Chúng tôi là nguyên đơn trong một vụ án kinh doanh thương mại, vụ án đã có quyết định công nhận hòa giải thành. Tuy nhiên, phía bị đơn đã không hoàn trả đầy đủ số tiền theo thỏa thuận và còn thiếu 5.1 tỷ. Chúng tôi đã làm đơn yêu cầu thi hành án, sau đó, Chi cục Thi hành án đã phong tỏa số tiền 106 triệu đồng của tài khoản ngân hàng của bên kia và chuyển cho chúng tôi phần còn lại (sau khi đã trừ án phí và phí thi hành án). Trong cùng thời gian đó, chúng tôi đã thỏa thuận và bên kia đã đồng ý trả số tiền còn lại là hơn 5 tỷ đồng trực tiếp cho chúng tôi mà không thông qua thi hành án. Vậy, chúng tôi có bị thu phí thi hành án đối với số tiền mà các bên đã thỏa thuận trong thời gian thi hành án không? Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và rất mong nhận được phản hồi nhanh chóng từ quý cơ quan?
Gửi bởi: Đặng Họa Mi
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều 33 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu phí thi hành án để thực hiện việc thu phí thi hành án khi chi trả tiền hoặc tài sản cho người được thi hành án.
Mặt khác, khoản 3, khoản 4 Điều 2 Thông tư số liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/09/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự quy định đối với những vụ việc người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau đó các đương sự tự nguyện thi hành án thì thực hiện như sau: Nếu người được thi hành án không có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án để hai bên tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án chưa có quyết định cưỡng chế thi hành án và cũng chưa thu được tiền, tài sản để chi trả cho đương sự thì không thu phí thi hành án; nếu người được thi hành án không có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án để hai bên tự nguyện thi hành án và đã có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án. Đối với những vụ việc người được thi hành án có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án thì thực hiện như sau: Nếu đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự và người được thi hành án từ bỏ nhận tiền, tài sản đã thu được hoặc có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án trước khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì cơ quan thu phí không thu phí thi hành án; nếu đương sự không có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án không có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì người được thi hành án phải nộp 1/3 (một phần ba) số phí thi hành án phải nộp như của trường hợp không rút đơn; nếu đương sự không có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án không có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi cơ quan thi hành án đã thực hiện xong việc cưỡng chế; cơ quan thi hành án đã thu được tiền, tài sản để chi trả hoặc giao trả cho người được thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án.
Như vậy, nếu cơ quan thi hành án dân sự chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án để đảm bảo thi hành khoản tiền còn lại và cũng chưa thu được tiền thi hành án để chi trả cho người được thi hành án thì không có cơ sở để thu phí thi hành án, trừ trường hợp thỏa thuận của đương sự nhằm trốn tránh phí thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ.
Các văn bản liên quan:
Thông tư liên tịch 144/2010/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự
Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
Tham khảo thêm: