Phân tích Tội cưỡng đoạt tài sản

TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN (ĐIỀU 135)

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đặc trưng cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội.

Đe doạ sẽ dùng vũ lực là hành vi ( lời nói hoặc hành động) làm cho người bị đe doạ sợ nếu không giao tài sản cho người phạm tội thì sẽ bị đánh đập tra khảo, bị đau đớn về thể xác.

Thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần là những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng ngoài việc đe doạ sẽ dùng vũ lực và thủ đoạn này đã uy hiếp tinh thần của người có tài sản hoặc của người có trách nhiệm về tài sản như: Doạ sẽ tố cáo với chồng về việc vợ ngoại tình, doạ sẽ tố cáo việc phạm tội hoặc việc làm sai trái của người có tàig sản hoặc người có tránh nhiệm về tài sản.v.v…

Có thể nói, cưỡng đoạt tài sản là tìm mọi cách làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm về tài sản sợ hãi phải giao tài sản cho người phạm tội. Như vậy, hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác mà người phạm tội thực hiện là nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nếu hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là tội cưỡng đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi phạm các tội như: Khủng bố quy định tại Điều 81; bức tử quy định tại Điều 100; cưỡng dâm hoặc cưỡng dâm trẻ em quy định tại các Điều 113, 114; cưỡng ép kết hôn quy định tại Điều 146.v.v…

Nếu người phạm tội đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác và cũng nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng tài sản đó lại là đối tượng của tội phạm khác thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như: Chiếm đoạt chất ma tuý quy định tại Điều 194; chiếm đoạt tin chất dùng vào việc sản xuất trái phép ma tuý quy định tại Điều 195; chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 230; chiếm đoạt vật liệu nổ quy định tại Điều 232; chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 233; chiếm đoạt chất phóng xạ quy định tại Điều 236; chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước quy định tại Điều 268 ; cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước người trái phép quy định tại Điều 275; chiếm đoạt chiến lợi phẩm quy định tại Điều 337.v.v…

Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự là tội phạm đã được quy định tại Điều 130 ( tội cưỡng đoạ tài sản xã hội chủ nghĩa ) và Điều 153 (tội cưỡng đoạt tài sản của công dân) Bộ luật hình sự năm 1985. So với Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi bổ sung, nhất là đối với các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, quy định cụ thể hơn, dễ áp dụng hơn. Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hai tọi danh khác nhau về cùng một hành vi cưỡng đoạt tài sản. Nay Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thành một tội cưỡng đoạt tài sản, không phân biệt tài sản xã hội chủ nghĩa hay tài sản của công dân cũng là nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn mới.

Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự nói chung có khung hình phạt nặng hơn tội cưỡng đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 153 và nhẹ hơn tội cưỡng đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 130 Bộ luật hình sự năm 1985.

Về cơ cấu, tội cưỡng đoạt tài sản tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự được cấu tạo thành 5 khoản ( Điều 130 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ có 3 khoản, còn Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ có 2 khoản).

Nhà làm luật quy định thêm nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt  mà Điều 130 và Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định, như phạm tội có tổ chức; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; giá trị tài sản được lượng hoá bằng một số tiền cụ thể mà không quy định tài sản có giá trị lớn như trước

Hình phạt bổ sung cũng được quy định ngay trong điều luật.

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

  1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội cưỡng đoạt tài sản cũng tương tự như đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự , người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 135, vì khoản 1 Điều 135 là tội phạm nghiêm trọng và theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; khoản 1 Điều 135 chỉ là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm tù.

Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản cần chú ý độ tuổi của người phạm tội và các tình tiết định khung hình phạt. Nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 135 Bộ luật hình sự thì chỉ cần xác định người phạm tội đã đủ 14 tuổi là đã phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

  1. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội cưỡng đoạt tài sản cũng tương tự như tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tức là  cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể ( quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ tài sản. Nếu có xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì không phải là những thiệt hại về thể chất (tính mạng, thương tật), mà chỉ có thể là những thiệt hại về tinh thần ( sự sợ hãi, lo âu), tuy có ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng không gây ra thương tích cho người bị hại; tính chất và mức độ xâm phạm đến quan hệ nhân thân ít nghiêm trọng hơn nhiều so với tội cướp tài sản hoặc tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

  1. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan

Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể thực hiện một trong những hành vi khách quan sau:

– Hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực

Đe doạ sẽ dùng vũ lực là hành vi có thể dược thực hiện bằng cử chỉ, hành động hoặc bằng lời nói, nhưng dù được thực hiện bằng hình thức nào thì việc dùng vũ lực cũng không xảy ra ngay tức khắc. Đây là dấu hiệu chủ yếu để phân biệt với tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự. Trong thực tế, có những trường hợp người bị hại bị người phạm tội đe doạ sẽ dùng vũ lực nếu không giao tài sản cho người phạm tội nhưng người bị hại không sợ và không giao tài sản cho người phạm tội, sau đó người phạm tội đã thực hiện hành vi vũ lực đối với người bị hại thì cũng không phải là hành vi cướp tài sản mà vẫn là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ví dụ: Tạ Phú C đã có hành vi đe doạ cháu Nguyễn Thị O là học sinh lớp 6 nếu không đưa cho C  50.000 đồng thì ngày mai đi học sẽ bị đánh. Cháu O rất lo sợ nhưng không biết lấy đâu ra 50.000 đồng đưa cho C, nên hôm sau cháu O rủ thêm bốn bạn khác cùng đi để nếu C có gây sự thì đã có các bạn can thiệp. Hôm sau, cháu O cùng các bạn trên đường đi đến trường thì bị C chặn đường đánh vì cháu O không thực hiện yêu cầu của C, các bạn cùng đi với  cháu O đã kịp báo cho lực lượng bảo vệ bắt C. Việc C thực hiện lời đe doạ của mình đối người bị hại nhưng không vì thế mà cho rằng hành vi của C là hành vi phạm tội cướp tài sản, vì sau khi đe doạ sẽ dùng vũ lực đối với cháu O nếu cháu không giao tài sản thì hành vi cưỡng đoạt tài sản của C đã hoàn thành, còn việc C đánh cháu O thật là hậu quả do hành vi cưỡng đoạt tài sản của C gây ra cho cháu O chức không phải là hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản của cháu O. Tuy nhiên, nếu trước hoặc trong khi đánh cháu O, C vẫn yêu cầu cháu O phải đưa tiền cho C, thì hành vi cưỡng đoạt tài sản của C đã chuyển hoá thành hành vi cướp tài sản và trong trường hợp này C sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự.

Nói chung, người phạm tội chỉ đe doạ dùng vũ lực, nếu người bị hại không giao tài sản thì người phạm tội cũng không dùng vũ lực. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp người phạm tội vẫn thực hiện lời đe doạ của mình để trả thù như trường hợp Tạ Phú C đối với cháu O nêu trên.

Nếu người phạm tội đe doạ sẽ dùng vũ lực và nói rõ ý định của mình buộc người có trách nhiệm về tài sản phải giao tài sản cho người phạm tội trong một thời gian nhất định thì việc xác định hành vi phạm tội của họ dễ dàng hơn nhiều so với trường hợp người phạm tội đe doạ sẽ dùng vũ lực trực tiếp đối với người có trách nhiệm về tài hoặc đối với người khác để buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội. Đây cũng là trường hợp thực tiễn xét xử dễ nhầm lẫn với tội cướp tài sản, bởi vì nếu xác định người phạm tội đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc thì đó là hành vi phạm tội cướp tài sản. Ví dụ: Võ Công L thấy em Trần Mai H 10 tuổi có đeo dây chuyền vàng, L rủ em H đi vào công viên Lê-nin để chơi. Khi đi qua chỗ vắng, L nói với cháu H cởi dây chuyền đưa cho y nếu không sẽ bị đẩy xuống hồ, em H sợ định bỏ chạy thì L kéo em H lại rồi dùng tay giật chiếc dây chuyền của em H và doạ nếu kêu sẽ bóp cổ, rồi y bỏ đi. Nếu xác định người phạm tội chỉ đe doạ sẽ dùng vũ lực chứ không có căn cứ cho rằng người phạm tội dùng vũ lực ngay tức khắc nếu người có trách nhiệm về tài sản không giao tài sản cho người phạm tội thì đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ví dụ: Đào Văn T đang ngồi uống Cà phê trong quán nhìn thấy cháu Hoàng Kim D có đeo một chiếc đồng hồ loại đắt tiền liền nảy ý định chiếm đoạt; T đến gần cháu D dăm doạ: “Cởi đồng hồ đưa cho tao nếu không ăn đòn”, cháu D hoảng sợ  chạy ra ngoài và hô cướp! cướp! Thấy em D hô cướp, T liền bỏ chạy nhưng mọi người trong quán đuổi bắt được y.

Người phạm tội có thể đe doạ sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhưng cũng có thể đe doạ sẽ dùng vũ lực đối với người khác ( chủ yếu là đối với người thân của người có trách nhiệm với tài sản ). Ví dụ: Lê Minh Th viết thư cho chị Trần Thị Thu H với nội dung: “Nếu không giao cho Th 20.000.000 đồng thì Th sẽ chặn đường đánh cháu Trần Đức Tr hoặc sẽ bắt cóc cháu Tr đem bán ra nước ngoài”. Vì sợ Th thực hiện lời đe doạ nên chị H đã phải giao cho Th số tiền mà Th yêu cầu.

-Những thủ đoạn người phạm tội dùng để uy hiếp tinh thần người bị hại nằm chiếm đoạt tài sản

Ngoài hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản, thì người phạm tội còn có thể thực hiện những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản để chiếm đoạt tài sản.

Thông thường người phạm tội dùng những thủ đoạn như:

– Doạ sẽ huỷ hoại tài sản nếu người có trách nhiệm về tài sản không giao tài sản cho người phạm tội. Ví dụ: Doạ sẽ đốt nhà, đốt xe; doạ sẽ đập phá nhà, đập phá xe hoặc những tài sản khác…

– Doạ sẽ tố cáo hành vi sai phạm hoặc những bí mật đời tư của người có trách nhiệm về tài sản mà họ không muốn cho ai biết. Ví dụ: A biết B có ngoại tình với chị H, nên A viết thư yêu cầu B phải giao cho y một số tiền, nếu không y sẽ nói cho vợ của B biết về việc ngoại tình của B.

– Bịa đặt, vu khống người có trách nhiệm về tài sản. Ví dụ: Trần Tuấn A là phóng viên một tờ báo của một ngành, viết một bài vu khống đồng chí Nguyễn Văn T là Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện đã quan hệ bất chính với chị Trần Thị M là nhân viên văn thư của huyện. Tuấn A không gửi bài đăng báo mà giử cho đồng chí T với lời yêu cầu bóng gió “anh nên thu xếp cho êm” và gọi điện thoại gợi ý cho đồng chí T chi một số tiền, y sẽ “dẹp yên” chuyện này. Mặc dù không có việc quan hệ bất chính với chị M, nhưng vì sợ nếu A cho đăng bài báo thì uy tín của mình bị ảnh hưởng, nhất là sắp đến kỳ bầu cử lại Hội đồng nhân dân huyện, nên đồng chí T đã phải giao cho A một khoản tiền. Sau khi nhận được tiền, Tuấn A thấy có thể tiếp tục tống tiền được đồng chí T nên lại  gọi điện yêu cầu  đồng chí giao thêm tiền để lo việc, nhưng đồng chí T đã tố cáo hành vi tống tiền của A.

 – Giả danh là cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội, Thuế vụ, Hải quan… để kiểm tra, bắt giữ, khám người có trách nhiệm về tài sản buộc họ phải giao nộp tiền hoặc tài sản. Ví dụ: Bùi Huy T, Vũ Văn Đ và Hoàng Văn H đã giả danh Cảnh sát giao thông để chặn xe tải do anh Đinh Văn Th lái, buộc anh Th phải nộp một số tiền nếu không sẽ đưa xe về trụ sở. Vì anh Th chở hàng tươi sống nếu để chúng đưa xe về trụ sở thì sẽ hỏng hết hàng nên anh Th đã giáo cho bọn chúng một số tiền.

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi được thực hiện một cách công khai, trắng trợn. Tuy nhiên, sự công khai trắng trợn chủ yếu đối với người có trách nhiệm về tài sản, còn đối với những người khác, người phạm tội không quan tâm, nếu hành vi phạm tội được thực hiện ở nơi công cộng, người phạm tội chỉ công khai trắng trợn với người có trách nhiệm về tài sản còn những người khác thì người phạm tội lại có ý thức lén lút.

Hậu quả

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức, điều này được thể hiện ngay điều văn của điều luật “nhằm chiếm đoạt tài sản”, do đó cũng như đối với tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt, hậu quả  không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, nếu người phạm tội chưa gây ra hậu quả nhưng có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi đe dạo sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả thì tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nặng hơn hoặc là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt.

Nếu hậu quả chưa xảy ra ( người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản) thì cũng không vì thế mà cho rằng tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện ở giai đoạn chưa đạt, vì người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan đó là đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc đã dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm đến tài sản. Tuy nhiên, nếu người phạm tội chưa thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc chưa dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản, thì hành vi phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội. Ví dụ: A, B, C bàn bạc sẽ viết thư đe doạ D nhằm buộc D phải giao cho cúng một số tiền, nhưng chưa viết thư hoặc dã viết thư rồi nhưng chưa gửi cho D thì bị phát hiện. Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự thì người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó chỉ người chuẩn bị phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 135 Bộ luật hình sự mới phải chịu trách nhiệm hình sự, vì khoản 1 Điều 135 không phải là tội phạm rất nghiêm trọng.

Do cấu tạo của Điều 135 Bộ luật hình sự không có quy định trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của người khác là tình tiết định khung hình phạt. Do đó, nếu người phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị hại hoặc của người khác thì tuy từng trường hợp mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoe của người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Sau khi đã cưỡng đoạt được tài sản, người phạm tội bỏ đi thì bị phát hiện nên đã dùng vũ lực tấn công người bị hại hoặc người đuổi bắt gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ cho những người này.

  1. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Cũng như đối với tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Nếu hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản lại nhằm một mục đích khác mà không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là tội cưỡng đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khác. Ví dụ: Để thù anh Đinh Văn Q, nên Đỗ Cao Th đã viết đơn vu khống anh Q  dùng bằng tốt nghiệp phổ thông giả nhằm ngăn cản việc anh Q sắp được đề bạt. Hành vi của Đỗ Cao Th là hành vi phạm tội vu khống quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự.

Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có thể có trước khi thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản, nhưng cũng có thể xuất hiện trong hoặc sau khi đã thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản. Ví dụ: Trong trường hợp của Đỗ Cao Th nêu trên, nếu sau khi đã viết đơn vu khống, Đỗ Cao Th lại có yêu cầu anh Q phải giao cho y một khoản tiền thì y mới rút đơn bãi nại cho anh Q thì hành vi của Th đã chuyển hoá từ tội vu khống thành tội cưỡng đoạt tài sản.

 Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội danh. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Ví dụ: Nguyễn Tiến D, có thù với anh Trịnh Quốc H nên D đã rủ Đỗ Văn S và Lê Thị T viết thư cho vợ anh H vu khống anh H có quan hệ bất chính với một cô sinh viên để trả thù, nhưng khi bàn với S và T thì S và T nói : “Chúng tao cần tiền”. Sau khi đã viết thư vu khống anh H, S và T điện thoại cho anh H phải nộp 50.000.000 đồng nếu không sẽ gửi tiép thư cho cơ quan anh H, D biết việc làm của S và T nhưng không nói gì. Trong trường hợp này, lúc đầu Nguyễn Tiến D chỉ có ý định trả thù anh H, nhưng khi bàn với đồng bọn, D đã tiếp nhận mục đích của S và T, nên D cũng phải chịu trách nhiệm về tội cưỡng đoạt đoạt tài sản cùng với S và T.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Phạm tội cưỡng đoạt tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt

Theo quy định tại khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội cưỡng đoạt tài sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 135 có thể bị phạt từ một năm đến năm năm tù. Khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự là cấu thành cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản, là tội phạm  nghiêm trọng. So với tội cưỡng đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn khoản 1 Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn khoản 1 Điều 130 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đối với hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản của công dân xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau ngày 4-1-2000 ( ngày Chủ tịch nước công bố Bộ luật hình sự năm 1999), mới phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì không được áp dụng khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng đối với hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện, xử lý thì không được áp dụng Điều 135 Bộ luật hình sự 1999 để điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội mà phải áp dụng Điều 130 Bộ luật hình sự năm 1985, vì theo khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 thì điều luật được áp dụng đối với hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 7. Tuy nhiên, tại mục 4 Thông tư liên tịch số 02/2000 TTLT của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an đã hướng dẫn: “Đối với những Tội phạm đã được quy định trong một điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985, nay theo cách so sánh tại các điểm từ điểm b1 đến điẻm b6 Mục 2 và tại các điểm từ điểm d1 đến điểm d6 Mục 3 Thông tư này mà vẫn giữ nguyên trong điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự 1999, thì áp dụng điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự. Hướng dẫn này không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999, đề nghị các cơ quan ban hành Thông tư này cần sửa đổi để phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999.

Khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm tù.  Theo quy định tại điểm d Mục 3 Nghị quyết 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội, thì không xử lý về hình sự đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đến bảy năm tù; nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt và tại điểm b Mục 3 Nghị quyết 229/2000/NQ-UBTVQH10 ngày 28-1-2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội  quy định: “Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu Bộ luật hình sự năm 1999 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù đối với tội phạm mà người đó thực hiện” thì  thuộc trường hợp được áp dụng điểm d Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội. Theo các Nghị quyết trên, thì người phạm tội cưỡng đoạt tài sản của công dân xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1985, nay khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có khung hình phạt từ một năm đến năm năm tù nên được áp dụng điểm d Mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phu thuộc vào những yếu tố sau:

– Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;

– Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;

– Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;

– Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản; tài sản bị chiếm đoạt càng nhiều, hình phạt càng nặng.

– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt có thể được áp dụng dưới mức một năm tù hoặc được chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì cũng có thể được hưởng án treo.

  1. Cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự

Có tổ chức

Trường hợp phạm tội này tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, các dấu hiệu về phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với phạm tội cưỡng đoạt tài sản có tổ chức còn có những đặc điểm riêng sau:

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc trực tiếp dùng những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản; chuyển lời đe doạ, thư từ hoặc những tài liệu có nội dung uy hiếp tinh thần đến chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản; tiếp nhận tài sản do chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản giao cho người phạm tội …

Người thực hành trong vụ án cưỡng đoạt tài sản cũng có thể có hành vi thái quá trong quá trình thực hiện tội phạm. Ví dụ: A, B, C bàn bạc giao cho C đến nhà chị H đe doạ chị H phải chia cho chúng một phần tiền trúng thưởng xổ số nếu không chúng sẽ nói với chồng của chị H về việc chị H có quan hệ bất chính với anh T. Khi C đến thực hiện kế hoạch mà chúng đã bàn bạc từ trước, thì bị chị H khước từ và thách thức sẽ báo cho Công an biết về hành vi tống tiền của bọn chúng. Một phần vì sợ bị phát hiện, một phần vì muốn chiếm đoạt được tiền của chị H nên C đã rút dao trong người khống chế chị H buộc chị H phải mở tủ lấy tiền đưa cho C. Trong lúc chị H đang mở tủ thì lực lượng cảnh sát đã kịp thời đến bắt  C. Trong trường hợp này, hành vi của C không còn là hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần chị H như lúc đầu chúng đã bàn mà đã trở thành hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nên hành vi của C là hành vi thái quá của người thực hành, C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản còn A và B bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.

Tuy nhiên, nếu hành vi thái quá đó chỉ nhằm thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực mà những người đồng phạm khác mong muốn thì hành vi thái quá của người thực hành tất cả những đồng phạm khác phải chịu. Ví dụ: Nguyễn Tất N, Lê Văn T và Nguyễn Xuân H bàn bạc thống nhất viết thư cho chị Trần Thị X với nội dung: “nếu đúng 5 giờ ngày mai không giao cho chúng 4 lượng vàng 9999 thì chúng sẽ đưa bức ảnh mà chúng đã chụp lén được cảnh chị X cùng với anh Nguyễn Văn B đang ôm hôn nhau cho chồng chị X” . Theo kế hoạch, thì Lê Văn T có nhiệm vụ chuyển thư cho chị X và cho chị X xem bức ảnh mà chúng chụp lén được. Nhưng khi T đưa thư và ảnh cho chị X xem, chị X không hề tỏ ra lo sợ mà còn nói với T: “ Các chú không doạ nổi tôi đâu ! tôi và chồng tôi đã ly hôn rồi và tôi sắp kết hôn với người trong ảnh”. Thấy không doạ được chị X, T liền nghĩ ngay ra một cách khác là doạ chị X: “nếu chị không đưa tiền thì con trai chị sẽ bị bắt cóc”. Chị X không sợ lời đe doạ về bức ảnh nhưng lại lo sợ con trai mình bị bắt cóc, nên đã hứa với T đúng 5 giờ ngày mai chúng sẽ nhận đựơc vàng. Sau khi T đi khỏi, chị X đã nhờ lực lượng cảnh sát can thiệp nên N, T và H đều bị bắt. Trong trường hợp này tuy T có hành vi thái quá nhưng hành vi này không nhằm mục đích chung mà các đồng phạm khác đặt ra và hành vi thái quá của T cũng là dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản nên N và H vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi thái quá của T.

Người tổ chức trong vụ án cưỡng đoạt tài sản cũng tương tự như đối với người tổ chức trong các vụ án khác, họ cũng là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, người tổ chức trong vụ án cưỡng đoạt tài sản chủ yếu là người vạch kế hoạch, chỉ huy việc thực hiện kế hoạch uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản.

Người xúi giục trong vụ án cưỡng đoạt tài sản là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện tội phạm. Thực tiễn xét xử cho thấy, người xúi giục trong vụ án cưỡng đoạt tài sản thường là những người có mâu thuẫn với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản, nhưng không có khả năng tổ chức, thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ cũng như không có khả năng tự mình dùng những thủ đoạn nhằm uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản nên xúi dục người khác thực hiện việc cưỡng đoạt, đồng thời có một số hành vi giúp sức cho việc thực hiện tội phạm như: chỉ mặt, chỉ nhà, cung cấp quy luật đi về của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản cho đồng bọn… Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người xúi giục trong vụ án cưỡng đoạt tài sản đồng thời là người tổ chức.

Người giúp sức trong vụ án cưỡng đoạt tài sản là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn nhằm uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản  như: cho đồng bọn dùng điện thoại của mình để gọi điện cho chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản; chuyển thư, nhắn tin cho chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản về nội dung lời đe doạ; nhận tiền hoặc tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản chuyển giao cho đồng bọn…

Có tính chất chuyên nghiệp

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 133 và điểm b khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự, nhưng trường hợp phạm tội này là trường hợp cưỡng đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp.

Cưỡng đoạt có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp người phạm tội chủ yếu lấy việc cưỡng đoạt tài sản  là nguồn sống chính của bản thân và gia đình mình, nếu người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính, nhưng mới phạm tội cưỡng đoạt tài sản một lần thì không thuộc trường hợp cưỡng đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự mà thuộc trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

Tái phạm nguy hiểm

Trường hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự và bất kỳ trường hợp tái phạm nguy hiểm nào được quy định trong Bộ luật hình sự. Các dấu hiệu về tái phạm nguy hiểm được quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, phạm tội cưỡng đoạt tài sản trong trường hợp tái phạm nguy hiểm khi:

– Người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội cưỡng đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 135 Bộ luật hình sự, nếu chỉ phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự thì chưa thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm vì khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự không phải là tội phạm rất nghiêm trọng.

– Người phạm tội đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội cưỡng đoạt tài sản không phân biệt phạm tội thuọc trường hợp quy định tại khoản nào của Điều 135 Bộ luật hình sự.

Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp phạm tội quy định tại điểm e khoản 2 Điều 133; điểm h khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự. Việc chiếm đoạt được hay không, không phải là dấu hiệu bắt buộc để xác định trường hợp phạm tội này mà chỉ cần chứng minh người phạm tội có ý định chiếm đoạt số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng là người phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điẻm d khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự rồi.

Gây hậu quả nghiêm trọng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm g khoản 2 Điều 133; điểm i khoản 2 Điều 134, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng là do hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản gây ra.

Cưỡng đoạt tài sản gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp do hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản nên đã gây ra những thiệt hại khác ngoài những thiệt hại đã được quy định là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt. Những thiệt hại này gọi chung là “hậu quả nghiêm trọng”.

Cũng như các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng khác, hậu quả nghiêm trọng do hành vi cưỡng đoạt tài sản gây ra cũng phải tương đương với các tình tiết định khung quy định tại khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự vì nó cũng là một tình tiết định khung hình phạt được quy định trong một khung. Căn cứ vào các quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự, qua thực tiến xét xử có thể coi những thiệt hại sau là hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản gây ra:

– Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 40%;

– Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 21% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người đó cộng lại từ 21% đến 40%;

– Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật dưới 21% và còn gây thiệt hại vè tài sản có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, nhưng không phải là tài sản bị chiếm đoạt;

– Ngoài những thiệt hại về về tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi cưỡng đoạt tài sản gây ra, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho nhiều người trên một địa bàn nhất định, làm cho nhiều người vì quá sợ hãi nên phải bỏ học, bỏ việc làm, không dám lao động sản xuất, không dám buôn bán.v.v… Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ án cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng. Khi quyết định hình phạt, cần chú ý một số điểm sau:

 Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có tình tiết tăng nặng nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới ba năm tù) nhưng không được dưới một năm tù. Việc cho người phạm tội được hưởng án treo phải rất thận trọng và phải đảm bảo đúng các quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:

– Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 135 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự;

– Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;

– Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;

– Thiệt hại về tài sản, tinh thần càng lớn, hình phạt càng nặng và ngược lại;

 – Người phạm tội bồi thường được càng nhiều tài sản bị chiếm đoạt thì mức hình phạt càng được giảm so với người phạm tội chỉ bồi thường hoặc chỉ bồi thường không đáng kể.

  1. Cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 135 Bộ luật hình sự

Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ tài sản bị chiếm đoạt ở mức từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng. Đây là giá trị tài sản bị chiếm đoạt rất lớn và cũng như trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự, chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng chứ không nhất thiết phải xác định người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa.

Gây hậu quả rất nghiêm trọng

Trương hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả mà người phạm tội gây ra trong trường hợp này là hậu quả rất nghiêm trọng. Cũng như đối với các trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng khác, hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi cưỡng đoạt tài sản gây ra cũng phải tương đương với các tình tiết định khung quy định tại khoản 3 Điều 135 Bộ luật hình sự vì nó cũng là một tình tiết định khung hình phạt được quy định trong một khung. Căn cứ vào các quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự và thực tiễn xét xử có thể coi những thiệt hại sau đây là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi phạm tội cưỡng đoạt gây ra:

– Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 41% đến 60%;

– Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 41% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người đó cộng lại từ 41% đến 60%;

– Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật dưới 41% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị dưới 200.000.000 đồng;

– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, nhưng không phải là tài sản bị chiếm đoạt;

– Ngoài những thiệt hại về sức khoẻ hoặc tài sản có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi cưỡng đoạt tài sản gây ra, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng rất xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho rất nhiều người trên một địa bàn nhất định, làm cho rất nhiều người vì quá sợ hãi nên phải bỏ học, bỏ việc làm, không dám lao động sản xuất, không dám buôn bán.v.v… Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ án cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 135 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng. Khi quyết định hình phạt, cần chú ý một số điểm sau:

Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có tình tiết tăng nặng nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù) nhưng không được dưới ba năm tù.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:

– Người phạm tội thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 135 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 135 Bộ luật hình sự;

– Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;

– Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;

– Thiệt hại về tài sản, tinh thần càng lớn, hình phạt càng nặng và ngược lại;

 – Người phạm tội bồi thường được càng nhiều tài sản bị chiếm đoạt thì mức hình phạt càng được giảm so với người phạm tội chỉ bồi thường hoặc chỉ bồi thường không đáng kể.

  1. Cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 135 Bộ luật hình sự

Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 135 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ tài sản bị chiếm đoạt ở mức từ năm trăm triệu đồng trở lên. Đây là giá trị tài sản bị chiếm đoạt đặc biệt lớn và cũng như trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 và điểm a khoản 3  Điều 135 Bộ luật hình sự, chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên chứ không nhất thiết phải xác định người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa.

Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Trương hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 135 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả mà người phạm tội gây ra trong trường hợp này là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi cưỡng đoạt tài sản gây ra cũng phải tương đương với các tình tiết định khung quy định tại khoản 4 Điều 135 Bộ luật hình sự vì nó cũng là một tình tiết định khung hình phạt được quy định trong một khung. Căn cứ vào các quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự, qua thực tiễn xét xử có, thể coi những thiệt hại sau đây là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản gây ra:

– Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

– Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 61% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người đó cộng lại từ 61% trở lên;

– Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật dưới 61% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị dưới 500.000.000 đồng;

– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên, nhưng không phải là tài sản bị chiếm đoạt;

– Ngoài những thiệt hại về về tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi cưỡng đoạt tài sản gây ra, như ảnh hưởng đặc biệt xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho rất nhiều người trên một địa bàn nhất định, làm cho rất nhiều người vì quá sợ hãi nên phải bỏ học, bỏ việc làm, không dám lao động sản xuất, không dám buôn bán.v.v… Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ án cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 135 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Khi quyết định hình phạt, cần chú ý:

Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có tình tiết tăng nặng nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười hai năm năm tù) nhưng không được dưới bảy năm tù.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:

– Người phạm tội thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 135 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 135 Bộ luật hình sự;

– Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;

– Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;

– Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, tinh thần càng lớn, hình phạt càng nặng và ngược lại;

 – Người phạm tội bồi thường được càng nhiều tài sản bị chiếm đoạt thì mức hình phạt càng được giảm so với người phạm tội chưa bồi thường hoặc chỉ bồi thường không đáng kể.

  1. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản

Theo quy định tại khoản 5 Điều 135 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

So với tội cưỡng đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 130 và tội cưỡng đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1985 thì hình phạt bổ sung đối với tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều điểm được sửa đổi bổ sung.

Bỏ hình phạt quản chế hoặc cấm cư trú

Hình phạt tiền là loại hình phạt mới được quy định đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản, mức phạt tiền là từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Có thể nói, đây là khung hình phạt tiền đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản thì không được phạt trên một trăm triệu đồng, nhưng nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì có thể phạt dưới mười triệu đồng nhưng không được dưới một triệu đồng vì theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Bộ luật hình sự mức phạt tiền không được dưới một triệu đồng.

Việc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội cưỡng đoạt tài sản phải chú đến các quy định tại Điều 40 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Chỉ tịch thu tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội, không tịch thu các loại tài sản là đồ trang sức, vật kỷ niệm của người phạm tội. Nếu tịch thu toàn bộ tài sản thì vẫn phải để cho người phạm tội và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

Tham khảo thêm:

1900.0191