Năm 2010 mẹ tôi mất vì tai nạn giao thông. Người gây ra tai nạn cho nhà tôi do phóng nhanh vượt ẩu đã gây ra tai nạn giao thông. Đến nay đã 2 năm mà bên phải thi hành án chưa giải quyết cho gia đình em về tiền đền bù theo quyết định của Toà án. Hôm qua em vừa nhận được tin là bên thi hành án đã trả hồ sơ về cho gia đình tôi họ nói rằnggia đình bên kia do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn chưa thể đền bù được. Hiện giờ gia đình tôi rất khó khăn. Tôi muốn hỏi việc thi hành án giải quyết cho gia đình tôi thế có đúng không? Gia đình tôi muốn kiện gia đình kia và yêu cầu gia đình kia thanh toán sồ tiền còn thiếu trong quyết định của Toà. Cho tôi hỏi cách thức thủ tục để kiện nếu không giải quyết được và cách thức giải quyết của Toà. Tôi mong quý cơ quan sớm hồi âm cho tôi, tôi xin chân thành cám ơn!
Gửi bởi: phan tuấn anh
Trả lời có tính chất tham khảo
Trường hợp bạn hỏi, Toà án đã có bản án quyết định buộc người gây ra tai nạn giao thông do phóng nhanh vượt ẩu phải bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn, vì vậy gia đình bạn không phải kiện ra Toà để đòi số tiền chưa đền bù nữa, vì Toà án đã quyết định rồi. Căn cứ bản án đã tuyên nêu trên, gia đình bạn có quyền làm đơn gửi cơ quan thi hành án dân sự để tổ chức việc thi hành án đòi khoản tiền được bồi thường. Kể từ thời điểm gia đình bạn có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án phải chịu lãi suất chậm thi hành án đối với khoản tiền còn phải trả tương ứng với thời gian chưa thi hành án (trong đơn yêu cầu thi hành án, gia đình bạn ghi rõ yêu cầu thi hành án cả khoản tiền được bồi thường và lãi suất chậm thi hành án của khoản tiền này).
Cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý việc thi hành án và theo bạn nêu thì cơ quan thi hành án trả hồ sơ về gia đình bạn (thực chất pháp luật quy định đó là trả đơn lại yêu cầu thi hành án). Tuy nhiên, cần phải xác định việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án đó có căn cứ đúng quy định của pháp luật hau không.
Theo quy định tại Điều 51 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây:
a) Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án.
b) Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình.
c) Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án.
d) Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được mà đương sự không có thoả thuận khác.
Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự, kể từ ngày phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành.
Khoản 1 Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự quy định trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Như vậy, cơ quan thi hành án dân sự trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho gia đình bạn nêu đúng căn cứ nêu trên thì gia đình bạn cần phát hiện, tìm hiểu xem người phải thi hành án có tài sản gì không. Nếu phát hiện người phải có tiền, tài sản thì cần kịp thời thông tin cho cơ quan thi hành án và làm đơn yêu cầu thi hành án trả lại để cơ quanthi hành án thụ lý vụ việc và tổ chức thi hành án cho gai đình bạn cả tiền gốc và lãi chậm thi hành án đối với số tiền người phải thi hành án chưa thi hành cho gai đình bạn.
Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho gia đình bạn không thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì gia đình bạn có quyền khiếu nại, yêu cầu thu hồi hoặc huỷ bỏ quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án để tiến hành xử lý tài sản của người phải thi hành án, bảo đảm quyền lợi của mình.
Các văn bản liên quan:
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS
Tham khảo thêm: