Bản án số 28/2011/DSST buộc bà A phải trả cho ông C số tiền 3 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án dân sự đã kê biên tài sản chung của vợ chồng bà A với ông B (ông B có mặt, bà A đã bỏ đi khỏi địa phương). Sau khi kê biên, định giá tài sản, Chấp hành viên thông báo quyền ưu tiên mua tài sản chung cho ông B biết và ông B đã đến cơ quan thi hành án xin được mua lại tài sản chung, nhưng bà A đã đi khỏi địa phương. Vậy phải giải quyết cho ông B như thế nào?
Gửi bởi: Võ Đình Vương
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về kê biên, xử lý tài sản chung, theo đó trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án. Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau: Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án; đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản. Tuy nhiên Điều luật không quy định cụ thể về điều kiện bán tài sản, cách thức thực hiện quyền ưu tiên mua, bán tài sản chung, trong khi đó quyền định đoạt tài sản chung được quy định tại Điều 223 Bộ luật Dân sự năm 2005 nhưng cũng không cụ thể. (Mặc dù có quy định trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Trong trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Toà án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại).
Do vậy, trường hợp bạn nêu, vì bà A đã đi khỏi địa phương nên không thực hiện được quyền yêu tiên mua tài sản đối với ông B. Vì vậy, cơ quan thi hành án thông báo cho ông B biết và tổ chức việc bán đấu giá công khai tài sản sau khi hết thời hạn nêu trên. Ông B được quyền tham gia mua đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
Tham khảo thêm: