Bà A đang có đơn khởi kiện tại tòa án thành phố yêu cầu bà C trả tiền nợ vay. Tài sản của bà C đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có được thi hành án kê biên cho bà B không? Bà B khởi kiện sau bà A nhưng được Tòa án hòa giải nên ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định có hiệu lực, bà B làm đơn yêu cầu thi hành án và các thủ tục theo quy định. Cơ quan thi hành án tiến hành kê biên tài sản (nhà và đất) đang được tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm cho việc giải quyết vụ tranh chấp dân sự giữa bà A và bà C có đúng pháp luật không?
Gửi bởi: Lê Thị Thu Hà
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều 130 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:
1. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế sau đây:
a) Biện pháp cưỡng chế quy định tại các điều 118, 119, 120 và 121 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định; giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; tạm đình chỉ quyết định sa thải người lao động;
b) Biện pháp cưỡng chế quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 71 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm; buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
c) Biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 75 của Luật này để đảm bảo thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định về kê biên tài sản đang tranh chấp.
d) Biện pháp bảo đảm quy định tại các điều 66, 67, 68 và 69 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ; phong toả tài sản của người có nghĩa vụ;
đ) Biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 3 Điều 71 và các điều 98, 99, 100 và 101 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm hàng hoá khác.
2. Trường hợp người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở địa phương khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định uỷ thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người đó cư trú hoặc nơi có tài sản tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”
Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau: “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải xem xét ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản tổ chức thi hành.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định ủy thác thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác phải ra quyết định thi hành án và áp dụng ngay các biện pháp theo quy định tại Điều 130 Luật Thi hành án dân sự để tổ chức thi hành.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được thi hành ngay. Trường hợp của bạn, cơ quan thi hành án không thực hiện quyết định khẩn cấp tạm thời mà ra quyết định kê biên cưỡng chế để đảm bảo thi hành án cho bà B là không đúng. Vậy, bạn nên kiến nghị với Tòa án nơi ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời biết và có đơn kiến nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi Chấp hành viên đang tổ chức thi hành vụ việc.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự
Tham khảo thêm: