TỘI CỐ Ý KHÔNG GIÚP NGƯỜI ĐANG Ở TRONG TÌNH TẠNG NGUY HIỂM ĐẾN TÍNH MẠNG ( ĐIỀU 102)
Cố ý không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi thấy người đang ở trong tình trạng sắp chết, tuy có điều kiện cứu mà không cứu dẫn đến người đó bị chết.
CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
- Về phía người phạm tội
– Người phạm tội có điều kiện mà không cứu giúp.
Một người khi thấy người khác ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu được người đó khỏi chết mà không cứu thì bị coi là có tội. Ví dụ: Nguyễn Văn S làm nghề đánh cá, trong lúc đang ngồi trên thuyền thả lưới thì thấy một người sắp chết đuối, nhưng vì sợ “điềm gở” nên không cứu, đẫn đến người này bị chết.
Điều kiện để cứu được người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là khả năng thực tế có thể cứu được người sắp chết. Khả năng này có thể do bẩm sinh, do rèn luyện, do học tập hoặc do tính chất nghề nghiệp mà có.
Khi xét một trường hợp cụ thể lại phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của người bị nạn, chứ không chỉ căn cứ vào khả năng sẵn có của người cứu giúp. Ví dụ: một bác sĩ phẫu thuật, ngày chủ nhật vào rừng săn bắn, gặp một người bị đau ruột thừa cấp tính, nếu không được mổ ngay thì chết. Vì không có phương tiện (bộ đồ phẫu thuật), khu rừng lại xa nơi dân cư, ít người qua lại. Người bác sĩ này đã cõng bệnh nhân ra khỏi khu rừng, nhưng vì không kịp mổ nên bệnh nhân đã chết. Do đó, khả năng sẵn có của một người chỉ là tiền đề (cơ sở) tạo điều kiện để có thể cứu được người bị nguy hiểm đến tính mạng, còn thực tế có cứu được hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác. Khả năng của con người chỉ phát huy được khi nó có những điều kiện cần thiết. Ngược lại, điều kiện có nhưng người ở trong điều kiện lại không có khả năng mà không cứu được người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng đẫn đến người này bị chết thì cũng không coi là phạm tội. Ví dụ: Một chị hộ lý được phân công mang bộ đồ phẫu thuật từ bệnh viện đến trạm phẫu thuật tiền phương để cấp cứu cho thương binh. Trên đường đi gặp một phụ nữ đau đẻ cần phải mổ để cứu cả con lẫn mẹ, nhưng vì chỉ là hộ lý, lại không có phương tiện chở người sản phụ đến trạm phẫu thuật, người hộ lý này đã làm mọi việc để cố cứu sản phụ nhưng không được mổ kịp thời nên sản phụ đã bị chết.
– Người phạm tội phải là người không có hành động nào nhằm cứu người bị hại thì mới coi là phạm tội.
Không hành động là một biểu hiện tiêu cực, lẽ ra họ phải có nghĩa vụ làm mọi việc để loại trừ sự nguy hiểm cho xã hội nhưng lại không làm nên dẫn đến hậu quả. Nếu họ đã có hành động nhưng vẫn không cứu được người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì cũng không coi là phạm tội. Ví dụ: Một người thấy một người sắp chết đuối đã bơi ra giữa dòng sông để cứu nhưng bơi gần tới nơi thì nạn nhân đã chìm, bị nước cuốn đi, người này đã lặn xuống mò tìm kiếm nhưng vẫn không thấy. Tuy nhiên, nếu đang hành động, không có một trở ngại nào ngăn cản mà tự ý dừng lại mặc dù vẫn còn điều kiện cứu mà không cứu để người bị nạn chết thì vẫn bị coi là phạm tội. Ví dụ: Một người làm nghề đánh cá thấy một người sắp chết đuối định chèo thuyền đến cứu vớt, nhưng người vợ lại nói: “cứu người chết đuối làm ăn chẳng ra gì”. Vì nghe lời vợ, nên đã không cứu để người bị nạn chết.
– Lỗi của người phạm tội phải là do cố ý.
Người phạm tội biết rõ người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nếu không cứu được thì sẽ chết và biết rõ mình có điều kiện cứu mà cố tình không cứu. Nếu còn nhận thức không rõ ràng tình trạng của nạn nhân hoặc khả năng của mình thì không coi là phạm tội. Ví dụ: Một bác sĩ vì trình độ non kém không xác định được bệnh nhân đau ruột thừa cấp tính nên không mổ do đó bệnh nhân bị chết.
- Về phía nạn nhân
– Nạn nhân phải thực sự đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là trường hợp họ sắp bị chết, nhưng nếu được cứu thì sẽ không bị chết như: sắp chết, bị ngộ độc, bị thương nặng ra nhiều máu chưa được băng bó, mắc bệnh hiểm nghèo v.v… Nhưng nếu nạn nhân chưa ở trong tình trạng trên có người biết nhưng không cứu giúp, sau đó bị chết vì lý do khác thì người không cứu trước đó không coi là phạm tội. Ví dụ: Anh Nguyễn Văn Q bị tai nạn giao thông gãy chân, lái xe gây tai nạn bỏ trốn, anh Q bò ra đường vẫy xe nhờ đưa vào bệnh viện, người lái xe thấy anh Q chỉ bị thương vào chân, bệnh viện lại ở cách đó khá xa, xe lại không đi về hướng đó, nên sau khi băng bó cẩn thận cho anh Q, người lái xe bảo anh Q cứ ngồi chờ khi nào có xe ngược chiều thì xin đi nhờ, anh Q đồng ý. Vì bị đau, anh Q nằm thiếp đi trên mặt đường, trời tối lại ở đoạn đường vòng nên sau đó bị một xe tải cán chết.
– Người bị hại phải bị chết thì hành vi không cứu giúp mới cấu thành tội phạm
Người không được cứu phải chết thì người không cứu mới là phạm tội, nếu trước đó có người cố tình không cứu, nhưng sau đó lại được người khác cứu nên không chết thì người có hành vi cố tình không cứu trước đó chưa phải là hành vi phạm tội này. Ví dụ: Chị M sắp chết đuối gặp thuyền đánh cá của H, vì mê tín nên H không cứu, nhưng ngay sau đó chị M được anh T cứu nên thoát chết.
CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
- Người phạm tội là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân ( điểm a khoản 2 Điều 102)
Thông thường, nạn nhân lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là do chính họ hay người khác hoặc nhưng sự kiện khách quan gây ra. Tuy nhiên, cũng có trường hợp lại do chính người phạm tội gây ra.
Vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng người khác là do cẩu thả mà không thấy trước khả năng gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng người khác mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Hoặc thấy hành vi của mình có thể gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng người khác, nhưng cho rằng tình trạng đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Đây là người phạm tội vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của người khác chứ không phải vô ý làm chết người khác. Do vô ý mà người phạm tội đã đưa người khác vào trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sau đó lại cố ý không cứu mặc dù có điều kiện để cứu, nhưng phải coi trường hợp phạm tội này là nguy hiểm hơn và bị phạt nặng hơn trường hợp vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân.
- Người phạm tội là người mà theo pháp luật phải có nghĩa vụ cứu giúp ( điểm b khoản 2 Điều 102)
Người mà theo pháp luật phải có nghĩa vụ cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là theo các ngành luật khác như: Luật hành chính, Luật lao động, Luật giao thông, Luật dân sự v.v… chứ không phải Luật hình sự. Bởi vì chính điều luật này (Điều 107 Bộ luật hình sự) đã quy định nghĩa vụ của mọi người khi thấy người khác ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì phải cứu họ.
Người mà theo pháp luật phải có nghĩa vụ cứu giúp người khác là người có trách nhiện cao hơn và họ cũng được trang bị nhưng phương tiện có khả năng cứu người bị tai nạn tốt hơn. Ví dụ: Một lái xe qua nơi xảy ra tai nạn, có người bị thương nhưng không chở người bị thương đến bệnh viện cấp cứu dẫn đến người bị thương chết, trong khi đó luật giao thông quy định lái xe gặp trường hợp như vậy phải chở người bị thương đến bệnh viện cấp cứu.
- Người phạm tội là người mà theo nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp ( điểm b khoản 2 Điều 102)
Người mà theo nghề nghiệp phải có nghĩa vụ cứu giúp là người do tính chất nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến tính mạng của người khác như bác sĩ đối với bệnh nhân, thuỷ thủ đối với người sắp chết đuối v.v…
ĐƯỜNG LỐI XỬ LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI
Các trường hợp phạm tội cụ thể trên đây, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 102 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ một năm đến năm năm tù. Luật hình sự coi các trườn hợp phạm tội này là tình tiết định khung hình phạt nặng hơn trường hợp không thuộc trường hợp này.
Người phạm tội không thuộc ba trường hợp trên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 102 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Khi xử lý loại tội này, chủ yếu nhằm giáo dục cho mọi người có ý thức cứu giúp người khác khi họ đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Xét về mặt đạo đức, người có điều kiện mà không cứu giúp người bị nạn sẽ bị dư luận xã hội lên án, còn người quên mình giúp người bị nạn là tấm gương để mọi người noi theo.
Khi xét xử Toà án lấy giáo dục là chủ yếu, ngay trong trường hợp phải phạt tù cũng cần giải thích để người phạm tội thấy rõ tội lỗi của mình, đồng thời thông qua phiên toà giáo dục mọi công dân đề cao ý thức pháp luật, có trách nhiệm đối với tính mạng của con người, lên án nhưng hành vi vô trách nhiệm đối với tính mạng của người khác, biểu dương nhưng hành động dũng cảm xả thân vì người khác, phê phán lối sóng ích kỷ, tư tưởng lạc hậu trái với đạo đức.