Khái niệm quyết định hành chính
-
Định nghĩa quyết định hành chính
Thuật ngữ quyết định hành chính có rất nhiều khái niệm, nó xuất hiện không chỉ ở trong khoa học mà còn xuất hiện cả trong những quy định của pháp luật thực định như: Luật khiếu nại, tố cáo; Pháp lệnh thủ tực giải quyết các vụ án hành chính;… Do đó, việc làm rõ khái niệm quyết định hành chính cũng như việc giới hạn nội hàm của khái niệm là điều rất cần thiết cho việc nghiên cứu và thực tiến hoạt động quản lí hành chính Nhà nước. Có quan điểm cho rằng, quyết định hành chính bao gồm cả hành vi vật chất của chủ thể ra quyết định và văn bản thể hiện hành vi đó. Về chủ thể ban hành quyết định, theo học có nhiều chủ thể có những chức năng khác nhau được trao quyền ban hành ra những quyết định này.
Theo từ điển Tiếng việt “quyết định” là: định một cách chắc chắn với ý nhất định phải thực hiện. Theo giáo trình Luật hành chính Khoa Luật trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội thì quyết định bắt nguồn từ thuật ngữ La tinh “actus” có nghĩa là hành động, hành vi. Bởi vậy, sách báo tập chí nước ngoài thường gọi quyết định là hành động, một hành động dẫn đến một hậu quả pháp lí được gọi là quyết định pháp luật.
Người ta còn gọi quyết định pháp lý là mệnh lệnh, là sự thể hiện ý chí quyền lực, là văn bản, là kết quả và hình thức thể hiện của hoạt động Nhà nước. Trong sách báo pháp lí nước ta người ta thường đồng nhất khái niệm văn bản và quyết định pháp luật với văn bản. Cách hiểu này chưa thực sự đúng đắn bởi vì thực chất văn bản chỉ là một trong những hình thức thể hiện, hình thức bên ngoài của quyết định pháp luật, ngoai ra nó còn có cả ký hiệu, tín hiệu hoặc hình thức nói. Văn bản thể hiện tính ưu việt hơn so với các hình thức khác bởi nó phản ánh tính khuôn mẫu, có căn cứ chắc chắn tạo nên sự ổn định của hoạt động quản lý hành chính. Có thể do tính ưu việt đó nên nhiều người đã mắc sai lầm khi đồng ý với khẳng định trên. Mục đích của những văn bản này chính là nhằm chuyển tải những nội dung về chủ trương, chính sách lớn, xây dựng quy tắc xử sự hoặc áp dụng pháp luật cho một công việc cụ thể.
Trong khoa học Luật hành chính, khoa học Hành chính Việt Nam, các nhà khoa học sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau “quyết định quản lý nhà nước”, “quyết định quản lý hành chính Nhà nước”, “quyết định hành chính”, “quyết định hành chính Nhà nước” để chỉ những quyết định do các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành khi thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Theo PGS.TS. Nguyễn Cửu Việt, “Quyết định hành chính là kết quả sự thể hiện quyền lực đơn phương của các cơ quan nhà nước và những người có thẩm quyền, các cơ quan của tổ chức xã hội khi được nhà nước trao quyền để thực hiện các nhiệm vụ và chức năng hành chính nhà nước, được thực hiện trên cơ sở và để thi hành luật, theo trình tự và hình thức do luật định, nhằm định ra chủ trương, đường lối, nhiệm vụ lớn có tính chất định hướng; hoặc đặt ra, đình chỉ, sửa đổi, áp dụng, bãi bỏ các quy phạm pháp luật hành chính hay làm thay đổi phạm vi hiệu lực của chúng; hoặc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính cụ thể”
Tuy nhiên, quan niệm này, thực chất là nói về quyết định hành chính nhà nước nói chung, nhưng chưa khái quát đầy đủ các chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính. Vì hoạt động hành chính nhà nước rất đa dạng, không chỉ do cơ quan nhà nước thực hiện, mà còn do cả “bộ máy hành chính” của các đơn vị sự nghiệp công lập, các công ty, tập đoàn kinh tế của Nhà nước thực hiện. Những chủ thể này cũng có quyền ban hành quyết định hành chính mang tính quy phạm, quyết định hành chính cá biệt có tính chất nội bộ, tùy thuộc vào sự ủy quyền của Nhà nước. Thêm vào đó, nếu quan niệm quyết định hành chính cá biệt chỉ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính là chưa thật đầy đủ vì quyết định hành chính cá biệt cụ thể có thể làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt cả các quan hệ pháp luật khác như quan hệ lao động, quan hệ đất đai, quan hệ tài chính, quan hệ tài sản. v.v…
Người ta còn gọi quyết định pháp lý là mệnh lệnh, là sự thể hiện ý chí quyền lực, là văn bản, là kết quả và hình thức thể hiện của hoạt động Nhà nước. Trong sách báo pháp lí nước ta người ta thường đồng nhất khái niệm văn bản và quyết định pháp luật với văn bản. Cách hiểu này chưa thực sự đúng đắn bởi vì thực chất văn bản chỉ là một trong những hình thức thể hiện, hình thức bên ngoài của quyết định pháp luật, ngoai ra nó còn có cả ký hiệu, tín hiệu hoặc hình thức nói. Văn bản thể hiện tính ưu việt hơn so với các hình thức khác bởi nó phản ánh tính khuôn mẫu, có căn cứ chắc chắn tạo nên sự ổn định của hoạt động quản lý hành chính. Có thể do tính ưu việt đó nên nhiều người đã mắc sai lầm khi đồng ý với khẳng định trên. Mục đích của những văn bản này chính là nhằm chuyển tải những nội dung về chủ trương, chính sách lớn, xây dựng quy tắc xử sự hoặc áp dụng pháp luật cho một công việc cụ thể.
Mặt khác, quyết định hành chính do nhiều chủ thể khác nhau ban hành với những nội dung phong phú và đa dạng tác động đến các lĩnh vực khác nhau của quản lý hành chính. Như cơ quan quyền lực, cơ quan xét xử cơ quan kiểm sát. Tuy nhiên những quyết định đó chỉ nhằm xây dựng ổn định chế độ công tác nội bộ cơ quan và khả năng trực tiếp tác động đến xã hội rất hạn chế. Vì vậy, trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, chủ thể có thẩm quyền ban hành các quyết định hành chính là các chủ thể trong hệ thống các cơ quan hành chính thực hiện quyền lực nhà nước để quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Từ đó ta có định nghĩa như sau: “ Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật nó là kết quả sự thể hiện ý chí quyền lực của Nhà nước thông qua hành vi của các chủ thể được thực hiện quyền hành pháp trong hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước tiến hành theo một trình tự, dưới những hình thức nhất định theo quy định của pháp luật nhằm đưa ra các chủ trương, biện pháp, đặt ra các quy tắc xử sự hoặc áp dụng các nguyên tắc đó giải quyết một công việc cụ thể trong đời sống xã hội nhằm thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước”.
Ví dụ như: Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Quyết định xử phạt hành chính, Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính,…. hoặc là Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT ngày 02/7/2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, Quyết định 48/2006/QĐ-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ,….
-
Đặc điểm của quyết định hành chính
Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật. Chính vì vậy, quyết định hành chính có những đặc điểm chung của của quyết định pháp luật, đồng thời có đặc điểm riêng của chính nó.
Quyết định pháp luật bao gồm những quyết định của cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp và cơ quan hành pháp. Quyết định hành chính là quyết định của cơ quan hành pháp. Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật thể hiện ở tính quyền lực, tính pháp lý.
Trước tiên là tính quyền lực, việc thực hiện quyền lực nhà nước thường thể hiện dưới hình thức là những quyết định bằng văn bản, trong số những quyết định thành văn đó thì những quyết định do các chủ thể quản lí hành chính ban hành rất nhiều. Tính quyền lực nhà nước trước hết thể hiện ở ngay hình thức của những quyết định, bởi lẽ theo quy định của pháp luật thì chỉ cơ quan nhà nước mới được đơn phương ra quyết định pháp luật xuất phát từ những lợi ích chung (theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các tổ chức xã hội chỉ được phép kết hợp với cơ quan nhà nước để ra một số quyết định cần thiết).
Tính quyền lực, đơn phương của quyết định hành chính còn thể hiện rõ ở nội dung và mục đích của quyết định. Để thực thi quyền hành pháp trên cơ sở luật và để thi hành luật, quyết định hành chính luôn thể hiện tính mệnh lệnh rất cao, chính vì vậy tính quyền lực nhà nước còn thể hiện ở tính đảm bảo thi hành của quyết định. Về nguyên tắc, mọi quyết định đều phải được thi hành, kể cả những quyết định có sự phản kháng từ phía đối tượng quản lí, có nghĩa là quyết định sẽ được đảm bảo thi hành bằng những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước khi cần thiết.
Thứ hai, quyết định hành chính có tính pháp lí của quyết định. Quyết định hành chính như trên đã trình bày là kết quả của sự thể hiện ý chí Nhà nước. Do vậy, các quyết định do nhà nước ban hành đều có những giá trị về mặt pháp lí. Trước tiên, quyết định hành chính xuất hiện đã tác động ngay đến cơ chế điều chỉnh pháp luật, quyết định hành chính có thể đưa ra những biện pháp hoặc những chủ trương lớn trong lĩnh vực quản lí hành chính. Mặt khác, tính pháp lí của quyết định hành chính còn thể hiện ở việc làm xuất hiện quy phạm pháp luật, thay thế hoặc hủy bỏ quy phạm pháp luật hoặc làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật cụ thể (quyết định áp dụng pháp luật).
Bên cạnh đó, quyết định hành chính nhà nước có những đặc điểm riêng làm cho nó khác với các quyết định pháp luật khác, cụ thể như sau:
Một là, quyết định hành chính nhà nước được ban hành để thực hiện nhiệm vụ, chức năng quản lý hành chính mà nhà nước đã trao cho các cơ quan, tổ chức nhà nước – có nghĩa các cơ quan, tổ chức nhà nước ban hành quyết định hành chính là để thực hiện quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đời sống nhà nước. Đây là tính chất đặc thù của quyết định hành chính nhà nước. Như vậy, quyết định hành chính Nhà nước chỉ có giới hạn trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, lĩnh vực chấp hành và điều hành.
Hai là, các quyết định hành chính mang tính dưới luật, chúng phải phù hợp với Hiến pháp, luật, pháp lệnh và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước ở cùng cấp. Tính dưới luật thể hiện thứ bậc các quyết định hành chính nhà nước. Tính thứ bậc của quyết định hành chính nhà nước tùy thuộc vào địa vị pháp lý của cơ quan ban hành, trong mối quan hệ của nó với các cơ quan, tổ chức khác của nhà nước. Trong một số trường hợp, quyết định hành chính phải phù hợp với quyết định của Tòa án, các hợp đồng đã được ký kết giữa cơ quan ban hành quyết định hành chính với các đối tác. Tính chất này xuất phát từ nguyên tắc pháp chế trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Tính chất này đòi hỏi nội dung, hình thức, thủ tục ban hành quyết định hành chính nhà nước phải phù hợp với pháp luật. Đây là tính chất chung của mọi quyết định pháp luật, nhưng là tính chất rất quan trọng của quyết định hành chính nhà nước, thể hiện tính chấp hành của hoạt động hành chính nhà nước.
Ba là, trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, cũng như trong mọi hoạt động nhà nước khác, mỗi cơ quan nhà nước, mỗi chức vụ trong cơ quan nhà nước đều có một lượng nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng nhất định tạo nên thẩm quyền của cơ quan, chức vụ, do đó mọi quyết định hành chính nhà nước chỉ được ban hành trong khuôn khổ thẩm quyền của cơ quan, chức vụ đã được pháp luật ấn định.
Bốn là, quyết định hành chính nhà nước được ban hành theo một thủ tục hành chính nhất định, tùy theo nội dung, tính chất, thẩm quyền của các chủ thể ban hành. Do tính đa dạng của hoạt động hành chính nhà nước, nên có rất nhiều thủ tục hành chính khác nhau (thủ tục cấp phép, thủ tục cưỡng chế hành chính, thủ tục đáp ứng các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại v.v…). Do đó, một quyết định của chủ thể hành chính chỉ trở thành quyết định hành chính khi nó được ban hành theo một thủ tục hành chính nhất định (sáng kiến ban hành, dự thảo quyết định, lấy ý kiến, thảo luận, thông qua) và các yêu cầu về thể thức quyết định, văn phong trong quyết định (ngày tháng, ban hành, tác giả, số quyết định…).
Năm là, hình thức, cấu trúc của quyết định hành chính chủ yếu do luật hành chính điều chỉnh, gồm phần viện dẫn đưa ra những căn cứ pháp lý của quyết định, các điều khoản, người thực hiện v.v…Một quyết định không thể trở thành quyết định hành chính khi không đáp ứng được các yêu cầu hợp pháp, hợp lý về nội dung, hình thức, thủ tục xây dựng và ban hành.
Sáu là, các quyết định hành chính nhà nước của quyền lực hành chính nhà nước đều dẫn đến một hệ quả pháp lý nhất định. Chúng có thể điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quản lý hành chính nhà nước, làm thay đổi cơ chế điều chỉnh của pháp luật, cơ chế quản lý hành chính nhà nước, hay làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ dân sự, quan hệ hôn nhân, gia đình, quan hệ đất đai và các quan hệ pháp luật cụ thể khác. Điều này phải được tính đến khi xây dựng và ban hành quyết định hành chính nhà nước.
Tham khảo thêm:
- Phân tích Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
- Phân tích Tội cưỡng đoạt tài sản
- Phân tích Tội cướp giật tài sản
- Phân tích Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
- Phân tích Tội trộm cắp tài sản
- Phân tích Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Phân tích Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
- Phân tích Tội chiếm giữ trái phép tài sản
- Phân tích Tội sử dụng trái phép tài sản
- Phân tích Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản