VƯỚNG MẮC VỀ LÃI SUẤT, PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
NGỌC TRÂM
Trong thời gian qua, do chưa có sự nhận thức thống nhất về các quy định pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng, dẫn đến tình trạng trong thực tiễn xét xử, cùng loại tranh chấp hợp đồng tín dụng, trong đó các bên thỏa thuận về lãi suất, thỏa thuận phạt vi phạm nhưng có Tòa án xử chấp nhận tính lãi suất nợ quá hạn và phạt vi phạm; có Tòa án xử chỉ chấp nhận tính lãi suất nợ quá hạn mà không chấp nhận phạt vi phạm vì cho rằng tính lãi suất quá hạn đồng thời phạt vi phạm là “lãi chồng lãi”, “phạt chồng phạt”.
I. Một số hạn chế, vướng mắc
Thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng trong thời gian qua có một số hạn chế, vướng mắc sau: Hợp đồng tín dụng được thực hiện theo nguyên tắc do các bên thỏa thuận. Theo nguyên tắc này thì lãi suất, lãi suất nợ quá hạn do các bên thỏa thuận; phạt vi phạm cũng do các bên thỏa thuận.
Lãi suất, lãi suất nợ quá hạn và phạt vi phạm được quy định trong các bộ luật, luật và văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.
1. Về lãi suất, phạt vi phạm hợp đồng
Có thể thấy, lãi suất, lãi suất nợ quá hạn và phạt vi phạm đều được quy định trong các bộ luật dân sự:
– BLDS năm 1995 (Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 313); phạt vi phạm (Điều 377); mức phạt vi phạm (Điều 378); quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại (Điều 379); nghĩa vụ trả nợ của bên vay (Điều 471); lãi suất Điều 473).
– Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 (Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 305); thực hiện hợp đồng có thoả thuận phạt vi phạm (Điều 422); nghĩa vụ trả nợ của bên vay (Điều 474); lãi suất (Điều 476));
– BLDS năm 2015 (Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (Điều 357); thỏa thuận phạt vi phạm (Điều 418); nghĩa vụ trả nợ của bên vay (Điều 466); lãi suất (Điều 468).
Và các luật khác có liên quan như: Luật Các tổ chức tín dụng (Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng (Điều 91)); Luật Thương mại (Phạt vi phạm (Điều 300); mức phạt vi phạm (Điều 301)…
Tuy nhiên, trong thời gian qua, trong hệ thống Tòa án, chưa có sự nhận thức thống nhất về các quy định pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng. Vì vậy, dẫn đến tình trạng trong thực tiễn xét xử, cùng loại tranh chấp hợp đồng tín dụng, trong đó các bên thỏa thuận về lãi suất (bao gồm lãi suất trong hạn và lãi suất nợ quá hạn), thỏa thuận phạt vi phạm nhưng có Tòa án xử chấp nhận tính lãi suất nợ quá hạn và phạt vi phạm; có Tòa án xử chỉ chấp nhận tính lãi suất nợ quá hạn mà không chấp nhận phạt vi phạm vì cho rằng tính lãi suất quá hạn đồng thời phạt vi phạm là “lãi chồng lãi”, “phạt chồng phạt”
2. Về thời điểm và cách tính lãi để bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án
Thực chất, đây là xác định thời điểm phát sinh trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án. Khi quyết định về vấn đề này, do không có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 nên nhiều Tòa án đã vận dụng tinh thần của Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử và thi hành án về tài sản (Thông tư liên tịch này hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự 1995 và đã hết hiệu lực thi hành) để quyết định về trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Theo đó, “Toà án phải quyết định rõ trong bản án hoặc quyết định là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật dân sự, trừ trường hợp được hướng dẫn tại khoản 3 phần 1 Thông tư này về các khoản vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng”. Theo khoản 3 phần 1 của Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 thì “đối với các khoản tiền vay, gửi ở tài sản Ngân hàng, tín dụng thì Tòa án quyết định buộc bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán số tiền thực tế đã vay, gửi cùng với khoản tiền lãi, kể từ ngày khi giao dịch cho đến khi thi hành án xong, theo mức lãi suất tương ứng do Ngân hàng Nhà nước quy định”.
Năm 2016, Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm được công bố và áp dụng trong xét xử. Theo Án lệ này, cách tính khoản tiền mà người phải thi hành án: “Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này”.
Chúng tôi cho rằng, khi các bên tham gia quan hệ hợp đồng có tranh chấp khởi kiện được Tòa án án giải quyết thì bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án đã chấm dứt quan hệ hợp đồng giữa các bên. Và khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thì giữa các bên đã hình thành quan hệ mới, đó là quan hệ thi hành án. Vì vậy, cả “tinh thần” của Thông tư liên tịch số 01/TTLT “kể từ ngày khi giao dịch cho đến khi thi hành án xong” cũng như cách lập luận nêu trên của Án lệ số 08/2016/AL “kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này” đều chưa thực sự phù hợp với quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự/trả tiền (Điều 305[1] BLDS 2005, Điều 357[2] của BLDS 2015) và quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án (khoản 5 Điều 3[3], khoản 1 Điều 30[4] của Luật Thi hành án dân sự). Bởi lẽ, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì người được thi hành án phải làm đơn thi hành án và khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành án, lúc này mới phát sinh trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án đối với người phải thi hành án.
II. Kiến nghị, đề xuất
Để bảo đảm việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng trong công tác xét xử, chúng tôi có một số kiến nghị và đề xuất, cụ thể như sau:
1. Về xác định khoản tiền lãi và phạt vi phạm
Các quy định của BLDS năm 2005, BLDS năm 2015, Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Thương mại đã khá rõ ràng. Sở dĩ, áp dụng trong thực tiễn có sự khác nhau như trên là do chưa có sự thống nhất trong sự nhận thức các quy định của pháp luật.
Do đó, để áp dụng thống nhất quy định của BLDS năm 2015, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thương mại cần có sự hướng dẫn cụ thể về lãi suất, lãi suất nợ quá hạn và phạt vi phạm.
BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Theo quy định của Bộ luật này, nghĩa vụ trả lãi và nộp phạt vi phạm là hai vấn đề độc lập với nhau. Vì vậy, trường hợp các bên có sự thỏa thuận về lãi quá hạn, thỏa thuận phạt vi phạm thì bên vi phạm hợp đồng, chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền phải chịu lãi suất nợ quá hạn và bị phạt vi phạm theo quy định của pháp luật.
2. Về trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án
Trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án trước đây được quy định tại Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 nhưng đã hết hiệu lực thi hành. Án lệ số 08/2016/AL cũng lập luận theo tinh thần của Thông tư liên tịch số 01/TTLT.
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì người được thi hành án phải làm đơn thi hành án trong thời hiệu yêu cầu thi hành án, hết thời hiệu yêu cầu thi hành án người được thi hành án không có đơn yêu cầu thì mất quyền này, trừ trường hợp luật có quy định khác. Khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành án, lúc này mới phát sinh trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Vì vậy, việc xác định trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ của người phải phải thi hành án phải áp dụng quy định tại Điều 357 của BLDS năm 2015 về trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Do đó, để bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án, tránh tình trạng người phải thi hành án chây ì không thi hành án, cần tiếp thu những yếu tố hợp lý của của Thông tư 01/TTLT và Án lệ 08/2016/AL nêu trên để hướng dẫn việc xác định trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ của người thi hành án trong vụ án tranh chấp dân sự nói chung và hợp đồng tín dụng nói riêng cho phù hợp với quy định tại Điều 357 của BLDS năm 2015 và khoản 5 Điều 3, khoản 1 Điều 30 Luật thi hành án dân sự. Theo đó, cần hướng dẫn trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án được xác định kể từ khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Chú thích:
[1]Điều 305 BLDS năm 2005 quy định:
“Điều 305. Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự
-
Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
[2]Điều 357 của BLDS năm2015:
“Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (sửa đổi)
-
Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
-
Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.”
[3]Khoản 5 Điều 3 của Luật thi hành án dân sự quy định:
“5. Thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật này.”
[4] Khoản 1 Điều 30 của Luật thi hành án dân sự quy định:
“1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.”
SOURCE: TẠP CHÍ TÒA ÁN ĐIỆN TỬ
Trích dẫn từ: http://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/vuong-mac-ve-lai-suat-phat-vi-pham-hop-dong-tin-dung/HJD9YRqJz.html