Hai vợ chồng tôi đăng ký kết hôn ở địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của chồng. Bây giờ tôi muốn ly hôn tại nơi tôi có hộ khẩu được không? Chúng tôi không có con chung, tài sản chung. Chồng tôi nói rằng không cần làm thủ tục ly hôn, cuộc sống của ai tự lo… Như vậy tôi có ly hôn được không?
Gửi bởi: nguyen thi kim nguyen
Trả lời có tính chất tham khảo
Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết ly hôn:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 và khoản 2 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 thì việc giải quyết ly hôn hay yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thuộc thẩm quyền của Tòa án. Như vậy, để biết bạn có thể ly hôn tại nơi có hộ khẩu đăng ký thường trú hay không thì cần phải căn cứ vào thẩm quyền của Tòa án các cấp.
Theo quy định tại Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2011 thì bạn có thể tiến hành thủ tục ly hôn hay yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi bạn cư trú. Cụ thể như sau:
– Trường hợp 1 (đối với việc giải quyết vụ án ly hôn): theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2011 các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hôn nhân và gia đình quy định tại các điều 27 của Bộ luật này.
Như vậy, trong trường hợp này, nếu hai vợ chồng bạn thỏa thuận được với nhau về việc yêu cầu Tòa án nơi bạn cư trú giải quyết vụ án ly hôn thì bạn có quyền thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa án nơi mình cư trú.
– Trường hợp 2 (công nhận thuận tình ly hôn): điểm h, khoản 2 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2011 quy định: Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Như vậy, trong trường hợp này bạn có quyền yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi mình cư trú giải quyết việc công nhận thuận tình ly hôn.
Ngoài ra, trong một trường hợp khác được quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2011 thì bạn cũng có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết đó là trường hợp bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam.
Thứ hai, về quyền yêu cầu ly hôn:
Theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về ly hôn theo yêu cầu một bên thì khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Vì vậy, bạn hoàn toàn có quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Tuy nhiên, khi yêu cầu, bạn cần chứng minh quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng bạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ củavợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 65/2011/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự
Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: vietduc