Án sơ thẩm tuyên A phải trả cho B 1 tỷ đồng và kê biên nhà đất của A để đảm bảo THA. Án phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. C mua được nhà đất nói trên theo diện mua tài sản phát mãi bán đấu giá để thi hành án. C nộp đủ tiền và đã được cơ quan THA giao nhà đất và B đã nhận tiền thi hành án. Trong quá trình làm thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà đất cho C thì Chánh án TANDTC có kháng nghị giám đốc thẩm và Hội đồng thẩm phán TANDTC có Quyết định giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử sơ thẩm lại. Hiện nay, cơ quan THA đã đình chỉ vụ án, đồng thời có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn việc xác lập giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nói trên.
Xin hỏi: việc cơ quan THA ra văn bản ngăn chặn trong trường hợp trên là đúng hay sai? C có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hay không? Rất mong nhận được sự quan tâm trả lời của Quý cơ quan!
Gửi bởi: Đoàn Viết Bình
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều 258 Bộ luật Dân sự năm 2005 về quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình quy định: “Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa”.
Điều 4 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản quy định bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá, theo đó quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá được pháp luật bảo vệ. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá. Trong trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã bán đấu giá thì việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Trong trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đưa ra bán đấu giá nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đó bảo đảm tuân theo đầy đủ quy định của pháp luật thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá. Tổ chức, cá nhân có lỗi gây ra thiệt hại phải bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu với quy định nêu trên, nếu trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đó bảo đảm tuân theo đầy đủ quy định của pháp luật thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá. Các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho C.
Tuy nhiên, trong trường hợp tương tự như bạn nêu, để đảm bảo trách hậu quả khó khắc phục do có sai sót, hạn chế khiếu nại, nhiều nơi cơ quan thi hành án dân sự giữ tình trạng việc thi hành án do bản án của Tòa án đã bị đình chỉ để chờ xét xử lại. Thường thì, theo theo vụ việc cụ thể, cơ quan thi hành án dân sự và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá, người mua được tài sản thỏa thuận thống nhất chưa tiếp tục thực hiện hoàn tất hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, nhưng vẫn duy trì kết quả bán đấu giá, nên có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua được tài sản.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Nghị định 17/2010/NĐ-CP Về bán đấu giá tài sản
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS
Tham khảo thêm: