Nhà tôi có thế chấp sổ đỏ cho một người để vay một số tiền 15.000.000 đồng đã lâu chưa trả. Bên A kiện lên Toà án và cơ quan thi hành án đã cưỡng chế bán đấu giá nhà tôi, thỏa thuận giá bán là 110.000.000 đồng; bánđược sẽ lấy 27.000.000 đồng, bao gồm tiền trả cho bên A số tiền 15.000.000 đồng, còn lại 12.000.000 đồng là tiền phí; trường hợp không bán được thì một tháng sẽ giảm giá nhà xuống 10.000. 000 đồng. Tôi thấy thắc mắc sao tiền phí lại cao tới vậy và vì sao lại giảm giá nhà tôi xuống?
Gửi bởi: Ngo Hanh
Trả lời có tính chất tham khảo
Với nội dung vụ việc bạn nêu, Tòa án đã quyết định nhà bạn phải trả cho ngân hàng khoản tiền vay và lãi. Do nhà bạn không tự nguyện nộp tiền để thi hành án, vì vậy cơ quan thi hành án phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với nhà bạn. Biện pháp cưỡng chế đó là “kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án” quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Trong quá trình bán đấu giá tài sản, nếu không có người tham giá đấu giá, trả giá hoặc tài sản bán đấu giá không thành thì cơ quan thi hành án dân sự giảm giá theo quy định của pháp luật, mỗi lần giảm giá không quá 10%.
Do đó, nhà bạn là người phải thi hành án nên phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án (không phải là phí thi hành án, vì phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải chịu – người cho nhà bạn vay tiền).
Theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự và Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp “hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự” thì:
1. Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
a) Chi phí thông báo về cưỡng chế:
– Chi phí thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, đài phát thanh, báo chí).
– Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án (cán bộ thi hành án, đại diện chính quyền địa phương, đại diện tổ chức xã hội và các thành phần khác).
b) Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án.
c) Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, định giá lại tài sản, bán đấu giá tài sản:
– Chi phí định giá, định giá lại tài sản:
+ Chi phí thẩm định giá, thẩm định giá lại tài sản: Giá dịch vụ thẩm định giá, thẩm định giá lại tài sản theo hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá.
+ Chi phí liên quan đến việc định giá trong trường hợp Chấp hành viên thực hiện việc xác định giá tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự: Chi bồi dưỡng cho các thành viên họp xác định giá, xác định giá lại tài sản.
+ Chi giám định tài sản: Phí giám định tài sản và một số khoản chi thực tế hợp pháp để thực hiện việc giám định tài sản.
– Chi phí bán đấu giá tài sản:
+ Phí bán đấu giá theo quy định và các chi phí thực tế, hợp lý cho việc bán đấu giá trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá tài tài sản.
+ Tiền thuê địa điểm, phương tiện phục vụ tổ chức bán đấu giá, niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức tiến hành bán đấu giá tài sản để thi hành án.
d) Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án.
đ) Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu:
– Chi thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, thuê địa điểm và các khoản chi phí thực tế hợp pháp khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu.
– Chi bồi dưỡng cho các đối tượng trực tiếp thực hiện quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu.
e) Chi bồi dưỡng cho Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát, dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương, đại diện tổ dân phố, trưởng thôn, già làng, trưởng bản và một số đối tượng khác trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án dân sự và bảo vệ cưỡng chế.
2. Mức chi cưỡng chế thi hành án như sau:
a) Chi cho các thành viên tham gia họp bàn cưỡng chế thi hành án, các thành viên họp định giá và định giá lại giá tài sản:
– Chủ trì 100.000 đồng/người/ngày;
– Thành viên 70.000 đồng/người/ngày.
b) Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án:
– Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát, dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án: Người chủ trì: mức 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế; Đối tượng khác: mức 70.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.
– Đại diện tổ dân phố, trưởng thôn, già làng, trưởng bản và các đối tượng khác được huy động tham gia cưỡng chế thi hành án dân sự trong trường hợp cần thiết: mức 70.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.
c) Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án; những người trực tiếp thực hiện quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ:
– Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát: Mức 50.000 đồng/người/ngày.
– Dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương và các đối tượng khác: Mức 70.000 đồng/người/ngày.
d) Chi công tác phí cho các đối tượng đi xác minh điều kiện thi hành án: Thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
đ) Chi thuê phiên dịch:
– Phiên dịch tiếng dân tộc: Tối đa 200% mức lương tối thiểu chung, tính theo lương ngày do Nhà nước quy định cho khu vực quản lý hành chính.
– Phiên dịch tiếng nước ngoài: Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về mức chi dịch thuật trong chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài và chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.
e) Các chi phí: Thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ cưỡng chế; chi phí phòng cháy, nổ; thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá; phí thẩm định giá; phí bán đấu giá; thuê trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản và các khoản chi khác có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án được thực hiện căn cứ theo hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hoá đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định và được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt.
Mức chi phí và các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án tùy từng trường hợp cụ thể được cơ quan thi hành án dân sự dự trù và thông báo cho người bị cưỡng chế biết. Vì thế, nhà bạn đối chiếu với quy định nêu trên để xác định dự trù chi phí cưỡng chế do cơ quan thi hành án dân sự thông báo. Tuy nhiên, nhà bạn cần lưu ý rằng nếu đã bị cưỡng chế thì tốn kém chi phí cưỡng chế thi hành án, nhất là bán tài sản giá trị lớn để thi hành khoản tiền nhỏ như trường hợp của nhà bạn, do vậy nhà bạn nên lo tiền và nộp tiền thi hành án thì giảm thiểu tốn đa chi phí cưỡng chế thi hành án.
Các văn bản liên quan:
Thông tư liên tịch 184/2011/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự
Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự
Thông tư 97/2010/TT-BTC Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
Tham khảo thêm: