TỘI GIẾT NGƯỜI (ĐIỀU 93)
Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật.
Điều luật chỉ quy định giết người mà không quy định cố ý giết người, vì từ “giết” đã bao hàm cả sự cố ý. Do đó, nếu có trường hợp nào tước đoạt tính mạng người khác không phải do cố ý thì không phải là giết người. Điều luật cũng không miêu tả các dấu hiệu của tội giết người, nhưng về lý luận cũng như thực tiễn xét xử chúng ta có thể xác định các dấu hiệu của tội giết người như sau:
CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI GIẾT NGƯỜI
- Về phía người phạm tội
a) Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm cả hành động và không hành động.
Trường hợp hành động thường được biểu hiện như: đâm, chém, bắn, đấm đá, đốt cháy, đầu độc, bóp cổ, treo cổ, trói ném xuống vực, xuống sông, chôn sống v.v…
Trường hợp không hành động ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Ví dụ: Một Y tá cố tình không cho người bệnh uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ để người bệnh chết mặc dù người Y tá này phải có nghĩa vụ cho người bệnh uống thuốc.
b) Hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải là hành vi trái pháp luật, tức là luật cấm mà cứ làm, luật bắt làm mà không làm.
Như vậy, sẽ có trường hợp tước đoạt tính mạng người khác được pháp luật cho phép như: hành vi tước đoạt tính mạng của người khác trong trường hợp phòng vệ chính đáng, trong tình thế cấp thiết hoặc thi hành một mệnh lệnh hợp pháp của nhà chức trách. Ví dụ: người cảnh sát thi hành bản án tử hình đối với người phạm tội .
Hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Thực tiễn xét xử không phải bao giờ cũng dễ dàng xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chết người. Vì vậy, khi xác định mối quan hệ nhân qủa giữa hành vi và hậu quả phải xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả với những đặc điểm sau:
– Hành vi là nguyên nhân gây ra chết người phải là hành vi xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian. Ví dụ: sau khi bị bắn, nạn nhân chết. Tuy nhiên không phải bất cứ hành vi nào xảy ra trước hậu quả chết người đều là nguyên nhân mà chỉ những hành vi có mối quan hệ nội tại, tất yếu với hậu quả thì mới là nguyên nhân. Mối quan hệ nội tại tất yếu đó thể hiện ở chỗ: khi cái chết của nạn nhân có cơ sở ngay trong hành vi cả người phạm tội ; hành vi của người phạm tội đã mang trong nó mầm mống sinh ra hậu quả chết người; hành vi của người phạm tội trong những điều kiện nhất định phải dẫn đến hậu quả chết người chứ không thể khác được. Ví dụ: một người dùng súng bắn vào đầu của người khác, tất yếu sẽ dẫn đến cái chết cho người này. Nếu một hành vi đã mang trong đó mầm mống dẫn đến cái chết cho nạn nhân, nhưng hành vi đó lại được thực hiện trong hoàn cảnh không có những điều kiện cần thiết để hậu quả chết người xảy ra và thực tế hậu quả đó chưa xảy ra, thì người có hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Ví dụ: A có ý định bắn vào đầu B nhằm tước đoạt tính mạng của B, nhưng đạn không trúng đầu của B mà chỉ trúng tay nên B không chết.
– Hậu quả chết người có trường hợp không phải do một nguyên nhân gây ra mà do nhiều nguyên nhân cùng gây ra, thì cần phải phân biệt nguyên nhân nào là nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân nào là thứ yếu. nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân mà nếu không có nó thì hậu quả không xuất hiện, nó quyết định những đặc trưng tất yếu chung của hậu quả ấy, còn nguyên nhân thứ yếu là nguyên nhân chỉ quyết định những đặc điểm nhất thời cá biệt không ổn định của hậu quả; khi nó tác dụng vào kết quả thì chỉ có tính chất hạn chế và phục tùng nguyên nhân chủ yếu. Ví dụ: có nhiều người cùng đánh một người, người bị đánh chết là do đòn tập thể, nhưng trong đó có hành vi của một người là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái chết cho nạn nhân, còn hành vi của những người khác chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Dù là chủ yếu hay thứ yếu thì tất cả những người có hành vi đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, nhưng mức độ có khác nhau.
– Trong thực tế chúng ta còn thấy hậu quả chết người xảy ra có cả nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp. Nguyên nhân trực tiếp là nguyên nhân tự nó sinh ra kết quả, nó có tính chất quyết định rõ rệt đối với hậu quả, còn nguyên nhân gián tiếp là nguyên nhân chỉ góp phần gây ra hậu quả. Thông thường, hành vi là nguyên nhân trực tiếp mới phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả, còn đối với hành vi là nguyên nhân gián tiếp thì không phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả. Ví dụ: A cho B mượn súng để đi săn, nhưng B đã dùng súng đó để bắn chết người. Tuy nhiên, trong vụ án có đồng phạm thì hành vi của tất cả những người đồng phạm là nguyên nhân trực tiếp.
– Khi xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cần phân biệt nguyên nhân với điều kiện. Điều kiện là những hiện tượng khách quan hoặc chủ quan, nó không trực tiếp gây ra hậu quả, nhưng nó đi với nguyên nhân trong không gian và thời gian, ảnh hưởng đến nguyên nhân và bảo đảm cho nguyên nhân có sự phát triển cần thiết để sinh ra hậu quả. Nếu một người có hành vi không liên quan đến việc giết người và người đó không biết hành vi của mình đã tạo điều kiện cho người khác giết người, thì không phải chịu trách nhiệm về tội giết người. Ví dụ: A cho B đi nhờ xe Honda, nhưng A không biết B đi nhờ xe của mình để đuổi kịp C và giết C.
c) Hành vi tước đoạt tính mạng người khác là hành vi được thực hiện do cố ý.
Cố ý giết người là trường hợp trước khi có hành vi tước đoạt tính mạng người khác, người phạm tội nhận thức rõ hành động của mình tất yếu hoặc có thể gây cho nạn nhân chết và mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết.
Sự hình thành ý thức của người có hành vi giết người được biểu hiện khác nhau:
– Dạng biểu hiện thứ nhất là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tát yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó phát sinh. Loại biểu hiện này rõ nét. Biểu hiện ý thức này ra bên ngoài thường được biểu hiện bằng những hành vi như: chuẩn bị hung khí (phương tiện), điều tra theo dõi mọi hoạt động của người định giết, chuẩn bị những điều kiện, thủ đoạn để che giấu tội phạm v.v… còn gọi là cố ý có dự mưu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trước khi hành động, người phạm tội không có thời gian chuẩn bị nhưng họ vẫn thấy trước được hậu quả tất yếu xảy ra và cũng mong muốn cho hậu quả phát sinh. Ví dụ: A và B cãi nhau, sẵn có dao trong tay (vì A đang thái thịt lợn) A dùng dao chém liên tiếp nhiều nhát vào đầu B làm B chết ngay tại chỗ. Trường hợp này gọi là cố ý đột xuất.
– Dạng biểu hiện thứ hai là trước khi có hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì người phạm tội chưa tin vào hành vi của mình nhất định sẽ gây ra hậu quả chết người. Bản thân người phạm tội cũng rất mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng họ lại không tin một cách chắc chắn rằng hậu quả ắt xảy ra. Ví dụ: A gài lựu đạn nhằm giết B vì A đã theo dõi hàng ngày B thường đi qua đoạn đường này, nhưng A không tin vào khả năng gây nổ của lựu đạn hoặc chưa chắc B nhất định đi qua và có đi qua chưa chắc B đã vấp phải lưu đạn do A gài.
– Dạng biểu hiện thứ ba là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Ví dụ: A mắc điện trần vào cửa chuồng gà với ý thức để kẻ nào vào trộm gà sẽ bị điện giật chết, nhưng lại làm chết người nhà của A vào chuồng gà nhặt trứng gà đẻ.
Người phạm tội giết người đều có chung một mục đích là tước đoạt tính mạng con người, nhưng động cơ thì khác nhau. Động cơ không phải là yếu tố định tội giết người, nhưng trong một số trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt.
Những dấu hiệu khác như: thời gian. địa điểm, hoàn cảnh v.v… chỉ có ý nghĩa xác định mức độ nguy hiểm đối với hành vi giết người, chứ không có ý nghĩa định tội.
Chủ thể của tội giết người là bất kỳ, nhưng phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người đủ 14 tuổi trở lên, vì tội giết người là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
- Về phía nạn nhân
Người bị giết, phải là người còn sống, vì tội giết người là tội xâm phạm đến tính mạng con người. Nếu một người đã chết, thì mọi hành vi xâm phạm đến xác chết đó không phải là hành vi giết người, nhưng giết một người sắp chết vẫn là giết người.
Giết một đứa trẻ mới ra đời cũng là giết người, nhưng phá thai, dù cái thai đó ở tháng thứ mấy cũng không gọi là giết người, vì vậy giết một phụ nữ đang có thai không phải là giết nhiều người.
Trường hợp người phạm tội tưởng nhầm xác chết là người đang còn sống mà có những hành vi như bắn, đâm, chém… với ý thức giết thì vẫn phạm tội giết người. Khoa học luật hình gọi là sai lầm về đối tượng.
- NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ CỦA TỘI GIẾT NGƯỜI
- Giết nhiều người ( điểm a khoản 1 Điều 93)
Giết nhiều người là trường hợp người phạm tội có ý định giết từ hai người trở lên hoặc có ý thức bỏ mặc cho hậu quả nhiều người chết xảy ra.
Về trường hợp phạm tội này hiện nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau, có quan điểm cho rằng chỉ coi là giết nhiều người nếu có từ hai người chết trở lên, nếu người phạm tội có ý định giết nhiều người, nhưng chỉ có một người chết thì không coi là giết nhièu người. Quan điểm này, theo chúng tôi không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Bởi vì, thực tiễn xét xử không ít trường hợp không có ai bị giết cả nhưng vẫn có người bị xét xử về tội giết người. Đó là trường hợp giết người chưa đạt. Trong trường hợp giết nhiều người cũng vậy, chỉ cần xác định người phạm tội có ý định giết nhiều người là thuộc trường hợp phạm tội này rồi mà không nhất thiết phải có nhiều người chết mới là giết nhiều người. Ví dụ: A có mâu thuẫn với gia đình B, nên A có ý định giết cả nhà B. Nhằm lúc gia đình B đang quây quần bên mâm cơm, A rút chốt lựu đạn ném vào chỗ cả nhà B đang ăn cơm, nhưng lựu đạn không nổ.
Tuy nhiên, trường hợp người phạm tội có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp) thì phải có từ hai người chết trở lên mới gọi là giết nhiều người.
Như vậy, nhiều người bị giết phải đều thuộc trường hợp quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự thì người phạm tội mới bị coi là giết nhiều người và bị áp dụng điểm a khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự.
Nếu có hai người chết, nhưng lại có một người do lỗi vô ý của người phạm tội thì không coi là giết nhiều người mà thuộc trường hợp phạm hai tội: “Giết người” và “vô ý làm chết người”. Ví dụ: A và B cùng uống rượu ở nhà A, “rượu vào lời ra” dẫn đến hai người cãi lộn, A bực tức rút súng bắn B. Thấy A rút súng bắn mình, B hoảng sợ bỏ chạy ra cửa; vừa lúc đó, con của A thấy hai người to tiếng chạy vào, A nổ súng, đạn xuyên qua ngực B trúng vào đầu con của A; cả B và con của A đều bị chết.
Nếu có hai người chết, nhưng chỉ có một người thuộc trường hợp quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự còn người kia lại thuộc trường hợp trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hoặc thuộc trường hợp làm chết người trong khi thi hành công vụ thì không thuộc trường hợp giết nhiều người mà tuỳ từng trường hợp cụ thể, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người quy định tại khoản 2 Điều 93 và một tội khác ( giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh hoặc giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…)
- Giết phụ nữ mà biết là có thai ( điểm b khoản 1 Điều 93)
Là trường hợp người phạm tội biết rõ người mình giết là phụ nữ đang có thai (không kể tháng thứ mấy). Nếu nạn nhân là người tình của người phạm tội thì thuộc trường hợp giết người vì động cơ đê hèn.
Nếu người bị giết có thai thật, nhưng có căn cứ để xác định người phạm tội không biết họ đang có thai thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội giết phụ nữ mà biết là có thai. Ví dụ: A là khách qua đường vào ăn phở trong tiệm phở của chị H. A chê phở không ngon, chị H cũng chẳng vừa bèn nói lại: “ít tiền mà cũng đòi ăn ngon, đồ nhà quê!” A bực tức lao vào đấm đá chị H liên tiếp. Do bị đá đúng chỗ hiểm chị H đã chết sau đó vài giờ. Khi khám nghiệm tử thi mới biết chị H đang có thai hai tháng.
Ngược lại, trong trường hợp người phụ nữ bị giết không có thai, nhưng người phạm tội tưởng lầm là có thai và sự lầm tưởng này của người phạm tội là có căn cứ, thì người phạm tội vẫn bị xét xử về tội giết người trong tường hợp “giết phụ nữ mà biết là có thai”. Ví dụ: K là tên lưu manh cùng đi một chuyến ô tô với chị M. Do tranh giành chỗ ngồi nên hai bên cãi nhau. K đe doạ: “Về tới bến biết tay tao!” Khi xe đến bến, K thấy chị M đi khệnh khạng, bụng lại hơi to, K tưởng M có thai, vừa đánh chị M, K vừa nói: “Tao đánh cho mày truỵ thai để mày hết thói chua ngoa”. Mọi người thấy K đánh chị M bèn can ngăn và nói: “Người ta bụng mang dạ chửa đừng đánh nữa phải tội”. Nhưng K vẫn không buông tha. Bị đá vỡ lá lách nên chị M bị chết. Sau khi chị M chết mới biết là chị không có thai mà chị giấu thuốc lá 555 trong người giả vờ là người có thai để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Biên bản khám nghiệm tử thi cũng kết luận là chị M không có thai.
Giết phụ nữ mà biết là có thai là dấu hiệu thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội chứ không phải dấu hiệu khách quan như trường hợp phạm tội đối với phụ nữ có thai quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự. Trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự chỉ cần xác định người bị hại là phụ nữ có thai là đủ căn cứ xác định là tình tiết tăng nặng rồi không cần phải xác định người phạm tội có biết hay không biết rõ người phụ nữ có thai hay không.
- Giết trẻ em (điểm c khoản 1 Điều 93)
Giết trẻ em là trường hợp người phạm tội đã cố ý tước đoạt tính mạng của trẻ em
Theo Điều 1 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì người dưới 16 tuổi là trẻ em.
Giết trẻ em được coi là trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự, không chỉ xuất phát từ quan điểm bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai của đất nước, bảo vệ lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn bảo vệ những người không có khả năng tự vệ.
So với tội giết người được quy định tại Điều 101 Bộ luật hình sự năm 1985 thì trường hợp giết trẻ em quy định tại điểm c khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 là quy định mới nên chỉ áp dụng đối với người phạm tội thực hiện hành vi kể từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000.
Khi áp dụng tường hợp phạm tội này cần chú ý một số điểm sau:
– Việc xác định tuổi của người bị hại là trẻ em là một yêu cầu bắt buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hồ sơ vụ án nhất thiết phải có giấy khai sinh của người bị hại là trẻ em, nêu không có giấy khai sinh thì phải có các tài liệu chứng minh người bị hại là người chưa đến 16 tuổi. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp việc xác định tuổi của người bị hại gặp rất nhiều khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng hết mọi biện pháp nhưng vẫn không xác định được tuổi của người bị hại. Vậy trong trường hợp này tính tuổi của người bị hại như thế nào ? Hiện nay có hai ý kiến trái ngược nhau: ý kiến thứ nhất cho rằng, nếu không biết ngày sinh thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó, nếu không biết tháng sinh thì lấy tháng cuối cùng của năm đó, cách tính này là không có lợi cho ngời phạm tội. Còn ý kiến thứ hai thì cho rằng, nếu không biết ngày sinh thì lấy ngày đầu tiên của tháng đó, nếu không biết tháng sinh thì lấy tháng cuối cùng của năm đó, cách tính này theo hướng có lợi cho người phạm tội. Để có căn cứ xác định tuổi của người bị hại nhất là người bị hại lại là trẻ em, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể.1
– Phạm tội đối với trẻ em nói chung và giết trẻ em nói riêng không phải là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội mà là tình tiết khách quan, do đó không cần người phạm tội phải nhân thức được hoặc buộc họ phải nhận thức được đối tượng mà mình xâm phạm là trẻ em thì mới coi là tình tiết tăng nặng, mà chỉ cần xác định người mà người phạm tội xâm phạm là trẻ em thì người phạm tội đã bị coi là phạm tội đối với trẻ em rồi. 2
- Giết người đang thi hành công vụ (điểm d khoản 1 Điều 93)
Đây là trường hợp người bị giết là người đang thi hành công vụ, Tức là người bị giết đang thực hiện một nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao phó. Nhiệm vụ được giao có thể là đương nhiên do nghề nghiệp quy định: cán bộ chiến sĩ công an nhân dân đang làm nhiệm vụ bảo vệ, thầy thuốc đang điều trị tại bệnh viện; thầy giáo đang giảng bài hoặc hướng dẫn học sinh tham quan, nghỉ mát; thẩm phán đang xét xử tại phiên toà; cán bộ thuế đang thu thuế; thanh niên cờ đỏ, dân quân tự vệ đang làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự ở nơi công cộng v.v…
Cũng được coi là đang thi hành công vụ đối với nhưng người tuy không được giao nhiệm vụ nhưng họ tự nguyện tham gia vào việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong một số trường hợp nhất định như: đuổi bắt người phạm tội bỏ trốn; can ngăn, hoà giải những vụ đánh nhau ở nơi công cộng v.v…
Nạn nhân bị chết phải là lúc họ đang làm nhiệm vụ, thì người phạm tội mới bị coi là phạm tội trong trường hợp “giết người đang thì hành công vụ”. Nếu nạn nhân lại bị giết vào lúc khác thì không thuộc trường hợp giết người đang thi hành công vụ, mà tuỳ từng trường hợp có thể là giết người bình thường hoặc thuộc trường hợp khác.
Nạn nhân bị giết phải là người thi hành nhiệm vụ đúng pháp luật, nếu trái với pháp luật mà bị giết thì người có hành vi giết người không phải là “giết người đang thi hành công vụ”. Ví dụ: một người tự xưng là công an đòi khám nhà của người khác. Chủ nhà yêu cầu xuất trình lệnh khám nhà, nhưng người này không đưa, dẫn đến hai bên xô xát và chủ nhà đâm chết người này.
- Giết người vì lý do công vụ của nạn nhân( điểm d khoản 1 Điều 93)
Khác với trường hợp giết người đang thi hành công vụ, nạn nhân bị giết trong trường hợp này không phải lúc họ đang thi hành công vụ mà có thể trước hoặc sau đó. Thông thường, nạn nhân là người đã thi hành một nhiệm vụ và vì thế đã làm cho người phạm tội thù oán nên đã giết họ. Ví dụ: A buôn thuốc phiện, bị tổ công tác của B (đội đặc nhiệm) bắt giữ, A đã dùng mọi cách để B bỏ qua hành vi phạm tội của A nhưng B vẫn không đồng ý, nên A đã giết B nhằm trốn tránh pháp luật.
Tuy nhiên, có một số trường hợp người bị giết chưa kịp thi hành nhiệm vụ được giao, nhưng người có hành vi giết người cho rằng nếu để người naỳ sống, nhiệm vụ mà họ thực hiện sẽ gây ra thiệt hại cho mình, nên đã giết trước. Ví dụ: A làm nhà trái phép, Uỷ ban nhân dân Quận B ra quyết định dỡ bỏ và giao cho Uỷ ban nhân dân phường K thi hành. A đến nhà ông Chủ tịch phường xin hoãn, nhưng không được nên đã bực tức lấy dao đâm chết ông Chủ tịch phường tại nhà riêng của ông.
- Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình (điểm đ khoản 1 Điều 93)
Đây là trường hợp giết người mang tính chất phản trắc, bội bạc; giết người mà người bị giết đáng lẽ người phạm tội phải có nghĩa vụ kính trọng. Việc nhà làm luật coi trường hợp giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình là trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự ( tình tiết định khung tăng nặng) là xuất phát từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo. Bộ luật hình sự năm 1985 không coi trường hợp phạm tội này là tình tiết định khung hình phạt. Tuy nhiên trong một số trường hợp nếu người phạm tội giết người có tính chất bội bạc phản trắc thì áp dụng tình tiết ” giết người vì động cơ đê hèn”. Nay Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định trường hợp giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình là tình tiết định khung tăng nặng. Do đó Toà án chỉ áp dụng tình tiết này đối với người thực hiện hành vi phạm tội kể từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000.
Ông, bà bao gồm cả ông, bà nội; ông, bà ngoại. Cha, mẹ bao gồm cả cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; cha, mẹ vợ hoặc cha, mẹ chồng. Người nuôi dưỡng là những người tuy không phải là ông, bà, cha, mẹ nhưng đã nuôi dưỡng người phạm tội từ bé, thường là những người có hàng thân thích với người phạm tội như: chú, dì, cô, bác, cậu, mợ… hoặc tuy không phải là người thân thích với người phạm tội, nhưng là người chăm sóc, nuôi dưỡng người phạm tội trong các Trại mồ côi, Trại điều dưỡng. Thầy, cô giáo của người phạm tội là người đã và đang dạy người phạm tội. Tuy niên, trong trường hợp giết thầy, cô giáo phải xác định người phạm tội giết thầy, cô giáo với động cơ phản trắc và người thầy, người cô đó phải là người có một quá trình dạy dỗ nhất định đối với người phạm tội. Nếu vì động khác và người thầy, người cô đó không có quá trình nhất định trong việc dạy dỗ người phạm tội thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Trần Văn Q là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học X. Do có mâu thuẫn với Bùi Đức T là giảng viên của nhà trường vì T và Q đều yêu Vũ Thi C là học viên cùng lợp với Q. Tuy là giảng viên, nhưng T chỉ hơn Q mấy tuổi và là học viên khoá trước được nhà trường giữ lại làm giảng viên và không giảng ở lớp Q giờ nào. Vì không muốn cho T yêu C, nên Q đã rủ một số học viên cùng lớp gây sự rồi đánh T bị trọng thương, đưa vào bệnh viện cấp cứu thì chết.
- Giết người mà liền trước đó phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (điểm e khoản 1 Điều 93)
Là trường hợp trước khi giết ngươi, người phạm tội đã phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng3. Ví dụ: A vừa sử dụng vũ khí cướp tài sản của B, đang bỏ chạy thì gặp C là người mà y đã thù ghét từ trước, sẵn có vũ khí trong tay, A gây sự và giết chết B.
Tuy chưa có giải thích hoặc hướng dẫn như thể nào là liền trước đó, nhưng qua thực tiễn xét xử chỉ coi là liền trước hành vi giết người, nếu như tội phạm được thực hiện trước đó về thời gian phải liền kề với hành vi giết người có thể trong khoảng thời gian vài giờ đồng hồ hoặc cùng lắm là trong ngày, nếu tội phạm người phạm tội thực hiện trước đó có khoảng cách nhất định không còn liền với hành vi giết người thì không coi là giết người mà liền trước đó phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự
Khác với trường hợp giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác ở chỗ: tội phạm của người phạm tội trước khi giết người không liên quan với tội giết người và phải là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chứ không phải là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
- Giết người mà ngay sau đó phạm một tội một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (điểm e khoản 1 Điều 93)
Trường hợp giết người này cũng tương tự như trường hợp giết người mà liền trước đó phạm một tội phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, chỉ khác nhau ở chỗ: Tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng mà người phạm tội thực hiện diễn ra ngay sau đó chứ không phải ngay trước đó. Ví dụ: A vừa giết người đang chạy trốn thì gặp B đi xe máy Draem II, A dùng vũ khí khống chế cướp xe máy của B để chạy trốn. Cùng vì thế mà nhà làm luật quy định trường hợp phạm tội này cùng trong mọt điểm với trường hợp giết người mà liền trước đó phạm một tội phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (điểm e khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự)
Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, về lý luận cũng như thực tiễn xét xử hay bị nhầm lẫn với trường hợp giết người để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác quy định tại điểm g khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự. Để phân biệt hai trường hợp giết người này, chúng ta có sơ đồ so sánh như sau:
điểm g khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự | điểm e khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự |
-Tội phạm mà người phạm tội thực hiện trước hoặc sau tội giết người có thể là tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng và cũng coa thể là tội nghiêm trọng và tội ít nghiêm trọng.
– Về thời gian, tội phạm mà người phạm tội thực hiện trước hoặc sau tội giết người có thể xảy ra trước đó hoặc sau đó một thời gian ngắn, nhưng cũng có thể cách tội giết người một thời gian dài. – Tội phạm mà người phạm tội thực hiện trước hoặc sau tội giết người có liên quan mật thiết đến tội giết người (không giết người thì không thực hiện được tội phạm đó hoặc không che giấu được tội phạm đó) |
– Tội phạm mà người phạm tội thực hiện trước hoặc sau tội giết người chỉ là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng
– Tội phạm mà người phạm tội thực hiện phải xảy ra liền trước đó hoặc ngay sau đó, không có khoảng cách.
– Tội phạm mà người phạm tội thực hiện trước hoặc sau tội giết người không liên quan đến tội giết người. |
- Giết người để thực hiện tội phạm khác (điểm g khoản 1 Điều 93)
Đây là trường hợp sau khi giết người, người phạm tội lại thực hiện một tội phạm khác. Tội phạm khác là tội phạm bất kỳ do Bộ luật hình sự quy định, không phân biệt đó là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tất nhiên tội phạm khác ở đây không phải là tội giết người.
Về thời gian, tội phạm được thực hiện sau khi giết người, có thể là liền ngay sau khi vừa giết người hoặc có thể xảy ra sau một thời gian nhất định. nhưng khác với trường hợp “giết người mà liền ngay sau đó lại phạm một tội nghiêm trọng khác” (điểm e khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự) ở chỗ tội phạm được thực hiện sau khi giết người ở trường hợp này có liên quan mật thiết với hành vi giết người. Hành vi giết người là tiền đề, là phương tiện để thực hiện tội phạm sau, nếu không giết người thì không thực hiện được tội phạm sau. Ví dụ: Giết người để cướp của, giết người để khủng bố, giết người để trốn đi nước ngoài v.v…
- Giết người để che giấu tội phạm khác (điểm g khoản 1 Điều 93)
Đây là trường hợp trước khi giết người, người có hành vi giết người đã thực hiện một tội phạm và để che giấu tội phạm đó nên người phạm tội đã giết người. Thông thường sau khi phạm một tội có nguy cơ bị lộ, người phạm tội cho rằng chỉ có giết người thì tội phạm mà y đã thực hiện mới không bị phát hiện. Người bị giết trong trường hợp này thường là người đã biết hành vi phạm tội hoặc cùng người phạm tội thực hiện tội phạm.
Giữa hành vi giết người của người phạm tội với tội phạm mà y đã thực hiện phải có mối liên hệ với nhau, nhưng mối liên hệ ở đây không phải là tiền đề hay phương tiện như trường hợp “giết người để thực hiện tội phạm khác” mà chỉ là thủ đoạn để che giấu tội phạm.
Về thời gian, tội phạm mà người có hành vi giết người muốn che giấu có thể xảy ra liền ngay trước với tội giết người, nhưng cũng có thể xảy ra trước đó một thì gian nhất định. Nếu xảy ra liền trước đó lại là tội nghiêm trọng và không có mối liên hệ với tội giết người thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà thuộc trường hợp “giết người mà liền trước đó lại phạm một tội nghiêm trọng khác (điểm e khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự ).
- Giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân (điểm h khoản 1 Điều 93)
Đây là trường hợp giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân thay thế hoặc để bán cho người khác dùng vào việc thay thế bộ phận đó. Trường hợp giết người này thực tiễn chưa xảy ra, nhưng trên thế giới nhiều nước đã có tình trạng giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân nhằm thay thế bọ phận đó cho mình hoặc cho người thân của mình hoặc bán để người khác thay thế bộ phận đó. Tham khảo pháp luật các nước, đòng thời dự kiến trong tình hình phát triển của xã hội có thể có trường hợp giết người này nên Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định trường hợp giết người này là tình tiết định khung tăng nặng để đề phòng thực tế có thể xảy ra.
Nếu vì quá căm tức mà người phạm tội sau khi giết người đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân để nhằm mục đích khác cho hả dận thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Sau khi giết người, người phạm tội đã mổ bụng, lấy gan nạn nhân cho chó ăn.
- Thực hiện tội phạm một cách man rợ (điểm i khoản 1 Điều 93)
Tính chất man rợ của hành vi giết người thể hiện ở chỗ, làm cho nạn nhân đau đớn, quằn quại trước khi chết như: mổ bụng, moi gan, khoét mắt, chặt chân tay, xẻo thịt, lột da, tra tấn cho tới chết…Các hành vi trên, người phạm tội thực hiện trước khi tội phạm hoàn thành, tức là trước khi nạn nhân bị chết.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng đã coi các hành vi nêu trên là những hành vi có tính chất man rợ, nhưng không phải là thực hiện tội phạm mà là để che giấu tội phạm, là trường hợp “thực hiện tội phạm một cách man rợ”. Ví dụ: sau khi đã giết người, người phạm tội cắt xác nạn nhân ra nhiều phần đem vứt mỗi nơi một ít để phi tang. Đây là vấn đề về lý luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo chúng tôi nếu coi cả những hành vi có tính chất man rợ nhằm che giấu tội giết người cũng là “thực hiện tội phạm một cách man rợ” thì nên quy định trường hợp phạm tội này là “phạm tội một cách man rợ”, vì phạm tội bao hàm cả hành vi che giấu tội phạm, còn thực hiện tội phạm mới chỉ mô tả những hành vi khách quan và ý thức chủ quan của cấu thành tội giết người.
- Giết người bằng cách lợi dụng nghề nghiệp (điểm k khoản 1 Điều 93)
Đây là trường hợp người phạm tội dã sử dụng nghề nghiệp của mình để làm phương tiện giết người dễ dàng và cũng dễ dàng che giấu tội phạm như: bác sĩ giết bệnh nhân, nhưng lập bệnh án là nạn nhân chết do bệnh hiểm nghèo; Bảo vệ bắn chết người, nhưng lại vu cho họ là kẻ cướp. Lợi dụng nghề nghiệp đẻ giết người là phạm tội với thủ đoạn rất xảo quyệt, nên nhà làm luật không chỉ dừng lại ở quy định là tình tiết tăng nặng theo Điều 48 Bộ luật hình sự mà coi thủ đoạn này là tình tiết định khung hình phạt.
Phải xác định rõ người phạm tội đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để giết người thì mới thuộc trường hợp phạm tội này. Nếu người có hành vi giết người bằng phương pháp có tính chất nghề nghiệp, nhưng đó không phải là nghề nghiệp của y mà lại lợi dụng người có nghề nghiệp đó rồi thông qua người này thực hiện ý đồ của mình thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: một kẻ đã đánh tráo ống thuốc tiêm của y tá điều trị, thay vào đó một ống thuốc giả có nhãn hiệu như ống thuốc thật, nhưng có độc tố mạnh để mượn tay người y tá giết chết bệnh nhân mà y có thù oán.
- Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người (điểm l khoản 1 Điều 93)
Phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là nói đến tính năng, tác dụng của phương tiện mà người phạm tội sử dụng khi phạm tội có tính nguy hiểm cao, có thể gây thương vong cho nhiều người như: ném lựu đạn vào chỗ đông người, bỏ thuốc độc vào bể nước nhằm giết một người mà người phạm tội mong muốn.
Hậu quả của hành vi sử dụng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người có thể chết người mà người phạm tội mong muốn và có thể chết người khác, có thể chết nhiều người và cũng có thể không ai bị chết. Nhưng người phạm tội vẫn bị coi là giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người và bị xử lý theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, nếu không có ai bị chết thì người phạm tội được áp dụng Điều 18 Bộ luật hình sự về trường hợp “giết người chưa đạt”
- Thuê giết người (điểm m khoản 1 Điều 93)
Thuê giết người là trường hợp trả cho người khác tiền hoặc lợi ích vất chất để họ giết người mà mình muốn giết.
Cũng giống như những trường hợp thuê làm một việc, người phạm tội vì không trực tiếp thực hiện hành vi giết người nên đã dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để thuê người khác giết người. Người trực tiếp giết người trong trường hợp này là người giết thuê.
Thuê giết người và giết người thuê có mói quan hệ mật thiết với nhau, cái này là tiền đề của cái kia, thiếu một trong hai cái thì không có trường hợp giết người này xảy ra (có người thuê, mới người làm thuê).
Thông thường việc giết người thuê và thuê giết người đồng thời là trường hợp giết người có tổ chức, nhưng cũng thể chỉ là trường hợp đồng phạm bình thường. Ví dụ: Phạm Văn T đến nhà Hoàng Thị X là người yêu chơi. Tại đây. T gặp Hoàng Văn H là anh họ của X và Bùi Công Q đang nói chuyện với X. T biết H rủ Q đến nhà X chơi là để giới thiệu X cho Q. T giả vờ xin phép về, trên đường về T gặp Bùi Đức C và Trần Văn S. T nói với C và S: “Chúng mày làm việc hai thằng đang ở trong nhà X cho tao, xong việc tao sẽ thưởng” C và S nhận lời, còn T về nhà chờ kết quả. C và S đã chuẩn bị một đoạn tre dài 1m có đường kính 3 cm ngồi phục sẵn ở gốc cây trước cổng nhà X chờ H và Q ra để đánh. Khi H và Q từ nhà X đi ra, S bấm đền pin còn C dùng đoạn tre vụt một cái thật mạnh vào đầu Q làm cho Q gục chết tại chỗ. Đánh xong, C và S chạy vè báo tin cho T biết là đã đánh một đứa gục rồi. T đưa cho C và S mõi tên 500.000 đồng và bảo chúng trốn đi mọt thời gian bao giờ tình hình êm thì hãy về.
- Giết người thuê (điểm m khoản 1 Điều 93)
Là trường hợp người phạm tội lấy việc giết người làm phương tiện để kiếm tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Vì muốn có tiền nên người phạm tội đã nhận lời với người thuê mình để giết một người khác. Việc trừng trị đối với kẻ giết thuê là nhằm ngăn chặn tình trạng “đâm thuê chém mướn”, nhất là trong nền kinh tế thị trường, ở nơi này hoặc nơi khác đã xuất hiện những tên, những nhóm người chuyên hoạt động đâm thuê chém mướn, thì việc trừng trị thật nghiêm đối với bọn người này là rất cần thiết.
Người phạm tội phải có ý thức giết thuê thật sự mới là phạm tội vì động cơ đê hèn. Vì nể hoặc sợ nên người phạm tội nhận lời giết người thì không phải là “giết thuê”.
- Giết người có tính chất côn đồ (điểm n khoản 1 Điều 93)
Là trường hợp khi giết người, người phạm tội rõ ràng đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống, có những hành vi ngang ngược, giết người vô cớ (không có nguyên cớ) hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người. Ví dụ: Đặng Văn T ngồi xem phim trong rạp, mặc dù đã có thông báo: “không hút thuốc lá trong rạp”, nhưng T vẫn cứ hút thuốc, những người ngồi bên cạnh góp ý. T không những không nghe mà còn gây gổ, chửi tục làm mất trật tự; buổi chiếu phim phải tạm dừng. Khi người bảo vệ đến yêu cầu T tắt thuốc lá và giữ trật tự để buổi chiếu phim tiếp tục, T tỏ thái độ hung hăng buộc người bảo vệ phải mời T ra khỏi rạp. T liền rút dao găm trong người ra đâm vào ngực người bảo vệ làm cho người này chết tại chỗ.
Tuy nhiên, việc xác định trường hợp giết người có tính chất côn đồ không phải bao giờ cũng dễ dàng như các trường hợp giết người khác được quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự. Thực tiễn xét xử không ít trường hợp giết người không thuộc các trường hợp khác quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự , thì các Toà án thường xác định giết người có tính chất côn đồ để áp dụng khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự. Nhiều bản án đã bị kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm hặc bị Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao sửa bản án sơ thẩm chỉ vì xác định không đúng tình tiết này. Đây cũng là một vấn đề hiện nay còn nhiều vướng mắc và cũng là vấn đề phức tạp có nhiều ý kiến khác nhau; việc tổng kết kinh nghiệm xét xử về vấn đề này chưa đáp ứng tình hình phạm tôi xảy ra. Do đó ảnh hưởng không ít đến việc áp dụng pháp luật.
Khi xác định trường hợp giết người có tính chất côn đồ cần phải có quan điểm xem xét toàn diện, tránh xem xét một cách phiến diện như: chỉ nhấn mạnh đến nhân thân người phạm tội , hoặc chỉ nhấn mạnh đến địa điểm xảy ra vụ giết người hay chỉ nhấn mạnh đến hành vi cu thể gây ra cái chết cho nạn nhân, đâm nhiều nhát dao vào người nạn nhân là có tính chất côn đồ; nhưng có trường hợp người phạm tội chỉ đâm một nhát trúng tim nạn nhân chết ngay cũng là có tính chất côn đồ. Cần xem xét đến mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, thái độ của người phạm tội khi gây án, nguyên nhân nào dẫn đến việc người phạm tội giết người v.v…
- Giết người có tổ chức (điểm o khoản 1 Điều 93)
Là trường hợp nhiều người tham gia vào một vụ giết người, có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện việc giết người; có sự phân công; có kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc giết người.
Nếu nhiều người cùng tham gia vào một vụ án giết người, nhưng không có sự cấu kết chặt chẽ, mà chỉ có sự đồng tình có tính chất hời hợt thì không phải là giết người có tổ chức. Ví dụ: một số thanh niên ở xã A đi xem phim, gây gổ đánh nhau với một số thanh niên ở xã B dẫn đến một thanh niên ở xã A bị thanh niên ở xã B đánh chết. KHi đã xác định giết người có tổ chức thì tất cả những người cùng tham gia vụ giết người dù ở vai trò nào (chủ mưu hay giúp sức, chỉ huy hay thực hành…) đều bị coi là giết người có tổ chức. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt (cá thể hoá hình phạt) phải căn cứ vào vai trò, vị trí của từng người tham gia vào vụ án. Có thể kẻ bị tử hình, nhưng có kẻ chỉ bị phạt ba hoặc bốn năm tù.
- Giết người thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm (điểm p khoản 1 Điều 93)
Là trường hợp trước khi giết người, người phạm tội đã bị kết về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích hoặc đã tái phạm và chưa được xoá án tích ( khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự). Ví dụ: A đã bị kết án 10 năm tù về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa chưa được xoá án tích lại phạm tội giết người.
Tái phạm là trường hợp bị đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do vô ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý ( khoản 1 Điều 49 Bộ luật hình sự ).
Về trường hợp phạm tội này, cũng có ý kiến cho rằng không nên coi trường hợp tái phạm nguy hiểm là tình tiết phạm tội phải bị xử phạt theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự. Vì trong nhiều trường hợp không thể hiện tính chất nguy hiểm cao của hành vi giết người. Các quan hệ (đặc điểm) về nhân thân chỉ nên coi là tình tiết tăng nặng theo Điều 48 Bộ luật hình sự là đủ. Nếu coi trường hợp tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt đối với tội giết người thì chỉ nên coi trường hợp tái phạm về tội này, tức là đã bị kết án về tội giết người chưa được xoá án tích mà còn giết người.
- Giết người vì động cơ đê hèn ( điểm q khoản 1 Điều 93)
Động cơ đê hèn của người phạm tội giết người được xác định qua việc tổng kết kinh nghiệm xét xử nhiều năm ở nước ta. Thực tiễn xét xử đã coi những trường hợp sau đây là giết người vì động cơ đê hèn:
Giết vợ hoặc chồng để tự do lấy vợ hoặc chồng khác.
Vì muốn tự do lấy vợ hoặc chồng khác nên người phạm tội đã giết vợ hoặc giết chồng của mình. Phải có căn cứ xác định người phạm tội vì muốn lấy vợ hoặc lấy chồng khác mà buộc phải giết vợ hoặc giết chồng mình thì mới coi là giết người vì động cơ đê hèn. Nếu vì một lý do khác, người phạm tội đã giết vợ hoặc giết chồng sau đó mới có ý định lấy vợ hoặc lấy chồng khác thì không phải giết người vì động cơ đe hèn. Ví dụ: Nguyễn Văn T đi làm về, chưa thấy vợ nấu cơm, liền nổi giận đá vợ mấy cái vào bụng. Do bị đá vỡ lá lách nên vợ T bị chết sau 4 tiếng đồng hồ. T hoảng sợ lấy thuốc sâu đổ vào miệng vợ rồi nói với mọi người rằng vợ y tự tử. Với hành động đó, T đã che giấu tạm thời hành vi phạm tội của mình. Sau khi chôn cất vợ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn lại phải nuôi con nhỏ nên sau một năm T lấy vợ khác để chăm sóc con cái và giúp y trong việc nội trợ. Lấy vợ được 6 tháng thì hành vi giết vợ của T bị phát hiện.
- b) Giết chồng để lấy vợ hoặc giết vợ để lấy chồng nạn nhân.
Thông thường, trong trường hợp này giữa người có hành vi giết người với vợ hoặc chồng nạn nhân có qan hệ thông gian với nhau. Tuy nhiên, có trường hợp cá biệt không có quan hệ thông gian từ trước, nhưng trước khi giết nạn nhân người có hành vi giết người đã có ý định lấy vợ hoặc chồng nạn nhân. Trường hợp có quan hệ thông gian từ trước và cả hai đều là thủ phạm thì một người phạm tội thuộc trường hợp “giết vợ hoặc chồng để tự do lấy vợ, lấy chồng khác” còn một người phạm tội thuộc trường hợp “Giết chồng để lấy vợ hoặc giết vợ để lấy chồng nạn nhân”.
Ví dụ: Phạm Văn K là nhân viên bảo vệ trường dạy nghề của tỉnh Q. K đã nhiều lần quan hệ bất chính với M là vợ của anh H. Để lấy được nhau, K và M đã bàn bạc giết anh H; theo kế hoạch đã định, M rủ anh Hvaof rừng lấy nấm, khi anh H đi qua chỗ K phục sẵn, M ra hiệu để k nổ súng bắn chết anh H. Trường hợp này K giết anh H là để lấy vợ H còn M giết H là để tự do lấy K.
- c) Giết người tình mà biết họ đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm.
Đây là trường hợp giết phụ nữ mà biết là có thai, nhưng nạn nhân lại là người tình với người phạm tội .
Trách nhiệm mà người phạm tội trốn tránh là trách nhiệm làm bố đứa trẻ, do có trách nhiệm này mà có thể làm cho người phạm tội bị ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống như: bị kỷ luật, bị xã hội lên án, bị gia đình, vợ con ruồng bỏ xa lánh v.v…
Nạn nhân có thai là yếu tố bắt buộc để xác định bị cáo phạm tội trong trường hợp này. Nhưng nếu nạn nhân không có thai mà nói dối với bị cáo là đã có thai nhằm thúc ép bị cáo phải cưới mình và bị cáo vì sợ trách nhiệm nên đã giết nạn nhân thì vẫn bị coi là phạm tội vì động cơ đê hèn.
- d) Giết chủ nợ để trốn nợ.
Nhân dân ta có truyền thống đoàn kết thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Trong quan hệ vay mượn cũng là biểu hiện của tinh thần đó. khi gặp khó khăn, túng thiếu đã được người khác cưu mang giúp đỡ, lẽ ra phải biết ơn, ngược lại kẻ được cưu mang giúp đỡ lại giết người cưu mang, giúp đỡ mình nhằm trốn nợ.
Bị cáo giết nạn nhân chủ yếu nhằm trốn nợ, nhưng không phải cứ có vay mượn, nợ nần mà đã vội xác định người phạm tội giết người vì động cơ đê hèn, mà phải xác định việc vay mượn đó có xuất phát từ tình cảm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau không? Nếu nạn nhân là người cho vay lãi nặng, có tính chất bóc lột thì không thuộc trường hợp phạm tội vì động cơ đê hèn.
đ) Giết người để cướp của.
Là trường hợp, người phạm tội muốn chiếm đoạt tiền của do nạn nhân trực tiếp quản lý (chiếm hữu) nên đã giết họ. Tính chất đê hèn của trường hợp giết người này cũng là vì tiền.
Người phạm tội giết người trong trường hợp này phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội: Tội giết người và tội cướp tài sản… Riêng tội giết người người phạm tội đã có hai tình tiết định khung tăng nặng đó là: “vì động cơ đê hèn và để thực hiện một tội phạm khác”, người có hành vi giết người để cướp của thường bị phạt với mức án cao như tù chung thân hoặc tử hình nếu họ đã đủ 18 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử ít có Toà án xác định người phạm tội giết người để cướp của là trường hợp “giết người vì động cơ đê hèn” mà chỉ coi là “giết người để thực hiện tội phạm khác” , vì như trên đã nêu người có hành vi giết người cướp của đã phạm một lúc hai tội nghiêm trọng và hình phạt đối với họ cũng rất nghiêm khắc, nên ít ai bàn đến việc có cần phải áp dụng thêm tình tiết “giết người vì động cơ đê hèn” hay không? Chính vì vậy mà không ít người cho rằng giết người để cướp của không phải là vì động cơ đê hèn.
- e) Giết người là ân nhân của mình.
Được coi là ân nhân của kẻ giết mình trong trường hợp nạn nhân là người đã có công giúp đỡ người phạm tội trong lúc khó khăn mà bản thân người phạm tội không thể tự mình khức phục được. Việc giúp đỡ của nạn nhân đối với người phạm tội lẽ ra y phải chịu ơn suốt đời, nhưng đã bội bạc phản trắc, đã giết người giúp mình, chứng tỏ sự hèn hạ cao độ.
Khi xác định nạn nhân có phải là ân nhân của người có hành vi giết người hay không xét trong hoàn cảnh cụ thể; mối quan hệ phải rõ ràng, được dư luận xã hội thừa nhận và không trái pháp luật. Nếu hành vi trái pháp luật của nạn nhân làm cho kể giết người phải chịu ơn thì không coi là giết người là ân nhân của mình. Ví dụ: một giám thị đưa bài cho thí sinh chép trong phòng thi, một cán bộ tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa rồi đem tài sản đó giúp người khác, một cán bộ quản giáo tha người trái pháp luật; một thẩm phán cố tình đưa ra một bản án trái pháp luật có lợi cho người phạm tội v.v…
Ngoài các trường hợp đã nêu trên, thực tiễn xét xử còn có các trường hợp sau đây cũng nên coi là giết người vì động cơ đê hèn. Đó là trường hợp người có hành vi giết người không giết được người mình muốn giết mà giết người thân của họ mà những người này không hề có mâu thuẫn gì với người có hành vi giết người , họ yếu đuối không có khả năng tự vệ như ông bà già, người bị bệnh nặng và các em nhỏ, họ là bố mẹ, vợ con của người mà người có hành vi giết người định giết nhưng không giết được. Ví dụ: do làm ăn buôn bán với nhau nên A có thù tức với B. A tìm B để giết nhưng không được, A liền đến nhà B chém chết mẹ của B mới đang bị ốm nằm trên giường, mặc dù hành vi giết người này bị coi là có tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với người ở trong tình trạng không tự vệ được ” ( điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự), nhưng chúng tôi cho rằng cần phải coi trường hợp này là giết người vì động cơ đê hèn và người có hành vi giết người phải bị trừng trị theo khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự.
Mười tám ( 18) trường hợp phạm tội giết người trên theo quy định, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Việc xử phạt ở mức độ nào là tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của từng trường hợp, đồng thời phải cân nhắc, đánh giá nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các Điều 46 và 48 Bộ luật hình sự. Thực tiễn xét xử cho thấy có bị cáo giết người chỉ thuộc một trong mười lăm trường hợp quy định ở khoản 1 Điều 93 nhưng vẫn có thể bị phạt tử hình. Trong khi đó có bị cáo giết người thuộc hai, ba trường hợp quy định ở khoản 1 Điều 93 nhưng chỉ bị xử phạt dưới 20 năm tù. Vì vậy, không nên căn cứ vào số lượng các trường hợp phạm tội mà phải căn cứ vào tính chất nguy hiểm của từng trường hợp để quyết định hình phạt đối với người phạm tội như Điều 3 và Điều 45 Bộ luật hình sự quy định.
Nếu giết người không thuộc một trong 18 trường hợp nêu trên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. Đây là trường hợp giết người thông thường, không có các tình tiết tăng nặng định khung tăng nặng. Lẽ ra trường hợp phạm tội này phải là cấu thành cơ bản, nhưng do kỹ thuật và truyền thống lập pháp nên đối với tội giết người nhà làm luật xây dựng cấu thành tăng nặng trước, sau đó mới đến cấu thành cơ bản. Không nên coi khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự là cấu thành giảm nhẹ như trong một số tội xâm phạm an ninh quốc gia. Bộ luật hình sự năm 1985 khi quy định về tội giết người đã chia thành 4 trường hợp, trong đó có hai trường hợp giết người thuộc cấu thành giảm nhẹ, đó là “giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh” (khoản 3 Điều 101) và “giết con mới đẻ” (khoản 4 Điều 101). Nay Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định hai trường hợp giết người này cùng chung với tội giết người nữa mà quy định thành hai tội riêng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 93 Bộ luật hình sự thì người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm theo quy định tại Điều 38 Bộ luật hình sự, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm theo quy định tại Điều 37, Điều 38 Bộ luật hình sự.4 Đây là hình phạt bổ sung kèm theo hình phạt chính Toà án có thể áp dụng trong những trường hợp cần thiết. Đối với tội giết người, nếu Toà án áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội thì không thể áp dụng hình phạt bổ sung vì các hình phạt bổ sung là hình phạt phải thi hành sau khi chấp hành xong hình phạt tù, một người đã bị kết án tử hình thì không có việc chấp hành xong hình phạt tù, nếu áp dụng hình phạt bỏ sung đối với người bị án tử hình sẽ trở thành vô nghĩa. Riêng đối với hình phạt tù chung thân cũng có ý kiến cho rằng, Toà án có thể áp dụng hình phạt bổ sung, vì người bị phạt tù chung thân có thể được giảm thời hạn tù và trên thực tế chưa có người nào bị phạt tù chung thân lại ở tù suốt đời, việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ là cần thiết và như vậy mới bảo đảm tính công bằng với người bị phạt tù có thời hạn. Tuy nhiên, hình phạt tù chung thân là hình phạt tù không có thời hạn, nếu Toà án áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội thì khi tuyên án Toà án không thể quyết định cấm cư trú hoặc quản chế người phạm tội mấy năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù, quyết định như vậy xét về góc độ pháp lý là không chính xác, không ai biết được người phạm tội bị phạt tù chung thân đến khi nào thì họ chấp hành xong hình phạt tù. Trừ trường hợp Bộ luật hình sự quy định “người bị phạt tù chung thân nếu được giám hình phạt xuống tù có thời hạn thì Toà án sẽ áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ hoặc hình phạt bổ sung nếu áp dụng với người bị phạt tù chung thân thì hình phạt bổ sung sẽ được thi hành nếu người bị kết án được giám hình phạt xuống tù có thời hạn theo quy định của Bộ luật hình sự “ Hiện nay chưa có quy định nào về việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù chung thân, nên Toà án không thể áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ.