Trong trường hợp đương sự đồng ý để cơ quan THA phát mãi tài sản để đảm bảo THA thì CHV có cần tiến hành thủ tục kê biên hay không? Trình tự thủ tục áp dụng để thẩm định giá, bán đấu giá đối với trường hợp này nếu không phải kê biên sẽ như thế nào?
Gửi bởi: Phan Văn Thụy
Trả lời có tính chất tham khảo
Nội dung bạn hỏi, nghĩa vụ thi hành án là nghĩa vụ trả tiền (ví dụ theo bản án của Toà án thì ông A phải trả ông B 100.000.000 đồng), nên người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành án trả tiền. Nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành nghĩa vụ trả tiền, Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế cần thiết để đảm bảo việc thi hành án, trong đó có biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
Việc người phải thi hành án đồng ý để cơ quan thi hành án phát mãi tài sản để đảm bảo thi hành án không phải là tự nguyện thi hành nghĩa vụ trả tiền theo bản án của Toà án. Do đó, Chấp hành viên cơ quan thi hành án phải thực hiện chặt chẽ, đầy đủ trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án trong việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đó để đảm bảo thi hành án.
Việc người phải thi hành án đồng ý để cơ quan thi hành án phát mãi tài sản để đảm bảo thi hành án là điều kiện thuận lợi cho việc cưỡng chế thi hành án, hạn chế khiếu nại, tố cáo có thể xảy ra từ phía người phải thi hành án. Chấp hành viên không được chủ quan, lấy đó làm căn cứ để thực hiện không đúng các bước, các công việc của quá trình cưỡng chế thi hành án.
Các văn bản liên quan:
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS
Tham khảo thêm: