Tài sản đứng tên chồng có thể là tài sản chung để thi hành án

Tài sản đứng tên chồng có thể là tài sản chung để thi hành án

 

 

Chị tôi có cho một chị bạn cùng thị trấn vay 2 tỷ đồng chỉ cam kết bằng giấy vay nợ mà không có tài sản thế chấp. Giờ chị bạn kia không có khả năng trả nợ. Chị tôi có kiện chị kia ra tòa án và tòa xử chị tôi thắng kiện. Tuy nhiên chị kia hiện không có tài sản cá nhân gì, chỉ có 1 ngôi nhà đứng tên chồng chị ấy. Vậy, liệu chị tôi có đòi được tiền không? Cơ quan thi hành án có đứng ra cưỡng chế ngôi nhà để trả tiền cho chị tôi không?

 

Gửi bởi: Đặng thị ninh

Trả lời có tính chất tham khảo

Trường hợp bạn hỏi, vấn đề quan trọng là xác định ngôi nhà đứng tên chồng chị kia (bạn của chị bạn) là tài sản chung của vợ chồng chị ấy hay của riêng chồng chị ấy. Theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về tài sản chung của vợ chồng, thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.

Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

Điều 5 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định về đăng ký tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Theo đó, các tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng khi đăng ký quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật Hôn nhân và gia đình bao gồm: nhà ở, quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu. Việc đăng ký các tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng phải ghi tên của cả vợ và chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng đã đăng ký quyền sở hữu trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chỉ ghi tên của một bên vợ hoặc chồng, thì vợ chồng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản đó để ghi tên của cả vợ và chồng; nếu vợ chồng không yêu cầu cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản, thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp, bên nào cho đó là tài sản thuộc sở hữu riêng của mình, thì có nghĩa vụ chứng minh.

Như vậy, mặc dù nhà đất đứng tên chồng chị kia nhưng cũng có thể là tì sản chung của vợ chồng chị ấy.

Nếu tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng thì cơ quan thi hành án dân sự có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý phần tài sản chung của chị ấy trong khối tài sản chung theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế.

Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.

Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau: Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án. Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Nghị định 70/2001/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS

Tham khảo thêm:

1900.0191