Phân tích Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC DO VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG ( ĐIỀU 106 ) 

Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại, gây thương tật cho người xâm hại từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người.

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

Tội phạm này được tách từ khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên Điều 106 Bộ luật hình sự được cấu tạo thành hai khoản, nhưng cả hai khoản đều là tội phạm ít nghiêm trọng. So với khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 106 nhẹ hơn vì mức cao nhất của khung hình phạt là một năm tù, nhưng khoản 2 của điều luật thì nặng hơn vì có mức cao nhất của khung hình phạt là ba năm tù ( mức cao nhất của khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985 là hai năm tù )

Các dấu hiệu của tội phạm này cũng tương tự như trường hợp giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự. Do đó khi xác định các dấu hiệu của tội phạm này, cũng phải căn cứ vào các quy định về phòng vệ chính đáng, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng  tại Điều 15 Bộ luật hình sự.

Dấu hiệu đặc trưng để phân biệt tội phạm này với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hậu quả và ý thức chủ quan của người phạm tội đối với hậu quả.

Nếu người bị hại chỉ bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ thì tỷ lệ thương tật phải từ 31% trở lên thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự , nếu tỷ lệ thương tật dưới 31% thì người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu người bị hại bị chết thì cái chết của người bị hại là do bị thương mà đẫn đến chết người chứ không phải vì nguyên nhân khác. Về phía người phạm tội không mong muốn hoặc không bỏ mặc cho người bị hại chết, cái chết của người bị hại là ngoài ý muốn của người phạm tội.

Các dấu hiệu khác của tội phạm này như: hành vi xâm phạm của người bị hại, hành vi chống trả của người phòng vệ đều tương tự như trường hợp giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Phạm đối với một người

Do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà gây thương tích cho một người hoặc dẫn đến chết một người thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 106 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm, là tội phạm ít nghiêm trọng và cũng thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng. So với khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985 thì trường hợp phạm tội này nhẹ hơn, nên được áp dụng đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 nhưng sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị xử lý.

Cũng như đối với trường hợp giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, khi xét xử Toà án cần phân tích để người bị hại và những người dự phiên toà thấy được hành vi xâm phạm của người bị hại và quyền phòng vệ của người phạm tội.

Do cấu tạo của điều luật, nên trường hợp bị thương tật trên 31% và trường hợp dẫn đến chết người đều quy định trong cùng một khung hình phạt. Do đó khi xét xử, nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau mà người bị hại chỉ bị thương tích từ 31% đến 60% thì nói chung không nên áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội, chỉ áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội trong trường hợp người bị hại bị thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người và có thể cho người phạm tội được hưởng án treo nếu có đủ các điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự.

  1. Phạm tội đối với nhiều người

Do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà gây thương tích cho từ hai người trở lên hoặc dẫn đến chết hai người trở lên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 106 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ một năm đến ba năm tù, cũng là tội phạm ít nghiêm trọng.

Tất cả những người bị thương đều phải có tỷ lệ từ 31% trở lên thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 106. Nếu có nhiều người bị thương, nhưng chỉ có một người bị thương tật với tỷ lệ từ 31% trở lên thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 106 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy có những trường hợp chỉ có một người bị thương có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên và có nhiều người khác bị thương tật dưới 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của những người này từ 31% trở lên, thậm chí có trường hợp trên 61%.Vậy có truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo khoản 2 Điều 106 hay không ? Do tội phạm mới được tách ra từ khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985, nên các cơ quan pháp luật chưa có điều kiện tổng kết hướng dẫn. Nhưng theo chúng tôi, nếu quy định phạm tội đối với nhiều người và mỗi người có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thuộc trường hợp phạm tội theo khoản 2 Điều 106 Bộ luật hình sự, thì trường hợp phạm tội này cũng phải truy cứu người phạm tội theo khoản 2 Điều 106 Bộ luật hình sự, vì có như vậy mới bảo đảm nguyên tắc công bằng.

Tuy nhiên, nếu so sánh với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 106 Bộ luật hình sự, vẫn có những vấn đề bất hợp lý mà về lý luận cũng như thực tiễn xét xử cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện. Ví dụ: Do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gây thương tích dẫn đến chết một người thì thuộc trường hợp khoản 1 Điều 106, nhưng gây thương tích cho hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người là 31% thì lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 106 Bộ luật hình sự là không hợp lý, vì hai người bị thương với tổng tỷ lệ thương tật là 62% lại bị áp dụng hình phạt nặng hơn trường hợp dẫn đến chết một người. Vì vậy, chúng tôi đề nghị khi sửa đổi Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định phạm tội đối với nhiều người và tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết nhiều người thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 106 Bộ luật hình sự.

Đối với trường hợp có nhiều người bị chết, thì tất cả những người bị chết đó đều nằm ngoài ý muốn của người phạm tội và cái chết của họ là do bị thương mà dẫn đến chết người chứ người phạm tội không có ý định tước đoạt tính mạng của họ. Nếu có nhiều người bị chết do hành vi phòng vệ quá mức cần thiết, trong đó chỉ có một người là do bị thương tích dẫn đến chết người còn những người khác không thuộc trường hợp này thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo khoản 1 Điều 106 Bộ luật hình sự và tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 96 Bộ luật hình sự. Về lý luận là thế, nhưng thực tiễn xét xử ít trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng tách bạch như vậy mà thường chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo Điều 96 Bộ luật hình sự về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Cả khoản 2 Điều 96 và khoản 2 Điều 106 Bộ luật hình sự năm 1999 đều là những cấu thành mới chưa được thực tiễn xét xử kiểm nhiệm nên không thể tránh khỏi những bất cập. Hy vọng rằng những bất cập này sẽ được tổng kết qua thực tiễn xét xử và sẽ được xem xét sửa đổi bỏ sung cho phù hợp.

1900.0191