Phân tích về vấn đề thu ngân sách nhà nước từ các khoản vay của Chính phủ
Lời mở đầu
Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và hội nhập sâu vì vậy nhu cầu vốn phục vụ đầu tư, phát triển tăng mạnh. Về lý thuyết, nếu không có đầu tư, nền kinh tế không phát triển nhưng nếu đầu tư quá mức, vay quá nhiều, có thể dẫn đến rủi ro, thậm chí gây bất ổn kinh tế vĩ mô cho mỗi quốc gia. Do đó, việc quản lí , giám sát những khoản vay của chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn nợ, duy trì danh mục nợ hợp lý trong giới hạn an toàn về nợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo sự bền vững nợ về mặt dài hạn, an ninh tài chính và tiền tệ quốc gia. Năm 2009, Luật Quản lý nợ công được ban hành là một bước tiến bộ lớn trong hệ thống văn băn pháp luật về quản lý nợ công. Trong đó, đã quy định được các nội dung cơ bản về quản lý nợ công và nợ nước ngoài như nguyên tắc quản lý nợ công; phân công có trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức có liên quan; quy định về quản lý nợ Chính phủ…Tiếp ngay sau nó là Nghị định số 79/2010/NĐ-CP và Thông tư số 53/2011/TT-BTC ra đời nhằm hướng dẫn chi tiết việc thi hành giám sát, quản lý nợ của nhà nước.
Nội dung tìm hiểu
I.Một số vấn đề về thu ngân sách nhà nước từ các khoản vay của Chính phủ.
1.Khái niệm:
a) Thu ngân sách nhà nước
Về phương diện kinh tế, khoản thu ngân sách nhà nước được hiểu là những nguồn vốn tiền tệ do Nhà nước huy động từ trong hoặc từ bên ngoài nền kinh tế quốc nội, thông qua nhiều phương thức khác nhau làm hình thành quỹ ngân sách nhà nước để tài trợ cho các nhu cầu chi tiêu rất lớn của Nhà nước về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng và quản lý nhà nước.
Về phương diện pháp lý, các khoản thu này được thực hiện thông qua những hình thức pháp lý nhất định như quy chế thu thuế, quy chế vay nợ, quy chế viện trợ… được thể hiện trong các quy phạm pháp luật hiện hành về tài chính.
Tóm lại, thu ngân sách nhà nước là huy động một bộ phận giá trị sản phẩm xã hội, theo quy định của pháp luật, làm hình thành quỹ ngân sách nhà nước.
Các khoản thu ngân sách nhà nước bao gồm: các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí; các khoản thu từ hoạt động kinh tế của nhà nước; các khoản đóng góp của các tổ chức và cá nhân; các khoản viện trợ; các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
b) Khoản vay của Chính phủ
Khoản vay của Chính phủ được hiểu là những nguồn vốn tiền tệ được vay bằng việc ký kết, phát hành trái phiếu nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ hoặc các khoản vay do Bộ Tài chính ký kết, phát hành, ủy quyền phát hành theo quy định của pháp luật để bổ sung vào nguồn thu của ngân sách nhà nước nhằm thực hiện chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Các khoản vay của Chính phủ bao gồm: vay trong nước và vay nước ngoài.
2.Các đặc điểm của khoản vay của Chính phủ.
a) Mục đích vay của Chính phủ:
Điều 18 Luật Quản lý nợ công năm 2009 đã quy định mục đích vay của Chính phủ chủ yếu là để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; ngoài ra còn để bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách nhà nước từ vay ngắn hạn; cơ cấu lại các khoản nợ, danh mục nợ chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh; tiến hành cho những doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng, chính quyền địa phương vay lại theo quy định của pháp luật và thực hiện các mục đích khác nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia
Nguyên tắc cơ bản của hoạt động ngân sách là: các khoản thu bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho mục đích chi đầu tư phát triển chứ không được phục vụ cho mục đích chi tiêu dùng.
Chi cho đầu tư phát triển là những khoản chi mang tính chất tích lũy phục vụ cho quá trình tái sản xuất mở rộng gắn với việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi cho việc bỏ vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào các lĩnh vực cần thiết phù hợp với mục tiêu kinh tế.
Chi cho tiêu dùng là các khoản chi gắn liền với chức năng quản lý xã hội của nhà nước.
b) Hình thức vay của Chính phủ:
Theo Điều 19 Luật Quản lý nợ công năm 2009 thì hình thức vay của Chính phủ gồm:
– Chính phủ vay thông qua phát hành công cụ nợ và ký kết thỏa thuận vay trong phạm vi tổng mức, cơ cấu vay, trả nợ hàng năm của Chính phủ đã được Quốc hội quyết định. Công cụ nợ được hiểu là tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái, công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ (khoản 16 Điều 3 Luật Quản lý nợ công 2009).
– Chính phủ vay bằng nội tệ, ngoại tệ, vàng hoặc hàng hoá quy đổi sang nội tệ hoặc ngoại tệ.
Như vậy hình thức vay của Chính phủ là rất đa dạng, bao gồm các loại tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái, tiền, vàng hoặc hàng hóa.
c) Việc sử dụng vốn vay của Chính phủ:
Tại khoản 1 Điều 22 Luật Quản lý nợ công 2009 quy định, vốn vay của Chính phủ được sử dụng vào mục đích cấp phát từ nguồn vốn vay trong nước và vay ưu đãi của nước ngoài cho chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội và chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Nhưng cũng có thể được dùng để cho vay lại toàn bộ hoặc một phần từ nguồn vốn vay nước ngoài cho chương trình, dự án đầu tư có khả năng thu hồi một phần hoặc toàn bộ vốn vay, bao gồm cả dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, được cấp có thẩm quyền chấp nhận; đặc biệt vốn vay này còn là để cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ theo kế hoạch vay, trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ, đề án cơ cấu lại nợ đã được phê duyệt.
II.Các quyết định hiện hành của pháp luật về việc giám sát thực hiện các khoản thu ngân sách từ các khoản tiền vay của Chính phủ
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập cùng những bất ổn của nền kinh tế trong nước cũng như tác động tiêu cực từ sự khủng hoảng kinh tế một số nước đã đẩy nước ta vào tình thế bí, buộc Chính phủ và các cơ quan chuyên môn phải có chính sách nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng bất ổn. Trong tình cảnh đó, nợ công là sự tất yếu và cần phải có biện pháp kiểm soát phù hợp. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Nghị định 79/2010/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công ra đời quy định cụ thể cách thức tổ chức, quản lý và trách nhiệm của từng cơ quan trong việc kiểm soát nợ công. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 56/2011/TT-BTC hướng dẫn thi hành phương pháp tính toán các chỉ tiêu giám sát và tổ chức hoạt động giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.
1.Công tác giám sát thường xuyên những khoản vay của Chính phủ
a) Hệ thống các chỉ tiêu giám sát:
Một trong những vấn đề đầu tiên và cơ bản trong việc giám sát và quản lí các khoản nợ công cần thực hiện đó là việc đưa ra hệ thống những chỉ tiêu giám sát chặt chẽ và hợp lí giúp cho thực hiện được thuận lợi và đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động giám sát. Xuất phát từ yêu cầu trên Chính Phủ có những quy định cụ thể tại Nghị định số 79/2010/ NĐ- CP về nghiệp vụ quản lí nợ công. Thực tế cho thấy, có nhiều yếu tố liên quan đến mức độ an toàn của nợ công, gồm cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối, dự trữ tài chính, quỹ tích lũy để trả nợ…, chứ không đơn giản chỉ là căn cứ trên tỷ lệ nợ công so với GDP như chúng ta vẫn nói từ trước đến nay. Do vậy , tại điều 7 Nghị định 79/2010/ NĐ – CP đã quy định chi tiết về hệ thống các chỉ tiêu giám sát nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm :
“1. Các chỉ tiêu giám sát về nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm:
a) Nợ công so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP);
b) Nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP;
c) Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu;
d) Nợ chính phủ so với GDP;
đ) Nợ chính phủ so với thu ngân sách nhà nước;
e) Nghĩa vụ nợ chính phủ so với thu ngân sách nhà nước;
g) Nghĩa vụ nợ dự phòng so với thu ngân sách nhà nước;
h) Hạn mức vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ.
2.Các căn cứ chủ yếu để xây dựng hệ thống các chỉ tiêu giám sát nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia:
a) Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm;
b) Tình hình thực hiện các chỉ tiêu giám sát và an toàn về nợ giai đoạn 5 năm trước;
c) Tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ tiết kiệm nội bộ của nền kinh tế;
d) Các cân đối giữa vay và khả năng trả nợ; cân đối ngoại tệ; nhu cầu và cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, khả năng huy động vốn vay trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển; cân đối ngân sách nhà nước và các cân đối vĩ mô khác của nền kinh tế;
đ) Tình hình và khả năng tăng trưởng xuất khẩu, cán cân thanh toán quốc tế, chính sách quản lý ngoại hối và tỷ giá trong từng giai đoạn;
e) Kinh nghiệm và thông lệ quốc tế về ngưỡng an toàn đối với các chỉ tiêu về nợ.
3.Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định phương pháp tính toán và xây dựng các chỉ tiêu giám sát nợ quy định tại khoản 1 Điều này. Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt các chỉ tiêu an toàn về nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Quản lý nợ công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các chỉ tiêu an toàn về nợ được Chính phủ phê duyệt này trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm trình Chính phủ phê duyệt, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Đối với các chỉ tiêu giám sát nợ còn lại, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cùng với kế hoạch vay và trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ.”
Trên đây là hệ thống các chỉ tiêu nhằm giám sát các khoản nợ của Chính phủ, tuy nhiên để các chỉ tiêu trên phát huy hiệu quả thực chất thì cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về phương pháp xác định , tính toán các chỉ tiêu để xây dựng hệ thống chỉ tiêu chính xác và phù hợp. Do vậy , Bộ Tài Chính đã ban hành Thông Tư số 56 /2011/TT-BTC Hướng dẫn phương pháp tính toán các chỉ tiêu giám sát và tổ chức hoạt động giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Tại thông tư này , những đặc điểm và phương pháp xác định của từng chỉ tiêu cụ thể đã được quy định rõ ràng tại các điều 4, 5, 6 của thông tư.
b) Tổ chức, tiến hành hoạt động giám sát:
– Đối tượng giám sát:
Chương IV Thông tư số 56/2011/TT-BTC đã quy định cụ thể về tổ chức hoạt động giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Điều 12 Thông tư quy định đối tượng giám sát gồm
+ Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ thuộc khu vực công;
+ Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác thực hiện vay và trả nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả theo quy định của pháp luật”.
– Mục tiêu giám sát:
Mục tiêu của việc giám sát theo quy định tại Điều 13 Thông tư gồm có:
+ Đảm bảo mục tiêu an toàn nợ, duy trì một danh mục nợ hợp lý trong giới hạn an toàn về nợ, đảm bảo sự bền vững nợ về mặt dài hạn, an ninh tài chính và tiền tệ quốc gia.
+ Xác định sớm các rủi ro tiềm ẩn đối với danh mục nợ và những tồn tại liên quan trong công tác quản lý nợ trong mối tương quan với môi trường kinh tế trong và ngoài nước, để kịp thời ngăn chặn không để các rủi ro này bùng phát trong thực tế,
+ Giúp cơ quan duy trì giám sát nợ đề xuất với Chính phủ các biện pháp xây dựng, điều chỉnh danh mục kịp thời khi cần thiết nhằm tối ưu hóa các phương án huy động vốn, phù hợp với các định hướng, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước.
+ Làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, mục tiêu, dịnh hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong từng giai đoạn, phù hợp với các định hướng, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước.
+ Giúp các tổ chức, đơn vị sử dụng vốn vay tự theo dõi quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của mình, nhận biết được những trường hợp bất thường để sớm có giải pháp khắc phục, phát triển.
+ Tăng cường minh bạch tài chính, tăng cường quản lý các nghĩa vụ dự phòng.
+ Nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô trong từng trường hợp.
– Nguyên tắc giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia:
Mặt khác, các hoạt động giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia cũng phải thực hiện theo một sô nguyên tắc tại Điều 14 Thông tư 56 cụ thể như: việc giám sát các chỉ tiêu về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia phải được thực hiện liên tục, thường xuyên và định kỳ; phải đảm bảo các quy định, hướng dẫn phải được tuân thủ, các kiến nghị đề xuất phải kịp thời, cụ thể và có tính khả thi, tránh tình trạng quanh co, chần chừ trong hoạt động nghiệp vụ. Mọi chi phí giám sát, phân tích, đánh giá về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia phát sinh trong qua trình tiến hành sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo.
– Nội dung hoạt động giám sát:
Nội dung hoạt động giám sát được thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Thông tư 56:
+ Giám sát đối với hệ thống các chỉ tiêu an toàn, hạn mức nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia theo quy định tại Chương 2 và 3 của Thông tư này.
+ Giám sát chuyên đề (thường xuyên, định kỳ) đối với hoạt động huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ, bao gồm:
a) Giám sát, đánh giá thực trạng và hiệu quả sử dụng vốn vay cấp phát ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư phát triển của các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương.
b) Giám sát, đánh giá thực trạng, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại.
c) Giám sát, đánh giá thực trạng, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ cho các chương trình/dự án của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh.
d) Giám sát, đánh giá thực trạng huy động và trả nợ của các doanh nghiệp, tổ chức theo phương thức tự vay tự trả nước ngoài.
– Yêu cầu cung cấp thông tin và báo cáo:
Trong hoạt động giám sát của mình, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu đối tượng bị giám sát báo cáo tình hình thực hiện huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia với nội dung chính theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 56/2011/TT-BTC. Việc cung cấp thông tin cần thực hiện theo quy định tại Nghị định số 79/2010/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công và Thông tư số 53/2011/TT-BTC ngày 27/4/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn mẫu biểu báo cáo và công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Từ những báo cáo, thông tin được cung cấp trên cơ quan giám sát nghiên cứu, phân tích, đánh giá các thông tin, tài liệu liên quan và xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát trong đó có kiến nghị về việc xử lý đối với các vấn đề phát sinh trình cấp có thẩm quyền quyết định.
2.Cơ quan có trách nhiệm giám sát nợ của Chính phủ
Khoản 4 Điều 8 Nghị định 79/2010/NĐ-CP quy định Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và đầu tư là những cơ quan có chức năng giám sát việc nợ công. Có thể thấy đây là ba cơ quan có chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực quan trọng này, trong đó Bộ Tài chính là cơ quan giữ vai trò chủ chốt và chịu trách nhiệm chính, các cơ quan còn lại có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Bộ Tài chính thực hiện chức năng giám sát. Sự phân định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng cho từng cơ quan là cơ sở pháp lý quan trọng để mỗi cơ quan có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần vào việc kiểm soát tình hình nợ công đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể:
a) Bộ Tài chính: là cơ quan chủ trì thực hiện việc giám sát tình trạng nợ công, chịu trách nhiệm hướng dẫn phương pháp tính toán hệ thống các chỉ tiêu giám sát nợ; chủ trì tiến hành phân tích đánh giá bền vững nợ; điều hành hạn mức nợ công, hạn mức vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ; phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành, kiểm tra và giám sát tình hình vay và trả nợ công.
b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng hệ thống các chỉ tiêu giám sát nợ và điều hành hạn mức vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ; hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin để thực hiện việc đánh giá, giám sát nợ theo quy định tại Nghị định này.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng hệ thống các chỉ tiêu giám sát nợ; chủ trì đánh giá thực trạng và hiệu quả vay ODA theo quy định của Chính phủ.
Mặt khác để việc giám sát được chính xác và được tiến hành thường xuyên một cách thuận tiện hơn, tại Thông tư 56/2011/ TT- BTC còn có quy định về trách nhiệm của một số các cơ quan khác như sau:
– Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan khác ở Trung ương : thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá thực trạng và hiệu quả sử dụng vốn vay cấp phát ngân sách nhà nước cho các chương trình/dự án của các cơ quan, đơn vị thuộc mình quản lý; kiểm tra, giám sát tình hình huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ của các Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan Trung ương; Có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện cho cơ quan kiểm tra, giám sát trong quá trình kiểm tra, giám sát; Báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm về những nội dung đã cung cấp có liên quan đến việc huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.
– Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương : Chủ trì kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất về tình hình huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ của Chính quyền địa phương; Đảm bảo việc cung cấp các thông tin, số liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền cho Bộ Tài chính và các cơ quan kiểm tra, giám sát khác có liên quan về tình hình nợ, chỉ tiêu giám sát nợ, huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ của Chính quyền địa phương.
– Trách nhiệm của cơ quan cho vay lại : Các cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính uỷ quyền thực hiện việc cho vay lại có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá thực trạng, hiệu quả sử dụng vốn vay và trả nợ đối với các chương trình/dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; Có trách nhiệm báo cáo và cung cấp thông tin về huy động, sử dụng vốn vay và hoàn trả các khoản nợ vay về cho vay lại; Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát về việc chấp hành quy chế quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ vay về cho vay lại đối với các đối tượng được uỷ quyền.
– Trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng có hoạt động sử dụng vốn vay và trả nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia: Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có hoạt động sử dụng vốn vay và trả nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật quản lý nợ công, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý nợ công, các văn bản liên quan về vay, trả nợ nước ngoài chủ động tổ chức huy động, lựa chọn nguồn vay có điều kiện tốt nhất, sử dụng vốn có hiệu quả và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan phát sinh từ các thoả thuận vay và bảo lãnh; Chịu sự kiểm tra, giám sát và tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nợ trong việc tìm hiểu thông tin, đánh giá hiện trạng nợ của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.
III. Ý kiến đánh giá pháp lý của nhóm
1.Kết quả đạt được:
Ban hành Luật quản lý nợ công năm 2009 là một tác động quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả quản lý, xác định chính xác mục tiêu quản lý, thống nhất nghĩa vụ và quyền hạn của các cơ quan trong quá trình quản lý, thực hiện và giám sát việc thực hiện các khoản thu ngân sách đặc biệt là phần ngân sách là tiền vay của Chính phủ.
Thông qua hoạt động giám sát quá trình vay nợ, có thể đảm bảo cho việc quản lí nợ trong một giới hạn an toàn nhất định, tránh xảy ra hiện tượng vỡ nợ hoặc có nguy cơ vỡ nợ như một số quốc gia như Mỹ, Ấn Độ… cụ thể, tính đến ngày 31/12/2007, tỉ lệ nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) khoảng 40,7% GDP, trong giới hạn an toàn theo Định hướng phát triển tài chính Việt Nam đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt (nợ Chính phủ, nợ ngoài nước của quốc gia đều ở mức không quá 50% GDP).
Việc giám sát chặt chẽ có thể rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn cho các cơ quan, đơn vị kiểm tra, từ đó có thể đóng góp ý kiến để sửa đổi bổ sung những quy định mà luật không phù hợp với thực tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, để văn bản pháp luật của quốc gia tiến gần hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhất là lĩnh vực liên quan đến nợ nước ngoài của chính phủ.
2.Một số hạn chế còn tồn tại:
Nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý nợ đã được nêu trong Luật quản lý nợ công, tuy nhiên chưa được cụ thể hoá và chưa được quán triệt trên thực tế, vì vậy chưa có sự kết hợp giữa quản lý nợ trong nước và nợ ngoài nước. Mức độ hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý của hai lĩnh vực quản lý này cũng có những khoảng cách khá xa.
Hiện tại, chúng ta vẫn chưa hình thành được bộ máy quản lý nợ chuyên nghiệp, có chức năng quản lý thống nhất cả nợ trong nước và ngoài nước. Do phân tán các đầu mối nên việc tổng hợp các thông tin về nợ thiếu chính xác và không kịp thời.
Về cơ chế quản lý, trách nhiệm của các cấp, các cơ quan tham gia quản lý nợ chưa được quy định đầy đủ và rõ ràng; thiếu sự phối hợp ở cấp vĩ mô giữa các chính sách tài khoá, tiền tệ và quản lý nợ.
Chưa có sự chủ động trong điều hành vay nợ để giảm thiểu chi phí, việc vay nợ tuỳ thuộc vào thủ tục giải ngân vốn vay ODA cũng như vay vốn trong nước theo kế hoạch mà không có sự tính toán mức độ vay theo nhu cầu sử dụng vốn. Đây cũng là hệ quả của việc quản lý nợ phân tán.
Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu nợ công, bao gồm cả nợ trong và ngoài nước ở cấp quốc gia, chưa có cơ chế công bố định kỳ, công khai các thông tin cơ bản về nợ công.
3.Một số kiến nghị, đề xuất:
Bên cạnh những kết quả đạt được và rất có ý nghĩa trong công tác giám sát NSNN thời gian qua, thì hoạt động này vẫn còn những hạn chế nhất định như chất lượng chưa cao, còn tình trạng nể nang, né tránh, chưa thực sự mang tính xây dựng và thúc đẩy công tác quản lý và điều hành NSNN có hiệu quả. Để thực hịên tốt các nội dung, hình thức và phương pháp giám sát như nêu trên, chúng em cho rằng, cần tăng cường sự phối hợp giữa Quốc hội và HĐND cấp tỉnh. Sau giám sát, Quốc hội và HĐND cấp tỉnh cần có kiến nghị xác đáng với Chính phủ, UBND trong việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của HĐND; xử lý các kiến nghị sau giám sát.
Cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật NSNN để xoá bỏ tính lồng ghép của hệ thống NSNN, bảo đảm việc xem xét và quyết định ngân sách một cách rõ ràng và minh bạch hơn. Quốc hội chỉ xem xét, quyết định dự toán và phân bổ Ngân sách Trung ương; HĐND các cấp xem xét, quyết định và phân bổ Ngân sách địa phương; tránh trùng lắp trong quyết định ngân sách, phát huy vai trò và thực quyền của các cơ quan dân cử trong lĩnh vực tài chính – ngân sách.
Tạo lập cơ chế phù hợp để nâng cao hiệu lực giám sát NSNN, như: quy định cụ thể chế độ báo cáo định kỳ từng quý của các cơ quan nhà nước, các đơn vị kinh tế phải gửi tới Quốc hội và HĐND; quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hịên những ý kiến, kiến nghị của Quốc hội và HĐND; quy định các chế tài cần thiết trong trường hợp các cơ quan nhà nước không xem xét giải quyết, hoặc giải quyết không thoả đáng những kiến nghị qua giám sát của Quốc hội và HĐND.
Kết luận
Để quản lý và điều hành NSNN lành mạnh, bền vững và hiệu quả cao thì không thể thiếu công tác giám sát NSNN. Công tác này được xem là “chìa khóa” để giữ cho NSNN không xảy ra khủng hoảng, bảo đảm an ninh tài chính và cho phép các nhà quản lý phát hiện và phòng ngừa những nguy cơ xảy ra đối với công tác quản lý và điều hành NSNN, tác động xấu đến kinh tế vĩ mô và nền tài chính quốc gia. Thực tế cho thấy, sự yếu kém của hệ thống giám sát NSNN (cả vĩ mô và vi mô) là một trong những nguyên nhân dẫn đến hao tổn nguồn lực tài chính, không đủ để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra. Cải cách và hoàn thiện hệ thống giám sát NSNN, cơ chế kiểm tra, thanh tra, đánh giá mức độ rủi ro của NSNN và của cả hệ thống tài chính nói chung là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm thực quyền của các cơ quan dân cử; tăng cường tính công khai, minh bạch ngân sách nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát của các cơ quan chức năng; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhằm đẩy lùi những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực.
Chú thích:
- NSNN : Ngân sách Nhà nước
- HĐND : Hội đồng nhân dân
- UBND : Ủy ban nhân dân
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Giáo trình Luật Ngân sách Nhà nước
- Luật quản lí nợ công năm 2009
- Thông tư 56/ 2011/ TT- BTC hướng dẫn phương pháp tính toán các chỉ tiêu giám sát và tổ chức hoạt động giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia
- Nghị định 79/ 2010/ NĐ- CP về nghiệp vụ quản lí nợ công