Thời hạn miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án

Thời hạn miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án

 

 

Theo Thông tư liên tịch 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010 hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước, trong thời hạn bao nhiêu năm thì tôi được miễn giảm tiền phạt và tiền bồi thường cho Nhà nước.

 

Gửi bởi: Lê Trung Quang

Trả lời có tính chất tham khảo

 

Theo Thông tư liên tịch số 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước thì “Khoản thu nộp ngân sách nhà nước” là các khoản tiền thu được phải nộp vào Ngân sách nhà nước gồm: tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, tịch thu sung quỹ nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Toà án.

Thông tư liên tịch 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC không quy định điều kiện, thời gian miễn, giảm đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước vì đã được quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự và Điều 26 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Điều 61 Luật Thi hành án dân sự: Điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

“1. Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước thì có thể được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi hết thời hạn sau đây:

a) 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản án phí không có giá ngạch;

b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 5.000.000 đồng.

2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi hết thời hạn sau đây:

a) 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng;

b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 10.000.000 đồng.

3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án sau khi hết thời hạn sau đây:

a) 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng.

4. Việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án được tiến hành thường xuyên nhưng mỗi người phải thi hành án chỉ được xét miễn hoặc giảm một lần trong 01 năm. Trường hợp một người phải thi hành nhiều khoản nộp ngân sách nhà nước trong nhiều bản án, quyết định khác nhau thì đối với mỗi bản án, quyết định, người phải thi hành án chỉ được xét miễn hoặc giảm thi hành án một lần trong 01 năm”.

Thứ hai, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ: Miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

“1. Người phải thi hành nghĩa vụ đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đã thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành, nhưng giá trị không được thấp hơn mức án phí không có giá ngạch thì được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự.

2. Khoản thu nộp cho ngân sách nhà nước được xét miễn, giảm là khoản nghĩa vụ được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án. Khi khoản nghĩa vụ được xác định trong bản án, quyết định được miễn, giảm thì phần lãi chậm thi hành án trên số tiền được miễn, giảm đương nhiên được miễn.

Khi người phải thi hành án được miễn toàn bộ khoản nghĩa vụ thu nộp cho ngân sách hoặc được giảm đến hết khoản nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước theo quyết định thi hành án thì việc thi hành án kết thúc.

3. Mức xét giảm khoản nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:

a) Đối với khoản nghĩa vụ phải thi hành án còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá 1/3 số tiền còn lại phải thi hành án;

b) Đối với khoản nghĩa vụ phải thi hành án còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá 1/5 số tiền còn lại phải thi hành án.

4. Việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm khoản nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước do cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án thực hiện. Trường hợp việc thi hành án đang do Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh tổ chức thi hành thì Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm và chuyển cho Tòa án nhân dân cấp huyện nơi Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh đóng trụ sở”.

Trường hợp bạn hỏi, bạn không nêu rõ số tiền phạt là bao nhiêu, bản án có từ khi nào, đã ra quyết định thi hành án chưa, bạn đã thi hành được bao nhiêu, nên chúng tôi không thể trả lời cụ thể bao nhiêu năm thì bạn được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Mặt khác, khoản tiền bồi thường cho Nhà nước đó là khoản gì, bạn đối chiếu với quy định nêu trên để xác định có thuộc diện được miễn, giảm không; nếu không phải là khoản truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, tịch thu sung quỹ nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Toà án, thì không được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Bạn căn cứ các quy định nêu trên để tự xác định cho trường hợp của mình.

 

 

Các văn bản liên quan:

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Thông tư liên tịch 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC Hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS

Tham khảo thêm:

1900.0191