Yếu tố ban đầu đưa đến sự thành lập ASEAN là những tính toán về chính trị và an ninh
MỞ ĐẦU
ASEAN là tên viết tắt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of South East Asian Nations) được thành lập vào 08/08/1967 trên cơ sở bản tuyên bố Bangkok (hay còn gọi là tuyên bố ASEAN) do bộ trưởng ngoại giao của 5 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan thông qua tại Bangkok, Thái Lan. Sau khi ra đời, ngoài các quốc gia sáng lập, đã có thêm 5 quốc gia Đông Nam Á lần lượt trở thành thành viên của ASEAN là Bruney (năm 1984), Việt Nam (năm1995), Lào (năm 1997), Myanmar (năm 1997) và Campuchia (năm1999). Như vậy, hiện nay ASEAN bao gồm tất cả 10 thành viên với trụ sở đặt tại Jakarta, Indonesia, và có tổng diện tích hơn 4.5 triệu km2 với dân số vào khoảng 600 triệu người.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, các trào lưu hình thành “chủ nghĩa khu vực” trên thế giới đã xuất hiện với mục tiêu đầu tiên là để nhằm củng cố tình đoàn kết khu vực, giúp các nước vừa và nhỏ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề quốc tế, sau là để thúc đẩy sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thông qua tăng cường hợp tác kinh tế.
ASEAN được coi là tổ chức quốc tế khu vực thứ ba trên thế giới, được thành lập sau Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC) năm 1957 và Tổ chức thống nhất Châu Phi (OAU) năm 1963.
NỘI DUNG
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời trong bối cảnh có nhiều biến động đang diễn ra trong khu vực và trên thế giới, bao gồm cả những thay đổi từ bên ngoài tác động vào khu vực cũng như những vấn đề nảy sinh từ bên trong mỗi nước. Trong các yếu tố về chính trị, kinh tế, địa lý, văn hoá và xã hội tác động đến sự ra đời của ASEAN thì yếu tố cơ bản và chủ yếu là chính trị.
Ta sẽ đi sâu làm rõ nhận định này dựa trên những tình hình thực tế lúc bấy giờ:
1) Tình hình chính trị quốc tế
Thế giới đang ở trong tình trạng chiến tranh lạnh và trật tự thế giới hai cực Xô–Mỹ chi phối, đối đầu căng thẳng giữa các nước lớn thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa và các nước lớn thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa.
Do vị trí địa-chính trị quan trọng của khu vực Đông Nam Á nên hai siêu cường Liên Xô (cũ) và Mỹ đều muốn tranh thủ các quốc gia ASEAN, biến khu vực này thành “bàn cờ chính trị” để các nước lớn thi thố quyền lực và ảnh hưởng của mình. Mặt khác do sự ảnh hưởng của các nước lớn, các nước Đông Nam Á khi đó đã bị phân thành hai nhóm đối lập, chịu ảnh hưởng khác nhau của các cường quốc (các nước Đông Dương và các nước thân phương Tây). Cụ thể một số sự kiện như là Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam- Đông Dương diễn ra ác liệt, lôi kéo một số nước Đông Nam Á vào trận chiến. Anh rút khỏi phía Đông Kênh Xuyê năm 1967. Tổng thống Pháp De Gaulle sang Phnôm Penh đưa khẩu hiệu” trung lập hoá Đông Nam á”. Liên xô đang vận động hình thành một hệ thống “an ninh tập thể Châu Á”.
Từ những tình hình phức tạp của thực tế cho thấy nếu chỉ nghiêng về một phía là không có lợi, nên cách tốt nhất là “đứng cách đều”, lựa chọn giải pháp sống “hoà thuận tối đa” với tất cả. Để có thể thực thi được chính sách như vậy nhằm giảm sự chi phối của các nước lớn, cách duy nhất là các nước Đông Nam Á cần phải liên kết với nhau và dựa vào nhau trong một tổ chức khu vực. Ngoài ra, hoạt động kém hiệu quả của các tổ chức tiền thân của ASEAN như ASA và MAPHILINDO cũng dẫn đến việc cần phải thay thế bằng một hình thức hợp tác khác có hiệu quả hơn.
2) Tình hình chính trị khu vực
Tất cả các nước ASEAN vào thời điểm này đều gặp phải rất nhiều vấn đề chính trị khó khăn trong nước, điển hình như:
– Chính quyền phải đối phó với phong trào dân chủ của giai cấp tư sản dân tộc và các lực lượng tiến bộ khác, phong trào ly khai của các tôn giáo như phong trào Moro ở Philipines, phong trào Papua tự do, phong trào đòi độc lập nước công hoà Malucu ở Indonesia.
– Đặc biệt, giữa những năm 60, ở hầu hết các nước Đông Nam Á nổi lên phong trào đấu tranh vũ trang rất mạnh mẽ của các Đảng cộng sản chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.
– Mâu thuẫn, tranh chấp giữa một số nước trong khu vực còn phức tạp rất căng thẳng, nhất là giữa Philippines – Malaysia, Singapore – Malaysia, Malaysia – Thái Lan …
Như vậy, các nước thành viên ASEAN đều đứng trước nhu cầu phải liên kết chặt chẽ với nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị để củng cố hoà bình và đảm bảo an ninh toàn khu vực cũng như mỗi quốc gia.
Để đối phó các thách thức về nguy cơ an ninh và sự bất ổn định hoà bình trong khu vực, xu hướng co cụm lại như một bản năng tất yếu dưới hình thức một tổ chức khu vực đã trở thành một biện pháp hữu hiệu để tăng cường sức mạnh cho bản thân và các quốc gia thành viên. Chính vì thế có thể nhận định những yếu tố quan trọng ban đầu đưa đến sự thành lập ASEAN không phải là các yếu tố về kinh tế và văn hoá – xã hội, mà là những tính toán về chính trị và an ninh.
Trước ASEAN, nhiều nước ở Đông Nam Á đã có dự định thành lập một tổ chức khu vực nhằm tạo nên sự hợp tác phát triển, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của các nước lớn đang tìm cách biến Đông Nam Á thành “sân sau” của họ.
Trong quá trình tìm kiếm sự hợp tác giữa các nước Đông Nam Á, ta có thể liệt kê một số sự kiện sau
Tháng 1/1959, Hiệp ước Hữu nghị và Kinh tế Đông Nam Á (SEAFET), gồm Malaysia và Philippines ra đời.
Ngày 31/7/1961, Hiệp hội Đông Nam Á (ASA) – gồm Thái Lan, Philippines và Malaysia – được thành lập.
Tháng 8/1963, một tổ chức gồm Malaysia, Philippines và Indonesia, gọi tắt là MAPHILINDO, được thành lập.
Tuy nhiên, những tổ chức và Hiệp ước trên đây đều không tồn tại được lâu do những bất đồng giữa các nước về vấn đề lãnh thổ và chủ quyền.
Mặc dù vậy, nhưng do nhu cầu về một tổ chức hợp tác khu vực rộng lớn hơn ở Đông Nam Á ngày càng lớn, nên những nỗ lực theo hướng trên vẫn được xúc tiến. Và cuối cùng, sau nhiều cuộc thảo luận, ngày 8/8/1967 Bộ trưởng Ngoại giao các nước In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Phi-lip-pin, Xin-ga-po và Phó Thủ tướng Ma-lai-xi-a ký tại Băng-cốc bản Tuyên bố thành lập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Bản Tuyên bố đó được coi như là hiến chương của ASEAN.
KẾT LUẬN
Từ những dẫn chứng nêu trên ta đã có thể kết luận những yếu tố quan trọng ban đầu đưa đến sự thành lập ASEAN không phải là các yếu tố về kinh tế và văn hoá – xã hội, mà là những tính toán về chính trị và an ninh nhằm đảm bảo hoà bình ổn định cho khu vực.
Danh mục tài liệu tham khảo
- Tập bài giảng Pháp luật Cộng đồng ASEAN