Thực trạng kiểm sát tại tòa án trong tố tụng dân sự

Thực tiễn Kiểm sát tại Tòa án

 

Bộ luật tố tụng dân sự 2004 ra đời đã khắc phục được phần lớn những điểm tản mạn, không phù hợp với thực tế khách quan trong quá trình tố tụng. Việc quy định rõ chức năng, vai trò, nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và quy định cũng như các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tố tụng trong việc giải quyết việc dân sự, vụ án dân sự giúp hoạt động tố tụng diễn ra hài hòa hơn. Trải qua hơn 10 năm thi hành, các quy định của BLTTDS về cơ bản đã đi vào đời sống và phát huy hiệu quả của nó. Trong đó, vấn đề kiểm sát của Viện kiểm sát đã được quy định khá cụ thể. Đặc biệt BLTTDS được sửa đổi, bổ sung năm 2011 và sự ra đời của Thông tư 04/2012/ TTLT-VKSNDTC-TANDTC giúp cho công tác kiểm sát hoạt động tố tụng của Tòa án ngày càng thay đổi theo hướng tích cực hơn. Có thể kể đến một số mặt như:

  • Vị thế, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự được đề cao, tác động mạnh mẽ đến các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng dân sự, góp phần vào việc thụ lý giải quyết các vụ, việc dân sự của Toà án tốt hơn, tạo niềm tin của nhân dân với các cơ quan tư pháp nói chung, Viện kiểm sát nói riêng.
  • Đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự đã trưởng thành về nhiều mặt, có bản lĩnh vững vàng, ý thức trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ ngày càng được nâng cao; đại bộ phận Kiểm sát viên tham gia phiên toà, phiên họp đảm bảo chất lượng, hiệu quả, nhất là ở các phiên toà, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm.
  • Việc thực hiện kháng nghị phúc thẩm, Giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng được chú trọng nâng cao về cả số lượng lẫn chất lượng, tỷ lệ kháng nghị được Tòa chấp nhận cao. Cụ thể, trong báo cáo công tác kiểm sát tại TP HCM năm 2007, 2008, 2009 thể hiện như sau:
  • Năm 2007 thì Viện kiểm sát kháng nghị là 90 trường hơp, trong đó kháng nghị Giám đốc thẩm, Tái thẩm là 27 trường hợp;
  • Năm 2008 thì Viện kiểm sát kháng nghị là 108 trường hơp, trong đó kháng nghị Giám đốc thẩm, Tái thẩm là 22 trường hợp;
  • Năm 2009 thì Viện kiểm sát kháng nghị là 168 trường hơp, trong đó kháng nghị Giám đốc thẩm, Tái thẩm là 12 trường hợp.

Bên cạnh đó,những vấn đề của bộ luật xét về thực tiễn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, có những quy định không phù hợp hoặc chưa rõ ràng dẫn đến khó khăn cho việc áp dụng trong quá trình tố tụng. Cụ thể có những vấn đề sau cần phải được nghiên cứu, sửa đổi trong thời gian tới:

  • Thứ nhất, tỷ lệ phiên tòa có sự tham gia của Kiểm sát viên hiện nay còn rất hạn chế. Trong báo cáo công tác kiểm sát năm 2005, năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007 thì tỷ lệ này trên cả nước được thể hiện như sau:

Đối với cấp sơ thẩm:

“ + Năm 2005 cả nước thụ lý 126.014 vụ, số vụ được toàn án đưa ra xét xử 30.187 vụ đạt tỷ lệ 23.95%. Trong đó số vụ án có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là 1.511 vụ, chiếm tỷ lệ l5%;

  • Năm 2006 cả nước thụ lý 146.979 vụ, số vụ được Tòa án đưa ra xét xử là 35.830 vụ đạt tỷ lệ 24.37%. Trong đó số vụ có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là 217 vụ, chiếm tỷ lệ 0.6% ;

     

  • 6 tháng đầu năm 2007 cả nước thụ lý 90.723 vụ, số vụ được tòa án đưa ra xét xử là 15.978 vụ. Trong đó  số vụ có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là 63 vụ, chiếm tỷ lệ  0.39%.”1

Đối với cấp xét xử phúc thẩm

  • “Năm 2005 cả nước thụ lý 14.872 vụ, số vụ được Tòa án đưa ra xét xử là 11.144 vụ, chiếm tỷ lệ 84,93%. Trong đó, số vụ có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là 3.689 vụ, chiếm tỷ lệ 33,10%;

     

  • Năm 2006 cả nước thụ lý 14.872 vụ, số vụ được Tòa án đưa ra xét xử là 13.538 vụ, chiếm tỷ lệ 73,94%. Trong đó số vụ có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là 937 vụ, chiếm tỷ lệ 6,92%;

  • Sáu tháng đầu năm 2007 cả nước thụ lý 10.052 vụ, số vụ được Tòa án đưa ra xét xử là 6.490 vụ. Trong đó, số vụ có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là 379 vụ, chiếm tỷ lệ 5,83%.”.

Qua số liệu thống kê trên ta dễ dàng thấy rằng tỷ lệ Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là rất khiêm tốn. Năm 2005 là năm đầu tiên BLTTDS 2004 có hiệu lực, trong năm này ở cả 2 cấp Tòa án phiên tòa có Kiểm sát viên rất hạn chế. Tiếp theo đó là các năm 2006, 2007 tỷ lệ này tiếp tục giảm đáng kể. Ngoài ra, tỷ lệ này cũng có sự khác nhau giữa cấp phúc thẩm và sơ thẩm và ở cấp phúc thẩm thì cao hơn sơ thẩm rất nhiều. Sở dĩ có sự khác nhau này là do những nguyên nhân sau:

  • Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS “Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thầ”. Như vậy, theo quy định này thì không phải phiên tòa sơ thẩm nào cũng có Kiểm sát viên tham gia. Trong khi đó theo quy định tại khoản 2 Điều 264 BLTTDS về những người tham gia phiên tòa phúc thẩm thì “Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên tòa phúc thẩm.”Chính vì có sự khác nhau trên nên tỷ lệ Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm cao hơn hẳn so với phiên tòa sơ thẩm
  • Mặc dù pháp luật tố tụng dân sự có ghi nhận các trường hợp tham gia phiên tòa sơ thẩm của Kiểm sát viên nhưng trên thực tế việc tham gia là rất ít vì chính trong BLTTDS hiện hành lại không quy định nghĩa vụ thông báo của Tòa án.

Thứ hai, quy định về phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa dân sự chưa rõ ràng.
Một thực tế tại các phiên tòa dân sự những tháng đầu thi hành BLTTDS sửa đổi, bổ sung ngày 29-3-2011 là: Có Kiểm sát viên phát biểu ý kiến tại phiên tòa về việc đương sự, Thẩm phán Tòa án, Hội đồng xét xử tuân theo pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án. Có Kiểm sát viên phát biểu ý kiến tại phiên tòa về việc giải quyết vụ án. Có Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về tuân theo pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án và về việc giải quyết vụ án. Như vậy đã có sự không thống nhất trong phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Nguyên nhân của sự khác nhau này là do có sự khác nhau trong quy định của BLTTDS mà cụ thể như sau:

Tại Điều 45 BLTTDS quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên thì khi  được phân công thực hiện việc kiểm sát tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng dân sự Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự của Tòa án và tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc dân sự.

Điều 234 BLTTDS quy định về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm như sau: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội Đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án”.

Điều 273a BLTTDS quy định phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm như sau: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm”.

 

Theo Điều 45 BLTTDS có thể hiều là Kiểm sát viên phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật nội dung (Bộ luật dân sự, Luật lao động, Luật doanh nghiệp… ). Còn Điều 234 BLTTDS thì quy định này được hiểu là Kiểm sát viên chỉ được phát biểu tại phiên tòa sơ thẩm về việc Thẩm phán, Hội đồng xét xử và đương sự về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, tại phiên tòa dân sự sơ thẩm Kiểm sát viên chỉ phát biểu ý kiến thuần túy về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Đối với Điều 273a có thể hiểu là Kiểm sát viên được phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn xét xử phúc thẩm mà thôi.

 

Từ việc không thống nhất trong 3 điều luật trên đã dẫn đến thực tế là trong các phiên tòa, Kiểm sát viên không biết phát biểu như thế nào là đúng. Nếu như Kiểm sát viên chỉ phát biểu về trình tự, thủ tục tố tụng thì dễ gây nhàm chán, chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như sự mong mỏi quan tâm của nhân dân, nhất là với các đương sự tham gia tố tụng. Vì vậy trong thời gian tới cần có sự  thống nhất về nội dung điều luật, cũng cần được sửa đổi, bổ sung đối với Điều 234 BLTTDS và cần có văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện Điều 234, Điều 273a BLTTDS.

 

Thứ ba, về việc phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa ở giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án dân sự.
Trong điểm e khoản 1 Điều 195 BLTTDS có quy định về nội dung quyết định đưa vụ án ra xét xử ở Tòa án cấp sơ thẩm thì một trong những nội dung cần phải có  trong quyết định xét xử sơ thẩm là họ tên Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên dự khuyết nếu có. Và  tại khoản 2 điều này cũng có quy định rằng trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Như vậy, theo quy định này thì trong quyết định đưa vụ án ra xét xử ở Tòa án cấp sơ thẩm bắt buộc phải có họ tên của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa và họ tên của Kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa.
Tuy nhiên, để Tòa án cấp sơ thẩm ghi được họ tên Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, họ tên Kiểm sát viên dự khuyết vào quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm là một hành trình không đơn giản.Vì trong BLTTDS không có điều luật nào quy định Viện trưởng Viện kiểm sát cấp sơ thẩm phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa nên Tòa án muốn hoàn thành công việc của mình thì phải thực hiện việc đi hỏi Viện kiểm sát để biết, mà đi hỏi thì lúc “thành”, có lúc “bại”. Đã có không ít trường hợp Viện trưởng đi vắng, hỏi Viện phó thì được trả lời theo đúng luật là: thuộc quyền của Viện trưởng – lại phải chờ đợi. Có khi gặp Viện trưởng thì được Viện trưởng trả lời giản dị, thông cảm là: chưa trao đổi với Viện phó – lại phải chờ đợi?2

Tuy nhiên vấn đề này hiện nay đã được giải đáp trong thông tư 04/2012/ TTLT-VKSNDTC-TANDTC. Theo Điều  3 Thông tư 04 thì trong trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm thông báo việc thụ lý vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 174, Điều 257 và Điều 311 BLTTDS, Viện kiểm sát phải gửi cho Tòa án văn bản phân công Kiểm sát viên, Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có) tham gia phiên tòa, phiên họp. Văn bản phân công Kiểm sát viên phải nêu rõ họ tên của Kiểm sát viên và Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có) được Viện trưởng phân công tham gia phiên toà, phiên họp. Do đó, khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án không phải đi hỏi Viện trưởng Viện kiểm sát như trước nữa việc phân công Kiểm sát viên nào tham gia phiên tòa Viện kiểm sát phải gửi danh sách cho Tòa án.

Thứ tư, về trình tự phát biểu của Kiểm sát viên. Theo quy định tại Điều 234 BLTTDS thì “ Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án dân sự cho đến trước thời điểm hội đồng xét xử nghị án”. Tương tự như tại phiên tòa sơ thẩm, ở phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên cũng là người phát biểu sau cùng (Điều 273a BLTTDS). Việc quy định Kiểm sát viên phát biểu trong mục tranh luận nghĩa là Kiểm sát viên cũng là một chủ thể của việc tranh luận. Vậy Kiểm sát viên tranh luận với ai và tranh luận vấn đề gì trong vụ án dân sự?. Hơn nữa quy định Kiểm sát viên chỉ phát biểu “sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu và đối đáp xong” thì còn ai được tranh luận với đại diện Viện kiểm sát. Như vậy sự tham gia phiên tòa của đại diện Viện kiểm sát còn gì là ý nghĩa nữa? Vì vậy cần có quy định về việc phát biểu toàn bộ quá trình giải quyết vụ án, đối với bản án và được ghi trong bản án ý kiến của mình làm căn cứ kháng nghị. Có như vậy mới làm cho việc Kiểm sát viên tham dự phiên tòa là có ý nghĩa.

 

Thứ năm, đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên hiện nay còn thiếu, một số Kiểm sát viên chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực. Một thực tế ở rất nhiều phiên tòa, phiên họp trong thời gian qua là Kiểm sát viên tham gia chỉ cho có lệ.  Trong khi đó nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát cũng như Kiểm sát viên hiện nay là rất lớn và quan trọng cho quá trình tố tụng. Cụ thể Điều 45 BLTTDS quy định Kiểm sát viên có các nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

 

“ 1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự của Tòa án;

  1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng;
  2. Kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án;
  3. Tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc dân sự;
  4. Thực hiên nhiệm vụ, quyền hạn khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo sự phân công của Viện trưởng viện kiểm sát.”.

 

Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có một đội ngũ Kiểm sát viên được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao, kiến thức pháp lý vững vàng và kinh nghiệm thực tiễn sâu rộng, nhanh nhạy trong việc phát hiện xử lý vi phạm. Không chỉ vậy Kiểm sát viên phải là người  có bản lĩnh chịu trách nhiệm cao, có đạo đức đối với nghề nghiệp của mình. Có như vậy thì Viện kiểm sát mới thực hiện tốt chức năng kiểm sát  của mình, đảm bảo công tác xét xử đúng đắn hơn, tránh được tình trạng sai sót, án bị hủy, bị sửa hơn. Ngoài ra, hiện nay cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành Kiểm sát vẫn còn hạn chế, điều này đã gây ra không ít khó khăn cho công tác của ngành.

 

Một số phương pháp hoàn thiện

 

Một là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của Kiểm sát viên song song với đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Kiểm sát.

Trước yêu cầu của cải cách tư pháp, cần có sự quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát dân sự nằm chuyên môn hóa bộ phận nghiệp vụ, nâng cao tinh thần trách nhiremj và hiêu quả hoạt động của công tác kiểm sát. Có thể tiến hành các buổi tập huấn ngắn ngày theo từng chuyên đề vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời tổ chức các buổi trao đổi nghiệp vụ giữa các Kieems sát viên trong toàn ngành về kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng tranh tụng, viết kết luận… .Bên cạnh đó để đảm bảo hiêu quả cho hoạt động áp dụng pháp luật trong giải quyết vụ án dân sự, cần chú ý đến việc tăng cường cơ sở vật chất cho ngành kiểm sát nhân dân. Không chỉ vậy, Nhà Nước cần chú trọng hơn nữa chế độ chính sách, tiền lương đối với Kiểm sát viên sao cho có thể đảm bảo được cuộc sống của mình bằng đồng lương để người Kiểm sát viên chuyên tâm được vào công việc mà không bị chi phối, sa ngã, vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ.

Hai là, ràng buộc trách nhiệm chuyển hồ sơ của Tòa án đến với Viện kiểm sát

Trong quan hệ pháp luật dân sự, nguyên tắc quyền quyết đinh và tự định đoạt của đương sự ( Điều 5 BLTTDS) là nguyên tắc cần thiết được tôn trọng và đảm bảo thự hiện. Đối với một số việc dân sự như ly hôn, chia tài sản chung vợ chồng, trách nhiệm cấp dưỡng… Hội đồng xét xử và các bên có thể tự giải quyết được mà không cần có sự tham gia của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, ở cấp phúc thẩm, Giám đốc thẩm, tái thẩm và cấp xét xử sơ thẩm xét xử những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì nhất thiết phải có đại diện của Viện kiểm sát tham gia phiên tòa. Vì vậy pháp luật tố tụng cần quy định rõ ràng về sự bắt buộc tham gia của Kiểm sát viên và hậu quả pháp lý nếu Kiểm sát viên vắng mặt. Ngoài ra để tạo điều kiện cho Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng, quyền hạn của mình thì trong thời gian tới cần sửa đổi quy định rang buộc trách nhiệm chuyển hồ sơ của Tòa án cho Viện kiểm sát cũng như bổ sung các thời hạn tố tụng như thời gian nghiên cứu hồ sơ, thời hạn kháng nghị phúc thẩm… sao cho phù hợp với sự tham gia tố tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên.

Ba là thống nhất quy định về việc phát biểu của Kiểm sát viên khi  tham gia phiên tòa.

Hiện nay việc các quy định của pháp luật tố tụng dân sự chưa có sự thống nhất về vấn đề phát biểu của Kiểm sát viên nên khi tham gia phiên tòa, các Kiểm sát viên không biết phải phát biểu như thế nào, đây là điểm còn hạn chế trong luật tố tụng. Vì thế cho nên yêu cầu đặt ra là phải có một quy định thống nhất để Kiểm sát viên căn cứ vào đó thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Có thể sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng là Kiểm sát viên tham gia phiên tòa có thể phát biểu quan điểm giải quyết vụ án trong những trường hợp như: i) Viện kiểm sát có kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án ii) Những vụ án mà Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ iii) Những việc dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án iiii) Vụ việc dân sự có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.

Tham khảo thêm:

1900.0191