Phân tích sự kế thừa và phát triển các quyền về kinh tế – xã hội của công dân theo Hiến pháp 1992 so với Hiến pháp 1980
MỞ ĐẦU
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Bản hiến pháp đang có hiệu lực là bản Hiến pháp của năm 1992, đã được Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 11 ( từ ngày 24-3 đến 15-4-1992 ) nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 15 tháng 4 năm 1992, hồi 11 giờ 45 phút. Hiến pháp 1992 đã kế thừa những Hiến pháp trước đó, nhất là Hiến pháp 1946 của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp mới đã có những phát triển mới trên nhiều nội dung, phù hợp với thực tiễn của công cuộc đổi mới. Ngày 25-12-2001, Quốc hội khóa X đã ra Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Trọng tâm của lần sửa đổi này là các quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, dựa trên những căn cứ nhận thức, tư duy lý luận mới của Đảng ta về vai trò, vị trí của Nhà nước đã có những bước phát triển mới; trước yêu cầu của nền kinh tế chuyển đổi cũng những sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước…
Vấn đề quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là một trong những nội dung quan trọng đối với chế độ một nhà nước. Ở nước ta quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận sau khi nhà nước Dân chủ nhân dân ra đời. Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã ghi nhận các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Qua từng giai đoạn cách mạng của đất nước các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ngày càng được ghi nhận một cách đầy đủ và phát triển hoàn thiện hơn trong các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992. Có thể nói về mặt khoa học pháp lý thì quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được thể hiện ở trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, dân sự, văn hoá, xã hội. Trong nội dung bài này chúng ta sẽ đi sâu làm rõ các quyền về kinh tế – xã hội của công dân.
NỘI DUNG
I.Hoàn cảnh ra đời của hai bản Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992.
Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc ta. Nước ta đã hoàn toàn độc lập, tự do là điều kiện thuận lợi để thống nhất hai miền Nam – Bắc, đưa cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước tình hình đó, tháng 9/1975, Hội nghị lần thứ 24 của Ban chấp hành trung ương Đảng lao động Việt Nam đã quyết định triệu tập Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc. Hội nghị đã nhất trí quyết định tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung cho cả nước theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trực tiếp và bỏ phiếu kín diễn ra ngày 25/4/1976. Quốc hội chung của cả nước đã bắt đầu kì họp đầu tiên của mình vào ngày 25/6/1976 và kéo dài đến ngày 03/7/1976. Ngày 02/7/1976 Quốc hội đã thông qua các nghị quyết quan trọng và quyết định thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp gồm 36 người. Sau một năm rưỡi làm việc khẩn trương, bản Dự thảo được đưa ra cho toàn dân thảo luận. Tháng 9/1980, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã họp kì đặc biệt để xem xét và cho ý kiến bổ sung, sửa chữa Dự thảo trước khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua. Sau một thời gian thảo luận, Quốc hội khoá VI tại kì họp thứ 7 ngày 18/12/1980 đã nhất trí thông qua hiến pháp. Hiến pháp năm 1980 bao gồm lời nói đầu, 147 điều chia làm 12 chương.
Sau một thời gian phát huy hiệu lực, nhiều quy định của Hiến pháp năm 1980 tỏ ra không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Tình hình thực tiễn của đất nước đòi hỏi phải có một bản hiến pháp mới, phù hợp hơn để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Tại Quốc hội khoá 8, kì họp thứ 3 ngày 22/12/1988 đã ra Nghị quyết thành lập Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp để sửa đổi Hiến pháp một cách cơ bản, toàn diện đáp ứng yêu cầu của tình hình xã hội bấy giờ. Cuối năm 1991 đầu năm 1992 bản dự thảo Hiến pháp lần ba đã được đưa ra trưng cầu ý kiến nhân dân. Sau nhiều ngày thảo luận, chỉnh lí và bổ sung nhất định, ngày 15 tháng 4 năm 1992 Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp. Hiến pháp năm 1992 gồm lời nói đầu và 147 điều chia làm 12 chương.
II.Sự kế thừa và phát triển các quyền về kinh tế – xã hội của công dân theo Hiến pháp năm 1992 so với Hiến pháp 1980.
Quyền công dân được hiến pháp 1980 qui định trong chương 5 : “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, bao gồm 29 điều (từ Điều 53 đến Điều 81). Còn ở Hiến pháp 1992 quyền công dân cũng được qui định trong chương 5: “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, nhưng bao gồm 34 điều (từ điều 49 đến điều 82).
Như vậy khi chỉ nhìn sơ qua ta đã thấy Hiến pháp năm 1992 phát triển hơn về mặt số lượng các điều luật, như vậy chắc chắn sẽ rõ ràng hơn chi tiết hơn so với Hiến pháp năm 1980.Trước hết, Hiến pháp năm 1980 khẳng định lại các quyền kinh tế – xã hội cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1959 nhưng đã bổ sung mở rộng hoàn thiện hơn các quyền này cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới của đất nước. Đến Hiến pháp năm 1992 lại tiếp tục ghi nhận lại các quyền kinh tế – xã hội cơ bản của công dân ở Hiến pháp năm 1980 và bổ sung hoàn thiện hơn trong điều kiện nuớc ta tiến hành công cuộc đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.
Có người đánh giá rằng bản hiến pháp năm 1992 hạn chế những quyền tự do cơ bản của con người bằng cách thêm vào dòng “theo quy định của pháp luật”. Thế nhưng việc hạn chế này là đảm bảo cho việc thực hiện quyền tự do của người này phải nằm trong khuôn khổ để không làm ảnh hưởng và vi phạm đến quyền tự do của người khác.
1) Sự kế thừa và phát triển các quyền về kinh tế của công dân qua hai Hiến pháp 1980 và 1992:
Hiến pháp năm 1980 quy định chỉ có 1 quyền về kinh tế của công dân đó là: “Quyền lao động” được ghi tại Điều 58 :
“Điều 58
Lao động là quyền, nghĩa vụ và vinh dự hàng đầu của công dân.
Công dân có quyền có việc làm. Người có sức lao động phải lao động theo quy định của pháp luật.
Nhà nước dựa vào kế hoạch phát triển kinh tế và văn hoá mà tạo thêm việc làm, sắp xếp công việc căn cứ vào năng lực, nguyện vọng cá nhân và yêu cầu của xã hội, nâng cao trình độ nghề nghiệp, bồi dưỡng sức lao động, không ngừng cải thiện điều kiện làm việc của lao động chân tay và lao động trí óc.
Nhà nước quy định và bảo đảm thực hiện các chế độ nhằm đề phòng tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.”
Hiến pháp năm 1992 đã kế thừa kết quả tư duy của Hiến pháp 1980 và phát triển thêm các quyền hoàn toàn mới về kinh tế của công dân cho phù hợp với thực tiễn đó là:
1.Quyền lao động
2.Quyền tự do kinh doanh
3.Quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, tư liệu xản xuất, đất được Nhà nước giao sử dụng.
Cũng như Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 xác định lao động vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên phải thấy rằng Hiến pháp 1992 đã có những quy định chặt chẽ hơn, phù hợp hơn với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Việc quy định quyền có việc làm của công dân trong Hiến pháp năm 1980 không hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn, thực tế cho thấy rằng việc đảm bảo cho mọi công dân đều có việc làm không phải là một vấn đề đơn giản. Vì vậy Hiến pháp năm 1992, Điều 55 xác định: “Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động”. Đây là một quy định có tính kế thừa và phát triển rất phù hợp với đường lối kinh tế lúc đó của Nhà nước ta là phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước trên cơ sở giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế.
Quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật (Điều 57). So với các Hiến pháp trước đây, cụ thể là Hiến pháp 1980, đây là một quy định hoàn toàn mới, nó được ghi nhận trong đạo luật cơ bản của Nhà nước gắn liền với việc ghi nhận nền kinh tế hàng hoá thị trường và sự phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế làm cho dân giàu nước mạnh. Theo quy định của Hiến pháp mới, công dân có quyền tự do kinh doanh sản xuất, có quyền sở hữu những thu nhập hợp pháp, của cải để dành, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Cụ thể hoá hơn của quyền này đã được ghi nhận trong các Luật Doanh Nghiệp 2005, Luật Thương Mại 2005. Trên cơ sở tự nguyện dân chủ và cùng có lợi, người lao động có thể góp vốn, góp sức, thành lập doanh nghiệp không bị hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động,cũng như ngành ngề kinh doanh trừ ngành nghề bị cấm; các cá nhân có thể liên doanh với các tổ chức doanh nghiêp nhà nước, các tổ chức kinh tế nước ngoài theo quy định của pháp luật; kinh tế cá thể, kinh tế gia đình được khuyến khích phát triển. Tài sản hợp pháp của các doanh nghiệp được Nhà nước bảo hộ, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật,.v.v.
2) Sự kế thừa và phát triển các quyền về xã hội của công dân qua hai Hiến pháp 1980 và 1992:
So sánh các quyền xã hội cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1980 với Hiến pháp năm 1992 ta thấy rằng:
Hiến pháp năm 1980 quy định 17 quyền xã hội cơ bản của công dân đó là các quyền.
1.Quyền được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội;
2.Quyền nghỉ ngơi;
3.Quyền được bảo vệ sức khoẻ;
4.Quyền có nhà ở;
5.Quyền bình đẳng nam, nữ;
6.Quyền được hưởng chế độ thai sản của phụ nữ;
7.Quyền được nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình;
8.Quyền của trẻ em;
9.Quyền của thanh niên;
10.Quyền của thương binh;
11.Quyền của gia đình liệt sỹ;
12.Quyền của người có công với nước;
13.Quyền của gia đình có công với nước;
14.Quyền của người già;
15.Quyền của người tàn tật;
16.Quyền của trẻ mồ côi;
17.Quyền được sống.
Đến Hiến pháp năm 1992 thì các quyền xã hội cơ bản của công dân được quy định là 20 quyền. So với Hiến pháp năm 1980 thì có thêm 4 quyền mới xuất hiện là: Quyền được xây dựng nhà ở theo quy hoạch và pháp luật (thay thế cho quyền có nhà ở trong Hiến pháp 1980); quyền được pháp luật bảo hộ của người thuê nhà; quyền được pháp luật bảo hộ của người có nhà cho thuê; quyền của bệnh binh. Còn 17 quyền xã hội cơ bản khác của công dân ở Hiến pháp 1992 vẫn tiếp tục ghi nhận các quyền đó như ở Hiến pháp năm 1980 nhưng có một số quyền thay đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước hơn.
1.Quyền được hưởng chế độ xã hội;
2.Quyền nghỉ ngơi;
3.Quyền được bảo vệ sức khỏe;
4.Quyền được xây dựng nhà ở theo quy hoạch và pháp luật (thay thế);
5.Quyền được pháp luật bảo hộ của người có nhà cho thuê (mới);
6.Quyền được pháp luật bảo hộ của người thuê nhà (mới);
7.Quyền bình đẳng nam, nữ
8.Quyền được hưởng chế độ thai sản của phụ nữ;
9.Quyền được Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình;
10.Quyền của trẻ em;
11.Quyền của thanh niên;
12..Quyền của thương binh;
13.Quyền của bệnh binh (mới);
14.Quyền của gia đình liệt sĩ;
15.Quyền của người có công với nước;
16.Quyền của gia đình có công với nước;
17.Quyền của người già;
18.Quyền của người tàn tật;
19.Quyền của trẻ mồ côi;
20.Quyền được sống.
Quyền bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định tại Điều 56. Điểm phát triển ở đây so với Hiến pháp năm 1980 là quy định khuyến khích phát triển các hình thức bảo hiểm xã hội khác đối với người lao động ngoài chế độ bảo hiểm xã hội của Nhà nước đối với viên chức nhà nước và người làm công ăn lương. Đây là một bước phát triển mới dựa trên sự kế thừa về quyền được hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động trong các Hiến pháp trước đó, bước phát triển này tạo điều kiện thuận tiện hơn để những người lao động có thể lựa chọn và dễ dàng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của bản thân không chỉ dựa vào các hình thức bảo hiểm của Nhà nước.
Tại Điều 61 về “quyền được bảo vệ sức khỏe” có bốn điểm mới thay đổi so với Hiến pháp 1980. Một là, Hiến pháp xóa bỏ chế độ bao cấp trong việc khám, chữa bệnh, trừ một số đối tượng được miễn viện phí. Hai là, Hiến pháp quy định nghĩa vụ của Nhà nước trong việc ban hành và thực hiện chế độ viện phí, chế độ miễn, giảm viện phí, chế độ bắt buộc cai nghiện và chữa các bệnh xã hội nguy hiểm. Ba là, nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện và các chất ma túy khác. Bốn là, Hiến pháp xác định nghĩa vụ của công dân thực hiện các quy định về vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh công cộng.
Khác với Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 không quy định công dân Việt Nam có quyền có nhà ở, mà quy định “Công dân có quyền xây dựng nhà ở theo quy hoạch và pháp luật”. Trong điều kiện hiện nay Nhà nước ta không thể xây dựng nhà ở cho mọi công dân có nhu cầu về nhà ở, vì vậy Nhà nước khuyến khích công dân xây dựng nhà ở cho bản thân theo quy hoạch và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời Nhà nước cũng bảo hộ quyền lợi của người thuê nhà và người có nhà cho thuê.
Điều 63 quy định về “quyền bình đẳng nam, nữ” và bổ sung : “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”. Việc bổ sung này nhằm phòng ngừa và chống lại những hủ tục, nếp nghĩ phong kiến còn xót lại, những hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, đánh đập, hành hạ, mua bán phụ nữ, sử dụng phụ nữ như là một công cụ để đạt được mụa đích.
Điều 64 quy định “quyền được bảo hộ hôn nhân và gia đình”, so với Hiến pháp năm 1980 thì điểm mới là quy định của nghĩa vụ “kính trọng và chăm sóc ông bà” cùng với nghĩa vụ kính trọng và chăm sóc cha mẹ. Quy định này mang tính đạo đức sâu sắc và nó xuất phát từ thực tế hiện nay là trong nhiều gia đình có ba, thậm chí có bốn thế hệ chung sống, do đó con vừa có bổn phận kính trọng, chăm sóc cha mẹ, vừa kính trọng, chăm sóc ông bà.
Trong các điều quy định “quyền của trẻ em” (Điều 65) và “quyền của thanh niên” (Điều 66), Hiến pháp bổ sung yếu tố gia đình vào các yếu tố Nhà nước và xã hội cùng có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thanh niên. Điều đó khẳng định vị trí, vai trò ngày càng tăng của gia đình với tư cách là tế bào của xã hội, cái nôi đầu tiên của con người, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của những mầm non hôm nay là tương lai của đất nước, là hạnh phúc của mọi nhà.
Tại Điều 67 về “quyền của các đối tượng được ưu đãi, của những người gặp hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt”, Hiến pháp 1992 bổ sung một quyền mới là “quyền của bệnh binh được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước”.
KẾT LUẬN
Từ những điều trình bày ở trên cho thấy Hiến pháp năm 1992 vừa kế thừa, vừa phát triển những quy định của Hiến pháp năm 1980 về các quyền xã hội cơ bản của công dân. Trong 23 điều quy định 55 quyền cơ bản có 9 điều xác lập 20 quyền xã hội cơ bản (có 4 quyền mới). Việc sửa đổi, bổ sung nội dung các quyền xã hội cơ bản đã được Hiến pháp năm 1980 ghi nhận càng làm cho chúng có tính khả thi hơn trong điều kiện xã hội mới, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa của nhân dân dân, do nhân dân, và vì nhân dân.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980
- Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992
- Luật Doanh Nghiệp
- Luật Thương Mại
- Luật Hợp tác xã