TÌNH HUỐNG TỐ TỤNG: THAY MẶT NGƯỜI ĐANG Ở CANADA KHỞI KIỆN ĐƯỢC KHÔNG?
PHƯƠNG LINH – PLO
Tháng 12-2016, ông Trịnh Hoài Phương (đang sống ở Canada) làm giấy ủy quyền cho ông Trịnh Phương Điền (trú TP Nha Trang, Khánh Hòa) được quyền khiếu kiện đòi tám sào đất ruộng mà theo ông Phương thì ông N. đang quản lý, sử dụng. Giấy ủy quyền này được chứng nhận tại Canada trước khi gửi về Việt Nam.
Người được ủy quyền ký đơn
Căn cứ giấy ủy quyền này, ban đầu ông Điền ký và nộp đơn khiếu kiện việc tranh chấp quyền sử dụng đất tại UBND phường. Sau đó, do hòa giải không thành nên UBND phường hướng dẫn các bên khởi kiện ra tòa.
Ngày 21-6, ông Điền ký đơn khởi kiện yêu cầu tranh chấp quyền sử dụng đất gửi cho TAND TP Nha Trang. Trong đơn khởi kiện ông Điền ghi họ và tên người khởi kiện là chính mình và ký tên vào cuối đơn khởi kiện. Thực tế thì ông Điền chỉ là người đại diện ủy quyền của ông Phương theo giấy ủy quyền tại Canada. Hơn một tháng sau, TAND TP Nha Trang thông báo thụ lý đơn khởi kiện của ông Điền.
Phía người bị đòi đất là ông N. có đơn gửi tòa phản đối yêu cầu khởi kiện của ông Điền. Theo ông N., từ trước đến nay gia đình ông không biết ông Điền hay ông Phương là ai. Việc tòa thụ lý đơn khởi kiện của ông Điền buộc ông phải giao trả tám sào đất ruộng là không có căn cứ vì gia đình ông không sử dụng mảnh đất này.
Cũng theo ông N., tòa thụ lý vụ kiện và xác định ông Điền là nguyên đơn là trái luật. Vì ông Điền chỉ là người đại diện theo ủy quyền của ông Phương đang cư trú tại Canada. Nội dung trong giấy ủy quyền của ông Phương và nội dung đơn kiện ký tên ông Điền cũng không xác định được vị trí cụ thể tám sào ruộng ở đâu, ai đang quản lý để kiện đòi. Ông N. cho rằng việc ông Điền khởi kiện là không có căn cứ pháp luật, tòa thụ lý vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Hiện TAND TP Nha Trang đang tiến hành thu thập chứng cứ để giải quyết vụ kiện này. Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc thụ lý vụ kiện của tòa. Trong khi về quy định, TAND Tối cao chỉ có hướng dẫn về thủ tục tố tụng chỉ cho phép cá nhân được ủy quyền tham gia tố tụng, chứ không quy định người được ủy quyền được ký đơn kiện thay người khởi kiện.
Trả lại đơn kiện mới đúng
Có ý kiến cho rằng ông Điền là người đại diện theo ủy quyền của ông Phương bằng văn bản ủy quyền được chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền tại Canada là phù hợp với quy định của BLDS. Ông Điền là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự nên việc ký vào đơn khởi kiện là không trái với quy định của BLDS và BLTTDS 2015.
Vì thế, việc TAND TP Nha Trang thụ lý giải quyết vụ án là đúng, chỉ có điều tòa xác định ông là nguyên đơn là không đúng. Bởi vì tại thời điểm tòa thụ lý vụ án, nguyên đơn là ông Phương đang cư trú ở nước ngoài nên vụ án thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh. Do đó trường hợp này TAND TP Nha Trang phải chuyển vụ kiện lên cho TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết mới đúng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc tòa thụ lý giải quyết vụ kiện là sai, phải trả lại đơn khởi kiện có chữ ký của ông Điền. Vì theo Điều 5 BLTTDS (về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự) thì tòa chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
Mặt khác, đến thời điểm này, BLTTDS chưa cho phép người đại diện theo ủy quyền được quyền ký đơn khởi kiện. Tức là cá nhân không được quyền ủy quyền khởi kiện mà chỉ được quyền ủy quyền tham gia tố tụng. Cụ thể, Điều 189 BLTTDS 2015 quy định: Người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện.
Trong quy định về mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự ban hành kèm theo Nghị quyết số 01 ngày 13-1-2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng không cho phép người được ủy quyền ký đơn khởi kiện.
Trong vụ án này, ông Phương muốn khởi kiện ông N. thì đích thân ông phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn kiện. Việc TAND TP Nha Trang thụ lý đơn khởi kiện ký tên ông Điền (với tư cách là người được ủy quyền) và xác định ông này là nguyên đơn là vi phạm thủ tục tố tụng. Tòa án phải đình chỉ vụ án và trả lại đơn khởi kiện với lý do người khởi kiện là ông Điền không có quyền khởi kiện.
Ai khởi kiện thì người đó ký hoặc điểm chỉ
Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện.
Ghi tên tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là TAND cấp huyện, thì cần ghi rõ TAND huyện nào thuộc tỉnh, TP trực thuộc trung ương nào và địa chỉ của tòa án đó.
Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi họ tên; đối với trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó…
Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ; trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện…
(Trích hướng dẫn sử dụng mẫu đơn số 23-DS,
ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017
của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM ĐIỆN TỬ
Trích dẫn từ: http://plo.vn/phap-luat/thay-mat-nguoi-dang-o-canada-khoi-kien-duoc-khong-744425.html