Lãi suất chậm thi hành án theo thỏa thuận của đương sự khi hoãn thi hành án

Lãi suất chậm thi hành án theo thỏa thuận của đương sự khi hoãn thi hành án

 

 

Cho hỏi quy định về hoãn thi hành án. Tôi xin ví dụ trường hợp: án tuyên người anh nợ người em số nợ 100 triệu đồng và lãi chậm thi hành án; án có hiệu lực, người em có đơn yêu cầu và cơ quan thi hành án ra Quyết định thi hành án theo đúng qui định của pháp luật. Sau đó, người anh xin người em cho chậm việc trả nợ trong thời gian 06 tháng và chấp nhận chịu lãi chậm thi hành án, người em đã đồng ý với yêu cầu của người anh. Hai người cùng đến cơ quan thi hành án xin hoãn việc thi hành án 06 tháng. Thực tế có hai quan điểm:

– Quan điểm thứ nhất: Việc thỏa thuận của hai anh em là không trái quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội nên cơ quan thi hành án nên ra quyết định hoãn thi hành án theo điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

– Quan điểm thứ hai: Cho rằng thỏa thuận trên là trái với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây: … b) Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án…”

Vậy thì quan điểm nào là đúng? Mong phản hồi. Chân thành cảm ơn!

 

Gửi bởi: alongshop

Trả lời có tính chất tham khảo

 

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án. Do đó, hai anh em là người được thi hành án và người phải thi hành án cùng đến cơ quan thi hành án xin hoãn việc thi hành án 06 tháng nhưng có thỏa thuận về việc người anh chịu lãi chậm thi hành án, thì cơ quan thi hành án cần giải thích cho đương sự biết quy định nêu trên của pháp luật.

Trường hợp đã giải thích nhưng hai anh em vẫn thỏa thuận được với nhau về việc thi hành án người anh được chậm trả nợ trong thời gian 06 tháng và chịu lãi chậm thi hành án, theo quy định Điều 6 Luật Thi hành án dân sự đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận. Vì thế, theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định. Như vậy, nếu sau này các đương sự không thực hiện đúng thỏa thuận về lãi suất chậm thi hành án thì người em không được yêu cầu thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án trong thời gian người em đồng ý cho người anh hoãn thi hành án.

Để đảm bảo chặt chẽ về thủ tục thi hành án, tránh tình trạng khiếu nại sau này, cơ quan thi hành án cần lập biên bản làm việc, giải thích rõ ràng, chặt chẽ, quyền và nghĩa vụ của các bên, hậu quả của việc thực hiện không đúng thỏa thuận.v.v.và lưu biên bản trong hồ sơ thi hành án làm căn cứ giải quyết khiếu nại (nếu có).

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS

Tham khảo thêm:

1900.0191