Phân tích nội dung và ý nghĩa “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”
Hoạt động tư pháp được Đảng và Nhà nước ta chú trọng ngay trong những năm đầu mới giành được chính quyền. Cụ thể, ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp, xây dựng nên những nguyên tắc tiến bộ đầu tiên cho nền tư pháp nước nhà. Phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xuất phát từ quan điểm của Đảng ta về chiến lược cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, ngày 02/1/2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, hiện đại, bảo vệ công lý.
Trên tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực tư pháp, trong đó có quy định vấn đề tranh tụng trong hoạt động xét xử, đây được coi là những yêu cầu bức thiết, là nền tảng cho hoạt động tư pháp ở nước ta. Hiến pháp năm 2013 được ban hành cũng đã quy định rõ về vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân và có thể xem đây là một trong những nguyên tắc cơ bản cho quá trình thực hiện cải cách tư pháp. Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đã có một số luật, bộ luật, pháp lệnh mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp nói chung và với nguyên tắc tranh tụng nói riêng nhằm bảo vệ quyền con người, quyền của công dân. Điều 13 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử…”. Từ những quy định của Hiến pháp và pháp luật cho thấy, vấn đề tranh tụng nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được hết sức coi trọng.
-
Nội dung “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”
Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm là một trong những nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân được Hiến pháp năm 2013 quy định. Có thể hiểu việc áp dụng nguyên tắc này phải được pháp luật ghi nhận, cụ thể hóa trong hoạt động tố tụng xét xử của Tòa án nhân dân ở các lĩnh vực : hình sự, dân sự và hành chính. Muốn hiểu rõ về nguyên tắc này, trước hết cần phải hiểu “ tranh tụng” là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt, “ tranh tụng ” có nghĩa là kiện cáo lẫn nhau. Theo nghĩa Hán Việt thì thuật ngữ tranh tụng được ghép từ 2 từ “tranh luận” và “tố tụng”. Tranh tụng là tranh luận trong tố tụng. Trong tố tụng bao giờ cũng có sự tham gia của các bên có quyền và (hoặc) lợi ích trái ngược nhau yêu cầu Tòa án phân xử. Để có cơ sở cho Tòa án có thể phân xử, pháp luật quy định cho các bên tham gia tố tụng quyền khởi kiện vụ việc ra trước Tòa án, chứng minh và tranh luận để bảo vệ yêu cầu của mình. Như vậy, tranh tụng bao giờ cũng gắn liền với hoạt động tài phán của Tòa. Theo đó, tranh tụng là hoạt động của các bên tham gia xét xử đưa ra các quan điểm của mình và tranh luận lại để bác bỏ một phần hoặc toàn bộ quan điểm của phía bên kia; là cơ sở để Tòa án đánh giá toàn bộ nội dung vụ án và đưa ra phán quyết cuối cùng đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, vấn đề tranh tụng vẫn còn có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau. Đến nay, chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể vấn đề “tranh tụng”. “Tranh tụng” là nguyên tắc hay một thủ tục trong tố tụng cũng chưa được xác định rõ ràng. Thuật ngữ “tranh tụng” chỉ mới được đề cập trong các văn bản của Đảng và trong các tài liệu hội thảo nên hiện còn nhiều cách hiểu, nhận thức về “tranh tụng”, ngay cả Bộ luật tố tụng hình sự cũng chỉ có quy định về tranh luận là một giai đoạn của xét xử mà chưa có quy định thế nào là “tranh tụng”. Bản chất và mục đích yêu cầu của tranh tụng là quá trình xác định sự thật khách quan về vụ án, bảo đảm các phán quyết là đúng đắn và chính xác. Phiên tòa xét xử là cuộc điều tra công khai, thực hiện bằng lời nói gồm có phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, phần xét hỏi, phần tranh luận, nghị án và tuyên án. Tranh luận là giai đoạn các bên trình bày luận điểm của mình về những vấn đề đã được thẩm tra làm rõ ở giai đoạn trước, trên cơ sở đối chiếu với những quy định của pháp luật đề xuất hướng xử lý phù hợp. Kiểm sát viên trình bày quan điểm luận tội, tranh luận đối đáp về những vấn đề mà bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác đưa ra; và ngược lại bị cáo hoặc người bào chữa trình bày lời bào chữa, ý kiến phản bác đối với luận tội, đối đáp các ý kiến của kiểm sát viên và chủ thể khác có liên quan. Hội đồng xét xử là “ trọng tài ” điều hành việc tranh luận, đối đáp theo trình tự tố tụng nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Như vậy, quá trình tranh tụng được tiến hành thông qua hoạt động của các chủ thể thuộc bên buộc tội, bên bào chữa và Tòa án với ba chức năng tương ứng: buộc tội, bào chữa và xét xử.
Cụm từ “tranh tụng” được xuất hiện đầu tiên tại văn kiện của Đảng, cụ thể là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2001 của Bộ Chính trị. Nghị quyết có xác định quan điểm chỉ đạo hoạt động đối với Tòa án nhân dân là: “Khi xét xử các Tòa án phải bảo đảm cho mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có tính thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định”. Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nêu trên của Đảng, Tố tụng Hình sự, Tố tụng Dân sự, và Tố tụng hành chính đã sửa đổi bổ sung về các nội dung “tranh tụng” theo định hướng mà Nghị quyết số 08 của Bộ chính trị đã xác định.
Như vậy, từ những diễn giải nêu trên, có thể hiểu “Tranh tụng” là hoạt động của các bên tham gia xét xử đưa ra các quan điểm của mình và tranh luận lại để bác bỏ một phần hoặc toàn bộ quan điểm của phía bên kia. Tranh tụng là cơ sở để Tòa án đánh giá toàn bộ nội dung vụ án và đưa ra phán quyết cuối cùng đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Vậy, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo, có nội dung:
Hoạt động xét xử phải bảo đảm tranh tụng giữa Kiểm sát viên, bị hại, nguyên đơn dân sự với bị cáo, người bào chữa, bị đơn dân sự, giữa các đương sự với nhau và những người này có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, đưa ra các luận điểm, luận cứ, luận chứng của mình, bình đẳng trong việc đối đáp, tranh luận, chứng minh bác bỏ quan điểm lẫn nhau. Các hoạt động tranh tụng diễn ra trên tinh thần trách nhiệm, trên cơ sở chứng cứ khách quan và quy định của pháp luật, các bên tôn trọng lẫn nhau. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật để họ thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong việc tranh tụng. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng và những chứng cứ đã được kiểm tra, đánh giá tại phiên tòa, đảm bảo cho việc xét xử là khách quan, minh bạch, công bằng và dựa trên công lý.
-
Ý nghĩa của “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”
Việc quy định “ nguyên tắc tranh tụng trang xét xử được bảo đảm” trong Hiến pháp năm 2013 mang nhiều ý nghĩa:
Thứ nhất, quy định nguyên tắc tranh tụng trong Hiến pháp đã thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp.Từ trước tới nay vấn đề tranh tụng và nâng cao chất lượng tranh tụng được quan tâm và đề cập tới nhiều. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương về vấn đề này, cụ thể: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới đã quy định: “… Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác… Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng của phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời gian quy định”. Tiếp đó, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khẳng định: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Nghị quyết 37/NQ-QH13 ngày 23/11/2012 yêu cầu: “… Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa”.
Thứ hai, quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong Hiến pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn trong việc xét xử.
Những quy định pháp luật tố tụng hình sự hiện hành đã và đang phát huy hiệu lực trên thực tiễn của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử ngày càng hiệu quả, việc tranh luận tại phiên tòa bảo đảm tính dân chủ, khách quan. Tuy nhiên so với tình hình đặt ra thì hoạt động tranh tụng chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân từ những quy định của pháp luật về tranh tụng và bảo đảm tranh tụng chưa rõ ràng, cụ thể nên hiệu lực chưa cao.
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định chính thức về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng như vậy sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ tư pháp, của công dân trong quá trình thực hiện các quyền năng khi tham gia tranh tụng. Đồng thời thực tiễn xét xử sẽ thay đổi, với bước tiến mới trọng tâm là hoạt động tranh tụng được bảo đảm, phát huy tối đa tính công bằng, dân chủ.
Thứ ba, việc quy định nguyên tắc tranh tụng trong Hiến pháp là tiền đề để xây dựng và hoàn thiện các quy định về bảo đảm tranh tụng trong các văn bản pháp luật tố tụng.
Hiến pháp là đạo luật gốc, văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất. Do vậy, khi Hiến pháp quy định về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng như vậy thì những quy định trong bộ luật, luật, các văn bản dưới luật chưa rõ ràng, không thống nhất phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo sự thống nhất trong việc vận dụng pháp luật, đặc biệt đòi hỏi cần xây dựng quy định cụ thể về phương thức bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Bên cạnh đó, nguyên tắc này còn mang những ý nghĩa quan trọng trong hoạt động tố tụng:
Đảm bảo hoạt động tố tụng được diễn ra khách quan, minh bạch, công bằng, quyết định của tòa án được đưa ra trên cơ sở những chứng cứ, sự việc có thật, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Ghi nhận quyền lợi của những người tham gia vào tố tụng có quyền trình bày quan điểm và tranh luận lại những quan điểm mà các bên đưa ra, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên. Với bị can, bị cáo thì được quyền bào chữa cho mình trước Hội đồng xét xử. Đảm bảo quyền con người quyền công dân được tôn trọng, quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng với nhau và với cơ quan nhà nước trong tranh tụng. Nguyên tắc này giúp cho việc xét xử khách quan, công bằng, nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án với các việc vụ xảy ra trong xã hội.
Tham khảo thêm:
- Phân tích những quy định của pháp luật về chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần
- Xây dựng một tình huống về hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức – Giải quyết tình huống đó trên cơ sở so sánh quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015
- Bạo lực gia đình giữa vợ và chồng – Thực trạng và biện pháp phòng ngừa
- Nêu những sai sót thường gặp của người thực hiện tư vấn pháp luật khi tiếp xúc khách hàng và đưa ra những giải pháp khắc phục – Minh họa bằng các tình huống thực tiễn
- Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự – so sánh với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
- Phân tích, đánh giá những điểm mới của BLTTDS 2015 về Thẩm quyền của Tòa án
- Phân tích vai trò của văn hoá và các lĩnh vực chính của văn hoá theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Vấn đề thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật về thuế – thực trạng từ 2015 đến nay và những vấn đề cần hoàn thiện ở Việt Nam
- Hiện nay, nguyên tắc đồng thuận đang được ASEAN sử dụng dể thông qua các quyết định của mình, bên cạnh những ưu điểm, nguyên tắc đồng thuận cũng đã và đang bộc lộ rất nhiều hạn chế – Vì vậy, để hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra khi Cộng đồng ASEAN đã chính thức được hình thành, ASEAN cần phải thay thế nguyên tắc đồng thuận bằng một nguyên tắc khác linh hoạt và phù hợp hơn
- Phân tích một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về quy chế thành viên của một tổ chức quốc tế liên chính phủ