Chấp hành viên cố tình không tổ chức cưỡng chế hay kéo dài thời gian để ra quyết định cưỡng chế thì bị xử lý

Chấp hành viên cố tình không tổ chức cưỡng chế hay kéo dài thời gian để ra quyết định cưỡng chế thì bị xử lý

 

 

Luật Thi hành án dân sự 2008 và Nghị định 58 của Chính phủ có quy định thời gian tự nguyện thi hành án dân sự là 15 ngày. Khi hết thời hạn 15 ngày, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nhưng lại không quy định rõ thời gian để chuẩn bị, tiến hành tổ chức cưỡng chế thi hành án. Vậy, nếu Chấp hành viên cố tình không tổ chức cưỡng chế hay kéo dài thời gian để ra quyết định cưỡng chế thì bị xử lý như thế nào? Đây phải chăng là một thiếu sót của Luật?

 

Gửi bởi: Hồ Vũ Ngọc Minh

Trả lời có tính chất tham khảo

Căn cứ Điều 17 và Điều 20 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định. Chấp hành viên có nhiệm vụ, quyền hạn kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền; thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên; triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án; xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án; quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án; yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật; lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm; quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.

Do đó, nếu Chấp hành viên cố tình không tổ chức cưỡng chế hay kéo dài thời gian để ra quyết định cưỡng chế thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Công chức, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Các văn bản liên quan:

Luật 35/2009/QH12 Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Luật 22/2008/QH12 Cán bộ, công chức

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:

1900.0191