phải trung thực, thiện chí khi thực hiện nghĩa vụ, và sự trung thực, thiện chí mang tính giả định[9] và do pháp luật quy định, các bên không được xem là trung thực, thiện chí khi không thực hiện hành vi một cách mẫn cán, cẩn trọng và không đáp ứng được các điều kiện đặt ra. Khoản 2 Điều 1 BDL Nhật Bản, Điều 19 BDL Philippines, Điều 4 Bộ Quy tắc chung về dân luật của Trung Quốc và Điều 5 BLDS và Thương mại Thái Lan cũng rất đề cao nguyên tắc trung thực và định chế nó vào trong BDL.

2.3. Nguyên tắc bất hồi tố

Bất hồi tố là việc chỉ áp dụng luật về tương lai, không áp dụng về quá khứ, nó được thừa nhận rộng rãi cả ở cả hệ thống luật thành văn và hệ thống thông luật. Nguyên tắc bất hồi tố này bắt nguồn từ luật hình với câu nói nổi tiếng của Fuerbach là  nullum crimen sine lege, nulla poena sine lege (không là tội phạm mà không có luật, không có hình phạt mà không có luật), dần dà nguyên tắc này cũng được chuyển sang địa hạt dân luật.

Nguyên tắc này thể hiện rất rõ tính nhân văn và hợp lý của một nền pháp chế, vì, một cách tất yếu, người ta không thể bị điều chỉnh bởi hành vi trong quá khứ khi sự điều chỉnh này lại đến từ pháp luật hiện tại. Nguyên tắc bất hồi tối được một số BDL như BDL Pháp (Điều 2), BDL Iran (Điều 4), BDL Philippines (Điều 4) và BDL bang Louisiana (Điều 6) minh định một cách rõ ràng.

2.4. Nguyên tắc áp dụng tập quán khi luật khiếm khuyết

Một nền pháp luật theo hệ thống dân luật thường có hai nguồn cơ bản là luật thành văn và tập quán pháp. Khi các cơ quan tố tụng tiến hành hoạt động xét xử, có những trường hợp trên thực tế họ không tìm thấy một quy định pháp luật phù hợp nào có thể điều chỉnh vụ việc mà mình đang xử lý, thẩm phán sẽ cầu viện đến các tập quán pháp để điều chỉnh vấn đề đó. Thực tiễn cuộc sống vô cùng phong phú với tầng tầng lớp lớp các quan hệ đan xen chằng chịt, một nền pháp chế nói chung cũng như một BDL nói riêng dù có hoàn thiện đến mấy cũng sẽ bỏ sót một số quan hệ nhất định, thẩm phán về nguyên tắc là không thể từ chối thụ lý, buộc phải sử dụng các tập quán được áp dụng lâu đời để giải quyết vụ việc. Việc thừa nhận tập quán như là một nguồn chính thống của dân luật mang lại rất nhiều lợi ích cho nhiều bên, các bên đương sự được giải quyết vụ việc của mình, thẩm phán không vi phạm nguyên tắc cấm từ chối thụ lý, còn nền pháp chế, khi có những khiếm khuyết pháp luật, sẽ luôn được lấp đầy bởi các tập quán pháp.

Tuy nhiên, như quy định tại Điều 11 BDL Philippines các phong tục nếu trái luật, trật tự công, chính sách công thì đương nhiên không được áp dụng. Khoản 1 Điều 1 BDL Thụy Sỹ, Điều 4 BLDS và Thương mại Thái Lan, Điều 3 BDL Louisiana có cùng quan điểm khi đề cập về vấn đề tập quán pháp. Duy chỉ có Bộ Quy tắc chung về dân sự Trung Quốc không thừa nhận tập quán pháp như là một nguồn của luật, mà, trong trường hợp khiếm khuyết về luật điều chỉnh, sẽ áp dụng các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

2.5. Nguyên tắc cấm từ chối thụ lý

Nguyên tắc này có phần liên hệ với nguyên tắc áp dụng tập quán vì thông thường, trong trường hợp pháp luật có điều chỉnh đầy đủ về vấn đề đang cần xét xử, thẩm phán sẽ không từ chối thụ lý vụ việc. Thẩm phán chỉ thường từ chối xét xử vụ việc khi luật khiếm khuyết. Tuy nhiên, như phần trên đã trình bày, nguồn của luật trong một nước theo hệ thống dân luật không chỉ là luật thành văn mà còn bao gồm cả tập quán pháp. Nếu trong trường hợp không có tập quán pháp thì vẫn còn những giải pháp khác để sử dụng làm nguồn luật như các giải pháp phổ biến, các nguyên tắc chung của BDL, chính sách của nhà nước, thậm chí là lẽ công bằng và tính hữu lý. Điều 4 BDL Pháp cấm các thẩm phán từ chối xét xử, nếu từ chối xét xử sẽ bị truy tố về tội không ban phát công lý. Điều 9 BDL Philippines, Điều 4 BDL Thụy Sỹ và Điều 4 BDL Louisiana cũng quy định theo hướng tương tự.

2.6. Nguyên tắc tôn trọng và không được phép xâm phạm quyền dân sự, lợi ích hợp pháp và phẩm giá của người khác

Việc tôn trọng và không được phép xâm phạm các quyền dân sự, lợi ích hợp pháp và phẩm giá của người khác là nguyên tắc rất cơ bản của bất cứ một BDL nào. Thực ra, nguyên tắc này là sự cụ thể hóa quy định về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong hiến pháp của các quốc gia mà BDL là một thành tố trong hệ thống các văn bản pháp luật của nó. Các chủ thể, bất kể địa vị, xuất thân, thành phần, tôn giáo, giới tính đều được bình đẳng với nhau trong đời sống dân sự. Không một chủ thể nào được phép cản trở hoặc xâm hại các giá trị đã được hiến pháp bảo đảm. Điều 26 BDL Philippinesquy định: Mọi người đều phải tôn trọng phẩm giá, nhân cách, sự riêng tư và sự yên tĩnh của láng giềng và người khác. Những hành vi sau, dù không cấu thành tội phạm vẫn là nguyên nhân của hành vi xâm phạm, hạn chế các vấn đề trên: (1) vào nơi ở của người khác, (2) can thiệp, quấy rối đời sống cá nhân của người khác hay gia đình của họ, (3) có dụng ý làm cho bạn bè người khác xa lánh họ, (4) làm phiền hà hoặc quấy rầy người khác dựa vào niềm tin tôn giáo, mức sống thấp, nơi sinh, khiếm khuyết cơ thể, hay các điều kiện cá nhân khác. Tương tự Điều 5 Bộ Quy tắc chung về dân sự Trung Quốc quy định theo hướng đảm bảo các quyền và lợi ích dân sự của các chủ thể, tuyệt đối cấm những hành vi xâm phạm đến những vấn đề này. Khoản 3 Điều 1 BDL Nhật Bản cấm các chủ thể lạm dụng quyền của mình, còn khoản 2 Điều 2 BDL khẳng định rõ ràng rằng các sự lạm dụng đương nhiên không được pháp luật bảo vệ.

3. Kinh nghiệm cho Việt Nam

Nếu không tính BDL Giản Yếu 1883, BDL Bắc 1931, BDL Trung 1939 và BDL Sài Gòn năm 1972, Việt Nam đến nay đã có hai BDL là BLDS 1995 và BLDS 2005, cả hai BDL này đều chọn phương án là quy định một cách cụ thể các nguyên tắc của BDL, hay nói cách khác, trong hai BDL này có sự hiện diện một cách rõ ràng các nguyên tắc chung.

BLDS 1995 đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình lập pháp của nước ta. Bộ luật này có tầm quan trọng chỉ sau Hiến pháp, điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội biến thiên không ngừng với mức độ ngày càng phức tạp. BLDS 1995 được đánh giá là bộ luật đồ sộ nhất từ trước đến nay của nền lập hiến Việt Nam với 838 điều. BLDS 1995 đề cập đến 13 nguyên tắc bao gồm: nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; nguyên tắc tuân thủ pháp luật; nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp; nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền nhân thân; nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu, các quyền khác đối với tài sản; nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận; nguyên tắc bình đẳng; nguyên tắc thiện chí, trung thực; nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự; nguyên tắc hoà giải; bảo vệ quyền dân sự; căn cứ xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự; nguyên tắc áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật. Những nguyên tắc của BLDS 1995 không chỉ là những quy phạm khi điều tiết mà còn là những phương châm chỉ đạo áp dụng luật, đặc biệt là áp dụng tương tự pháp luật[10]. Các nguyên tắc này xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản hơn, đặc trưng cho hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Khi biên soạn BLDS 2005, căn cứ vào tình hình mới cũng như các quan điểm lập pháp đã có nhiều thay đổi, những thành viên ban soạn thảo BLDS 2005 đã không những sửa đổi, bổ sung mà còn sắp xếp lại thứ tự các nguyên tắc cho phù hợp với các quan hệ dân sự[11]. Các nguyên tắc này bao gồm: nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận; nguyên tắc bình đẳng; nguyên tắc thiện chí, trung thực; nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự; nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp; nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự; nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; nguyên tắc tuân thủ pháp luật; nguyên tắc hoà giải; căn cứ xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự.

Nhận định một cách cơ bản thì các nguyên tắc của BLDS 2005 được sắp xếp tương đối khoa học, liền mạch và bao quát hầu hết mọi quy tắc cơ bản của những BDL tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp, mà cụ thể là sửa đổi, bổ sung BLDS 2005 hoặc biên soạn BLDS mới – một BDL tốt hơn trong tương lai, chúng tôi có một kiến nghị sau:

1) BLDS 2005 không chế định nguyên tắc áp dụng tập quán và tương tự pháp luật thành một nguyên tắc của BDL mà lại đặt nó trong Chương I về Nhiệm vụ và hiệu lực của BLDS là chưa phù hợp, vì thế nên chuyển hẳn Điều này vào Chương II về Các nguyên tắc của BLDS. Tuy nhiên, tiếp thu nguyên tắc cấm từ chối thụ lý như phần trên đã trình bày, BLDS mới cần quy định hẳn vấn đề này ngay trong Chương II về Các nguyên tắc chung, và nội dung nguyên tắc cấm từ chối thụ lý có thể đan xen với nguyên tắc áp dụng tập quán và tương tự pháp luật vì chúng quan hệ rất mật thiết với nhau.

2) BLDS mới nên bỏ hẳn một số nguyên tắc:

* Bỏ nguyên tắc bình đẳng tại Điều 5

Ngoài Điều 2 BDL Nhật Bản quy định về sự tôn trọng phẩm giá cá nhân và bình đẳng giữa hai giới tính, và Điều 2 Bộ Quy tắc chung về dân luật Trung Quốc quy định về sự bình đẳng giữa các chủ thể, các BDL khác không đề cập đến điều này. Chúng tôi cho rằng sự bình đẳng trước pháp luật nói chung và dân luật nói riêng là một vấn đề mặc nhiên vì dân luật chi phối toàn bộ đời sống con người và “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Sự bình đẳng của các chủ thể trước pháp luật là nguyên tắc hiến định, không cần phải lặp lại trong BDL.

* Bỏ nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự tại Điều 7

Thông qua các BDL đã phân tích, có thể thấy rằng nguyên tắc chịu trách nhiện dân sự không phổ biến, nguyên tắc này chỉ được quy định tại Điều 4 Bộ Quy tắc chung về dân luật Trung Quốc. Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự không nên trở thành một nguyên tắc cốt yếu của BDL và cũng không nên xuất hiện bởi lẽ nguyên tắc này là đương nhiên, các thiệt hại dù vô tình hay hữu ý do một chủ thể gây ra cho người khác đương nhiên ràng buộc trách nhiệm của người gây ra thiệt hại, việc này sẽ được quy định chi tiết tại các điều luật cụ thể. Tính chịu trách nhiệm dân sự này được trật tự công bảo đảm và xem như là một nguyên tắc luân lý bất di bất dịch, không cần phải luật hóa.

* Bỏ nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác tại Điều 10

Nguyên tắc này thực ra đã nằm trong nội hàm của Điều 9, bởi vì các quyền dân sự mang đến các lợi ích dân sự của các chủ thể như Nhà nước, công dân đều đã được BDL bảo vệ thông qua việc thượng tôn nguyên tắc bảo vệ quyền dân sự. Việc quy định thêm một điều riêng về nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác gây nên sự trùng lấp.

* Bỏ nguyên tắc tuân thủ pháp luật tại Điều 11

Cùng với sự phát triển của các định chế dân sự, việc tuân thủ pháp luật đương nhiên được đặt ra và là một thành tố cơ bản của nhà nước pháp quyền. Các chủ thể khi tham gia vào các giao dịch dân sự đương nhiên phải tuân thủ pháp luật, vì nếu trái luật thì mặc nhiên vô hiệu. Việc nhắc lại nguyên tắc phổ biến này làm BDL dài thêm một cách không cần thiết.

* Bỏ nguyên tắc hòa giải tại Điều 12

Khi BDL thừa nhận các bên có quyền tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận, họ đương nhiên có quyền tự do lựa chọn chủ thể mình sẽ giao kết, các quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên đồng thời chọn luôn các phương thức giải quyết tranh chấp nếu phát sinh. Việc tách hẳn phương thức hòa giải thành một nguyên tắc là không phù hợp vì đây chỉ là một hình thức giải quyết tranh chấp, hơn nữa BDL chỉ quy định về luật nội dung, vấn đề hòa giải nên được điều chỉnh bởi luật hình thức là Bộ luật Tố tụng dân sự.

* Bỏ căn cứ xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự tại Điều 13

Quy định này xác lập các căn cứ để hình thành các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Đây không phải là một nguyên tắc mà chỉ là một quy định thuần túy, vì thế chúng tôi đề nghị chuyển Điều này lên Chương I sẽ tốt hơn./. 


[1] Trong phạm vi bài viết, các thuật ngữ nguyên tắc chung, nguyên tắc cơ bản, nguyên tắc chủ yếu có cùng nội hàm như nhau.

[2] Khi nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi trong một chừng mực nhất định đã cố gắng xem xét và luận giải các quy định của 14 BDL nằm trong nền pháp chế của 14 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, bao gồm: BDL Đức, BDL Hà Lan, BDL Indonesia, BDL Nhật bản, BDL Pháp, BDL Thụy Sỹ, BDL Philippines, BDL Iran, BLDS và Thương mại Thái Lan, BDL bang Louisiana (Hoa Kỳ), BDL tỉnh Quebec (Canada), Bộ Quy tắc chung về dân luật Trung Quốc, Bộ luật dân sự 1995 (BLDS 1995) và Bộ luật dân sự 2005 (BLDS 2005) của Việt Nam. Chúng tôi sử dụng thuật ngữ BDL để chỉ chung tất cả các văn bản này.

[3] Ngay trong Chương I của BDL Indonesia đã thể hiện rất rõ điều khoản này.

[4] Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Luật so sánh, Nxb Công an nhân dân, 2008, tr.178.

[5] Các BDL sắp xếp các nguyên tắc theo những quan điểm lập pháp của riêng mình nên không phải nguyên tắc nào có trong BDL này cũng được quy định trong BDL kia. Khi tiến hành sắp xếp, chúng tôi phần lớn căn cứ vào cách sắp xếp các nguyên tắc cơ bản của BDLS 2005 hiện hành của Việt Nam vì hai lý do: (1) các chuyên gia soạn thảo BLDS 2005 đã đưa ra một thứ tự xuất hiện các nguyên tắc một cách khoa học và có độ liên kết chặt chẽ, (2) để tiện theo dõi khi tiến hành so sánh với các quy định của BLDS 2005.

[6] Vũ Văn Mẫu và Lê Đình Chân, Danh từ và tài liệu Dân luật và Hiến luật, Tủ sách đại học, Sài Gòn, 1968, tr. 165 và 168.

[7] PGS. TS Hoàng Thế Liên (Chủ biên), Bình luận khoa học BLDS năm 2005, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 28.

[8] Trần Thúc Linh, Danh từ pháp luật lược giảng, Nxb Khai Trí, 1974, tr. 162.

[9] Nguyên tắc trung thực, thiện chí về mặt lý luận mang tính giả định, nghĩa là các bên khi tham gia vào giao dịch dân sự mặc nhiên được coi là trung thực, thiện chí, bên nào cho rằng bên kia không hành xử như vậy thì phải chứng minh. Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập I, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.55.

[10] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, tập I, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.50 và 51.

[11] PGS. TS Hoàng Thế Liên (Chủ biên), Bình luận khoa học BLDSộ luật dân sự năm 2005, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr 28.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP Số 13, Tháng 7 2014, tr. 57 – 64

1900.0191