Câu hỏi của khách hàng: Đất đai đã sang tên xong thì có thể bị hủy do văn bản thỏa thuận thừa kế vô hiệu không
Chào các luật sư. Tôi có 1 việc cần tư vấn như sau: Tôi có mua 1 căn nhà, sau khi mua bán xong và được cấp sổ tên mình thì có 1 người chị của chủ cũ kiện lên tòa tranh chấp thừa kế với người bán cho tôi. Người kiện là người trước đó đã ký văn bản phân chia di sản công chứng cho người em được toàn quyền đứng tên( người em cũng ra tên riêng trên sổ sau đó mới bán lại cho tôi). Họ đề nghị tòa tuyên văn bản khai nhận di sản là vô hiệu với lý do bị làm giả và yêu cầu hủy sổ của tôi và bỏ sót người thừa kế vì khi lập không cho 1 người anh ở nước ngoài vào. Người anh nay có biết và nay không tranh chấp gì. Vậy xin hỏi:
1. người chị có quyền kiện không khi trước đó đã ký văn bản công chứng hợp lệ cho em mình toàn quyền sở hữu tài sản này và người anh ở nước ngoài không tranh chấp gì. ( tôi có liên hệ công chứng và xem xét thì chắc chắn văn bản này là hợp pháp.
2. Nếu bị tuyên vô hiệu văn bản này, tôi có bị hủy sổ mà mình mua hợp lệ không? Tôi rất lo lắng về vấn đề này. Nếu bị hủy sổ tôi phải làm gì để lấy lại quyền lợi của mình.
Xin cảm ơn các luật sư. Mong các luật sư tư vấn giùm tôi ạ.
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 10/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề giá trị tranh chấp chia thừa kế
Bộ luật dân sự 2015
3./ Luật sư trả lời Đất đai đã sang tên xong thì có thể bị hủy do văn bản thỏa thuận thừa kế vô hiệu không
Theo thông tin bạn cung cấp, mảnh đất trên là do cha mẹ người bán để lại không có di chúc thì mảnh đất đó sẽ được chia thừa kế theo pháp luật cho các đồng thừa kế.
Căn Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sư 2015 về Họp mặt những người thừa kế quy định như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
Theo đó, người bán, chị gái, anh trai đang ở nước ngoài là những người có quyền hưởng di sản thừa kế đó. Tại thời điểm phân chia di sản thừa kế thì chỉ có chị gái và người bán và người chị đã thỏa thuận cho người em toàn quyền đứng tên. Có thể hiểu là người chị đã đồng ý tặng cho người em tài sản của mình.
Việc người anh không có mặt tại thời điểm phân chia di sản, cũng không văn bản thể hiện có ý kiến của người anh về việc phân chia di sản. Do đó, việc phân chia di sản trước đó bị vô hiệu do thiếu đồng thừa kế. Tuy nhiên, phần phân chia di sản bị vô hiệu không làm vô hiệu phần thỏa thuận của người chị tặng cho người em phần tài sản của mình.
Trường hợp sau khi phân chia lại di sản, người anh không có tranh chấp, giữa người anh và người em thỏa thuận được người em sẽ đưa anh khoản tiền tương đương phần giá trị tài sản hoặc người anh tặng cho người em phần tài sản đó thì Tòa sẽ công nhận hiệu lực của hợp đồng mua bán giữa bạn và người bán .
Trường hợp người anh có tranh chấp và yêu cầu nhận phần di sản thừa kế của mình thì hợp đồng giao dịch mua bán nhà, đất của bạn sẽ bị vô hiệu 1 phần. Tòa sẽ xem xét nguyện vọng của các bên về việc có tiếp tục giao dịch mua bán nhà không? Nếu các bên đồng ý tiếp tục giao dịch trên thì Tòa sẽ giữ nguyên phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người bán và tuyên hủy một phần giao dịch: phần tài sản của người anh.
Như vậy, trường hợp tại thời điểm phân chia di sản thừa kế không có ý kiến của người anh thì văn bản phân chia di sản sẽ bị vô hiệu, phải thực hiện phân chia lại nhưng phần ý kiến của người chị đồng ý cho người em phần di sản của mình không bị vô hiệu
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.