Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của mình?

Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của mình?

 

 

Tôi ở Kiến Thụy, Hải Phòng. Năm 2010, tôi có mất một chiếc xe máy. Sau đó công an Kiến Thụy bắt được 2 đối tượng trộm xe của tôi. Tòa án Kiến Thụy tuyên 1 đối tượng đền bù cho tôi 11 triệu, một đối tượng đền bù 4 triệu. Sau đó đối tượng đền bù 4 triệu đã thi hành án và tôi đã nhận được tiền, còn lại đối tượng phải đền bù cho tôi 11 triệu thì chưa có điều kiện thi hành án, dù tôi đã viết đơn thi hành án nhiều lần. Nay, Công an Hưng Yên đã tìm thấy xe của tôi, tôi có lên xin lại xe nhưng phía công an Hưng Yên không đồng ý trao trả cho tôi, họ yêu cầu Chi cục thi hành án dân sự huyện Kiến Thụy đến nhận xe. Tôi có viết đơn nhờ Chi cục Thi hành án dân sự Kiến Thụy đến Hưng Yên lấy xe cho tôi nhưng Chi cục Thi hành án dân sự Kiến Thụy yêu cầu tôi phải nộp lại 4 triệu mà tôi đã nhận để trả lại cho đối tượng trộm xe của tôi, đồng thời phải lo chi phí đi lại cho người của Chi cục Thi hành án dân sự Kiến Thụy lên Hưng Yên (chi phí Taxi khoảng 1 triệu). Tôi xin hỏi cách xử lý của Chi cục Thi hành án dân sự Kiến Thụy có đúng không? Và tôi nên làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của mình?

 

Gửi bởi: Đào Văn Hưng

Trả lời có tính chất tham khảo

Trường hợp bạn hỏi, do bản án đã quyết định rõ phần dân sự trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng hình sự tuyên một đối tượng đền bù cho ông 11 triệu đồng, một đối tượng đền bù 4 triệu đồng. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm phải thi hành đúng nội dung bản án của Tòa án. Một đối tượng đã thi hành án trả ông 4 triệu đồng, còn một đối tượng phải thi hành án trả ông 11 triệu đồng thì cơ quan thi hành án sẽ tiếp tục đôn đốc thi hành khoản 11 triệu đồng theo quy định của pháp luật. Chiếc xe máy do ông bị mất đã tìm lại được nhưng bản án không tuyên trả cho ông chiếc xe máy cho ông nên cơ quan thi hành án dân sự không thi hành khoản này theo thủ tục thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu ông phải nộp lại 4 triệu đồng mà ông đã nhận để trả lại cho đối tượng trộm xe của ông, đồng thời phải lo chi phí đi lại là chưa có cơ sở.

Do việc đã tìm thấy chiếc xe máy mà ông bị mất là mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án hình sự trước đây. Vì vậy, muốn giải quyết phần dân sự trong bản án hình sự để trả lại chiếc xe máy cho ông cũng như tính toán lại khoản bồi thường thiệt hại thì phải kháng nghị tái thẩm theo căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 305 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 307 Bộ luật Tố tụng dân sự là Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện. Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định tái thẩm.

Vì vậy, căn cứ Điều 306 Bộ luật Tố tụng dân sự, ông nên thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 307 cụ thể là Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi đã xét xử sơ thẩm bản án có hiệu lực thi hành để giải quyết cho ông.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:

1900.0191