Câu hỏi: Nguyên tắc, thẩm quyền lập danh sách cử tri
Tôi năm nay 65 tuổi, hiện đang hoạt động trong câu lạc bộ hưu trí của quận Ba Đình, tôi có thắc mắc về pháp luật đề đạt mong công ty giải thích:
– Nguyên tắc khi lập danh sách cử tri
– Thẩm quyền lập danh sách cử tri là của những cơ quan nào
Xin cảm ơn công ty!
Luật sư Tư vấn Nguyên tắc, thẩm quyền lập danh sách cử tri – Gọi 1900.0191
Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đề nghị được tư vấn luật đến Công ty Luật LVN. Để thuận tiện cho việc quý khách có thể theo dõi cũng như xem lại nội dung tư vấn của chúng tôi, bộ phận Tư vấn pháp luật đã biên tập lại nội dung thành các Ấn bản thông tin pháp luật miễn phí và đăng tải trên website: wikiluat.com và luatlvn.com.
Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1. Thời điểm sự kiện pháp lý
Ngày 10 tháng 09 năm 2017
2. Cơ sở pháp lý
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015
3. Luật sư trả lời
Nguyên tắc lập danh sách cử tri: Căn cứ vào Điều 29 và Điều 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, việc lập danh sách cử tri được thực hiện theo nguyên tắc sau:
– Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ trường hợp người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự.
Nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà những người này được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri.
– Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐB HĐND) cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở nơi cư trú mới.
Những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu ĐBQH, ĐB HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nơi tạm trú mới.
Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH, ĐB HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.
Như vậy, mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Nếu công dân bầu cử ở nơi tạm trú thì chỉ bầu ĐB HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nơi người đó tạm trú, không bầu ĐB HĐND cấp xã.
– Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
– Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến UBND cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu ĐBQH và ĐB HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu ĐBQH và ĐB HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).
– Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và ĐB HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà những cử tri này được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu ĐBQH, ĐB HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu ĐBQH, ĐB HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Thẩm quyền lập danh sách cử tri: Căn cứ vào Điều 31 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, thẩm quyền lập danh sách cử tri được quy định như sau:
– Danh sách cử tri do UBND cấp xã lập theo từng khu vực bỏ phiếu. Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì UBND huyện có trách nhiệm lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu.
– Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân. Quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương gần khu vực đóng quân có thể được chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Khi cấp giấy chứng nhận, chỉ huy đơn vị phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại đơn vị vũ trang nhân dân bên cạnh tên người đó cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi cư trú”.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để có thể được giải đáp nhanh nhất.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN