Phân tích quyền hiến xác, hiến bộ phân cơ thể của cá nhân

Phân tích quyền hiến xác, hiến bộ phân cơ thể của cá nhân


Phân tích quyền hiến xác, hiến bộ phân cơ thể của cá nhân
Phân tích quyền hiến xác, hiến bộ phân cơ thể của cá nhân

MỞ ĐẦU

Một người biết rõ mình sắp chết, không thể cứu chữa được mà tự nguyện hiến xác hay hiến bộ phận cơ thể còn khỏe mạnh của mình là hành động mang tính nhân đạo cao cả. Với việc hiến bộ phận cơ thể này, họ có thể cứu sống được thêm rất nhiều người khác.

Ở Việt Nam quyền hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã được quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 và được cụ thể hóa trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006. Tuy nhiên, pháp luật về vấn đề này vẫn còn vô vàn những hạn chế tồn tại, trong khi nhu cầu và nguyện vọng hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể ở nước ta lại ngày càng tăng, đòi hòi Nhà nước phải nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp lý xoay quanh lĩnh vực này.

NỘI DUNG

I.TỔNG QUAN VỀ QUYỀN HIẾN XÁC VÀ HIẾN BỘ PHẬN CƠ THỂ CỦA CÁ NHÂN

1.Quy định về việc hiến xác, hiến bộ phân cơ thể của cá nhân ở một số quốc gia trên thế giới

Pháp luật quốc gia nhiều nước cũng xây dựng hành lang pháp lý về vấn đề hiến xác, hiến bộ phận cơ thể này từ rất sớm, tiêu biểu như: Anh năm 1961, Đan Mạch năm 1975, Hy Lạp 1983. Tại các nước Châu Á từ 1959 đến nay nhiều nước như Thái Lan, Hồng Kông, Đoài Loan, Nhật Bản, Singapo, Malaisia, Inđonesia, Philippin đã có quy định pháp luật cho phép tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể người từ tử thi để ghép… Trong khuôn khổ pháp luật quốc tế đầu tiên có thể kể đến Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, văn hoá và xã hội, viết tắt tiếng Anh là CESCR, và Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị, viết tắt tiếng Anh là CCPR, được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua 16/12/1966 và có hiệu lực từ ngày 23/3/1976. Còn trong khuôn khổ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông qua Nghị quyết về việc phát triển các hoạt động cấy ghép năm 2004. Thậm chí tổ chức UNNESCO đã thành lập một cơ quan trực tiếp liên quan đến lĩnh vực này là Ủy ban quốc tế về Đạo đức y sinh. Trong khuôn khổ Hội đồng châu Âu có Công ước về bảo vệ quyền con người và nhân phẩm con người trong việc ứng dụng các tiến bộ y học và sinh học ngày 4 tháng 4 năm 1997 (gọi tắt là Công ước OVIEDO). Ngoài ra trong nguồn luật của Liên minh châu Âu có thể chỉ ra Chỉ thị 2004/23 về thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn áp dụng đối với các hoạt động hiến, lấy, kiểm soát, xử lý, bảo quản, lưu trữ phân phối mô và tế bào người…

Nhìn chung pháp luật các nước trên thế giới tập trung quy định về: các nguyên tắc của hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể; điều kiện hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; các quy định về cơ chế đồng ý trong việc hiến mô, bộ phận cơ thể người; thẩm quyền, trình tự, thủ tục hiến mô, bộ phận cơ thể; trung tâm điều phối cấy ghép quốc gia và ngân hàng mô,… cũng như các quyền, lợi ích người hiến được hưởng khi tham gia hiến cứu chữa người bệnh…

2.Các quy định tại Việt Nam

Năm 1992, chúng ta bắt đầu thực hiện ca ghép thận đầu tiên, và phải mất 12 năm sau, y học Việt Nam mới thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên (năm 2004). Trong khi đó, thế giới đã thực hiện việc ghép gan, thận, tim… từ lâu.

Đối với nước ta, việc ghép mô, tạng để duy trì, đảm bảo sự sống là nhu cầu cấp thiết của nhiều người. Thế nhưng, sau 14 năm, chúng ta mới chỉ thực hiện được trên 150 ca ghép thận, 1 ca ghép gan. Do điều kiện trong nước như vậy nên đã có nhiều người ra nước ngoài để ghép gan, thận và chi phí rất tốn kém. Nếu đi sang Trung Quốc để ghép thận, gia đình bệnh nhân phải bỏ ra 300 – 400 triệu đồng/ ca, trong khi ở Việt Nam, nếu thực hiện thành công chỉ mất khoảng 30 triệu đồng

Bộ luật Dân sự 2005 lần đầu tiên đưa quyền hiến mô, tạng, hiến xác của công dân thành một quyền nhân thân. Tiếp đến năm 2006, Quốc hội ban hành một luật riêng về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Tuy nhiên, việc hiến bộ phận cơ thể, hiến xác của tử tù thì phải tới dự án Luật Thi hành án hình sự mới thảo luận. Khi ấy, Chính phủ cho rằng đây là vấn đề nhân đạo nên cho phép người bị kết án tử hình có quyền hiến xác, mô, bộ phận cơ thể. Nhưng ý kiến các đại biểu Quốc hội phân tán. Một phía cho rằng nên khuyến khích, coi đó là quyền nhân thân của tử tù vừa đáp ứng nhu cầu về ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể trong y học và ý nguyện của tử tù… Phía phản đối cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, không khả thi vì hình thức thi hành án tử hình hiện giờ là bắn thì khó mà còn bộ phận cơ thể nào đủ tốt để sử dụng lại. Có chăng, như một số nhà y học nói là có thể lấy được giác mạc.

Về mặt nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người thì tại, Điều 4, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã quy định đó là phải có sự tự nguyện của người hiến; không vì mục đích thương mại; giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Có thể thấy hầu hết các quốc gia đều quy định giữ bí mật về thông tin giữa người hiến cũng như người nhận là một nguyên tắc quan trọng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc quy định nguyên tắc này là một sự dự phòng rất hợp lý của pháp luật các nước nhằm bảo vệ quyền lợi của cả người hiến cũng như người nhận, thường thì việc biết thông tin về người được ghép bộ phận cơ thể của người thân mình, gặp lại họ để xoa dịu nỗi đau về tinh thần, còn người được ghép gặp lại có thể bày tỏ lòng biết ơn với người hiến, gia đình họ. Nhưng bên cạnh mặt tích cực chúng ta cũng phải quan tâm đến mặt tiêu cực của nó có thể gia đình người chết không đồng ý cho hiến, không chấp nhận thậm chí cho rằng người được ghép đã cướp đi cuộc sống của người thân mình dẫn tới sẽ có những việc làm bất lợi cho người được nhận ghép (đòi tiền, quấy rối, đe doạ…). Mặt khác cuộc đời người hiến và người được ghép rất khác nhau nếu không thông cảm hoặc không chấp nhận được cuộc đời nhau thì tốt nhất là không nên biết về nhau.

Bên cạnh những nguyên tắc như trên, pháp luật Việt Nam còn quy định khá cẩn trọng về một số phương diện khác khi hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người như sau:

a.Điều kiện về độ tuổi

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định cá nhân phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống và sau khi chết (Điều 5 Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006). Sở dĩ có quy định như vậy bởi các nhà làm luật nước ta quan niệm rằng ở tuổi đó, người hiến mới phát triển đầy đủ về tâm, sinh lý cũng như về mặt pháp lý họ là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có thể bằng hành vi của mình tham gia xác lập các quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật. Nếu độ tuổi là một dấu hiệu định lượng, là điều kiện cần để hiến mô, bộ phận cơ thể thì khả năng nhận thức và điều khiển hành vi là dấu hiệu định tính để xác định xem cá nhân đã hoàn thiện về mặt tâm lý, về khả năng nhận thức hay chưa.

Pháp luật Việt Nam không cho phép lấy mô, bộ phận cơ thể người chưa thành niên khi còn sống, nhưng không hạn chế người được nhận mô, bộ phận cơ thể với điều kiện chỉ được tiến hành sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người (Điều 15, Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006). Mặt khác pháp luật Việt Nam quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết. Pháp luật Việt Nam còn mới có quy định trường hợp không có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó (xem thêm Điều 21,Điều 22 Luật Hiến, láy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến,lấy xác năm 2006), thực tiễn ở Việt Nam cũng đã có trường hợp này. Tuy vậy, Luật chưa có quy định rõ ràng về người chưa thành niên chết thì cho được lấy mô, bộ phận cơ thể không nếu cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của họ đồng ý.

b.Điều kiện về sức khỏe

Ở Việt Nam, Luật hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006 chỉ quy định chung chung người hiến và người nhận đều phải làm những thủ tục để kiểm tra sức khỏe, nhưng Luật không quy định kiểm tra sức khỏe bao gồm những gì, nhưng nghiên cứu các quy định cụ thể trong Quyết định số 43/2006/QĐ-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2006 về việc ban hành quy trình kỹ thuật ghép thận từ người cho sống và quy trình kỹ thuật ghép gan từ người cho sống có quy định điều kiện để người hiến được tuyển sử dụng là không bị ung thư, xơ gan, nhiễm HIV dương tính,… điều đó cho thấy những quy định cụ thể về sức khỏe với người hiến thận hoặc gan ở Việt Nam được quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật và có thể thấy các quy định về vấn đề này là tương đối chặt chẽ nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả người hiến và người nhận.

c.Về tính thương mại trong hiến mô, bộ phận cơ thể người.

Ở Việt Nam, Điều 35 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Nghiêm cấm việc nhận, sử dụng bộ phận cơ thể của người khác vì mục đích thương mại.”  Điều 4 Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006 ghi nhận vấn đề này thành nguyên tắc “Không nhằm mục đích thương mại”. Việc pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc sử dụng bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại theo chúng tôi là hợp lý, bởi:

Nói đến vấn đề này, chúng tôi cho rằng không nên đồng nhất tính thương mại của việc hiến xác, bộ phận cơ thể người với việc người hiến xác, bộ phận cơ thể được đền bù một lợi ích nhất định. Đây là hai vấn đề đều đem lại lợi ích cho người hiến xác, bộ phận cơ thể người, tuy nhiên hai vấn đề này nó lại tác động theo hai hướng khác nhau. Nếu hiến xác, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại trả tiền mua bán như tài sản thông thường không phù hợp với văn hoá và đạo đức xã hội của nước ta, thậm chí là trái pháp luật và tạo ra những tác động xấu đối với đời sống đối với đời sống xã hội và tới hoạt động quản lý việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể người. Ngược lại việc đền bù cho người hiến xác, bộ phận cơ thể người như người hiến hoặc thân nhân của họ có thể nhận được những ưu đãi, hỗ trợ nhất định về y tế, thậm chí về kinh tế… không mang tính ngang giá mà xuất phát từ tình cảm, từ sự tri ân là phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức của người Việt Nam.

d.Về cơ quan quản lý hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và Ngân hàng mô

Pháp luật Việt Nam dành hẳn một chương quy định về Ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép mô, bộ phận cơ thể người (Điều 35 đến Điều 38, Chương V). Những quy định này đã góp phần rất quan trọng vào việc khám chữa bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người dân Việt Nam.

đ.Về thủ tục hiến mô, bộ phận cơ thể người.

Ở Việt Nam, pháp luật quy định người có đủ điều kiện quy định của Luật hiến, lấy ghép mô và hiến, lấy xác năm 2006 có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình với cơ sở y tế, khi nhận được thông tin của người hiến mô, bộ phận cơ thể, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Sau khi nhận được thông báo về trường hợp hiến xác, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về bộ phận cơ thể có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế có đủ điều kiện về trang thiết bị, về đội ngũ cán bộ y tế để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến. Khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này có trách nhiệm trực tiếp gặp người hiến để tư vấn thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể và hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khoẻ cho người hiến. Đến đây, người hiến mô, bộ phận cơ thể người để được hiến phải đảm bảo được điều kiện về sức khoẻ. Còn trường hợp hiến xác sau khi chết thực hiện theo quy định điều 19 của Luật này.

Có thể thấy về thủ tục hiến mô, bộ phận cơ thể ở các nước được quy định khá rõ ràng và cởi mở các thủ tục này nhằm đảm bảo quyền được hiến của cá nhân và bảo đảm tính tự nguyện của họ trong quá trình hiến hoặc từ chối hiến… mà không phải chịu các chế tài từ nhà nước.

 

II.THỰC TIỄN VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN HIẾN XÁC, HIẾN BỘ PHẬN CƠ THỂ CỦA CÁ NHÂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

1.Thực trạng hiến xác của cá nhân sau khi chết và hiến bộ phận cơ thể ở Việt Nam

a.Mặt tích cực:

Hiện nay ngành y học của Việt Nam nói riêng, khu vực và thế giới nói chung nên quan tâm đến vấn đề: “Hiến xác nhân đạo”, “hiến bộ phận cơ thể người”, Hiến mô tạng, hiến máu nhân đạo… để nghiên cứu phục vụ y học hơn nữa. Có rất nhiều lý do để có thể khẳng định vấn đề này là đúng, đặc biệt quan trọng và cần thiết trong xã hội “hiện đại” ngày nay. Hiện nay rất cần đến việc “Hiến xác nhân đạo”, “hiến bộ phận cơ thể người”, hiến mô tạng…để thúc đẩy cho việc khám chữa bệnh, thúc đẩy ngành y học phát triển, góp phần làm tái sinh lại sự sống từ các bộ phận của người chết trên cơ thể của người sống, giúp cho các sinh viên y khoa được thực tập trên cơ thể người hiến xác trước khi chữa trị cho người sống, từ đó sẽ rèn luyện tay nghề cho hàng trăm bác sỹ, cứu được hàng ngàn người. Tại Châu Á, ghép gan chưa phát triển nhiều. Trong tổng số 9354 ca ghép gan toàn thế giới năm 2000, châu á chỉ thực hiện được 417 ca (chưa đến 5%) lý do vì tặng cho quá hiếm, tiềm lực gan hạn chế, viêm gan siêu vi phát triển nhiều.

Còn tại Việt Nam, sau thành công của 10 năm ghép thận, Y học Việt Nam đã và đang âm thầm thực hiện ghép gan cho đến nay đã ghép gan thành công. Đó chính là một nét đột phá mới của nền y học hiện đại tại Việt Nam. Uỷ ban ghép tạng Quốc gia đã dự kiến tiến hành 1 – 2 ca ghép gan đầu tiên trong năm 2004, và đã thực hiện nhiều ca ghép gan thành công trong những năm gần đây.

Theo số liệu nghiên cứu của chúng tôi thông qua phiếu điều tra về vấn đề: “Hiến xác nhân đạo, hiến bộ phận cơ thể người, hiến mô tạng” để phục vụ khoa học và nghiên cứu tại Việt Nam thì: Trong tổng số 492 người được hỏi “có nên hiến xác nhân đạo, hiến bộ phận cơ thể người, hiến mô tạng”… để phục vụ cho ngành y học và nghiên cứu hay không? đồng thời đây chính là một việc có giá trị nhân đạo- nhân văn sâu sắc với một tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp biết hy sinh về đồng loại, góp phần thúc đẩy ngành y học nước nhà phát triển. Thì đã thu được kết quả sau đây: Có 315 người (chiếm 64, 02%) “đồng ý”, có tới 134 người (chiếm 27,27%) “không đồng ý”, và có 43 người (chiếm 8,73%) “không có ý kiến”. Như vậy, với 3 mức độ biểu hiện: “đồng ý”, “không đồng ý”, “không có ý kiến”, thì “vấn đề hiến xác nhân đạo, hiến bộ phận cơ thể, mô tạng…Để phục vụ y học và nghiên cứu tại Việt Nam” vẫn được phần lớn đại bộ phận các đối tượng, cá nhân trong xã hội ủng hộ- chiếm tới 64,02% nhận định của số người được hỏi.

Theo báo Thanh Niên (22/01/2007) Thủ tục hiến xác cho khoa học: Tại khu vực phía Nam, người tình nguyện hiến xác có thể mang chứng minh thư hay hộ khẩu đến đăng ký với trường Đại học Y ở địa phương, hoặc gửi đơn tình nguyện (có xác nhận của địa phương) về Đại học Y Dược TP HCM (217 An Dương Vương. Quận 5; Điện thoại: 8558411). Thì họ sẽ nhận được giấy chứng nhận hiến xác. Tất cả những người từ đủ 18 tuổi trở lên đều có thể đăng ký hiến xác. Bác sỹ Phan Bảo Khánh – Phó chủ nghiệm bộ môn giải phẫu, trường Đại học Y Dược TP HCM cho biết điều này. Trung bình mỗi năm, ĐH Y Dược TP HCM cần 20 xác. Đến nay, trường đã nhận được 99 xác và gần 5.300 đơn tình nguyện hiến xác (có sự đồng ý của gia đình) từ những người đang sống. Bác sỹ Khánh cũng cho biết, việc hiến xác giúp các sinh viên y khoa có giáo cụ để thực hành mổ xẻ. Hơn thế nữa, đức hy sinh và lòng nhân ái của người hiến xác sẽ giúp họ phục vụ bệnh nhân một cách vô tư và trong sáng. Hiện nay ở nước ta có 3 trường Đại học: Y Hà Nội, Y Huế, Y TP.HCM là có quyền được nhận xác hiến cho nghiên cứu khoa học.

Theo khảo sát có tới hơn 82% số người được hỏi đã ủng hộ vấn đề hiến xác nhân đạo, hiến bộ phận cơ thể người. Đồng thời họ còn đề xuất rất nhiều những ý kiến có tính chất đặc biệt quan trọng như: Các cấp bộ ngành nên có các biện pháp thông tin, tuyên truyền về việc hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác; cần biết ơn, ghi nhận và tôn vinh những người có tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp đã hiến xác hoặc một bộ phận trên cơ thể mình; nên quản lý chặt chẽ đến vấn đề này, các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm; xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch về, hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác; nên quan tâm để bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân và gia đình của người đã tham gia hiến “xác’, hiến bộ phận cơ thể người, hiến mô, tạng hơn nữa…

Thực tế này chứng tỏ rằng: Vấn đề hiến xác nhân đạo, hiến bộ phận cơ thể người, hiến mô tạng… đã và đang được mỗi cá nhân, cùng toàn thể xã hội quan tâm. Nếu được Đảng Nhà nước và các cấp bộ ngành quan tâm thì chắc chắn và tin tưởng rằng việc hiến xác nhân đạo, hiến mô tạng, hiến bộ phận cơ thể người sẽ được đại bộ phận nhân dân ủng hộ, ngành y học nói chung ở Việt Nam và ngành khoa học chứng cứ nói riêng sẽ phát triển, việc giải phẫu trên cơ thể người và một số căn bệnh nan y, quái ác sẽ được hạn chế và đẩy lùi trong thời gian tới.

b.Mặt tiêu cực:

Thế nhưng, trên đây chỉ là những ánh nhìn tích cực về vấn đề hiến xác, hiến bộ phận cơ thể. Theo các tư liệu điều tra thì hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều đã xuất hiện vấn nạn buôn bán nội tạng ngụy trang dưới hình thức “hiến nội tạng nhân đạo”. Tại Việt Nam cũng đã bắt đầu có những dịch vụ mai mối ghép thận cho các Việt Kiều mang bệnh suy thận về Việt Nam ghép thận mua từ người nghèo. Luật lệ về Hiến mô và Ghép tạng của Việt Nam tuy cấm chỉ việc mua bán nhưng trên thực tế thì rất khó kiểm soát vì các dịch vụ trao đổi được che mắt bởi hai từ “nhân đạo”. Những nạn nhân trong đường dây này đều còn rất trẻ, bị đưa đi bán thận với giá 50 triệu đồng/quả, nhưng thực chất chỉ nhận được 30 – 35 triệu và gánh hậu quả sức khỏe suy giảm suốt đời.

Đầu năm 2011, thông tin từ một bệnh viện trên địa bàn TP Cần Thơ cho biết có một số người đến bệnh viện khám sức khỏe với nhiều yêu cầu xét nghiệm đáng nghi vấn. Từ thông tin trên, lực lượng CSĐT Công an TP Cần Thơ vào cuộc và đã lần ra một đường dây đưa người sang Trung Quốc để bán thận. Nạn nhân của đường dây trên là những thanh niên tuổi đời từ 18 – 35, sức khỏe tốt nhưng khó khăn về kinh tế, ở hầu hết các tỉnh, thành từ Ninh Thuận trở vào.

Vấn đề cơ bản dẫn đến nạn buôn bán nội tạng là do sự thiếu hụt nguồn hiến tặng. Không phải ai khi có nhu cầu cần ghép tạng cũng sẽ được đáp ứng. Và chính vì những sự hạn chế trong khả năng cung cấp một lượng rất lớn tạng người cho “thị trường”, đã làm nảy sinh nhiều tiêu cực tại vấn đề này. Trên toàn cầu, nhiều quốc gia chưa có ngân hàng, trung tâm lưu trữ nội tạng, mô và tế bào đủ cho nhu cầu cấy ghép ở chính nước họ. Còn có khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo trong tiếp cận việc cấy ghép nội tạng. Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đang phải chật vật đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nội tạng cho các ca phẫu thuật cấy ghép.

2.Vấn đề tử tù với quyền hiến xác, hiến bộ phận cơ thể vẫn còn rất nhiều tranh cãi và nhiều vấn đề đặt ra

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (ban hành năm 2006 – gọi tắt là Luật 2006) nêu rõ: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”. Vậy tại sao đến nay đã có nhiều tử tù có nguyện vọng hiến xác nhưng các quy định về thi hành án tử hình lại không đề cập đến vấn đề này, và đâu đó vẫn còn tồn tại một số lo ngại về mặt tâm lý, phong tục tập quán cũng như truyền thống dân tộc.

Trước hết, xét về mặt nhận thức, vẫn còn những tư tưởng quan ngại cho rằng những người bị tử hình là người nguy hiểm cho xã hội, việc tước đi quyền được sống của họ là loại bỏ đi con người không đáng được sống này nên không cần sử dụng các bộ phận cơ thể của họ nữa. Hay sự lo sợ khi những người được cấy ghép các bộ phận cơ thể biết được rằng đây là bộ phận của một người tử tù.

Xét về mặt cơ sở pháp lý, dù Luật 2006 đã quy định quyền hiến bộ phận cơ thể khi còn sống và cả sau khi chết như một quyền nhân thân của người từ đủ 18 tuổi, song trong trường hợp của tử tù, đã có án và bị hạn chế một số quyền công  dân thì vấn đề này trở lên khá phức tạp. Thực tế, đến khi thảo luận Luật Thi hành án hình sự tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi mới đặt ra vấn đề hiến mô, bộ phận cơ thể và hiến xác của tử tù. Như thế có thể hiểu là cho đến nay, chưa có quy định nào về việc tử tù có được hiến xác, mô, bộ phận cơ thể hay không.

Luật quy định hai hình thức hiến trước và sau khi chết nhưng luật yêu cầu chế độ chăm sóc sức khỏe đặc biệt với người hiến. Vậy với người bị kết án tử hình, phải biệt giam trong buồng giam tử tù thì thực hiện thế nào? Có đảm bảo được an ninh không? Luật cũng yêu cầu phải tôn vinh, khen thưởng người hiến trong khi người bị kết án tử hình là đối tượng không còn cải tạo được nữa… Giả sử xác tử tù được hiến cho nghiên cứu y học thì tên anh ta có được ghi trong phòng tưởng niệm theo quy định luật này? Nhưng nếu chấp nhận cho người bị tuyên phạt tử hình được hiến mô, tạng, rồi lấy đi một phần cơ thể họ, chăm nuôi họ khỏe trở lại rồi thi hành án tử hình thì liệu còn đảm bảo ý nghĩa, mục đích của hình phạt? Các mâu thuẫn, vướng mắc này ngày nào còn chưa giải quyết mạch lạc, thì vấn đề hiến xác, hiến bộ phận cơ thể của tử tù sẽ hoàn toàn không thể thực hiện được trên thực tế.

Mặt khác, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định hình thức thi hành án tử hình là bắn hoặc tiêm thuốc độc. Các văn bản dưới luật hướng dẫn việc xử bắn sẽ được thực hiện bằng đội hành quyết, bắn một loạt đạn, tiếp đó đội trưởng thi hành án thực hiện phát súng ân huệ. Theo quy trình ấy, thi thể tử tù sẽ bị bắn thủng nhiều và về mặt y tế thì khó có thể tìm thấy bộ phận cơ thể nào còn nguyên vẹn, đủ giá trị để hiến – ghép. Cho nên, để mong muốn hiến tim của tử tù thực hiện được thì chỉ có thể thay đổi hình thức thi hành án tử hình, chẳng hạn bằng một phát súng duy nhất vào đầu.

Nếu thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc thì khi thuốc độc ngấm vào cơ thể nạn nhân, làm ngừng hoạt động sống của tử tù thì việc sử dụng các bộ phận cơ thể này cho mục đích y tế cũng khó có thể thực hiện được.

Về vấn đề này, nói chung hai phương án thi hành hình phạt tử hình mới thể hiện chung chung, có lẽ chưa dự liệu gì đến khả năng tử tù muốn hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết.

Các tiền lệ tử tù xin hiến xác đã có:

– Tháng 10-2007, tử tù Nguyễn Phước Đỉnh bị tuyên phạt tử hình về tội giết người ở Tiền Giang cũng viết đơn gửi TAND Tối cao xin được hiến xác cho y học sau khi thi hành án. Trong đơn tử tù này nói mình khỏe mạnh, nhiều bộ phận cơ thể vẫn còn có ích cho những ca bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, nguyện vọng này không được chấp thuận.

– Trường hợp tử tù Nguyễn Văn Hải, ở Quảng Ninh, viết đơn gửi Chủ tịch nước xin được thi hành án, đồng thời được hiến thi thể mình cho y học đã gây bối rối cho các cơ quan chức năng và cũng không được chấp thuận.

Ngoài ra, nhìn một cách khách quan thì nguồn mô, tạng của tử tù cũng không nhiều. Thực tế khảo sát về việc kết án và thi hành án tử hình hằng năm cũng cho thấy số lượng tử tù không nhiều. Hầu hết họ phạm các tội nghiêm trọng về ma túy, hoặc tội phạm sử dụng bạo lực như giết người. Về nhân thân, khá nhiều có tiền sử nghiện hút hoặc các bệnh xã hội khác. Do đó, về y học dù họ có tự nguyện, mong muốn hiến mô, bộ phận cơ thể hoặc xác phục vụ khoa học và mục đích nhân đạo khác thì tính khả thi cũng rất thấp. Vì vậy, nếu có quy định mở thêm đối tượng hiến mô, bộ phận cơ thể là người bị thi hành hình phạt tử hình thì có lẽ cũng chỉ nên ở mức là tử tù có quyền hiến và trường hợp cụ thể được chấp nhận hay không phải được cơ quan có thẩm quyền nào đó, chẳng hạn như TAND Tối cao chấp thuận.

Nói cho cùng, Luật hiện hành không có quy định về quyền hiến mô, tạng, xác của tử tù nên không có cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng thực hiện ý nguyện của họ. Trong tương lai, Quốc hội cũng khó có thể đồng tình vì chúng ta đang theo xu hướng giảm thiểu án tử hình và tiến tới xóa bỏ án tử. Chưa nói là chuyện nếu có quy định về trường hợp đặc biệt này, sẽ đụng chạm đến nhiều vấn đề khác như hình thức thi hành án tử; ai là người có thẩm quyền chấp nhận ý nguyện hiến xác, mô, tạng của tử tù… nên điều này rất khó khả thi.

 

III. NHỮNG KIẾN NGHỊ, GIẢI PHÁP CHUNG NHẰM CẢI THIỆN VẤN ĐỀ HIẾN XÁC, HIẾN BỘ PHẬN CƠ THỂ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY VÀ TRONG TƯƠNG LAI

Qua những nghiên cứu trên về hiến xác, hiến mô, bộ phận cơ thể, em có một số gợi mở sau nhằm cải thiện hơn tình hình hiện nay ở Việt Nam:

– Một là, nếu việc thi hành án bằng cách bị bắn như hiện nay là không ổn, do các tạng bị phá hủy hoàn toàn, chỉ có thể lấy được giác mạc. Nếu chuyển tử tù đến một cơ sở chữa bệnh để lấy tạng rồi đồng thời hồi sức cho tử tù trước khi trả lại trại giam và sau đó mới thi hành án cũng không ổn. Vì vậy, Bộ Y tế lưu ý nhất đến trường hợp: thay đổi lại phương thức thi hành án phạt tù: xử bắn bằng cách bắn vào mang tai để tử tù chết não thì mới lấy được tạng” – Ông Quang cho biết. Theo quy định mới, tử tù sẽ bị tiêm thuốc độc, cách này sẽ hủy hoại các bộ phận trong cơ thể. Do đó, cần có hình thức thi hành án riêng cho tử tù có nguyện vọng hiến tạng

– Hai là, về các nguyên tắc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể. Em cho rằng việc bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng, tâm lý cho người hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống đóng vai trò quan trọng, thậm chí việc thực hiện vấn đề này có vai trò quyết định đến số lượng người tham gia hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống. Ở nước ta về quy trình thủ tục lấy mô, bộ phận cơ thể được quy định khá chặt chẽ, tuy nhiên vẫn cần thêm quy định về vấn đề bảo đảm sức khỏe, tính mạng và tâm lý trở thành một nguyên tắc của luật là cần thiết. Pháp luật Việt Nam nên quy định cụ thể bảo đảm an toàn y tế và cẩn trọng là một nguyên tắc trong hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người;

– Ba là, về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về hiến mô, bộ phận cơ thể vì mục đích giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Chúng tôi cho rằng cần quy định cụ thể về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể vì mục đích nghiên cứu khoa học và giảng dạy, bởi như đã phân tích ở phần trên có thể thấy điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể vì mục đích chữa bệnh không hoàn toàn giống với điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể vì mục đích giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

– Bốn là, về bảo hiểm y tế toàn dân, nhiên cứu xây dựng bảo hiểm y tế về hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người trong hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân nhằm hỗ trợ đắc lực cho người hiến theo kinh nghiệm của các quốc gia tiến tiến, ví dụ như Pháp.

KẾT LUẬN

Vấn đề hiến xác, hiến bộ phận cơ thể đã và đang vô cùng nóng bỏng trong thời gian qua, chính do những quy định chưa rõ ràng của hệ thống pháp lý, mà vấn đề này vốn phức tạp nay càng trở nên khó giải quyết hơn. Mong rằng trong một vài năm tới hoạt động này sẽ đi vào nề nếp và có bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, ổn định hơn, góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Bộ luật Dân sự 2005
  • Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006

 


1900.0191