Phân tích thủ tục xác định mức độ khuyết tật
1) Khái quát và phân tích những quy định của pháp luật
Việc xác định mức độ khuyết tật để được hưởng trợ cấp định kỳ hàng tháng của Nhà nước ta vẫn đã và đang là một khó khăn đối với các cơ quan thực thi chính sách cũng như với bản thân người khuyết tật. Mời các bạn cùng chúng tôi đi sâu tìm hiểu về vấn đề Thủ tục xác định mức độ khuyết tật trong Luật người khuyết tật được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010, gồm tất cả là 10 chương và 53 điều.
Đầu tiên, chúng ta sẽ khái quát những quy định hiện hành về thủ tục xác định mức độ khuyết tật dựa trên các quy định của Luật người khuyết tật 2010 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể của các Bộ ngành liên quan trong vấn đề thủ tục Hành chính này.
Theo Điều 18 Luật người khuyết tật 2010 về Thủ tục xác định mức độ khuyết tật thì khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú. Đối với vấn đề này Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết trình tự, thủ tục, hồ sơ xác định mức độ khuyết tật như sau, thành phần hồ sơ sẽ bao gồm: đơn xin xác nhận khuyết tật (tự viết), giấy xác nhận tình trạng khuyết tật của cơ quan y tế có thẩm quyền, ảnh, CMTND (nếu có), sổ hộ khẩu,…
Đối với trình tự thực hiện thì sẽ là:
– Cá nhân sẽ nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa thuộc UBND cấp xã.
– Công chức tiếp nhận và kiểm tra tính pháp lý, nội dung hồ sơ:
+ Nếu hồ sơ hợp lệ thì viết giấy hẹn;
+ Nếu hồ sơ không hợp lệ thì hướng dẫn cá nhân hoàn thiện theo đúng quy định.
– Công chức chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền giải quyết và trả kết quả theo giấy hẹn
– Và cuối cùng cá nhân nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa thuộc UBND cấp xã.
Sau khi đã tiến hành xong bước đầu tiên đó là gửi đơn yêu cầu xác định mức độ khuyết tật thì theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật người khuyết tật 2010, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ vào quy định về Dạng tật, Mức độ khuyết tật tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật hoặc quan sát trực tiếp người khuyết tật thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo tiêu chí về y tế, xã hội và phương pháp khác theo quy định để xác định mức độ khuyết tật từ đó lập hồ sơ xác định mức độ khuyết tật và ra kết luận.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật.
Mặt khác, để đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật và đồng thời hạn chế sự cẩu thả trong công tác xác nhận mức độ khuyết tật thì trong một số các trường hợp sau đây, việc xác định mức độ khuyết tật sẽ do Hội đồng giám định y khoa thực hiện:
a) Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật;
b) Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
c) Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác.
Trên đây chính là toàn bộ thủ tục xác định mức độ khuyết tật được quy định trong pháp luật Việt Nam hiện hành. Thực tế, đối với những người khuyết tật, việc có được công nhận là khuyết tật hay không, không đơn giản chỉ là 350k/tháng hay 1 cái thẻ bảo hiểm y tế, mà quan trọng nó chính là cơ sở để từ đó phát sinh mọi chế độ, chính sách sau này!
2) Thực trạng áp dụng và hướng hoàn thiện
Trong thời gian 2 năm có hiệu lực, ta có thể nhận định rằng những thủ tục hiện nay là tương đối phù hợp và đã phần nào nói lên sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt, cũng như sự cố gắng của toàn xã hội hướng tới người khuyết tật. Nhưng không phải vì đó mà chúng ta bỏ qua những khía cạnh còn thiếu xót của những quy định này, qua một thời gian ngắn đưa vào áp dụng, các quy định đã bộc lộ rất nhiều hạn chế cần phải khẩn chương khắc phục.
Nhóm em xin đưa ra một ví dụ thực tế như sau để minh chứng cho lập luận của mình:
Đến với gia đình 4 mẹ con Chị Nguyễn Thị Phương – khu 8, xã Vũ Yển, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Chúng tôi được biết đã hơn 20 năm qua, mình chị chèo chống nuôi 3 đứa con từ những mớ rau xanh, vại cà, xô dưa muối. Bé Liên con gái út của chị bị sứt môi, hở hàm ếch, không biết nghe, biết nói. Sáng nào cũng vậy, mùa đông cho tới mùa hè, Liên thức dậy là cùng mẹ theo ra chợ từ 4h sáng vì các anh chị còn phải đi học không có ai trông.
Đứa bé chưa đầy 5 tuổi, nặng chưa đầy 12kg, sáng nào cũng theo mẹ đi chợ bán hàng, nhiều khi nằm ngủ trên bọc mẹ vì mệt. Ngay cả trong những ngày đông giá rét gió lùa qua tấm bạt che khiến phải nhập viện vì viêm họng cấp, đến những cơn mưa giông bất chợt kéo đến trong mùa hè làm quần áo và cả người em ướt.
Nuôi con đã khó biết bao, nuôi một đứa trẻ đa khuyết tật sẽ càng vất vả hơn. Năm 2006, chị Phượng chạy vạy, vay mượn cùng với giúp đỡ của anh em, hàng xóm cho cháu Liên đi phẫu thuật môi tại Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt T.Ư. Đây là chương trình phẫu thuật nụ cười, miễn tiền viện phí. Song, quá trình đi lại, ăn uống chăm sóc cho con trong suốt 2 tuần tại Hà Nội cũng làm gia đình “liêu xiêu” trong một thời gian.
Giờ môi Liên đã lành, khi em cười nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ thì chẳng ai biết đó là đứa trẻ đã từng bị sứt môi. Song Liên vẫn phải trải qua 2 lần phẫu thuật nữa: phẫu thuật lợi và hàm ếch. Dẫu vậy thì em vẫn không thể nghe thấy.
“Mẹ ơi con đói!” “Mẹ ơi lấy con cốc nước” “Mẹ ơi… mẹ…” kể cả trong những giấc mơ hay đơn giản trong những suy nghĩ thường nhật chị P cũng mong được nghe con gái mình gọi từ “Mẹ”.
Điều tôi thắc mắc khi đến đây là tại sao một đứa trẻ đa tật như bé Phạm Thị Liên, đã 5 tuổi mà chưa được hưởng trợ cấp xã hội. Sự quan tâm của chính quyền sở tại ở đâu?
Chị P tâm sự: “Muốn được hưởng trợ cấp xã hội thì phải có giấy xác nhận mức độ khuyết tật, nhưng chúng tôi thì không hiểu về mấy thủ tục này, hơn nữa đi xác nhận lại phải ở lại vài tuần tại bệnh viện để theo dõi mà nhà thì neo người vả lại không thể tay trắng ra khỏi nhà được”.
Phóng sự: Lặn lội “thân cò” nuôi con khuyết tật
Phóng viên: Loan Phạm
Trích báo Nhân đạo và đời sống
Chỉ dựa vào ví dụ trên, chắc chúng ta đã phần nào hiểu được sự hạn chế của những quy định hiện hành về vấn đề thủ tục xác định mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật. Trước hết đó là vấn đề các quy định của pháp luật vẫn còn nằm rải rác, chưa có sự thống nhất cụ thể, ví dụ như trong Điều 18 Luật người khuyết tật 2010 về Thủ tục xác định mức độ khuyết tật hoàn toàn không có quy định rõ ràng về hồ sơ, đơn xin xác nhận sẽ gồm những gì, điều này sẽ gây trở ngại vô cùng khó khăn đối với người khuyết tật muốn thực hiện thủ tục.
Tiếp theo, cũng tại khoản 2 và khoản 3 Điều 18 này, Luật chỉ quy định việc triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ, những quy định này còn mang nặng tính mệnh lệnh Nhà nước rất nặng nề, lẽ ra Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ phải có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và đến tận nơi cư trú của người khuyết tật để thực hiện công việc xác minh, xác định mức độ khuyết tật nếu người khuyết tật không có điều kiện thuận lợi để di chuyển; chứ đằng này chỉ đề ra thời gian địa điểm để yêu cầu bắt buộc người khuyết tật phải tuân thủ, như thế sẽ tạo thêm khó khăn cho những người khuyết tật và cũng tạo ra tâm lý chán nản từ đó ngại nộp đơn xin xác nhận tới các cơ quan chính quyền địa phương.