Vấn đề chung sống như vợ chồng dưới góc nhìn của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam
MỞ ĐẦU
Gia đình là tế bào của xã hội,là hình thức cộng đồng xã hội đầu tiên của con người,trong đó con người gắn bó với nhau bởi những quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống.Gia đình giúp duy trì sự phát triển của xã hội và nó được hình thành phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa, phong tục tập quá, đặc biệt gia đình được hình thành không hề phụ thuộc vào ý trí của nhà nước,mà nó thể hiện ý trí của hai người trong cuộc. Hiện nay do có sự ảnh hưởng của các nền văn hoá phương tây, nên hiện tượng chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn ở giới trẻ nói riêng và ở xã hội nói chung đã và đang bùng nổ một cách nghiêm trọng.
NỘI DUNG
I.Khái niệm hôn nhân và vấn đề chung sống như vợ chồng dưới góc nhìn của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam :
1) Khái niệm hôn nhân và chung sống như vợ chồng :
Theo số liệu điều tra cơ bản về gia đình Việt Nam của trung tâm nghiên cứu khoa học về gia đình và phụ nữ năm 2001 tỷ lệ “hôn nhân” không đăng kí kết hôn vẫn chiếm tỉ lệ gần 7% trong tổng số gia đình.
Hôn nhân là sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện,nhằm chung sống với nhau suốt đời,xây dựng gia đình no ấm,tiến bộ ,hạnh phúc,bền vững ( Điều 1 và Điều 18 luật hôn nhân và gia đình năm 2000 ).
Về nguyên tắc quan hệ hôn nhân chỉ được coi là hợp pháp khi hai bên nam nữ thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và cấm kết hôn,thực hiện đăng ký kết hôn tại đúng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đúng nghi thức.
Nhưng trong thực tế vẫn còn có rất nhiều trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng,mà không có đăng kí kết hôn ; họ đến với nhau là hoàn toàn tự nguyện và với mục đích xây dựng gia đình,những người này có thể đủ hoặc không đủ điều kiện kết hôn,nhưng họ vẫn tổ chức đám cưới hay nghi lễ cưới hỏi để công bố với tất cả mọi người và việc họ chung sống với nhau lại đều được cả 2 bên gia đình chấp nhận,được xã hội xung quanh hay những người thân coi như vợ chồng.
Vậy chung sống như vợ chồng là chỉ quan hệ vợ chồng mà khi xác lập quan hệ đó các bên nam nữ không tiến hành đăng kí kết hôn theo quy định của pháp luật. Mặc dù không có Giấy chứng nhận kết hôn nhưng các bên nam nữ vẫn chung sống với nhau như vợ chồng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, với gia đình và với xã hội.
2) Quan điểm của pháp luật Việt Nam về vấn đề này :
Theo quan điểm của bộ Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa thứ nhất, kỳ họp thứ 11 thông qua trong phiên họp ngày 29 tháng 12 năm 1959 và bộ Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VII, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1986 thì các trường hợp quan hệ chung sống như vợ chồng mà không dăng ký kết hôn nhưng không vi phạm điều kiện kết hôn thì đều được pháp luật công nhận là hôn nhân thực tế, đều có giá trị pháp lý và giữa họ vẫn phát sinh quan hệ vợ chồng.
Nhưng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X , kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09 tháng 06 năm 2000,có hiệu lực từ ngày 1/1/2001, tại Điều 11 có quy định:
“ 1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này.
Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý.
Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn.
2.Chính phủ quy định việc đăng ký kết hôn ở vùng sâu, vùng xa”.
Như vậy, kể từ ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực, nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn, dù có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật cũng không được công nhận và không có giá trị pháp lý. Điều này thể hiện rõ thái độ của Nhà nước ta là sẽ chấm dứt việc công nhận “hôn nhân thực tế” hay chính là các trường hợp chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Thực trạng trên thế giới cũng như ở Việt Nam, việc không đăng kí kết hôn chủ yếu là do sự lựa chọn chủ động của hai người trong cuộc, họ không đăng kí vì họ không muốn làm thủ tục này. Có nhiều lí do cho thái độ xử sự này,có thể là : có nhiều người lớn tuổi, nhất là những người đã ly dị hoặc ở góa không cảm thấy tính cần thiết của việc này trước sự chín chắn của mình và cho sự kết hợp lúc xế chiều của mình hoặc đã mệt mỏi với những mối liên hệ chặt chẽ của cuộc sống hôn nhân. Hiện nay trong giới trẻ đang tồn tại một xu hướng khác đó là không muốn đăng kí kết hôn để có thể có một lối ra dễ dàng khi họ không muốn ràng buộc nhau nữa. Từ đó có thể thấy những người chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn hiểu rằng họ không phải là vợ chồng trước pháp luật và họ chủ động chấp nhận tình trạng này. Quan hệ chung sống như vợ chồng không có đăng kí kết hôn lúc này có thể trở thành một lối sống, một hiện tượng xuất hiện bên cạnh các cuộc hôn nhân hợp pháp, theo tôi chúng ta không nên nhìn nhận vấn đề này một cách quá gay gắt vì đây là một hiện thực xã hội không thể chối bỏ và ngăn cấm mà nên nhìn thẳng vào vấn đề để cùng đưa ra các giải pháp hữu ích điều chỉnh quan hệ xã hội đặc biệt này.
II.Những tác động tiêu cực của việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tới đời sống hôn nhân và gia đình :
1) Những trường hợp chung sống như vợ chồng vi phạm điều kiện kết hôn và cấm kết hôn :
Trong bộ Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 tại điều 9 và điều 10 có quy định :
“ Điều 9. Điều kiện kết hôn :
Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
1.Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;
2.Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;
3.Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này.
Điều 10. Những trường hợp cấm kết hôn :
Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây:
1.Người đang có vợ hoặc có chồng;
2.Người mất năng lực hành vi dân sự;
3.Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
4.Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
5.Giữa những người cùng giới tính.”
Vậy trong thực tế nếu những trường hợp quan hệ chung sống như vợ chồng vi phạm các điều trên diễn ra thì đây hoàn toàn thực chất chỉ là một hành vi vi phạm pháp luật và cần phải được tiến hành xử phạt theo các quy định của pháp luật.Quan hệ này có tác động rất sâu sắc đến đời sống hôn nhân và gia đình của hai bên nam nữ, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và hơn nữa là vi phạm một cách trầm trọng các chuẩn mực đạo đức.Việc chung sống như vợ chồng đối với người đang có vợ hoặc có chồng gây tan vỡ, bế tắc trong tình cảm gia đình của người đó. Từ đó làm mất đi bản chất của hôn nhân là cùng nhau chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái thành người có ích; ảnh hưởng tới đời sống tinh thần, nhận thức của người con dẫn đến những phát triển lệch lạc vì không có gia đình làm điểm tựa và không có người uốn nắn; thậm chí có thể dẫn đến những cú sốc tinh thần nặng nề cho vợ, chồng hoặc con của người đã có gia đình đi tới quyết định ly hôn hay những hành vi như tự tử, rối loạn tâm thần, trầm cảm,…những hành vi trả thù cá nhân thiếu suy nghĩ gây hậu quả nghiêm trọng và còn rất nhiều tệ nạn xã hội khác có cơ hội phát sinh, xâm nhập vào gia đình. Mặt khác, nếu quan hệ chung sống như vợ chồng với người đang có vợ hoặc có chồng mà sinh ra đứa trẻ, thì đứa trẻ này sẽ trở thành con ngoài giá thú và những vấn đề về chăm sóc, quyền lợi nhân thân tài sản của đứa trẻ sẽ gặp rất nhiều tranh chấp, điển hình như tranh chấp về quyền làm cha làm mẹ, quyền thừa kế, quyền có họ tên và quốc tịch,…
Ngoài ra các quan hệ chung sống như vợ chồng của những người cùng “dòng máu trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời” hay của những người đã “từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng” không chỉ gây ra những tác động tiêu cực trên mà còn là những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức một cách trầm trọng, đi ngược lại với nền văn hoá, văn minh của loài người, gây ra những sự xáo trộn khủng khiếp trong quan hệ họ hàng, nếu sinh con sẽ tạo cho đứa con những gánh nặng về tinh thần không thể trút bỏ trong cả cuộc đời. Về mặt sinh học quan hệ chung sống như vợ chồng của những người cùng dòng máu trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời còn gây ra sự xuất hiện của những “gen lặn” tại cá thể con, làm suy thoái giống nòi.
Về những quan hệ chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính thì đây là một vấn đề khá nhậy cảm,hiện nay trên thế giới cũng đã có một số quốc gia chấp nhận quan hệ này và đưa vào điều chỉnh trong pháp luật, nhưng tại Việt Nam về mặt pháp lý quan hệ này là trái pháp luật, đây là quan hệ còn khá mới mẻ và gặp phải nhiều sự phản đối từ phía xã hội ta.
2) Những trường hợp chung sống như vợ chồng không vi phạm pháp luật :
Ở đây ta đề cập tới trường hợp sống thử của các cặp vợ chồng trước khi cưới và những trường hợp chung sống như vợ chồng xuất phát từ sự nông nổi nhất thời của giới trẻ hiện nay cùng những tác động tiêu cực phát sinh của chúng.
“Sống thử” hay còn gọi là “sống chung trước khi cưới” là trường hợp nam nữ tự thoả thuận chung sống với nhau như vợ chồng, không có đăng ký kết hôn. Sau một thời gian chung sống, nếu thấy phù hợp tiến tới hôn nhân, có đăng ký kết hôn theo pháp luật. Còn nếu thấy không phù hợp họ chia tay nhau mà không cần đến pháp luật.
Ở nhiều nước phương Tây như Mỹ, Anh… hiện tượng nam nữ sống chung trước hôn nhân bắt đầu từ khoảng những năm 60-65 của thế kỷ trước và đến nay đã trở thành một hiện tượng bình thường trong xã hội. Còn ở Việt Nam, tuy mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây nhưng nó đã dần trở nên phổ biến đặc biệt là trong giới trẻ và trở thành một hiện tượng nhức nhối được xã hội quan tâm. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ thì cũng có không ít những ý kiến phản đối cho rằng nó không phù hợp với phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.
Khi sống thử họ gặp, sống với nhau một thời gian rồi chia tay và sống với người khác và đặc biệt đây không phải là sống thử mà là sống thật, sống hết sức nghiêm túc chứ không phải chuyện đùa trong tất cả mọi việc từ tình cảm, tình dục, chi tiêu. Hiện tượng này là kết quả của sự vận động xã hội, là xu hướng tất yếu của giới trẻ hiện đại, không cưỡng lại được. Sự tất yếu này, theo tôi là được thúc đẩy bởi ba nguyên nhân trực tiếp. Thứ nhất là điều kiện kinh tế của cả bạn nam và nữ chưa cho phép họ làm đám cưới, mua nhà, tổ chức đời sống gia đình. Thứ hai, đa số bạn trẻ sống chung trước hôn nhân đều ở xa gia đình, xa sự quản lý của bố mẹ nên có thể sống theo ý mình. Thứ ba là đôi nam nữ bị thúc đẩy bởi nhu cầu tình dục cần được thỏa mãn.
Sống thử mang trong mình nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực vì thế không thuận lợi cho sự phát triển của xã hội. Tiêu cực ở chỗ sống thử làm con người tự do phóng túng, tình cảm bị chai sạn và đặc biệt nó tàn phá tình yêu, làm mất giá trị của tinh yêu. Đó là chưa kể đến hậu quả về sức khỏe khi bạn nữ có bầu, phải sinh con hoặc nạo hút thai; bi kịch của lối sống thử còn có những hậu quả là đứa trẻ sinh ra trong điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu điều kiện để phát triển toàn diện hay có thể nói là không có. Đấy là may mắn còn có con, một số do nạo phá thai quá nhiều, nạo phá thai ở những nơi không đủ điều kiện hành nghề vì điều kiện kinh tế eo hẹp và vì tâm lý tránh những nơi đông người dễ gặp người quen, dẫn đến tai biến thủng tử cung, băng huyết, dính khoang tử cung, tai biến sản khoa, bệnh lý phụ khoa, viêm nhiễm hoặc dẫn đến vô sinh sau này thậm chí chết người. Tích cực thì như bạn trẻ đã biết đó là thỏa mãn nhu cầu tình dục, tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, tiện ích do sống thử mang lại không thể bù đắp những tổn thất do nó gây ra. Hầu hết vị thành niên khi có thai đều giấu gia đình, tự giải quyết và hậu quả là tổn thương thể xác, dấu ấn suốt đời do đau đớn, căng thẳng tâm lý, nhiều em bị stress, rối loạn tình dục, di chứng thần kinh, sợ quan hệ tình dục sau này. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và khả năng sinh đẻ của những người phụ nữ và hạnh phúc gia đình sau này của họ. Ngoài ra những người phụ nữ này còn phải chịu sức ép của dư luận, ảnh hưởng đến học tập lao động, hôn nhân về sau.
Quan hệ chung sống như vợ chồng đặc biệt là lối sống thử ở giới trẻ hiện nay là một trong những vấn đề gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Với lối sống truỵ lạc, thoải mái và phóng túng không bị điều chỉnh ràng buộc bởi bất cứ điều gì, giới trẻ đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho việc lây lan các bệnh qua đường tình dục điển hình như HIV,các bệnh mụn rộp, sùi mào gà không chữa khỏi được, và sẽ mang cả đời; lậu, giang mai, để lâu sẽ gây những biến chứng tai ác như vô sinh, huỷ hoại các cơ quan nội tạng, vi rút papilloma làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung và ung thư dương vật. Đây là một lối sống có ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của cá nhân sau này. Cụ thể tạo ra một lớp người không có khả năng sinh sản và không thích hôn nhân mà ta đã biết gia đình bền vững là cốt lõi của xã hội, nếu xã hội mà toàn thanh niên chỉ thích sống thử, không thích xây dựng gia đình ổn định thì sẽ bất an vô cùng, sẽ không bao giờ có được các nhà bác học thiên tài. Thực tế đa số thiên tài như Beethoven, Mozart, Bill Gates đều sinh ra trong những gia đình nề nếp, có căn bản vững chắc.
KẾT LUẬN
Các điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa, phong tục tập quán đều có ảnh hưởng nhất định, chi phối đến việc chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ. Trong khi đó nước ta lại đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế, việc du nhập của các nền văn hoá khác là không thể tránh khỏi; chính vì vậy, để tránh những hậu quả tiêu cực trên, cần phải có những giải pháp cụ thể. Đối với những bạn trẻ muốn sống thử theo cách của phương Tây thì nên nhìn nhận nó từ góc độ văn hoá phương Đông và cụ thể là ở Việt Nam để có những điều chỉnh phù hợp, cần phải có thái độ độc lập, tự chịu trách nhiệm về tình cảm và hành động của mình. Bên cạnh đó các nhà chức trách có thẩm quyền cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của mọi người đối với hiện tượng này. Mặt khác các quan hệ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn gây ra rất nhiều hậu quả tới đời sống hôn nhân và gia đình của cá nhân nói riêng và của xã hội nói chung, nhưng ở Việt Nam hiện nay các điều luật quy định về vấn đề này còn khá nhiều hạn chế và chưa bám sát thực tế, theo tôi chúng ta nên nhìn thẳng vào vấn đề bằng một hướng nhìn khách quan không quá gay gắt để từ đó điều chỉnh quan hệ này theo một trật tự nhất định, chứ không nên buông lỏng điển hình như với trường hợp sống thử của giới trẻ hiện nay.
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
NỘI DUNG
I.Khái niệm hôn nhân và vấn đề chung sống như vợ chồng dưới góc nhìn của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam :
1) Khái niệm hôn nhân và chung sống như vợ chồng :……………………………
2) Quan điểm của pháp luật Việt Nam về vấn đề này :……………………………..
II.Những tác động tiêu cực của việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tới đời sống hôn nhân và gia đình :
1) Những trường hợp chung sống như vợ chồng vi phạm điều kiện kết hôn
và cấm kết hôn :………………………………………………………………………..
2) Những trường hợp chung sống như vợ chồng không vi phạm
pháp luật :………………………………………………………………………………
KẾT LUẬN
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam
- Bộ Luật hôn nhân và gia đinh năm 1959
- Bộ Luật hôn nhân và gia đình năm 1986
- Bộ Luật hôn nhân và gia đình năm 2000
- Đề tài khoa học cấp trường: “Giải quyết vấn đề hôn nhân thực tế theo luật hôn nhân và gia đình Việt nam năm 2000”_Thạc sĩ Nguyễn Văn Cừ