Quyền thỏa thuận thi hành án

Quyền thỏa thuận thi hành án

 


Tại phần Quyết định của Bản án tôi được Tòa án quyết định được nhận cấp dưỡng nuôi hai đứa con của mình từ người phải thi hành án đã gây ra tai nạn làm chồng tôi chết. Tôi xin hỏi, nay người phải thi hành án thỏa thuận trả cho tôi một lần số tiền cấp dưỡng trên (không đủ nếu tính theo năm tháng của bản án) vậy tôi có quyền thỏa thuận không yêu cầu thi hành án nữa hay không và căn cứ ở văn bản pháp luật nào?

 

Gửi bởi: thachlinh

Trả lời có tính chất tham khảo

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2005 thì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên. Đồng thời khoản 1 Điều 144 BLDS cũng quy định: “1. Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Do đó chị sẽ là người đại diện cho các con (chưa thành niên) của chị thực hiện mọi giao dịch liên quan đến con chị và vì lợi ích của các cháu.

– Theo quy định tại điều 7 Luật Thi hành án thì “Người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án”.

– Điều 6 Luật Thi hành án cũng quy định về việc Thoả thuận thi hành án như sau:

“1. Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận.

Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án.

2. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định”.

Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 58/2009/NĐ-CPngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Thi hành án cũng quy định:

1. Việc thỏa thuận về thi hành án của đương sự phải được lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký của các bên tham gia thỏa thuận và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành việc thỏa thuận.

Trường hợp người phải thi hành án có yêu cầu về việc thi hành án khác với nội dung bản án, quyết định đã tuyên và được người được thi hành án chấp thuận thì việc thi hành án được thực hiện theo yêu cầu đó.

Việc thỏa thuận trước khi yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành do các đương sự tự nguyện thực hiện.

Như vậy trước hết yêu cầu thi hành án là quyền của các đương sự và phải có đơn yêu cầu thi hành án thì Cơ quan thi hành án mới yêu cầu bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Đồng thời trong quá trình thi hành án bên được yêu cầu và bên phải thực hiện nghĩa vụ có quyền thỏa thuận với nhau về việc thi hành án này, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật thì sẽ được công nhận.

Vì vậy nếu vụ việc của chị đang được cơ quan thi hành án giải quyết mà chị và người phải thi hành án (người gây tai nạn) thỏa thuận về việc thực hiện thi hành án 1 lần thì chị có quyền yêu cầu chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận này hoặc có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án không tiếp tục giải quyết nữa. Cụ thể tại điểm c Điều 50 Luật Thi hành án cũng quy định về các trường hợp đình chỉ thi hành án trong đó có trường hợp“Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;

Nếu chị chưa yêu cầu Cơ quan Thi hành án giải quyết thì chị và người phải thi hành án tự thỏa thuận và tự thực hiện.

 

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội

Điện thoại: 04.3747 8888 – Email: info@luatdaiviet.vn

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: z

Tham khảo thêm:

1900.0191