Vấn đề tác động của luật quốc tế đối với quá trình hoàn thiện các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực về quyền trẻ em
MỞ ĐẦU
Luật Quốc tế là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật, được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thoả thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế. Do vậy, Luật quốc tế luôn luôn có những tác động đáng kể đến hệ thống pháp luật của từng quốc gia.
Qua quá trình học tập và nghiên cứu môn Luật Công pháp, trong nội dung bài này em xin được đi sâu phân tích về vấn đề tác động của luật quốc tế đối với quá trình hoàn thiện các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực về quyền trẻ em.
NỘI DUNG
Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em năm 1989.
Để phân tích về vấn đề quyền trẻ em, đầu tiên, ta cần phải định nghĩa trẻ em là gì? Theo công ước Quốc Tế quyền trẻ em thì trẻ em là những người dưới 18 tuổi. Theo luật Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em Việt Nam năm 2004 thì là những ai dưới 16 tuổi; và người chưa phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần, cần sự bảo vệ chăm sóc giáo dục của người lớn.
I.Vài nét về Công ước Quốc tế về quyền trẻ em năm 1989
Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em quy định các quyền con người cơ bản của trẻ em. Công ước được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1989, tính đến này đã có khoảng 193 nước phê chuẩn và thực thi Công ước. Công ước này là văn kiện quyền con người được nhiều nước phê chuẩn nhất trong lịch sử.
Về các nguyên tắc cơ bản, Công ước bao gồm 54 điều và có 4 nhóm quyền của trẻ em là:
1.Nhóm quyền sống còn: Quyền sống còn là quyền cơ bản của mỗi cá nhân, tiền đề cho việc bảo vệ tất cả các quyền khác của con người. Bảo vệ quyền này của trẻ cần dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Khi những nguy cơ đe dọa quyền sống còn của trẻ như: gây ra những tai nạn thương tích, những tổn thương do người lớn đem lại, thiếu sự chăm sóc yêu thương và hỗ trợ của gia đình, bị phân biệt đối xử. Những nguy cơ đe dọa tới sự sống còn của trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, cộng đồng và quốc gia nào, kể cả ngay tại gia đình của trẻ. Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm đảm bảo quyền được sống ở mức cao nhất có thể đạt được cho trẻ em.
2.Nhóm quyền bảo vệ: Quyền được bảo vệ là bảo vệ trẻ em khỏi bị phân biệt đối xử, thoát khỏi sự bóc lột về kinh tế, sự lạm dụng, xâm hại về thể xác và tinh thần, bị lơ là và bỏ rơi, bị đối xử tàn tệ, các em phải được bảo vệ trong tình trạng tốt nhất. Nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động của trẻ em, bất kỳ một hành vi, hoặc yếu tố tình huống có chủ ý của cá nhân, tổ chức hay của cộng đồng như xâm phạm đến thể chất, tình cảm, nhân cách, ngược đãi, bỏ rơi, sử dụng quá mức sức lao động, hoặc khai thác thương mại, tước đoạt quyền và sự tự do của trẻ, gây nguy hại đến sự phát triển thể chất, tinh thần, xã hội của trẻ. Khi trẻ bị lâm vào tình trạng xấu như trình trạng rối loạn, thiếu hụt, mất thăng băng nghiêm trọng do những yếu tố bên ngoài tác động có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất, tinh thần, xã hội của trẻ em thì Nhà nước phải có tác động để hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ phù hợp.
3.Nhóm quyền phát triển:Bao gồm mọi hình thức giáo dục (chính quy và không chính quy) và quyền được có mức sống đầy đủ cho sự phát triển về thể lực, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và xã hội của trẻ. Quyền được chăm sóc sức khoẻ, được học tập và phát triển năng khiếu. Quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch.
4.Nhóm quyền tham gia:Bao gồm quyền được bày tỏ ý kiến trong mọi vấn đề có liên quan tới bản thân, quyền được lắng nghe và được kết giao hội họp. Quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội.
Nghiêm cấm lợi dụng trẻ em có tình trạng, hoàn cảnh đặc biệt nhằm lạm dụng trẻ em để bóc lột và làm các chuyện phi pháp.
II.Tác động của Luật quốc tế đối với quá trình hoàn thiện, xây dựng các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam
Sau sự kiện Việt Nam phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em 1989, ngay lập tức Công ước này đã tạo cho nước ta cơ sở pháp lí quốc tế vững vàng cho việc bảo vệ quyền trẻ em, đồng thời Nhà nước cũng bắt tay ngay vào việc tiến hành nhiều hoạt động lập pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ đó bảo vệ có hiệu quả quyền của trẻ em, cụ thể như là:
1.Đối với Hiến pháp
Hiến Pháp năm 1992, đạo luật cao nhất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã thừa nhận vấn đề quyền con người, trong đó có quyền trẻ em.
Hiến pháp 1992 đã thể hiện tính có nguyên tắc sự cam kết của Nhà nước Việt Nam trong thực thi Công ước của LHQ về quyền trẻ em, là cơ sở quan trọng đề hình thành hệ thống pháp luật trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cụ thể như: Quyền được sống, tồn tại, được chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 40, 63); Quyền được giáo dục (Điều 35); Trẻ em thiệt thòi, trẻ em tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa cũng được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện giúp đỡ (Điều 59, Điều 67).
2.Sự ra đời của Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 và 2004
Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực từ ngày 01/01/2005 (thay thế Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991). Theo Luật, trẻ em là công dân dưới 16 tuổi, mọi trẻ em không phân biệt đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, đó là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các cơ quan nhà nước và công dân, các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện, mọi hành vi xâm hại trẻ em đều bị nghiêm trị. Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đã quy định 10 nhóm hành vi bị nghiêm cấm để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em như: Cha mẹ bỏ rơi con; dụ dỗ lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi; dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý; lôi kéo trẻ em đánh bạc; bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khoẻ; dụ dỗ, lừa dối, dẩn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em; Lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua bán, sử dụng văn hoá phẩm độc hại; Lạm dụng lao động trẻ em. Luật năm 2004 đã bổ sung đầy đủ hơn các quyền và bổn phận của trẻ em, theo đó, trẻ em là công dân, nên trẻ em có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Luật đã quy định trẻ em có 10 quyền cơ bản là: Quyền được khai sinh và có quốc tịch; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được sống chung với cha mẹ; quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; quyền được chăm sóc sức khoẻ; quyền được học tập; quyền vui chơi giải trí, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch; quyền được phát triển năng khiếu; quyền có tài sản; quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội.
Bên cạnh những quyền nói trên, pháp luật cũng quy định trẻ em có bổn phận: Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, kính trọng thầy giáo, cô giáo, lể phép với người lớn, thương yêu em nhỏ, đoàn kết với bạn bè, giúp đỡ người già yếu, người khuyết tật, tàn tật, người gặp hoàn cảnh khó khăn theo khả năng của mình; chăm chỉ học tập, rèn luyện thân thể, thực hiện trật tự công cộng và an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; giúp đỡ gia đình làm những việc vừa sức mình; tôn trọng pháp luật, tuân theo nội quy của nhà trường; yêu quê hương đất nước, có ý thức xây dựng bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đoàn kết quốc tế, .v.v.
3.Tác động, hoàn thiện Bộ luật Hình sự
Bộ Luật hình sự năm 1999 có nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em như về chính sách hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Bộ luật có quy đinh việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sữa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng gây thiệt hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục. Khi xét xử nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp như: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Đưa vào Trường giáo dưỡng. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội và ngoài ra còn nhiều hình thức ưu đãi khác trong xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội như giảm hình phạt tù, giảm mức phạt, không áp dụng hình phạt bổ sung,.v.v.
Ngược lại, pháp luật hình sự nước ta rất nghiêm khắc đối với hành vi phạm tội xâm hại đến trẻ em và các quyền trẻ em.
Nhìn chung Các tội phạm xâm hại đến trẻ em trong Bộ Luật hình sự phần lớn đều thuộc loại tội có tình tiết tăng nặng. Cụ thể một số tội danh như:
– Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp (Điều 252) thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm, nếu thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người; đối với trẻ em dưới 13 tuổi; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm.
– Tội mua dâm người chưa thành niên (Điều 256) có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, nếu thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên.
– Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112) có thể bị phạt tù từ hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình, nếu thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; nhiều người hiếp một người; phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
– Đặc biệt theo khoản 4, Điều 112 Bộ luật hình sự thì “Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình ”.
4.Tác động tới Luật Hôn nhân và gia đình
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000: Đây là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần xây dựng, củng cố gia đình Việt Nam, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; Luật còn là công cụ để xác định mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là nghĩa vụ của cha mẹ đối với con như: Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi dưỡng, giáo dục con, chăm lo việc học tập và sự phát triển lành mạnh của con về thể chất, trí tuệ, đạo đức; cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con; cha mẹ phải làm gương tốt cho con về mọi mặt, phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục con; cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng con đã thành niên mà không có khả năng lao động để tự nuôi mình.
5.Tác động tới Bộ Luật Dân sự
Bộ Luật Dân sự 2005 quy định nhiều nội dung liên quan đến các quyền của trẻ em, trong đó có các quyền về nhân thân, quyền về tài sản như: Trong trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 20); Cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh (Điều 29); cá nhân có quyền có quốc tịch.Việc công nhận, thay đổi, nhập quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch (Điều 45);
6.Tác động tới Bộ Luật lao động
Bộ Luật lao động năm 1994, qua các lần sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2002-2006-2007 quy định nhiều nội dung liên quan đến lao động trẻ em như: Người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động. Nơi có sử dụng người lao động chưa thành niên phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi thanh tra viên lao động yêu cầu. Nghiêm cấm lạm dụng sức lao động của người chưa thành niên (Điều 119); cấm nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, trừ một số nghề và công việc do Bộ Lao động và thương binh quy định (Điều 120); Cấm sử dụng người lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại (Điều 121).
III. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về quyền trẻ em của nước ta hiện nay
Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1989 thì trẻ em là người dưới 18 tuổi. Tương tự, các công ước, văn kiện quốc tế liên quan đến việc bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia ký kết và là thành viên như: Công ước về quyền trẻ em; Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; các thỏa thuận, ghi nhớ với một số nước có chung đường biên giới với nước ta về hợp tác chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; và hiện Việt Nam đang nghiên cứu các điều kiện để phê chuẩn Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các Nghị định thư bổ sung về chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.v.v. đều có quy định tương tự.
Nhưng nếu chiếu theo pháp luật của Việt Nam đại diện như Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực từ ngày 01/01/2005 (thay Luật Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991) thì trẻ em được hiểu là người có độ tuổi dưới 16. Còn, nếu chiếu theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính với quy định không xử phạt trẻ em dưới 14 tuổi thì độ tuổi của một người để được coi là trẻ em đã khác, là 14 thay vì 16. Mở rộng thêm một vài luật khác nữa như Bộ luật Lao động, Luật Hình sự… thì các khái niệm nhìn chung cũng không được thống nhất. Như vậy là sự không tương thích giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về vấn đề xác định độ tuổi của trẻ em đã thể hiện rõ ràng.
Do đó để đảm bảo tính khả thi của pháp luật, sự thống nhất trong một số chính sách của Nhà nước, của cộng đồng quốc tế về công tác đấu tranh bảo vệ quyền trẻ em, thì Pháp luật Việt Nam cần có các bước sửa đổi dần dần thống nhất và hoàn thiện hơn nữa.
Cụ thể có thể xác định trẻ em là những người có độ tuổi dưới 18 theo Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em, từ đó sẽ bảo đảm tính tương thích, đáp ứng được yêu cầu của pháp luật trong nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động hợp tác quốc tế nhằm bảo vệ trẻ em sau này.
KẾT LUẬN
Quyền trẻ em đã và đang ngày càng trở thành vấn đề quan trọng và nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trên thực tế, trẻ em ở nhiều nước trên thế giới hiện vẫn còn đang phải sống trong những điều kiện vô cùng khó khăn và chúng cần nhận được sự quan tâm một cách đặc biệt hơn nữa. Do đó, sự hợp tác quốc tế là phương pháp tốt nhất chúng ta có thể làm ngay bây giờ để cải thiện điều kiện của trẻ em ở mọi nơi trên thế giới. Với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Việt Nam đã và đang triển khai để thực hiện Công ước quyền trẻ em năm 1989, hi vọng trong tương lai trẻ em Việt Nam sẽ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển hài hoà cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.
Mục lục:
MỞ ĐẦU
NỘI DUNG
I.Vài nét về Công ước Quốc tế về quyền trẻ em năm 1989
1.Nhóm quyền sống còn
2.Nhóm quyền bảo vệ
3.Nhóm quyền phát triển
4.Nhóm quyền tham gia
II.Tác động của Luật quốc tế đối với quá trình hoàn thiện, xây dựng các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam
1.Đối với Hiến pháp
2.Sự ra đời của Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 và 2004
3.Tác động, hoàn thiện Bộ luật Hình sự
4.Tác động tới Luật Hôn nhân và gia đình
5.Tác động tới Bộ Luật Dân sự
6.Tác động tới Bộ Luật lao động
III. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về quyền trẻ em của nước ta hiện nay
KẾT LUẬN
Chú thích:
- LHQ : Liên Hợp Quốc
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Giáo trình Luật Quốc tế_ Trường Đại học Luật Hà Nội
- Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em năm 1989
- Tuyên ngôn Giơnevơ 1924 về quyền trẻ em
- Tuyên ngôn về các quyền của trẻ em do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1959
- Công ước về các quyền chính trị – dân sự năm 1966
- Công ước về các quyền kinh tế – xã hội và văn hoá năm 1966
- Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991
- Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004
- Hiến Pháp năm 1992
- Bộ Luật hình sự năm 1999
- Bộ Luật Dân sự 2005
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000
- Bộ Luật lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007)