TỘI LÀM NHỤC NGƯỜI KHÁC ( ĐIỀU 121)
Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người.
CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM
- Đối với người phạm tội
Người phạm tội phải là người có hành vi (hành động) được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm danh dự của người khác như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông người, thoả mãn thú vui của xác thịt v.v…Tất cả những hành vi này chưa tới mức cấu thành tội phạm như: Hiếp dâm, cưỡng dâm và không thuộc trường hợp dâm ô với trẻ em, mà chỉ xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Ví dụ: Một bọn lưu manh bắt một cô gái mà chúng nghi là cô này đã báo cho Công an bắt chúng về hành vi tụ tập đánh bạc ăn tiền, rồi đưa cô gái này đến một đoạn đường vắng lột trần truồng thay phiên nhau có hành vi dâm ô với cô gái rồi thả cho cô gái này về nhưng không cho mặc quần áo.
Ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn cho người bị hại bị nhục với nhiều động cơ khác nhau như: để trả thù, có thể trả thù chính người bị hại hoặc cũng có thể trả thù người thân của người bị hại, để thoả mãn thú vui xác thịt.
Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực như: bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế đe doạ buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình, nhưng tất cả các hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác. Tuy nhiên, nếu hành vi đó lại cấu thàh một tội riêng thì tuỳ trường hợp cụ thể người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện. Ví dụ: Phan Anh T là một tên có nhiều tiến án tiền sự, T yêu chị Lê Thị H nhưng chị H lại yêu anh Đỗ Mạnh K. Biết anh K đã có vợ, nên T rủ thêm Bùi Công Q hẹn anh K đến chỗ vắng để giải quyết việc yêu đương, anh K nhận lời đến chỗ hẹn thì bị T và Q dùng dao găm khống chế bắt anh K phải cởi hết quần áo đưa cho bọn chúng, anh K xin được mặc chiếc quần lót (quần đùi) nhưng chúng không cho, anh K định bỏ chạy thì bị T đâm một nhát vào bụng rồi chúng ôm quần áo của anh K về đưa cho vợ anh K nói rằng anh K đã ngủ với vợ người khác bị bắt quả tang. Anh K bị thương phải đưa vào bệnh viện cấp cứu và điều trị 40 ngày. Kết luận pháp y xác định anh K bị thương tích có tỷ lệ thương tật 35%. Trong trường hợp này, ngoài tội làm nhục người khác, Phan Anh T và Bùi Công Q còn bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự.
- Về phía người bị hại.
Là người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự. Việc xác định như thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng cũng là một vấn đề khá phức tạp, bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau, nhưng có người bị thấy nhục hoặc rất nhục, nhưng có người lại thấy bình thường, không thấy bị nhục. Về phía người phạm tội cũng có nhận thức tương tự như vậy, họ cho rằng với hành vi như thế thì người bị làm nhục sẽ nhục hoặc rất nhục, nhưng người bị hại lại thấy chưa bị nhục. Những chuẩn mực này, nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại thì cũng chưa thể xác định một cách chính xác được mà phải kết hợp với các yếu tố như: trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình v.v… Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục.
CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
- Làm nhục một người và không thuộc trường hợp quy định tại khoản Điều 121 Bộ luật hình sự ( khoản 1 Điều 121)
Đây là trường hợp phạm tội không có tình tiết là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 121 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội phạm. Người phạm tội thuộc trường hợp này bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng. Tuy nhiên so với khoản 1 Điều 116 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này thì khoản 1 Điều 121 Bộ luật hình sự năm 1999 có mức hình phạt cải tạo không giam giữ cao hơn ( hai năm so với một năm). Vì vậy, nếu áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội thực hiện hành vi trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý thì chỉ được áp dụng cao nhất là một năm.
Theo Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự thì phạm tội làm nhục người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 121 Bộ luật hình sự chỉ bị khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Nếu người bị hại không yêu cầu thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Phạm tội nhiều lần ( điểm a khoản 2 Điều 121)
Là trường hợp làm nhục từ hai lần trở lên đối với một người và nếu tách mỗi lần ra thì hành vi phạm tội vẫn cấu thành tội làm nục người khác theo khoản 1 Điều 121 Bộ luật hình sự. Đây là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 121 Bộ luật hình sự nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.
- Đối với nhiều người ( điểm b khoản 2 Điều 121)
Là trường hợp người phạm tội đã cùng một lúc hoặc nhiều lần làm nhục từ hai người trở lên. Nếu cùng một lúc làm nhục nhiều người hoăc nhiều lần làm nhục nhưng mỗi lần chỉ làm nhục một người thì chỉ bị coi là làm nhục nhiều người, nhưng nếu có một người trong số những người bị làm nhục bị làm nhục nhiều lần thì người phạm tội còn bị coi là làm nhục nhiều lần theo điểm a khoản 2 Điều 121 Bộ luật hình sự. Đây cũng là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 121 Bộ luật hình sự nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm nhục người khác (điểm c khoản 2 Điều 121)
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một cong vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm nhục người khác là hành vi do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi làm nhục người khác đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc làm nhục người bị hại; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc làm nhục một cách dễ dàng. Tuy nhiên, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để làm nhục thì mới bị coi là có tình tiết tăng nặng. Nếu tội phạm do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm nhục.
Đây cũng là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 121 Bộ luật hình sự năm 1999, nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.
- Làm nhục người thi hành công vụ ( điểm d khoản 2 Điều 121)
Đây là trường hợp người bị hại là người thi hành công vụ và vì thi hành công vụ mà bị làm nhục, bao gồm cả trường hợp đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ mà bị làm nhục. Người thi hành công vụ là người được các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội giao một nhiệm vụ cụ thể và thực hiện nhiệm vụ đó như: Cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự, làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông; Điều tra viên làm nhiệm vụ điều tra một vụ án hình sự; Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật; Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đang xét xử vụ án hoặc đang giải quyết một vụ án; bảo vệ cơ quan xí nghiệp, các công chức, viên chức của cơ quan nhà nước đang thực hiện nhiệm vụ trong công sở hoặc ngoài công sở v.v…
Làm nhục người thi hành công vụ là hành vi nghiêm trọng hơn làm nhục người khác vì khi thi hành công vụ, người bị hại thay mặt Nhà nước, tổ chức xã hội chứ không phải nhân danh cá nhân họ, làm nhục người thi hành công vụ là làm mất uy tín, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Nhà nước tổ chức xã hội.
- Làm nhục người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình (điểm đ khoản 2 Điều 121)
Người dạy dỗ người phạm tội là thầy, cô giáo trong các trường trong hệ thống các trường đào tạo giáo dục của Nhà nước hoặc của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cũng có thể chỉ là người dạy dỗ người phạm tội theo một hợp đồng dân sự như: gia sư, huấn luyện viên… Nói chung những người dạy dỗ người phạm tội là những người thầy mà người phạm tội lẽ ra phải kính trọng, lễ phép.
Người nuôi dưỡng người phạm tội là những người có trách nhiệm nuôi dưỡng người phạm tội. Trách nhiệm này có thể do quan hệ huyết thống như bố mẹ đối với con cái, ông bà đối với cháu, anh, chị đối với các em; có thể do quan hệ hôn nhân trong trường hợp người vợ hoặc người chồng không còn khả năng lao động phải sống nhờ vào người vợ hoặc người chồng; có thể do quan hệ xã hội mà phát sịnh mối quan hệ giữa người có trách nhiệm nuôi dưỡng với người được nuôi dưỡng như: nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nuôi dưỡng thương bệnh binh, nuôi dưỡng người cao tuổi cô đơn, nuôi dưỡng bệnh nhân…
Người chăm sóc người phạm tội là những người theo nghĩa vụ hoặc theo hợp đồng có trách nhiệm chăm sóc người phạm tội. Nói chung, người có trách nhiệm nuôi dưỡng đồng thời là người có trách nhiệm chăm sóc. Tuy nhiên cũng có trường hợp chỉ chăm sóc mà không nuôi dưỡng hoặc chỉ có nuôi dưỡng mà không có chăm sóc. Người chăm sóc là người trực tiếp tiếp xúc với người phạm tội như chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc những sinh hoạt hành ngày như cho ăn, cho uống…
Người chữa bệnh cho người phạm tội là những người thầy thuốc như: bác sỹ, y tá hoặc nhân viên y tế… những người này có thể là người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người phạm tội nhưng cũng có thể chỉ chữa bệnh cho người phạm tội còn chăm sóc nuôi dưỡng lại là người khác.
Đây cũng là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 2 Điều 121 Bộ luật hình sự nên không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.
Phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; đối với người thi hành công vụ; đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình thị người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 121 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ một năm đến ba năm. So với khoản 2 Điều 116 Bộ luật hình sự năm 1985 thì hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 121 Bộ luật hình sự năm 1999 năng hơn. Do đó không áp dụng đối với hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.
Ngài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm theo khoản 3 Điều 121 Bộ luật hình sự. Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định hình phạt bổ sung đối với tội làm nhục người khác, vì vậy đói với người phạm tội làm nhục người khác trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý thì không được áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ.
Tham khảo thêm:
- Phân tích Tội hành hạ người khác
- Phân tích Tội hiếp dâm
- Phân tích Tội hiếp dâm trẻ em
- Phân tích Tội cưỡng dâm
- Phân tích Tội cưỡng dâm trẻ em
- Phân tích Tội giao cấu với trẻ em
- Phân tích Tội dâm ô đối với trẻ em
- Phân tích Tội lây truyền HIV cho người khác
- Phân tích Tội cố ý truyền HIV cho người khác
- Phân tích Tội mua bán phụ nữ