Quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
MỞ ĐẦU
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một “cuộc chiến đấu khổng lồ”, và vì thế, muốn giành thắng lợi, không thể không suy tư đến tận gốc rễ, ngọn nguồn của mọi vấn đề. Việc xử lý những vấn đề như: ở Việt Nam, giải phóng dân tộc và phát triển xã hội có mối quan hệ như thế nào, con đường phát triển xã hội vận động thông qua những giai đoạn nào, đâu là căn cứ để xác định những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, quần chúng nhân dân có vai trò gì trong sự nghiệp cách mạng vì giải phóng và phát triển… đều đòi hỏi Hồ Chí Minh phải tư duy ở tầm triết học, trên cơ sở nền tảng triết học và theo phương pháp triết học. Điều này cho thấy, việc vận dụng cách tiếp cận triết học để làm rõ tính chất triết học của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là việc làm cần thiết và sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn, đầy đủ hơn tư tưởng của Người về vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng này.
NỘI DUNG
Nhất quán với các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng, chủ nghĩa xã hội là một học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp vô sản nhằm xóa bỏ ách thống trị tư bản chủ nghĩa, thực hiện lý tưởng giải phóng giai cấp và giải phóng toàn thể xã hội loài người. Chủ nghĩa xã hội còn được hiểu với tư cách là một chế độ xã hội thuộc hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa mà việc xây dựng và hoàn thiện nó như là một quá trình lịch sử lâu dài để từng bước đạt tới mục tiêu.
I.Khái quát qua quan điểm của C.Mác – V.I.Lênin và sự khác biệt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội:
C.Mác và V.I.Lênin đã làm sáng tỏ bản chất của chủ nghĩa xã hội từ những kiến giải kinh tế-xã hội, chính trị-triết học. Bằng học thuyết hình thái kinh tế-xã hội, C. Mác đã chứng minh sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự thay thế nó bằng hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu giải phóng giai cấp tiến lên giải phóng con người.
Với thắng lợi của Cách Mạng tháng Mười Nga năm 1917, chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực và V.I.Lênin cho rằng chủ nghĩa xã hội với tư cách một chế độ xã hội sau khi đã hoàn thiện sẽ là bước phát triển cao hơn và tốt đẹp hơn so với chủ nghĩa tư bản.
Cái mới và sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về bản chất của chủ nghĩa xã hội là phát hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa từ sự chung đúc tất cả những lý tưởng về giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Đồng thời, Người còn phát hiện một điểm rất quan trọng là, muốn đạt tới lý tưởng, mục tiêu xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải thường xuyên chống lại chủ nghĩa cá nhân. Đối với Người, chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các cá nhân. Như vậy, đây là cách tiếp cận mới mà Người đã làm phong phú thêm hướng tiếp cận về chủ nghĩa xã hội. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã làm sáng tỏ bản chất chủ nghĩa xã hội từ những kiến giải về kinh tế, chính trị và xã hội. Ngoài những kiến giải ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhìn nhận bản chất chủ nghĩa xã hội từ phương diện đạo đức, văn hóa. Theo Người, chủ nghĩa xã hội đối lập, xa lạ với chủ nghĩa cá nhân, nhưng không hề phủ nhận cá nhân; trái lại, tôn trọng cá nhân, phát triển mọi năng lực cá nhân vì sự phát triển xã hội và hạnh phúc của con người nói chung. Đây là chiều sâu trong tư duy biện chứng, trong nhãn quan văn hóa, đạo đức của Người. Đối với người, việc giải thích chủ nghĩa xã hội vô cùng đơn giản và sát với tình hình nước ta : “ Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”.
II.Quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam :
Vấn đề lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa được đặt ra với những nước tiền tư bản chủ nghĩa chưa trải qua hoàn toàn giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, khi thế giới chủ nghĩa tư bản không còn là xu hướng duy nhất chi phối, khi chủ nghĩa xã hội đã trở thành một phong trào, một xu hướng đang phủ định trực tiếp chế độ tư bản chủ nghĩa. Việc Lênin lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa cho nước Nga cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và nhiều nước lựa chọn con đường phát triển ấy, sau khi Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi và chế độ xã hội chủ nghĩa ra đời ở nước Nga, đã chứng tỏ điều đó
Lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là lựa chọn con đường phát triển giữa nhiều khả năng, giữa những con đường phát triển khác nhau ở một nước nào đó, trong đó chủ nghĩa xã hội được coi là con đường đúng đắn, tất yếu, phù hợp với những điều kiện, tiền đề phát triển của nước đó, phù hợp với xu hướng tất yếu của thời đại là chủ nghĩa xã hội và sự lựa chọn đó cho phép có thể giải quyết được những nhiệm vụ lịch sử cấp bách, sống còn đang đặt ra cho dân tộc và nhân dân nước đó. Lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả một dân tộc- con đường đem lại hạnh phúc, tự do cho họ, là xác định cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả một dân tộc con đường phát triển lâu dài, nhằm định hướng cho họ trong hoạt động sáng tạo ra lịch sử của chính mình. Và dân tộc ta đã quyết định chọn con đường này dưới ngọn đèn soi sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bắt đầu từ năm 1954 ở miền bắc và từ năm 1975 trên phạm vi cả nước, sau khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành thắng lợi, đất nước đã hoàn toàn độc lập, hòa bình thống nhất và bắt tay vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
1) Quan điểm của Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam:
Theo các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin, có 2 con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội :
– Trực tiếp : Đi lên CNXH từ những nước tư bản phát triển ở trình độ cao
– Gián tiếp : Đi lên CNXH từ những nước phát triển còn thấp hoặc những nước tiền tư bản, bỏ qua chế độ tư bản với những điều kiện nhất định.
Mác cho rằng: hình thức quá độ trực tiếp từ xã hội TBCN lên CNXH diễn ra ở các nước TB phát triển nhất ở châu âu không thể là gì khác ngoài thực hiện nền chuyên chính Cách mạng của giai cấp vô sản. Lênin cho rằng: quá độ gián tiếp không qua CNTB ở những nước tiểu nông cần có sự giúp đỡ từ bên ngoài của 1 nước công nghiệp tiên tiến đã làm cách mạng XHCN thành công và điều kiện bên trong phải có 1 chính Đảng vô sản lãnh đạo đất nước đi theo CNXH. Sự sáng tạo của Lênin bổ xung cho học thuyết Mác, xuất phát từ thực tiễn nước Nga, không chỉ là quá độ về chính trị. HCM thống nhất với các nhà kinh điển và nhấn mạnh hình thức quá độ “rút ngắn” hay cũng có thể gọi là gián tiếp áp dụng cho VN, cần nhận thức rõ tính quy luật chung và đặc điểm cụ thể của mỗi nước khi bước vào thời kỳ quá độ: “tùy hoàn cảnh, mà phát triển theo con đường khác nhau…Có nước thì đi thẳng tiến đến CNXH, có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên CNXH”. Từ những nghiên cứu tìm tòi của mình, Hồ Chí Minh đã nêu lên một số quan điểm về thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam như sau :
1.1 )Hồ Chí Minh chỉ rõ đặc điểm bao trùm và to lớn nhất của nước ta trong thời kỳ này là:
“Đặc điểm to lớn nhất của nước ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không phải kinh qua giai đoạn phát triển TBCN”, trong điều kiện vừa hoà bình vừa có chiến tranh. Đặc điểm này thâu tóm đầy đủ những mâu thuẫn, khó khăn, phức tạp, chi phối toàn bộ tiến trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Về độ dài của thời kỳ quá độ: Lúc đầu dựa theo kinh nghiệm của LX và TQ, HCM dự đoán “chắc đôi ba, bốn kế hoạch dài hạn…” sau đó quan niệm được điều chỉnh: “xây dựng CNXH là 1 cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài”. Vì vậy tiến lên chủ nghĩa xã hội không thể làm nhanh được mà phải làm dần dần, từng bước một, cần nhận thức và tìm giải pháp đúng đắn để có hình thức, bước đi phù hợp với VN.
Năm 1946 một phóng viên Pháp có hỏi ở Việt Nam khi nào có CNXH ? Hồ Chí Minh nói : Muốn có CNXH phải có 3 điều kiện, phải có đất công nghiệp, đất nông nghiệp và phải có con người phát triển toàn diện. Ở nước tôi cả 3 điều kiện này chưa có, khi nào có đủ thì có CNXH.
Năm 1958 cử tri Hà Nội hỏi : Thời kỳ quá độ lên CNXH nước ta kéo dài bao lâu ? Bác trả lời : Căn cứ vào thực tiến xây dựng CNXH ở các nước thì thời kỳ quá độ của nước ta kéo dài từ 3 đến 4 kế hoạch dài hạn (mỗi kế hoạch từ 8 đến 10 năm).
1.2 )Hồ Chí Minh chỉ rõ mâu thuẫn chủ yếu của thời kỳ này là :
“Mâu thuẫn cơ bản trong thời kỳ quá độ” là mâu thuẫn giữa 1 bên là yêu cầu phải tiến lên xây dựng 1 chế độ xã hội mới có “công, nông nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến” với 1 bên là tình trạng lạc hậu phải đối phó với bao thế lực cản trở, phá hoại mục tiêu của chúng ta.”. Những nhân tố xã hội mới và cũ tồn tại đan xen lẫn nhau, đấu tranh với nhau trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, văn hoá, xã hội, tư tưởng, tập quán tạo ra một tình hình vô cùng phức tạp. Ngoài ra chúng ta còn phải tiến hành xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc, phải thay đổi những quan hệ sản xuất cũ, xoá bỏ giai cấp bó lột, xây dựng nền kinh tế mới. Vì những lý do đó, Bác Hồ đã viết : “ Chúng ta xây dựng CNXH từ hai bàn tay trắng, khó khăn còn nhiều và lâu dài, phải làm dần dần không thể vội vàng làm nhanh một sớm một chiều. Ví dụ trong nông nghiệp lúc đầu là tiến hành giảm tô sau đó cải cách ruộng đất, sau đó tới vần công đổi công, xây dựng hợp tác xã,…cần ưu tiên phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ để phát triển công nghiệp nặng.
1.3 )Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ quá độ :
“…phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của CNXH,…, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hoá và khoa học tiên tiến. Trong quá trình Cách mạng XHCN, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”. HCM đã chỉ ra rõ nhiệm vụ cụ thể về chính trị, kt, văn hóa, xã hội. Chính trị, cuộc đấu tranh gay go giữa cái cũ đang suy tàn và cái mới đang nảy nở…cho nên sự nghiệp xây dựng CNXH khó khăn và phức tạp. Kinh tế, tạo lập những yếu tố, những lực lượng đạt được ở thời kỳ tư bản nhưng sao cho không đi chệch sang CNTB; sử dụng hình thức và phương tiện của CNTB để xây dựng CNXH. Kẻ thù muốn đè bẹp ta về kinh tế thay bằng quân sự, vì vậy ta phải phát triển kinh tế. Tư tưởng, văn hóa, xã hội : Bác nêu phải khắc phục sự yếu kém về kiến thức, sự bấp bênh về chính trị, sự trì trệ về kt, lạc hậu về văn hóa…tất cả sẽ dẫn đến những biểu hiện xấu xa, thoái hóa cán bộ, đảng viên…là khe hở CNTB dễ dàng lợi dụng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh “muốn cải tạo XHCN thì phải cải tạo chính mình, nếu không có tư tưởng XHCN thì không làm việc XHCN được”.
1.4 )Hồ Chí Minh đã đề cập đến nhân tố để đảm bảo thực hiện thắng lợi CNXH ở VN trong thời kỳ quá độ :
Phải luôn giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát huy tính tích cực, chủ động của các tổ chức chính trị – xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức và tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng CNXH.
2) Quan điểm của Bác về bước đi và biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam :
2.1 )Về bước đi :
Phải qua nhiều bước, “bước ngắn, bước dài, tuỳ theo hoàn cảnh,…chớ ham làm mau, ham rầm rộ…Đi bước nào vững chắc bước ấy, cứ tiến dần dần”. Bác sớm ngăn ngừa xu hướng chủ quan nóng vội. “Chớ thấy Liên Xô, Trung Quốc đã có nông trường quốc doanh, tổ chức hợp tác xã thì ta cũng vội tổ chức ngay hợp tác xã ”
Bước đi nông nghiệp : từ cải cách ruộng đất sau tiến lên tổ đổi công cho tốt cho khắp, lại tiến lên hình thức hợp tác xã dễ dàng,…
Về bước đi công nghiệp, “…Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi đến tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhẹ, sau mới đến công nghiệp nặng”, “làm trái với Liên Xô cũng là Mác-xít”.
2.2 )Về biện pháp :
Hồ Chí Minh nêu 2 nguyên tắc có tính phương pháp luận :
-Xây dựng CNXH mang tính quốc tế, cần nắm vững nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng chế độ mới. Phải học tập kinh nghiệm của các nước anh em nhưng không áp dụng máy móc vì nước ta có đặc điểm riêng của nước ta. “Ta không thể giống Liên Xô,…ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”, “Tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau”.
-Xác định bước đi và biện pháp phải xuất phát từ thực tế, đặc điểm dân tộc, nhu cầu và khả năng thực tế của nhân dân.
2.3 )Về phương pháp, biện pháp, cách thức tiến hành xây dựng CNXH ở Việt Nam :
Người nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, chống giáo điều, rập khuôn phải tìm tòi cách riêng cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. “Muốn đỡ bớt mò mẫm, đỡ phạm sai lầm thì phải học kinh nghiệm của các nước anh em” nhưng “áp dụng kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo”, “ta không thể giống Liên Xô vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử khác…”. Ví dụ: miền Bắc phải kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng miền Bắc, chiếu cố miền Nam; miền Bắc “vừa sản xuất vừa chiến đấu”, “vừa chống Mỹ cứu nước, vừa xây dựng CNXH” ; “CNXH là của dân, do dân và vì dân”, Quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp “ Là 2 bộ phận chính, 2 ngành cơ bản của nền kinh tế,có quan hệ khăng khít, không thể thiếu bộ phận nào, phát triển vững chắc cả hai”. Cách làm là đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân, chính phủ chỉ giúp đỡ kế hoạch, cổ động. CNXH là do dân và vì dân, Người đề ra 4 chính sách: Công-tư đều lợi, chủ thợ đều lợi, công-nông giúp nhau,lưu thông trong ngoài. Chỉ tiêu 1, biện pháp 10, chính sách 20…có như thế mới hoàn thành kế hoạch đặt ra.
KẾT LUẬN
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam bao quát những vấn đề cốt lõi cơ bản nhất, trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin. Tư tưởng đó trở thành tài sản vô giá, cơ sở lý luận và kim chỉ nam cho việc kiên trì giữ vững định hướng XHCN của Đảng ta, đồng thời xác định hình thức, biện pháp và bước đi lên CNXH phù hợp với đặc điểm dân tộc và xu thế vân động của thời đại ngày nay.
Mục lục
Mở đầu
Nội dung
I.Khái quát qua quan điểm của C.Mác – V.I.Lênin và sự khác biệt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội:
II.Quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam :
1) Quan điểm của Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam:
1.1 )Hồ Chí Minh chỉ rõ đặc điểm bao trùm và to lớn nhất của nước ta trong thời kỳ này là
1.2 )Hồ Chí Minh chỉ rõ mâu thuẫn chủ yếu của thời kỳ này là
1.3 )Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ quá độ
1.4 )Hồ Chí Minh đã đề cập đến nhân tố để đảm bảo thực hiện thắng lợi CNXH ở VN trong thời kỳ quá độ
2) Quan điểm của Bác về bước đi và biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam :
2.1 )Về bước đi
2.2 )Về biện pháp
2.3 )Về phương pháp, biện pháp, cách thức tiến hành xây dựng CNXH ở Việt Nam
Kết luận
Danh mục tài liệu tham khảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh một số nhận thức cơ bản_Nhà xuất bản chính trị quốc gia
- Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh_Nhà xuất bản chính trị quốc gia