THUẬN LỢI VÀ THÁCH THỨC TRONG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH VIỆT NAM

THUẬN LỢI VÀ THÁCH THỨC TRONG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH VIỆT NAM

TS. NGUYỄN THU THỦY – Đại học Thương mại

Đặt vấn đề

Thị trường chứng khoán phái sinh chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) cơ sở. Sau 16 năm hoạt động, với hai sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) như hiện tại và các công cụ đầu tư cơ bản như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ,… TTCK Việt Nam đã đến lúc cần phát triển lên một tầm cao hơn với các công cụ đa dạng hơn như các sản phẩm phái sinh. Trước đòi hỏi khách quan của nền kinh tế và cũng nhằm thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển đồng bộ các loại thị trường, phát triển TTCK phái sinh ở Việt Nam đã trở thành mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Phát triển TTCK phái sinh sẽ không chỉ làm tăng tính thanh khoản của thị trường và cung cấp các phương tiện để phòng ngừa rủi ro cho những nhà đầu tư, mà còn giúp thị trường trở nên hiệu quả hơn thông qua các hoạt động kinh doanh chênh lệch giá liên thị trường. Với dữ liệu phân tích tổng hợp, bài viết đã chỉ ra những thuận lợi và thách thức trong phát triển TTCK phái sinh Việt Nam, đề xuất một số gợi ý về chính sách nhằm phát triển TTCK phái sinh Việt Nam trong thời gian tới.

Theo kinh nghiệm thế giới về phát triển TTCK phái sinh, để xây dựng và phát triển bền vững TTCK phái sinh cần dựa trên 05 tiền đề cơ bản, đó là: (i) Quy mô của TTCK cơ sở, sự biến động giá; (ii) nhu cầu về phòng ngừa rủi ro và đầu cơ; (iii) hiệu quả của TTCK và mức độ tự do hóa của hoạt động thị trường tài chính; (iv) hệ thống quy định pháp lý; (v) năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, SGDCK, các định chế trung gian. Ngoài ra, công chúng đầu tư cũng cần phải được đào tạo để nâng cao nhận thức về thị trường này. Đặt trong bối cảnh Việt Nam, theo chúng tôi, TTCK phái sinh trong giai đoạn sắp tới sẽ có thuận lợi và thách thức trong phát triển như sau:

1. Thuận lợi trong phát triển TTCK phái sinh Việt Nam

Thứ nhất, quy mô của TTCK cơ sở liên tục gia tăng

Sự gia tăng về quy mô của TTCK cơ sở được thể hiện rõ nét thông qua sự gia tăng về giá trị vốn huy động, số lượng chứng khoán niêm yết và nhà đầu tư tham gia thị trường. Nếu như vào năm 2000 trên TTCK cơ sở có 2 mã cổ phiếu niêm yết thì đến năm 2016, số lượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và trái phiếu niêm yết đã tăng lên rõ rệt. Tính đến cuối tháng 12/2016, thị trường đã có 695 công ty niêm yết trên 2 SGDCK và trên 400 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Tương tự, giá trị vốn hóa cũng tăng mạnh. Nếu như năm 2000, vốn hóa thị trường đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP, năm 2015 đạt hơn 1.325.000 tỷ đồng, tương đương hơn 34% GDP. Đến cuối năm 2016, vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng hơn 1.500 lần so với năm 2000, đạt gần 1.904 tỷ đồng; Giá trị dư nợ trái phiếu hiện chiếm khoảng 24% GDP, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 43,2% GDP. Tính chung cả cổ phiếu và trái phiếu quy mô TTCK chiếm khoảng 69% GDP. Giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường năm 2016 đạt gần 6.890 tỷ đồng/phiên, tăng 40% so với bình quân phiên năm 2015 và gấp 4.900 lần so với năm 2000. (Hình 1)

Hình 1: Quy mô thị trường chứng khoán (Nguồn: UBCKNN)

Tổng giá trị huy động vốn trên thị trường cũng tăng lên đáng kể. Năm 2007, tổng giá trị vốn huy động trên toàn thị trường đạt 127.265 tỷ đồng, năm 2015 đạt hơn 283.000 tỷ đồng và cuối năm 2016 đạt 355.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015 (Bảng 1).

Bảng 1: Giá trị vốn huy động trên TTCK giai đoạn 2007 – 2016

Năm

Phát hành CP và đấu giá CPH

Đấu thầu trái phiếu

Tổng cộng

2007

105.799

21.466

127.265

2008

22.150,5

7.008

29.158,5

2009

23.849

9.178

33.027

2010

37.890

28.545

66.435

2011

17.550

81.715

99.265

2012

18.160,7

167.589

185.749,7

2013

55.200

194.800

250.000

2014

32.130

245.210

277.340

2015

51.000

232.000

283.000

2016

38.000

317.000

355.000

Nguồn: Ủy ban Chứng khoán và tác giả tự tổng hợp

Kết thúc năm 2016, chỉ số VN-Index đạt mức 664,87 điểm, tăng 14,82% so với cuối năm 2015; HNX- Index đạt 80,12 điểm, tăng 0,2% so với cuối năm 2015; UpCom – Index đạt 53,82 điểm, tăng 4,97% so với cuối năm 2015. (Hình 2)

Hình 2: Diễn biến chỉ số VN-Index giai đoạn 2000-2016 (Nguồn: UBCKNN)

Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, trong nước và nước ngoài tham gia TTCK tăng mạnh trong những năm gần đây, thể hiện số lượng tài khoản nhà đầu tư mở tại các công ty chứng khoán (CTCK). Nếu như năm 2000, có khoảng gần 3000 tài khoản nhà đầu tư tham gia thị trường thì đến cuối năm 2010 đã có 1.059.419 tài khoản giao dịch; năm 2012 là hơn 1.233.000 tài khoản và tính đến cuối năm 2016 đã có khoảng 1.690.000 tài khoản, tăng 580 lần so với năm 2000 (Hình 3). Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng đáng kể: năm 2007 là 8.149 tài khoản thì đến cuối năm 2016 đã tăng 2,3 lần so với năm 2007. (Hình 3)

Hình 3: Số lượng tài khoản của nhà đầu tư giai đoạn 2000 -2016 (Nguồn: UBKNN)

CO THUY 2

TTCK phái sinh và TTCK cơ sở có mối tương tác phụ thuộc lẫn nhau. Các chứng khoán phái sinh đòi hỏi một TTCK cơ sở thanh khoản, trong khi TTCK phái sinh lại thúc đẩy tính thanh khoản và hoàn thiện hơn cơ chế hình thành giá ở TTCK cơ sở. Như vậy sự phát triển của TTCK cơ sở trong thời gian qua là tiền đề cơ bản để thúc đẩy TTCK phái sinh ra đời và phát triển.

Thứ hai, nhu cầu sử dụng chứng khoán phái sinh để phòng ngừa rủi ro ngày càng rõ rệt.

Sự trồi sụt của TTCK Việt Nam trong thời gian vừa qua đã gây ra những tổn thất không nhỏ cho các nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng các chứng khoán phái sinh đơn giản để phòng vệ rủi ro chính vì thế lại được dấy lên mạnh mẽ. Theo kết quả khảo sát điều tra về nhu cầu sử dụng sản phẩm phái sinh trên TTCK Việt Nam do HoSE tiến hành cho thấy, có tới 67,7% người được hỏi cho biết họ nghĩ đến công cụ chứng khoán phái sinh khi có nhu cầu phòng ngừa rủi ro và 92,8% sẵn sàng tham gia giao dịch khi TTCK phái sinh được triển khai.

Mặt khác, do thị trường phái sinh hàng hóa và thị trường phái sinh tiền tệ hình thành trước thị trường phái sinh chứng khoán, nên một số sản phẩm phái sinh có nguồn gốc từ tiền tệ, hàng hóa đã được sử dụng từ nhiều năm nay. Thực tế các sản phẩm phái sinh đơn giản như quyền chọn mua cổ phần, chứng quyền, hợp đồng kì hạn và một số hình thức khác đã được sử dụng khá phổ biến trên thị trường phái sinh tiền tệ và thị trường phái sinh hàng hóa đã được triển khai không chính thức tại một số CTCK. Đây là yếu tố thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có kinh nghiệm tham gia vào TTCK phái sinh.

Thứ ba, sự phát triển của TTCK phái sinh còn được thúc đẩy bởi sự phát triển của hệ thống các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán, bao gồm các CTCK và công ty quản

lý quỹ.

Trong những năm qua, hệ thống các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán đã có sự phát triển mạnh cả về số lượng, quy mô vốn, nghiệp vụ và công nghệ với mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch tại khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo số liệu báo cáo của Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thì chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã được tăng cường, đã áp dụng tiêu chuẩn an toàn tài chính theo Basel II, áp dụng nguyên tắc quản trị công ty, quản trị rủi ro và tiêu chí cảnh báo sớm theo tiêu chuẩn CAMEL. Tính đến thời điểm hiện tại, trên TTCK Việt Nam hiện có 46 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng số vốn điều lệ là 3.785 tỷ đồng, quản lý tổng khối lượng tài sản hơn 146 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 17,7% so với cuối năm 2015. Số CTCK là 79 công ty, giảm 25% tổng số CTCK so với cuối năm 2015.

Với số lượng lớn các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán, môi trường kinh doanh của khu vực dịch vụ chứng khoán đã rất cạnh tranh, bảo đảm chất lượng dịch vụ sẽ được cải thiện nhanh chóng trong thời gian tới. Mặc dù còn nhiều điểm cần hoàn thiện, nhưng hệ thống các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng vượt bậc của TTCK cơ sở trong thời gian qua, và là tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của TTCK phái sinh.

Thứ tư, khung pháp lý cho TTCK phái sinh đã được xây dựng dựa trên điều kiện thị trường và đảm bảo được các thông lệ quốc tế.

Nhằm thúc đẩy sự ra đời của TTCK phái sinh, ngày 5/5/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP, tiếp đó ngày 19/1/2016 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh áp dụng đối với SGDCK, Trung tâm lưu ký chứng khoán, tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, thành viên bù trừ, thành viên giao dịch, thành viên tạo lập thị trường, nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại khung pháp lý cho TTCK phái sinh được đánh giá là tương đối đầy đủ.

Thứ năm, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã có những bước phát triển mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông được đánh giá dựa trên 3 nhóm chỉ số, gồm: (i) mức độ phổ cập ITC (Information and Communications Technology) gồm các tiêu chí như tỷ lệ điện thoại cố định, di động, băng thông internet và tỷ lệ máy tính; (ii) mức độ sử dụng ICT gồm các tiêu chí như tỷ lệ người dùng internet, số thuê bao internet, thuê bao băng rộng di động; (iii) các kĩ năng ICT có tiêu chí như tỷ lệ người trưởng thành biết chữ, tỷ lệ phổ cập phổ thông trung học. Trong những năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có chỉ số phát triển công nghệ thông tin khá cao (đứng thứ 102 trong 167 quốc gia). Sự phát triển của công nghệ thông tin sẽ giúp cho các cơ quan quản lý, các tổ chức tham gia thị trường có thể kết nối dễ dàng đến hệ thống của SGDCK, Trung tâm lưu kí chứng khoán của TTCK phái sinh.

Ngoài ra, sự hội nhập ngày càng sâu và toàn diện của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới đã làm tăng nhu cầu đầu tư không chỉ từ phía các nhà đầu tư trong nước. Các nhà đầu tư quốc tế càng bị thu hút bởi sự năng động của nền kinh tế Việt Nam. Nhu cầu đầu tư và phòng ngừa rủi ro trong đầu tư sẽ tiếp tục được đẩy lên mạnh mẽ, đây là động lực phát triển các giao dịch chứng khoán phái sinh. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập quốc tế và các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô cởi mở đã tạo dựng ra môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, công bằng và thân thiện với nhà đầu tư. Đặc biệt là các quy định trong lĩnh vực chứng khoán đã từng bước đưa TTCK nói chung và TTCK phái sinh trở nên minh bạch, công khai, công bằng hơn, làm giảm chi phí tham gia và tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư và tổ chức tham gia thị trường này.

2. Thách thức trong phát triển TTCK phái sinh Việt Nam

Song hành với thuận lợi, sẽ là những thách thức mà TTCK phái sinh sẽ gặp phải, đó là:

Một là, cơ sở nhà đầu tư tham gia thị trường thiếu bền vững

Một điều dễ nhận thấy ở TTCK Việt Nam là tỷ trọng các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp tham gia TTCK còn rất thấp (chiếm khoảng 4%), nhà đầu tư hiện tại chủ yếu là cá nhân với kinh nghiệm đầu tư còn hạn chế. Đây là một hạn chế đối với TTCK phái sinh Việt Nam khi đối tượng nhà đầu tư có tổ chức là nhân tố cần thiết để thị trường phát triển bền vững. Bởi lẽ, giao dịch chứng khoán phái sinh là giao dịch những sản phẩm khá phức tạp, đòi hỏi nhà đầu tư phải am hiểu về sản phẩm này, mạnh về vốn và quản trị rủi ro, danh mục đầu tư đa dạng, do đó các nhà đầu tư tổ chức có vai trò quan trọng trong việc phát triển giao dịch và tăng tính thanh khoản cho thị trường. Việc ít nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường sẽ làm sụt giảm tính thanh khoản và bền vững của TTCK phái sinh.

Hai là, nhân lực và sự hiểu biết của công chúng về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh còn hạn chế

Ở Việt Nam, các kiến thức về chứng khoán phái sinh còn là khá mới mẻ, không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu và có thể thực hiện các giao dịch chứng khoán phái sinh hiệu quả nhằm phòng ngừa rủi ro và tạo lợi nhuận. Trong khi, mạng lưới đào tạo, giáo trình, giảng viên về TTCK phái sinh chưa nhiều khiến cho việc phổ biến, đào tạo và tập huấn cho các nhà đầu tư còn hạn chế. Ngay cả các công ty chứng khoán, đội ngũ nhân lực hiểu về TTCK phái sinh và sẽ là nguồn lực tham gia môi giới, tự doanh và tư vấn về các chứng khoán phái sinh vẫn còn thiếu. Đây cũng là một trong những thách thức cần khắc phục sớm để TTCK phái sinh có thể đi vào hoạt động hiệu quả.

Ba là, số lượng tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán có đủ điều kiện tham gia cung cấp các dịch vụ trên TTCK phái sinh còn quá ít

Các tổ chức kinh doanh và dịch vụ chứng khoán đóng vai trò là các trung gian tài chính giữa nhà đầu tư với thị trường, góp phần tích cực cho sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và TTCK phái sinh nói riêng. Tuy nhiên, trong số 79 CTCK đang hoạt động, số CTCK có đủ điều kiện trở thành thành viên giao dịch và thành viên bù trừ trên TTCK phái sinh là rất ít. Theo quy định về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu trong thông tư số 11/2016/TT-BTC đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh là từ 800 tỷ đồng trở lên, đối với hoạt động tự doanh là từ 600 tỷ đồng trở lên; yêu cầu đối với thành viên bù trừ trực tiếp nếu là CTCK phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng trở lên, đối với thành viên bù trừ chung là 1.200 tỷ đồng trở lên. Như vậy, có thể thấy, quy định về vốn điều lệ tối thiểu đối với các thành viên tham gia TTCK phái sinh tại Việt Nam là bước đi khá thận trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động của TTCK phái sinh. So sánh với một số quốc gia châu Á về quy định vốn điều lệ tối thiểu có thể thấy quy định của Việt Nam cao hơn nhiều (Bảng 2 ).

Bảng 2: Quy định về vốn tối thiểu đối với các nghiệp vụ CKPS ở một số nước châu Á

Đơn vị tính: Triệu USD

Việt Nam

Singapore

Hồng Kông

Đài Loan

Môi giới

36,7

0,7115

0,645

31

Tự doanh

27,5

N/a

0,645

62

Thanh toán bù trừ trực tiếp

41,3

3,6

0,645

31

Thanh toán bù trừ chung

55

N/a

2,6

62

Nguồn: Tổng hợp từ các website của các SGD chứng khoán

Tuy nhiên, so sánh với quy mô vốn hiện tại của các CTCK hiện đang hoạt động thì số CTCK có đủ điều kiện tối thiểu để thực hiện cả nghiệp vụ tự doanh và môi giới chứng khoán chỉ có 12 CTCK. Số CTCK đủ điều kiện tối thiểu vừa là thành viên giao dịch, vừa là thành viên bù trừ chỉ có 10 CTCK (Bảng 3).

Bảng 3: Thống kê số lượng CTCK đủ điều kiện thực hiện nghiệp vụ phái sinh

Tiêu chí

Được phép thực hiện

Số CTCK

CTCK có vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng trở lên

Nghiệp vụ tự doanh CKPS

18

CTCK có vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng trở lên

Nghiệp vụ môi giới CKPS

12

CTCK có vốn điều lệ từ 900 tỷ đồng trở lên

Thanh toán bù trừ trực tiếp

10

CTCK có vốn điều lệ từ 1200 tỷ đồng trở lên

Thanh toán bù trừ chung

7

Nguồn: Tính toán theo số liệu của UBCKNN

Quy định về vốn điều lệ mới chỉ là điều kiện tối thiểu, bên cạnh đó thành viên tham gia thị trường cần phải có các điều kiện khác về vốn, chỉ tiêu an toàn tài chính…, các điều kiện này còn cao hơn các thành viên trên TTCK cơ sở.

Bốn là, quy mô vốn hóa và giá trị vốn hóa thị trường so với GDP của TTCK Việt Nam còn khá khiêm tốn

Một trong những ưu thế của TTCK Việt Nam là tính thanh khoản của thị trường. Mặc dù là một thị trường mới, tuy nhiên sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân đã giúp TTCK trở thành một trong những thị trường có mức thanh khoản cao so với khu vực. Các chỉ số thanh khoản của thị trường như tỷ lệ giá trị giao dịch trên mức vốn hóa, tỷ lệ giá trị giao dịch so với GDP của TTCK Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan; Malaysia. Nhìn chung, tính thanh khoản của TTCK càng cao, thì càng thu hút được dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, so sánh với các quốc gia trong khu vực có thể thấy rằng, quy mô vốn hóa và giá trị vốn hóa thị trường với GDP của TTCK Việt Nam còn khá khiêm tốn. (Hình 4)

Hình 4: Quy mô của TTCK Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực

Năm là, một số quy định trong các văn bản pháp lý có liên quan đến chứng khoán phái sinh chưa đồng bộ, cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện. Cụ thể, trong văn bản cao nhất về chứng khoán là Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật Chứng khoán sửa đổi số 62/2010/QH12, chứng khoán phái sinh chỉ được đề cập thông qua cách giải thích từ ngữ “chứng khoán” và giải thích “quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai”. Bên cạnh đó, các chế độ về kế toán, thuế, phí chưa được quy định đối với giao dịch chứng khoán, các quy định liên quan đến hoạt động thị trường như: giám sát, rà soát quy định về công bố thông tin, xử lý vi phạm… chưa phù hợp. Ngoài ra, các văn bản pháp lý vẫn chưa chỉ ra được trách nhiệm và quyền hạn trong triển khai sản phẩm phái sinh ở các SGDCK; ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và CTCK sẽ tham gia ở những mức độ nào và chịu những giám sát an toàn vốn nào cho sản phẩm phái sinh?

Sáu là, cơ sở hạ tầng kĩ thuật phục vụ cho hoạt động giao dịch trên TTCK phái sinh đang trong giai đoạn hoàn thiện

Nâng cấp cơ sở hạ tầng, chú trọng phát triển công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ giao dịch cho nhiều loại sản phẩm mới và chứng khoán phái sinh nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro thị trường hiện đang là mục tiêu trọng tâm của các SGDCK, CTCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD).

Tính đến thời điểm hiện tại, các Sở giao dịch, Trung tâm lưu ký và các CTCK về cơ bản đã hoàn thiện công tác mua sắm, lắp đặt và chạy thử phần mềm hệ thống giao dịch. Tuy nhiên, quá trình chạy thử hệ thống giao dịch nghiệp vụ cần chi phí ban đầu lớn, điều này đã gây nên áp lực cho các CTCK. Bên cạnh đó, việc duy trì song hành 2 SGDCK (HoSE và HNX) với 2 hệ thống giao dịch độc lập khác nhau đã phát sinh nhiều khoản chi phí gây tốn kém không cần thiết như: chi phí các thành viên tham gia hệ thống của các SGD, chi phí đầu tư hệ thống, nhân sự của 2 SGDCK và sự cạnh tranh không cần thiết giữa 2 SGDCK,… Do vậy, trong thời gian tới rất cần hợp nhất hai SGDCK trên cơ sở hiện đại hóa và đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, theo lộ trình mở cửa mà Việt Nam cam kết, sau 5 năm kể từ ngày gia nhập WTO các CTCK, công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán trong nước. Mặt khác, với sự xuất hiện của các tội phạm xuyên biên giới trên TTCK như rửa tiền, thao túng, gian lận, giao dịch nội gián… cộng với nguy cơ thị trường bị thao túng bởi các nhà đầu tư nước ngoài thì đây thực sự là một thách thức đối với các cơ quan quản lý TTCK phái sinh Việt Nam.

3. Một số gợi ý về chính sách nhằm phát triển TTCK phái sinh của Việt Nam

Từ những vấn đề nghiên cứu ở trên, chúng tôi đề xuất một số gợi ý nhằm phát triển TTCK phái sinh của Việt Nam trong thời gian tới như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến TTCK phái sinh

Định nghĩa chứng khoán theo tiêu chuẩn quốc tế 1 là công cụ nợ (như trái phiếu), công cụ vốn (như cổ phiếu) và các hợp đồng phái sinh (tương lai, quyền chọn, kì hạn, hoán đổi,…). Điều này có nghĩa là không phân biệt hợp đồng phái sinh dựa trên tài sản cơ sở là gì, các loại hợp đồng phái sinh như tương lai, quyền chọn, kì hạn, hoán đổi đều được coi là một loại chứng khoán.

Hiện tại, ở Việt Nam, các quy định trong Luật Chứng khoán chưa bao gồm các sản phẩm phái sinh đối với tài sản cơ sở phi chứng khoán như vàng, tiền tệ, hàng hóa,… do vậy, trong thời gian tới Luật Chứng khoán cần mở rộng khái niệm sản phẩm phái sinh để phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo chúng tôi trong các văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện hoạt động TTCK phái sinh, cần bổ sung các chế tài kiểm tra, kiểm soát giao dịch chứng khoán phái sinh. Đồng thời cho phép HNX được quyền ban hành những quy định giao dịch và thanh toán bù trừ cho từng hợp đồng phái sinh; thành lập Quỹ thanh toán bù trừ, các thành viên bù trừ được yêu cầu đóng góp một mức nhất định vào Quỹ và bản thân SGD cũng đóng góp vào Quỹ này.

Hai là, thành lập cơ quan quản lý thống nhất sản phẩm phái sinh có gốc là tài sản cơ sở khác nhau

Hiện tại, Việt Nam đang phát triển thị trường phái sinh theo 3 hướng khác nhau: SGD hàng hóa (VNX) do Bộ Công thương quản lý; thị trường phái sinh trên tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước quản lý và thị trường phái sinh trên chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý. Việc tách biệt TTCK phái sinh với thị trường phái sinh hàng hóa và thị trường phái sinh tiền tệ đã gây ra sự lãng phí, giảm tính cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các mảng trường này. Theo kinh nghiệm của Singapore, Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới, điều quan trọng khi xây dựng khung pháp lý và điều hành TTCK phái sinh là cần loại bỏ sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý và làm rõ thẩm quyền của các cơ quan. Do vậy, Chính phủ nên cho phép thành lập một cơ quan quản lý thống nhất để tổ chức vận hành, giám sát và điều tiết thị trường các sản phẩm phái sinh.

Ba là, tiếp tục duy trì sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư

Để duy trì sự tham gia của các nhà đầu tư trong, ngoài nước và cải thiện thanh khoản của thị trường, Việt Nam cần có những ưu đãi về thuế, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng và sự tiện lợi trong giao dịch cho nhà đầu tư. Cụ thể: (i) Xây dựng cơ chế thuế dựa trên việc phân loại thu nhập từ hoạt động đầu tư nhằm khuyến khích đầu tư dài hạn, không khuyến khích hoạt động đầu cơ như: giảm thuế thu nhập đối với lãi vốn đối với các danh mục đầu tư dài hạn, thuế suất tăng dần nếu thời gian đầu tư ngắn; (ii) Hiện đại hóa hệ thống giao dịch, hỗ trợ nhiều phương thức và hình thức giao dịch, từng bước triển khai áp dụng các kỹ thuật giao dịch hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế như: bỏ biên độ giao dịch, đa dạng hóa các loại lệnh giao dịch, triển khai áp dụng cơ chế mua vào, bán ra bắt buộc; (iii) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế công bố thông tin, bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động của thị trường. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các hiện tượng lạm dụng thị trường nhằm củng cố lòng tin của nhà đầu tư; (iv) Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về lợi ích phòng ngừa rủi ro, tạo lợi nhuận của các sản phẩm chứng khoán phái sinh cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức. Tổ chức các lớp giới thiệu sản phẩm chứng khoán phái sinh, hướng dẫn thực hành việc mở các tài khoản và giao dịch chứng khoán phái sinh.

Bốn là, phát triển hạ tầng cơ sở cho TTCK phái sinh

Hạ tầng công nghệ cho TTCK phái sinh đảm bảo dựa trên những công nghệ tiên tiến, đáp ứng

nhu cầu của thị trường và nhà đầu tư, xử lý được khối lượng giao dịch lớn, các lệnh phải được khớp liên tục với tốc độ cao và đảm bảo thông suốt. Ngoài ra, hệ thống thông tin cần được tích hợp giữa hệ thống giám sát, công bố thông tin, giao dịch và thanh toán bù trừ, đặc biệt, tích hợp giữa TTCK cơ sở, TTCK phái sinh và với các CTCK thành viên. Do vậy, song song với việc đưa giao dịch chứng khoán phái sinh vào hoạt động ở HNX, cần đẩy nhanh việc hợp nhất hai SGDCK thành SGDCK Việt Nam.

Năm là, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tận dụng cơ hội để phát triển thị trường phái sinh theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, UBCKNN cần đẩy mạnh việc đào tạo nghiệp vụ về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh đối với đội ngũ nhân lực trong các cơ quan quản lý về chứng khoán, các sở giao dịch và các công ty chứng khoán, các nhà tạo lập thị trường, các ngân hàng tham gia thanh toán bù trừ.

Kết luận

Phát triển TTCK phái sinh là một nội dung hết sức quan trọng và cần thiết trong Chiến lược phát triển của TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TTG, trong đó chỉ rõ: “Tái cấu trúc mô hình tổ chức TTCK Việt Nam theo hướng:(i)Tổ chức việc giao dịch chứng khoán theo hướng cả nước chỉ có một SGDCK;(ii)Phân định các khu vực thị trường thành thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, TTCK phái sinh;…”. Tác giả bài viết hy vọng rằng, với những đề xuất ở trên sẽ là những gợi ý hữu ích giúp cho các cơ quan hữu quan trong việc hoàn thiện khung pháp lý, thực thi các giải pháp cụ thể nhằm tạo ra môi trường thuận lợi giúp TTCK phái sinh phát triển, phát huy hơn nữa vai trò của mình, góp phần thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững và hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

2. Luật Chứng khoán số 70, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán số 62.

3. Nghị định 42/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 05/05/2015 và Thông tư số 11/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 19/1/2016 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh.

4.TS.Đào Lê Minh (2009), Hình thành và phát triển TTCK phái sinh ở Việt Nam, Đề tài NHCK cấp bộ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hà Nội.

5. TS.Nguyễn Sơn (2013), Xây dựng và phát triển công cụ phái sinh chỉ số chứng khoán ở Việt Nam, Đề tài NHCK cấp bộ, mã số UB.2013.11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hà Nội.

6. Nguyễn Thị Khánh Ly (2014), Xây dựng và phát triển TTCK phái sinh tập trung – Cơ sở thực tiễn, lý luận và những thách thức đặt ra, Tạp chí Chứng khoán, Số 188, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hà Nội.

7. TTCK Việt Nam sau 20 năm thành lập: Triển vọng và phát triển (2017)

http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/101-7653-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-sau-20-nam-thanh-lap–trien-vong-va-p

8. Phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam: Một vài trao đổi (2016) http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/chung-khoan/phat-trien-thi-truong-chung-khoan-phai-sinh-tai-viet-nam-mot-vai-trao-doi-90060.html 2 Tháng Chín 2016…

9. TTCK phái sinh sắp mở sàn, dân tình còn lơ mơ (2016) http://infographic.tinnhanhchungkhoan.vn/2016/magazine/2016/7/TTCK-phai-sinh-sap-mo-san-dan-dinh-con-lo-mo/index.html

10. Oliver Fratzscher (2006),Emerging derivative markets in Asia, Chapter for Asian Financial Market Development, The World Bank.

11. M. Shamsher, H. Taufiq (2007), Asian derivative markets: Research issues, International Journal of Banking and Finance, Volume 5, Issue 1, Article 1

Dubravko Mihaljeka, Frank Packer (2010), “Derivatives Markets in Emerging Countries”;

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 11 NĂM 2017

Trích dẫn từ:

https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/rm/apph/tcnh/tcnh_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV306981&rightWidth=0%25&centerWidth=80%25&_afrLoop=287189071445000#%40%3F_afrLoop%3D287189071445000%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV306981%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Do9a7qpeun_291

1900.0191