Toà án phán xử có đúng không?

Toà án phán xử có đúng không?

 

 

Tôi có cho chị Danh ở gần nhà vay số tiền là 70.000.000 đồng bao gồm cả vàng có giấy chứng nhận của UBND xã nơi thường trú làm chứng và tôi có cầm sổ đỏ để làm thế chấp. Nhưng đến hạn chị không trả cho gia đình tôi, gia đình tôi đã làm đơn đưa ra tòa án huyện Tiền Hải. TAND huyện đã xử và yêu cầu gia đình tôi phải trả lại sổ đỏ cho chị Danh và chi Danh phải trả lại số tiền đó cho gia đình tôi, tới bây giờ gần một năm mà chị A không trả tiền và vàng cho tôi. Gia đình tôi đã lên phòng thi hành án huyện Tiền Hải hỏi thì được thông báo là chị Danh đã đem sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Cho tôi hỏi về việc phán sử của TAND có đúng không?

 

Gửi bởi: to kim toan

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Trường hợp bạn hỏi, chúng tôi không có bản án và hồ sơ xét xử vụ việc, do vậy không thể khẳng định Toà án nhân dân huyện Tiền Hải phán xử có đúng hay không. Tuy nhiên, với nội dung như bạn nêu, chúng tôi nhận thấy bạn cho chị Danh ở gần nhà vay tiền bao gồm cả vàng, bạn cầm sổ đỏ của chị Danh, đến hạn chị Danh không trả nợ, chị đã khởi kiện tại Toà án để đòi tiền và vàng, vì thế Toà án tuyên buộc chị Danh trả tiền, vàng cho bạn và bạn trả lại sổ đỏ cho chị Danh là có cơ sở quy định tại Bộ luật Dân sự về hợp đồng dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự.

2. Về việc thi hành bản án mà chị Danh phải trả tiền, vàng cho bạn thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, bạn phải làm đơn yêu cầu thi hành án gửi Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiền Hải để Chi cục Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, thụ lý và tổ chức thi hành vụ việc.

Đối với tài sản của chị Danh đem thế chấp tại ngân hàng mà không sử dụng số tiền vay được trả nợ cho bạn và việc thế chấp với ngân hàng thực hiện sau khi có bản án của bạn, thì có thể bị kê biên để thi hành án theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự: Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS

Tham khảo thêm:

1900.0191