Căn cứ từ chối đơn yêu cầu thi hành án

Căn cứ từ chối đơn yêu cầu thi hành án

 

 

Ông A khởi kiện Quyết định hành chính của UBND huyện. Toà án cấp sơ thẩm tuyên bác đơn khởi kiện của ông A, còn Toà cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của ông A, xử huỷ Quyết định hành chính của UBND huyện. Ông A làm đơn yêu cầu thi hành án yêu cầu cơ quan Thi hành án ra Quyết định huỷ Quyết định hành chính của UBND huyện. Cơ quan Thi hành án từ chối nhận đơn của ông A có đúng không? Căn cứ pháp lý nào để từ chối nhận đơn? Nếu áp dụng Điều 1, Điều 35,36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có đảm bảo tính pháp lý không hay còn phải căn cứ vào văn bản nào nữa?

 

Gửi bởi: Bùi Thị Thuỳ Trang

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Căn cứ quy định của pháp luật hiện nay thì việc cơ quan thi hành án dân sự không nhận đơn yêu cầu thi hành án của ông A đối với khoản Toà cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của ông A xử huỷ Quyết định hành chính của UBND huyện là có cơ sở.

Bởi vì, Điều 1 Luật Thi hành án dân sự quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại (sau đây gọi chung là bản án, quyết định); hệ thống tổ chức thi hành án dân sự và Chấp hành viên; quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thi hành án dân sự.

Tuy nhiên theo Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 2006 thì:

“1- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước.

2- Cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành. Thủ trưởng cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thi hành án hành chính; trong trường hợp cần thiết có quyền buộc phải chấp hành quyết định của Toà án về vụ án hành chính. Người nào thiếu trách nhiệm trong việc thi hành án hành chính hoặc cố tình không chấp hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

3- Các quyết định về phần tài sản, quyền tài sản trong các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự (nay là Luật Thi hành án dân sự)”

Mặt khác, tại khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự quy định: Đối với bản án, quyết định của Toà hành chính, cơ quan thi hành án dân sự chỉ thụ lý và ra quyết định thi hành án đối với phần nghĩa vụ về tài sản như án phí, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, giao lại đất đai được tuyên cụ thể trong bản án, quyết định của Toà án. Những nội dung khác của bản án, quyết định như tuyên bác đơn kiện, giữ nguyên quyết định hành chính hoặc huỷ quyết định hành chính, không tuyên rõ các quyền và nghĩa vụ cụ thể về các khoản tài sản nêu trên thì do cơ quan hành chính có thẩm quyền thi hành.

2. Kể từ ngày 01/7/2011 khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành thì việc thi hành án hành chính có cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự, song vẫn cần lưu ý là cơ quan thi hành án dân sự chỉ thụ lý và ra quyết định thi hành án đối với phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án hành chính như hiện nay. Đối với phần không phải là tài sản, thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm đôn đốc theo quy định tại các Điều 243, 244 và 245 Luật Tố tụng hành chính năm 2010.

Theo đó, việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thực hiện như sau:

a) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực. Các bên đương sự căn cứ vào quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án để thi hành;

c) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị hủy không còn hiệu lực. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc phải thực hiện bản án, quyết định của Tòa án;

d) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên bố hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải đình chỉ thực hiện hành vi hành chính đó, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án;

đ) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án;

e) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri thì người phải thi hành án phải thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung đó khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án;

g) Trường hợp Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thi hành ngay khi nhận được quyết định;

h) Các quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Người phải thi hành án phải thông báo bằng văn bản về kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó.

Yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án: Trường hợp người phải thi hành án không thi hành án thì người được thi hành án có quyền yêu cầu người phải thi hành án thi hành ngay bản án, quyết định của Tòa án quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều 243 của Luật này.

Trường hợp hết 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc hết thời hạn thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án mà người phải thi hành án không thi hành án thì người được thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản đối với người phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 243 của Luật này.

Trường hợp người phải thi hành án không thi hành bản án, quyết định của Tòa án thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản quy định tại khoản 2 Điều này, người được thi hành án có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm đôn đốc việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Khi nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đôn đốc người phải thi hành án thi hành án và thông báo bằng văn bản với cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án để chỉ đạo việc thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện việc kiểm sát thi hành án.

Khi nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm mở sổ theo dõi, quản lý việc thi hành án của người được thi hành án. Người được thi hành án có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự bản sao bản án, quyết định của Tòa án và các tài liệu khác có liên quan để chứng minh đã có đơn đề nghị hợp lệ nhưng người phải thi hành án cố tình không thi hành án.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải có văn bản đôn đốc người phải thi hành án thực hiện việc thi hành án theo đúng nội dung của bản án, quyết định của Tòa án.

Trách nhiệm thực hiện yêu cầu thi hành án: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự về việc đôn đốc thi hành bản án, quyết định của Tòa án, người phải thi hành án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.

Hết thời hạn quy định nhưng người phải thi hành án không thi hành án, không thông báo kết quả thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án biết để xem xét, chỉ đạo việc thi hành án và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật, đồng thời gửi cho cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp để theo dõi, giúp cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án chỉ đạo việc thi hành án.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của cơ quan thi hành án, cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án phải xem xét, chỉ đạo việc thi hành án theo quy định của pháp luật và thông báo cho cơ quan thi hành án biết.

 

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Luật 64/2010/QH12 Tố tụng hành chính

Pháp lệnh 29/2006/PL-UBTVQH11 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS

Tham khảo thêm:

1900.0191