Câu hỏi của khách hàng: Giải quyết khi có tranh chấp về thời hạn thực hiện hợp đồng
Nhờ anh chị tư vấn giúp:
Ngày 1/12/2007 công ty TNHH A có trụ sở chính tại Quy Nhơn (kinh doanh trong lĩnh vực trồng nho) do ông A giám đốc công ty đại diện ký kết. Ký kết hợp đồng mua bán nho với công ty hợp doanh B ( kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ) do ông B phó giám đốc, đại diện công ty B ký kết. Nội dung hợp đồng có 1 số điều như sau :
-nho loại 1 số lượng 1 tấn ( 1 tấn giá 5 tỷ)
-điều khoản về phạt phạm nếu vi phạm thời gian giao hàng. Sẽ bị phạt 10% giá trị hợp đồng.
-thời hạn giao hàng trước 17h ngày 10/01/2018
Hỏi:
1. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng trên khi có vi phạm về thời gian giao hàng.
2. Hướng giải quyết khi hợp đồng bị chậm
Luật sư Tư vấn Luật thương mại – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 12/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Giải quyết tranh chấp từ hợp đồng thương mại
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Luật thương mại năm 2005
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Giải quyết khi có tranh chấp về thời hạn thực hiện hợp đồng
Theo quy định của pháp luật về thương mại, hoạt động thương mại được hiểu là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Và khi hoạt động thương mại được thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì các vấn đề xung quanh được điều chỉnh bởi Luật thương mại và các văn bản liên quan.
Trong trường hợp của bạn, hợp đồng giữa hai bên là hợp đồng thương mại về việc mua bán hàng hóa, mà cụ thể là nho loại 1 với số lượng 1 tấn. Khi bên bán nho (công ty TNHH A) có vi phạm về thời gian giao hàng (thường là quá thời gian giao hàng), bên bán sẽ phải gánh chịu những hậu quả nhất định theo thỏa thuận của hai bên.
Mà theo thông tin bạn cung cấp thì bên bán sẽ phải trả số tiền phạt vi phạm. Tuy nhiên, mức phạt 10% giá trị hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng là không hợp lý. Bởi căn cứ Điều 301 Luật thương mại:
“Điều 301. Mức phạt vi phạm
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.”
Trường hợp quy định tại Điều 266 Luật thương mại là trường hợp phạt vi phạm trong trường hợp kết quả giám định sai.
Theo đó, mức phạt vi phạm khi bên mua giao hàng không đúng thời hạn được áp dụng chỉ là 8% giá trị hợp đồng, không áp dụng mức 10% giá trị hợp đồng.
Bên cạnh đó, do hai bên không thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại khi có vi phạm hợp đồng nên bên vi phạm sẽ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà chỉ có trách nhiệm chịu phạt vi phạm theo quy định tại đoạn 2 Khoản 3 Điều 418 Bộ luật dân sự: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm” cũng như quy định tại Khoản 1 Điều 307 Luật thương mại: “1.Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.”
Khi hai bên có tranh chấp về hợp đồng trên do bên mua có hành vi vi phạm về thời gian giao hàng, tranh chấp được coi là tranh chấp về hợp đồng trong lĩnh vực thương mại. Việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo hình thức đã được quy định tại Điều 317 Luật thương mại, cụ thể là:
-Thương lượng giữa các bên.
-Hòa giải giữa các bên do một có quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải.
-Giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án. Hai bên có thể thỏa thuận với nhau trong hợp đồng về việc lựa chọn giải quyết tranh chấp phát sinh tại Trọng tài. Nếu không có thỏa thuận, việc giải quyết tranh chấp thường được thực hiện tại Tòa án nhân dân.
+Căn cứ Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự thì tranh chấp bạn đưa ra thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo thông tin bạn cung cấp thì tranh chấp được xác định là tranh chấp tại Khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự: “Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận”.
+Căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại Khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện.
+Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 và Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nơi bị đơn có trụ sở sẽ là chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên.
Tóm lại, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên bị khởi kiện có trụ sở sẽ là chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, cũng là nơi bên khởi kiện nộp hồ sơ yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, việc khởi kiện để giải quyết tranh chấp của các bên trong trường hợp trên phải được thực hiện trong thời hạn 2 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bên khởi kiện cần nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn có trụ sở. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp trước hết nên được hai bên tự thỏa thuận hoặc thông qua một bên thứ ba hòa giải. Nếu không hòa giải được thì hai bên có thể đưa ra Trọng tài giải quyết khi hai bên có thỏa thuận trước đó. Hoặc đưa ra Tòa án yêu cầu giải quyết. Ngoài ra, mức phạt vi phạm khi hai bên đưa tranh chấp ra Tòa án để giải quyết chỉ được chấp nhận ở mức 8% giá trị hợp đồng.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.