Quyền của phụ nữ nông thôn trong nông lâm ngư nghiệp dưới góc độ bình đẳng giới

 

Việt Nam được Liên Hợp Quốc công nhận là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua tại khu vực Đông Nam Á, là nước đứng đầu trong khu vực về xóa bỏ khoảng cách giới. Phụ nữ chiếm 48% trong số tổng lao động có việc làm; trẻ em gái được đi học ngày càng nhiều hơn… Tuy nhiên, để người phụ nữ nông thôn tự khẳng định mình và bình đẳng với nam giới là cả một chặng đường dài.

Thực tế cho thấy phụ nữ là lao động chính ở nông thôn hiện nay. Theo số liệu điều tra, ở nước ta hiện nay trong gần 80% phụ nữ của khu vực nông thôn thì có đến 58% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Phụ nữ nông thôn Việt Nam là một chủ thể quan trọng mang lại thu nhập chính cho gia đình. Họ không chỉ là người lao động chính mà còn là người góp phần sản xuất ra phần lớn nông phẩm.

Công ước CEDAW (Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ” (Convention on the Elimination of all forms of Discrimination against Women) mà Việt Nam là quốc gia tham gia Công ước. Trong công ước này đã có những điều khoản nhất định bảo vệ quyền của người phụ nữ nông thôn, tiêu biểu là điều 14:

  1. Các nước tham gia Công ước phải quan tâm đến các vấn đề đặc biệt đặt ra đối với phụ nữ nông thôn và vai trò quan trọng của phụ nữ nông thôn trong đời sống kinh tế gia đình, kể cả công việc của họ trong những việc làm không được không được trả công và phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để đảm bảo thực hiện các điều khoản của Công ước này đối với phụ nữ nông thôn.
  2. Các nước tham gia Công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ nông thôn để đảm bảo cho phụ nữ, trên cơ sở bình đẳng nam nữ, được tham gia và hưởng lợi từ quá trình phát triển nông thôn, đặc biệt các nước tham gia Công ước phải đảm bảo cho phụ nữ nông thôn các quyền:
  3. Tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển ở tất cả các cấp;
  4. Được tiếp cận các phương tiện chăm sóc sức khoẻ thích hợp kể cả thông tin, tư vấn và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình;
  5. Được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình bảo hiểm xã hội;

Quyền của người phụ nữ nông thôn về kinh tế đã được nâng lên thông qua việc pháp luật quy định phụ nữ cùng đứng tên với nam giới trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, nhà ở, và tài sản. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia đã hoàn thành báo cáo về tình hình thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).

Nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng và nội luật hoá các cam kết đã được ghi nhận trong Công ước CEDAW, nhà nước ta đã thể chế hoá những quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013, văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Điều 26 Hiến pháp quy định:

  1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.
  2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
  3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Luật Bình đẳng giới 2006 cũng có những quy định:

“Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm,

khuyến ngư theo quy định của pháp luật.” (Điểm b Khoản 2 Điều 12 Luật BĐG).

Phần lớn phụ nữ nông thôn gắn liền các hoạt động nông nghiệp ở nông thôn – nơi mà người phụ nữ nông thôn còn chưa nắm bắt được quyền lợi của mình là rất nhiều. Chính vì thế, quyền và lợi ích của họ trong tìm kiếm, tạo việc làm vẫn chưa được đảm bảo một cách tuyệt đối.

Trên thực tế, khả năng lao động của phụ nữ nông thôn không hề thua kém nam giới, năng suất lao động để kiếm thu nhập của họ còn cao hơn nam giới. Bởi lẽ, ở nông thôn phụ nữ tham gia vào sản xuất nông nghiệp nhiều hơn nam giới, đồng thời phụ nữ còn phải gánh vác các công việc đồng áng, gia đình, con cái dẫn đến thiếu thời gian ngủ, hưởng thụ thành quả. Từ những thực trạng đó, không ít quyền của người phụ nữ nông thôn đã bị ảnh hưởng, không được đảm bảo trên thực tế.

Dưới góc độ pháp lý, “ Bình đẳng giới là việc nam nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó” (khoản 3 Điều năm Luật Bình đẳng giới).

Quyền của phụ nữ nông thôn trong nông lâm ngư nghiệp dưới góc độ bình đẳng giới  bao gồm những nội dung sau đây:

Về điều kiện và cơ hội để phát huy năng lực, trong điều kiện kinh tế phát triển mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn hết sức cần thiết. Bởi chỉ khi được đào tạo nghề, biết cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi thì chị em mới có thể cải thiện đời sống kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Khi ấy, chị em sẽ có tiếng nói trong gia đình, có cơ hội để được bình đẳng với chồng về kinh tế, hạn chế xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội sẽ được nâng lên.[2]

Về tiếp cận và kiểm soát nguồn lực, phụ nữ nông thôn thường bị hạn chế hơn nam giới trong tiếp cận đất đai, vốn hay các nguồn lực khác. Điều này ảnh hưởng đến việc đảm bảo và duy trì cuộc sống hàng ngày của họ, làm họ phải lệ thuộc nhiều hơn vào nam giới. Sự bất bình đẳng giới trong tiếp cận đến các nguồn lực và quyền lực ảnh hưởng đến tính tự chủ của phụ nữ trong việc ra quyết định cho sự phát triển của bản thân cũng như gia đình. Sự hạn chế về giáo dục, sức khoẻ và việc thiếu quyền tự chủ của người mẹ đã gây bất lợi trực tiếp cho con cái của họ, gây suy dinh dưỡng của trẻ em, làm tăng chi phí chống suy dinh dưỡng trong tiến trình phát triển nông thôn.

Về mặt tiếp cận nguồn nước sạch và các công trình thủy lợi: Phụ nữ và nam giới ở nông thôn có những vai trò khác nhau trong việc quản lý cung cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường cũng như quản lý khai thác và bảo vệ các hệ thống thủy nông.

Về mặt tiếp cận các dịch vụ tín dụng: Mặc dù pháp luật và chính sách của Nhà nước đều khẳng định phụ nữ và nam giới phải được bình đẳng trong việc tiếp cận tín dụng, song vẫn có những chênh lệch đáng kể trong việc áp dụng các điều luật và chính sách trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, phần lớn phụ nữ khó đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn tín dụng chính thức vì họ không phải là chủ hộ và không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, các ngân hàng đã nhận thức được sự bất bình đẳng đối với phụ nữ nông dân và nữ chủ doanh nghiệp khi tiếp cận tín dụng.

Về việc thụ hưởng các thành quả của sự phát triển, mặc dù các hoạt động nông lâm ngư nghiệp thường mang tính chất nặng nhọc nhưng vì đời sống khó khăn nên người phụ nữ nông thôn thường không có thời gian nghỉ ngơi.

Về phân công lao động, việc phân bổ thời gian làm việc nhà và các công việc gia đình liên quan giữa phụ nữ và nam giới khác nhau cũng là một nhân tố gây nên tình trạng phân tách giới và kéo theo đó là khoảng cách về thu nhập. Phụ nữ nông thôn thường phải gánh phần lớn công việc nhà và chăm sóc gia đình, trong khi nam giới chủ yếu chịu trách nhiệm làm kinh tế. Khi tất cá các hoạt động này gia tăng, phụ nữ thường phải làm việc nhiều giờ hơn nam giới, và điều này ảnh hưởng đến thời gian giải trí và hạnh phúc của họ.

Về sức khỏe lao động nữ trong sản xuất nông nghiệp nông thôn, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2007 có gần 4 triệu tấn phân bón các loại bị sử dụng lãng phí do cây trồng không hấp thụ được ( chiếm 55% ) cộng với việc lạm dụng sử dụng tới 75.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật mà không tuân thủ các quy trình kỹ thuật đã gây mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm nghiêm trọng đất, nguồn nước tại nhiều vùng nông thôn. Cùng với trồng trọt, hàng năm, ngành chăn nuôi cũng “đóng góp” khoảng 73 triệu tấn chất thải, trong đó chỉ có 30% đến 60%  chất thải được xử lý, còn lại xả thẳng ra môi trường. Ngay cả mô hình chăn nuôi trang trại cũng chỉ có 10% trong số 16.700 trang trại có hệ thống xử lý chất thải. Ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp nông thôn tác động xấu đến sức khỏe của phụ nữ nhiều hơn nam giới, bởi phụ nữ là người đảm nhận chính các hoạt động sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi.

Ở Việt Nam, phụ nữ nông thôn là lực lượng to lớn và quan trọng của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo số liệu từ Tổng điều tra dân số năm 2009, trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp phụ nữ chiếm 49,9% lực lượng lao động. Trong sản xuất nông nghiệp, vai trò của phụ nữ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong quá trình chuyển đổi kinh tế, với sự tham gia của lao động nữ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng trong khi lao động nam giảm dần. Thời kì 1993-1998, số nam giới tham gia hoạt động nông nghiệp giảm 0,9%. Trong giai đoạn này, 92% số người mới gia nhập lĩnh vực nông nghiệp là phụ nữ, vì nam giới chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp. Hiện tượng này cũng diễn ra tương tự trong nông lâm ngư nghiệp, phụ nữ đã tham gia ngày càng nhiều hơn.

Sống ở vùng nông thôn, với nền kinh tế tự cung tự cấp, phụ nữ phải làm rất nhiều việc nội trợ, nuôi con, tham gia các hoạt động sản xuất nông lâm ngư nghiệp như trồng lúa, trồng rừng, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, nuôi trồng thủy sản…chăm lo phát triển kinh tế gia đình trong điều kiện kinh tế thị trường. Công cuộc đổi mới kinh tế ở nông thôn Việt Nam đã tạo ra mức tăng trưởng rất đáng khích lệ về lĩnh vực sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Trong sự thay đổi đó, phụ nữ nông thôn đã có những đóng góp hết sức quan trọng bởi vì họ là lực lượng lao động cơ bản trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Tuy nhiên, vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế thị trường, trong các quan hệ xã hội và trong đời sống gia đình chưa tương xứng với mức độ đóng góp của họ.

Thường xuyên làm việc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, trong điều kiện tiếng ồn vượt 46,5% mức cho phép và khói bụi quá tiêu chuẩn 10%, phụ nữ nông thôn là đối tượng lao động thiệt hại về sức khoẻ nhiều nhất nhưng ít được chăm sóc y tế nhất.

Theo kết quả khám lâm sàng cho 1.111 nữ lao động nông nghiệp do Vụ Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tiến hành năm 2002 tại 7 tỉnh trọng điểm nông nghiệp Yên Bái, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, Tiền Giang, có đến 39,4% chị em mắc bệnh phụ khoa và răng hàm mặt, 18% có vấn đề về đường tiêu hoá, thần kinh, gần 10% bị các bệnh về cơ xương, đường hô hấp. Đây đều là những bệnh phụ thuộc vào yếu tố môi trường, dinh dưỡng không được phát hiện do người mắc chưa từng đến cơ sở y tế nào để kiểm tra sức khoẻ.

Điều tra trước đó về điều kiện làm việc và thực trạng sức khoẻ của lao động ngành nông nghiệp do Vụ Y tế Dự phòng thực hiện năm 2000 tại 8 tỉnh Thái Bình, Hà Tây, Hà Nội, Khánh Hoà, Đăk Lăk, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang cũng cho thấy, hầu hết phụ nữ nông thôn không được khám sức khoẻ (tỷ lệ này lên đến 86,9%). Chị em thường phải làm việc kéo dài 8-17 giờ/ngày với phương tiện sản xuất chủ yếu là thủ công.

Điều đáng chú ý trong điều tra này là có đến 26,2% phụ nữ nông thôn đi phun hoá chất bảo vệ thực vật và vẫn dùng những hoá chất bị cấm như Monitor, Wolfatox. Nhiều chị còn đi phun cả khi mang thai, đang có kinh nguyệt hoặc cho con bú. Vụ Y tế dự phòng cũng thống kê được con số 68,8% phụ nữ phun hoá chất bảo vệ thực vật bị các biểu hiện nhiễm độc; 10,6% chị bị sảy thai. Theo điều tra này, phụ nữ nông thôn là đối tượng lao động bị tai nạn nhiều; ước tính 130 trường hợp/10.000 người (trong đó 58,3% là tai nạn lao động).

Vì sao có thực trạng đó?

Quan niệm và cách ứng xử của xã hội:Tư tưởng trọng nam khinh nữ còn phổ biến trong xã hội, quan niệm và cách ứng xử của xã hội vẫn còn ảnh hưởng khá rõ rệt của chế độ phụ hệ.

Nếp gia trưởng vẫn còn giữ vai trò chủ đạo trong các quan hệ gia đình, đặc biệt là ở nông thôn. Nói chung đa số phụ nữ giữ một vai trò thứ yếu so với nam giới trong gia đình suốt cuộc đời của họ. Do chưa có những nghiên cứu sâu về các biến động của hộ gia đình nông thôn, đặc biệt là các hộ gia đình thuộc các dân tộc thiểu số nên những cố gắng nhằm tăng cường bình đẳng giới trong quá trình ra quyết định và củng cố vị thế của phụ nữ còn bị hạn chế.

Nhận thức các vấn đề về giới còn thấp và chưa đầy đủ

Trong một cuộc điều tra nhận thức và kiến thức về giới, hầu như tất cả (97%) cán bộ được điều tra đều không biết hoặc biết rất ít về các khái niệm cơ bản về giới. Cấp Bộ vẫn chưa có tổ chức chuyên trách về giới để giải quyết một cách đầy đủ các vấn đề giới trong quá trình lập kế hoạch tại các đơn vị, thiếu hệ thống giám sát và đánh giá mang tính nhạy cảm giới. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ hoạt động nhưng chỉ là kiêm nhiệm.

Công tác cán bộ nữ còn nhiều khó khăn, bất cập

Hiện có quá ít cán bộ chủ chốt là nữ trong toàn ngành nông nghiệp. Mặc dù các chính sách và các văn bản quy định trong quản lý và phát triển nguồn nhân lực được coi là “bình đẳng” hoặc đôi khi còn được coi là ưu tiên phụ nữ, song trên thực tế vẫn còn biểu hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ trong công tác tuyển dụng, quy hoạch và đề bạt cán bộ, đồng thời một số chính sách như tuổi về hưu, quy định tuổi đề bạt làm hạn chế sự tham gia của phụ nữ ở các cấp ra quyết định.

Thiếu năng lực và hệ thống thể chế để hòa nhập giới trong việc lập kế hoạch và xây dựng thể chế

Các vấn đề về giới chưa được xem xét một cách hệ thống trong quá trình lập kế hoạch và cải cách hành chính cũng như trong một hệ thống báo cáo và các chỉ số thực hiện của các đơn vị. Số liệu thống kê có phân tách nam nữ rất ít khi được thu thập, phân tích và sử dụng để cải tiến hoạt động. Năng lực hoạt động vì bình đẳng giới của các đơn vị chỉ giới hạn ở một số thành viên đã được đào tạo về kỹ năng phân tích và hòa nhập giới.

Để bảo đảm quyền của phụ nữ nông thôn trong các hoạt động nông lâm ngư nghiệp thì:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em về quyền lợi của mình trên góc độ bình đẳng giới. Trong tuyên truyền, các chi hội lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật và ngoài ra hướng dẫn hội viên phụ nữ cách xây dựng một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm phổ biến sâu rộng pháp luật để mọi người nhận thức và tự giác thực hiện. Trong quá trình thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cần khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của phụ nữ nông thôn đối với sự ổn định của xã hội và hành phúc gia đình.

Thứ hai, có chính sách nâng cao trình độ dân trí nói chung, trình độ văn hóa và hiểu biết xã hội của người phụ nữ nông thôn nói riêng để họ có cơ hội và điều kiện thực hiện tốt chức năng của mình đồng thời tích cực chủ động tham gia vào xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội cần vận động, hỗ trợ giúp đỡ hội viên nghèo phát triển kinh tế để tăng thu nhập cải thiện đời sống và thoát nghèo; khai thác các nguồn vốn vay và dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ.

Thứ ba, các cấp hội cùng với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn hướng dẫn kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con em; góp phần hạn chế tỷ lệ suy dinh dưỡng, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện. Hướng dẫn chị em quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội, mắc các tệ nạn xã hội, phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, bạo lực gia đình…gắn với giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống. Bên cạnh đó, cần phổ biến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm…cho chị em.

Thứ tư, Cải thiện môi trường lao động và sinh hoạt ở nông thôn: Hiện nay môi trường sống ở nông thôn và môi trường sản xuất nông nghiệp đã và đang bị ô nhiễm đến mức báo động. Theo đó, việc phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản có thể sẽ tác động tiêu cực đến môi trường nếu các biện pháp phòng ngừa thích hợp không được áp dụng. Do vậy, các chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn, quá trình công nghiệp hóa cần chú trọng đến việc giữ gìn, bảo vệ môi trường nông lâm ngư nghiệp. Có như thế thì phụ nữ nông thôn mới có thể duy trì được các nguồn thu nhập từ các hoạt động nông lâm ngư nghiệp của mình.

Cuối cùng là phải thay đổi nhận thức xã hội đối với vị trí của người phụ nữ trong gia đình, xã hội. Đặc biệt, cần có những chính sách tích cực nhằm tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ nông thôn có cơ hội và tiếng nói hơn trong xã hội.

Trên đây là một số vấn đề về quyền của người phụ nữ nông thôn trong các hoạt động nông lâm ngư nghiệp dưới góc độ bình đẳng giới. Qua phân tích thực trạng đồng thời đề ra những giải pháp chúng ta có thể hy vọng rằng quyền của người phụ nữ nông thôn trong các hoạt động nông lâm ngư nghiệp sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực và tiến đến bình đẳng thực chất trong xã hội Việt Nam hiện nay.

 

 

 

[1] theo molisa.gov.vn

[2] Bà Phạm Thị Tương Lai Phó giám đốc Sở LĐTBXH Phú Yên

Tham khảo thêm:

1900.0191