TÁI CẤU TRÚC QUẢN TRỊ ĐỂ THÚC ĐẨY CƠ CẤU LẠI KHU VỰC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM

TÁI CẤU TRÚC QUẢN TRỊ ĐỂ THÚC ĐẨY CƠ CẤU LẠI KHU VỰC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM

THS. PHẠM ĐỨC TRUNG – Trưởng ban, Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

 NGUYÊN THỊ MINH THU – Nghiên cứu viên, Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Cơ cấu lại đầu tư công, thị trường tài chính và khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là ba trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Trong thực hiện cơ cấu lại DNNN, tái cấu trúc quản trị DNNN là một nội dung quan trọng.

Mới đây, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và Quyết định số 707/2017/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định "quản trị DNNN theo thông lệ quốc tế" là một trong những mục tiêu cần đạt được đến năm 2020. Bài viết này có mục tiêu làm rõ thực trạng và kiến nghị giải pháp tái cấu trúc quản trị DNNN theo thông lệ quốc tế để thúc đẩy cơ cấu lại DNNN ở Việt Nam đến năm 2020.

1. Nhưng vấn đề chung về quản trị doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước

1.1. Quản trị DNNN

Trong lịch sử phát triển của các mô hình tổ chức doanh nghiệp, một trong những bước tiến bộ quan trọng là sự tách bạch giữa người chủ và doanh nghiệp, giữa quyền sở hữu và quyền quản lý điều hành. Dù vậy, mô hình tách bạch đã phát sinh những tác động tiêu cực. Hành vi tư lợi, phi đạo đức của người quản lý doanh nghiệp không chỉ đi ngược lại lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu mà còn gây hại cho những đối tượng có liên quan và cho cả nền kinh tế. Người chủ doanh nghiệp bị đẩy ra khỏi doanh nghiệp, chịu thiệt hại bởi các hành vi tư lợi của người quản lý.

Từ thực tế này, hàng loạt vấn đề đã được nêu ra như: Làm thế nào để chủ sở hữu có thể yêu cầu các nhà quản lý đảm bảo lợi ích chính đáng của họ? để biết chắc rằng nhà quản lý không lấy tiền của họ đầu tư vào các dự án xấu? để người chủ doanh nghiệp kiểm soát có hiệu quả quá trình sử dụng vốn đầu tư vào doanh nghiệp? Đây là nội dung căn bản của quản trị công ty hay quản trị doanh nghiệp (Corporate Governance), trong đó có quản trị DNNN.

Trên thế giới hiện nay có nhiều định nghĩa về quản trị doanh nghiệp, như:

– Quản trị doanh nghiệp là tập hợp các mối quan hệ giữa Ban Giám đốc, Hội đồng Quản trị, cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác; thiết lập cơ cấu qua đó giúp xây dựng mục tiêu của doanh nghiệp, xác định phương tiện để đạt được các mục tiêu và giám sát hiệu quả thực hiện mục tiêu (OECD, 2004).

– Quản trị doanh nghiệp là một tập hợp các quan hệ giữa Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành, các chủ sở hữu và những người có lợi ích liên quan nhằm tạo ra một cấu trúc hợp lý để đặt ra và thực hiện các mục tiêu cũng như hình thành một cơ chế giám sát hiệu quả (Uỷ ban Basel).v.v.

Đối với DNNN, thực tiễn quốc tế đã chỉ ra, cải thiện quản trị mang lại lợi ích trực tiếp, giúp DNNN thuận lợi hơn để tiếp cận các nguồn tài chính, qua đó giảm chi phí vốn, tăng giá trị doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng hiệu quả quản lý, giảm rủi ro và các hành vi tư lợi, góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm rủi ro khủng hoảng kinh tế (WB 2014).

Trong Bài viết này, quản trị DNNN được hiểu là toàn bộ các yếu tố liên quan đến quá trình định hướng và kiểm soát DNNN, từ việc xây dựng mục tiêu, xác định phương tiện để đạt được mục tiêu và giám sát được việc thực hiện mục tiêu đã đề ra đối với DNNN. Về mặt cấu trúc, quản trị DNNN là tập hợp các mối quan hệ giữa bộ máy quản lý điều hành DNNN với chủ sở hữu và các bên có quyền lợi liên quan. Bộ máy quản lý điều hành bao gồm Ban Giám đốc, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần theo pháp luật Việt Nam.

….

XEM BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM – VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

1900.0191